Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Làng Triều và xứ Thanh trong thơ Văn Đắc - Lê Bá Thự
Làng Triều và xứ Thanh trong thơ Văn Đắc - Lê Bá Thự

Đang ngồi xem chương trình thời sự buổi tối của VTV1, tôi nghe tiếng gõ cửa cộc, cộc, cộc:
- Mời vào!
Cậu con trai của nhà thơ Văn Đắc xuất hiện.
- Cháu chào bác, bố cháu sai cháu mang tập thơ mới ấn hành của bố cháu đến biếu bác.
Tôi xúc động đón nhận tập thơ vừa mới ra lò, vẫn còn “nóng hổi”, mà có lẽ tôi là người đầu tiên được nhận, người đầu tiên được bế vào lòng “đứa con văn học” vừa mới sinh hạ của bạn tôi. Tại vì, ngay cả Văn Đắc cũng chưa được “bế con mình”, phải ngày mai hoặc ngày kia con trai bạn tôi mới thuê xe chở sách về Thanh cho bố.
Tập thơ có tiêu đề “Một mình với Cỏ Thi”, do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 9 năm 2018. Thoạt nhìn tôi thích ngay bìa tập thơ, do họa sỹ Văn Sáng thiết kế. Bìa sắc xanh nền nã, thấp thoáng những “lá Cỏ Thi” bay bay trong gió nhẹ nhàng (tôi mường tượng như vậy). 
Tập thơ được chia làm hai phần: phần I và phần II. Tôi muốn đặt cho phần I cái tên “Lãng du”. Là vì, 40 bài thơ trong phần I này cho thấy Văn Đắc rong chơi từ Bắc chí Nam. Từ biên giới phía Bắc, đến Việt Trì, Đền Hùng, Hà Nội, rồi vào Huế, Sông Hương, Nghĩa Bình, Phan Rang, Tháp Chàm, và sau chót vào tít tận Cà Mau để “Nhậu với người Năm Căn” v.v...
Tôi vừa in tập hồi ức “Tôi và làng tôi”, cho nên tôi tò mò muốn biết bạn tôi, Văn Đắc, bạn đồng môn cùng xứ Thanh, viết về quê hương bản quán, về làng mình như thế nào. Có gì giống tôi, có gì khác tôi. Phần II của tập thơ “Một mình với Cỏ Thi” chủ yếu viết về làng. Vì vậy tôi xin chỉ bàn về phần II này và lấy tiêu đề là “Làng Triều và xứ Thanh trong thơ Văn Đắc”.  
Văn Đắc nói rằng, nhìn anh lúc nào cũng có vẻ vui, nhưng đó là bề ngoài, còn anh có một dòng chảy rất thầm kín và kéo dài, chìm ở bên trong, đó là tình cảm quê hương và những day dứt về cuộc đời. Tình cảm quê hương của anh bắt nguồn từ làng Triều, nơi chôn rau cắt rốn của anh, nơi từ đó mẹ anh đã đặt anh vào một đầu gánh đưa anh đi tản cư, chạy giặc. Anh khoe với tôi, bài thơ đầu tiên anh sáng tác chính là Bài thơ quê hương, bài thơ anh viết về làng Triều, thắm đẫm hồn quê, tình quê: “Hạ buồm xuống/ Kéo trăng lên đỉnh cột/ Neo làng ta vào chân sóng vỗ/ Viết bài thơ cho buổi mai lên”. Chỉ bằng mấy câu thơ rút ruột nhà thơ đã khắc họa được bức tranh đẹp, sống động về làng Triều, một làng quê vùng biển, nhiều vất vả, lắm nhọc nhằn - “Thương làng đỏ xọng gai tre/ Cát bỏng rộp cả mùa hè dưới chân/ Cửa sông lắm lạch nhiều sò/ áo tơi, nón rách đi mò ốc cua...”.  làng Triều là làng biển, cát biển là đất làng, ngủ dậy là đạp chân lên cát, hồn làng ẩn chứa trong cát làng: “Cát lặng im dưới chân người/ Vốc lên nghe vẳng tiếng cười làng ta”.
Tôi phải công nhận, Văn Đắc có duyên làm thơ về làng, mỗi bài thơ về làng của anh là một khám phá về làng, không bài nào lẫn với bài nào, bài nào cũng cuốn hút người đọc, có những câu thơ hay đến độ toàn bích. Bài thơ Làng sơ tán của anh từ thời chống Mỹ, khi anh mới 27 tuổi, được giải thưởng của báo Văn nghệ năm 1969, là một bài thơ hay về làng thời chống Mỹ: “Một túp lều con/ Sơ tán/ Nhiều túp lều con/ Thành làng sơ tán/ Giặc bỏ bom ngang/ Ta xây làng dọc/ Giặc bỏ bom dọc/ Ta dựng làng ngang/ Trận địa giăng hàng/ Rộng hơn vòng bom giặc/ ... Nhưng mẹ ơi/ Đường từ làng ta ra làng sơ tán/ Không dài hơn tấm lòng yêu thương của mẹ/ Mà ngắn trong mắt trắng của quân thù/ ... Như những ngày đánh Tây/ Mẹ lại đi sơ tán/ Làng của mẹ đây/ Trận địa của mẹ đây/ Cháu nhỏ trải nong trên đê nằm đếm vì sao hát/ “Một ông sáng sao/ Hai ông sao sáng...”. Đây nữa, một cảnh làng y như một đoạn thơ - phim làm tôi thích thú: “Lắm lúc tôi đi rối rít với đường làng/ Bọn trẻ hò reo: A, ông Đắc. Ông Đắc/ Thế là cái tên thành tiếng hát/ Bạn nhỏ làng ơi, bạn nhỏ làng”. Càng mường tượng tôi càng lấy làm thích thú với cảnh này, và với những âm thanh, những ca từ ông Đắc, ông Đắc. 
Bài “Cỏ Thi” được Văn Đắc chọn làm bài thơ khép lại toàn bộ tập thơ. Cỏ Thi chính là hương sắc của làng, Cỏ Thi chính là thi ca của làng, Cỏ Thi chính là mơ mộng của làng và cũng chính là hồn làng: “Cỏ Thi yểu điệu mơ màng, cứ như sinh ra cho những tao nhân mặc khách phải lòng. Cỏ Thi ám ảnh lạ lùng! Một đời mơ mộng Cỏ Thi”. “Cỏ Thi từ đất trời nước lửa mà thành. Mặc cho tạo hóa xoay vần biến cải, Cỏ Thi không chết, không lẫn vào loài khác. Cỏ Thi nguyên thủy ẩn dật trong đất làng. Cỏ Thi gợi nhớ về một gọng vó, một lá buồm, một ngôi sao, tiếng chim vạc ăn đêm và đôi mắt người đàn bà chờ chồng đi biển...”.
Tôi mừng cho làng Triều, tôi mừng cho Văn Đắc. Tại sao tôi mừng, xin hãy đọc đoạn thơ dưới đây:   
“Một hôm may mắn, cô tiếp viên du lịch lấp lánh như viên ngọc trai còn ướt nước biển, đưa tôi lên trần nhà cao tầng trống choáng giữa không trung. Trời ơi, Cỏ Thi! Một khóm Cỏ Thi gọi tôi bằng tiếng lá, tiếng người trong gió biển u... u... Tôi bàng hoàng ngồi xuống, hai bàn tay cào xúc vào vỉa đất mỏng, bốc khóm “Cỏ Thi” gói vào vạt áo, trước đôi mắt ngỡ ngàng của cô gái trẻ. Tôi âm thầm mang Cỏ Thi về trồng trong góc vườn, nơi cha mẹ tôi chôn núm ruột tôi ở đấy. Ngồi với Cỏ Thi, tôi lầm rầm những lời mơ vọng... Cỏ Thi...”.
Viết đến đây tôi chạnh nhớ lời phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh trong buổi ra mắt cuốn “Tôi và làng tôi”: “... chỉ có hồn quê mới lưu giữ và bảo tồn được cốt lõi, giá trị văn hóa Việt một cách bền vững và sâu sắc nhất. Đánh mất hồn quê ta sẽ mất tất cả”.
Có thể khẳng định, hầu như toàn bộ sáng tác của Văn Đắc, dù là thơ, dù là trường ca, dù là ký đều nặng tình quê hương, hồn cốt xứ Thanh, hồn làng hiện lên trong từng câu, từng chữ, kể cả trong thơ tình. Văn Đắc là nhà thơ luôn luôn thủy chung với quê hương mình, luôn luôn “bám trụ” quê hương, có thể nói Văn Đắc “Thanh Hóa đến từng mi li mét”. Đến nỗi anh còn có hẳn một tập thơ với tiêu đề nghe như một lời tuyên bố: “Tôi nói, tôi người Thanh Hóa”. Trong lời tuyên bố dõng dạc này của anh tôi nhận ra một Văn Đắc đầy tự hào, đầy kiêu hãnh, đầy cương nghị với tư cách là một người con của vùng đất được mệnh danh là “ăn rau má phá đường tàu”. Và đây là một minh chứng hùng hồn, khẳng định lời “tuyên bố” của anh: “Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó/ Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên”. Quá hay. Tôi thật sự tâm đắc, thậm chí thán phục và cảm ơn Văn Đắc về câu thơ ví von trời phú này.  Đề tài quê hương định danh Văn Đắc chính là nhờ những câu thơ hay như vậy.
Tôi và Văn Đắc là bạn đồng môn. Hai chúng tôi học cùng một lớp hồi cấp III Lam Sơn, Thanh Hóa, khi đó tên anh là Nguyễn Tiến Tới. Tốt nghiệp cấp III, tôi đi du học nước ngoài (Ba Lan), hai đứa bặt tin nhau. Mấy chục năm sau, tình cờ tôi phát hiện ra, nhà thơ Văn Đắc chính là Nguyễn Tiến Tới, bạn tôi. Thế rồi, tôi và Văn Đắc, hai thằng gặp nhau như trong mộng, cả hai cùng bất ngờ, miệng rối rít mi, tau, như hai thằng con nít. Đoạn kết bài thơ Gặp bạn đồng môn, làm tặng Văn Đắc, tôi viết: “Đi tìm thời trai trẻ/ Lạc vào miền bơ vơ/ May còn rượu và thơ/ Giúp mi đi tìm mộng”. Một chiều hè dạo chơi với bạn trên bãi biển Sầm Sơn, tôi đọc lại bài thơ này, bạn tôi xúc động nói: “Rượu bây giờ kém rồi, rốt cuộc chỉ còn mỗi thơ”. Tôi vỗ vai anh, bảo rằng: “Thơ không phù phiếm, thơ theo cậu suốt đời, kiếp này và cả kiếp sau”.    
Hôm nay, giữa tháng 10 năm 2018, đọc xong tập thơ bạn tôi vừa mới gửi tặng, bất thình lình hình ảnh Văn Đắc hiện ra trước mắt tôi, và tôi đích mục sở thị: Bạn tôi đang ngồi với Cỏ Thi. “Một mình với Cỏ Thi”...
                      

 Hà Nội, tháng 10 năm 2018
 
                               L.B.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 216
 Hôm nay: 3510
 Tổng số truy cập: 12923107
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa