Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Sự tiếp thu sân khấu truyền thống - Anh Tuấn
Sự tiếp thu sân khấu truyền thống - Anh Tuấn

 

Sân khấu kịch nói được du nhập vào Việt Nam vào đầu thế kỷ XX khi người Pháp mở trường dạy học, học sinh theo học chữ Pháp đã tiếp thu nền văn học Pháp. Những bài thơ của thi hào Vic-to-huy-gô, những áng văn của Ban-Giắc đã được truyền dạy, học sinh tập thoại và diễn kịch của Mô-li-e, Ra-xin, Coóc-nây một cách thụ động và cũng từ đó hình thành các đội kịch, nhóm kịch trong nhà trường thuộc địa.
Mùa thu tháng 8 năm 1945 đánh dấu mốc son lịch sử của đất nước, đã đổi đời cho văn nghệ sĩ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đã hình thành các đội kịch nói phục vụ vệ quốc Đoàn và đã xuất hiện những cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực kịch nói như: Thế Lữ, Lộng Chương, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Hoạt... Nhưng họ vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng theo lối diễn của sân khấu Pháp.
Từ năm 1954-1964 (10 năm xây dựng hòa bình ở miền Bắc), các nhà hoạt động sân khấu được cử đi du học ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu: Bungari, Hungari, Tiệp Khắc v.v... đã tiếp thu hệ thống lý luận sân khấu của Xtanixlapxki nhanh chóng đưa về nước quảng bá, đào tạo. Mặc dù được học rất bài bản ở nước Nga - Xô Viết và các nước Đông Âu nhưng các nhà hoạt động sân khấu đã nhanh chóng phát huy bằng nhiều phương diện thể hiện phong cách kịch nói Việt Nam vì nó phản ánh cuộc sống, xã hội và con người Việt Nam.
Kịch nói Việt Nam luôn luôn tiếp nhận sáng tạo và một trong những phương diện sáng tạo đáng chú ý nhất là sự kết hợp giữa những tinh hoa của sân khấu truyền thống Việt Nam và những cái mới, cái hay của sân khấu nước ngoài hiện đại. Khuynh hướng vận dụng những thủ pháp ước lệ để giải quyết, xử lý không gian, thời gian, địa điểm kịch xảy ra, nhằm mở rộng khả năng diễn tả tính chất rộng lớn, hiện thực cuộc sống đã nổi lên rất rõ qua nhiều vở diễn, qua bàn tay của các đạo diễn đã được tu nghiệp ở nước ngoài. Tuy nhiên sân khấu kịch nói được tiếp thu từ sân khấu Pháp đến sân khấu Nga - Xô Viết và các nước Đông Âu chịu tác động mạnh của thể hệ Xtanixlapxki - chủ nghĩa hiện thực (sân khấu hiện thực) cũng không thể giải quyết nổi với mấy chục mét vuông sàn diễn và sân khấu kịch không thể làm được như đưa một cái ô tô, hay con ngựa, con thuyền lên sân khấu, nhưng sân khấu truyền thống Việt Nam lại làm được điều đó một cách tài tình. Bằng chiếc roi ngựa, người diễn viên thể hiện đang đi ngựa, với mái chèo diễn tả đi thuyền. Với phương pháp ước lệ tượng trưng, tả ý, tả thần của sân khấu Tuồng; Chèo mà ông cha ta đã làm nên tất cả: 
Vạn lý trường chinh, tam tứ bộ,
Thiên binh, vạn mã, ngũ lục Nhân.

(Hàng ngàn, vạn dặm đường, người diễn viên chỉ cần đi ba bốn bước; Hàng binh đoàn quân sỹ cũng chỉ cần năm, sáu người là đủ).
Tính hiện thực của nghệ thuật sân khấu là lấy cái giả định để nói cái hiện thực của cuộc sống (Câu chuyện kịch là giả định, các nhân vật tham gia cũng đều giả định). Nó diễn tả cảm xúc, suy nghĩ, nắm bắt được cái thần của sự vật, của tâm trạng và đời sống xã hội. Để đạt được mục đích của mình, người nghệ sĩ phải dùng nhiều cách, có thể đi bằng nhiều con đường khác nhau để đến được với trái tim con người, nói được điều mình muốn nói. Bằng những phương pháp khái quát và sâu sắc, sân khấu truyền thống Việt Nam có những ưu thế và đạt được những điều kỳ diệu đó.
Phạm vi tiếp thu sân khấu truyền thống của kịch nói Việt Nam, trước hết là về công tác đạo diễn - Nghề đạo diễn tuy mới hình thành cuối thế kỷ XIX ở phương Tây nhưng đã có nhiều cải cách tiến bộ cho sân khấu thế giới, người đạo diễn được coi là người thầy, đã thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của sân khấu. ở Việt Nam, các nhà đạo diễn du học nước ngoài về nước, người đầu tiên tiếp thu sân khấu truyền thống Việt Nam phải kể đến đạo diễn Trần Hoạt. Ông được coi là một chuyên gia về mảnh miếng, trò diễn, ông đã tạo ra những mảng miếng trò thú vị, có được điều đó ông đã dày công nghiên cứu và tiếp thu từ sân khấu Chèo sân đình. Sinh thời ông khuyên diễn viên “chớ coi là cổ lỗ những môn nghệ thuật truyền thống, hãy chịu khó học hỏi Tuồng, Chèo sẽ cho các bạn nhiều kinh nghiệm vô giá về diễn xuất. Sân khấu thế giới và sân khấu châu Âu hiện đại cũng phải nể phục ta đấy”.
Năm 1960, Trần Hoạt đạo diễn vở Quẫn của tác giả Lộng Chương, nhà hát kịch Việt Nam thực hiện, theo phương pháp xử lý của sân khấu truyền thống.
Tiếp đến là đạo diễn Xuân Đàm, ông là người luôn biết tận dụng những gì sân khấu cho phép để mở rộng không gian, từ hố nhạc đến bậc cầu thang, từ phòng khán giả lên sàn diễn ông xử lý nhiều chiều và chỉ muốn phá tung cái không gian nhỏ hẹp của mấy chục mét vuông sàn gỗ sân khấu thành mảnh đất mênh mông vô tận để cho diễn viên hành động. Chính vì vậy mà Xuân Đàm đã đạo diễn những vở: Bão tố ngoài khơi; Tiếng hát; Bình minh đó trái tim Anh... đều đem đến cho người xem sự thưởng thức mới mẻ, phóng khoáng. Vì mỗi vở ông dàn dựng đều tạo ra đất diễn để người diễn viên được thể hiện hết mình. 
Vở diễn “Đêm và ngày” của tác giả Đào Hồng Cẩm đã được đạo diễn Vũ Minh dàn dựng (1980) cho nhà hát kịch Quân đội, đã gây xôn xao dư luận. Ngay cả những người khó tính nhất trong giới sân khấu xem xong cũng phải thốt lên lời khen ngợi. Ông đã dùng thủ pháp ước lệ, tượng trưng của sân khấu truyền thống.
Với khái niệm về không gian và thời gian tâm lý trong sân khấu truyền thống, được đạo diễn Xuân Huyền rất tâm đắc. Các vở do ông dàn dựng “Đợi đến mùa xuân” (Tác giả Xuân Trình, đoàn kịch Hải Phòng thể hiện), “Lời thề thứ 9” (Tác giả Lưu Quang Vũ, nhà hát kịch Quân đội thể hiện) đã được đạo diễn vận dụng thủ pháp của sân khấu tuồng.
Trong hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980 vở “Dòng sông ám ảnh” (Tác giả Hồng Phi, Đoàn kịch Hải Phòng thể hiện), đạo diễn Đoàn Anh Thắng dàn dựng đã làm xúc động và gây bất ngờ về cách xử lý không gian của sân khấu truyền thống Việt Nam.
Trong số các đạo diễn kịch nói tìm tòi, học hỏi và am hiểu sân khấu truyền thống không thể không kể đến đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Ông là người có ý thức vận dụng sân khấu truyền thống vào kịch nói khá sớm và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Ông tâm sự: “Sân khấu ước lệ xuất hiện trong ý nghĩ của tôi có lẽ từ khi tôi nhận thấy sân khấu tả thực của châu Âu đã trở nên chật hẹp, không thể chuyển tải một cách tốt nhất những điều mình muốn nói với người xem. Điều đó đủ thuyết phục tôi có một ý nghĩ mở rộng không gian và thời gian, dung lượng hiện thực của vở diễn bằng một thứ ngôn ngữ mới đó là: “Ngôn ngữ ước lệ”.
Nếu như nghệ thuật là quy luật của tình cảm thì việc mô tả tình cảm trên sân khấu dưới dạng tả thần lại có tính trí tuệ và đạt hiệu quả cao hơn là tả thực. Bằng ước lệ ta có thể tìm ra một cách nói mạnh mẽ, chính xác, giản dị nhất cái bản chất, cốt lõi của vở diễn trên sân khấu, bởi vì sân khấu ước lệ cho phép ta nhìn ra sự vật một cách mới lạ tạo ra ý nghĩ mới mẻ cho sự vật.
Sân khấu kịch nói đã biết tiếp thu những tinh hoa của sân khấu truyền thống Việt Nam, nổi bật là tính ước lệ trong thể hiện vở diễn. Tính toàn vẹn, hoàn chỉnh đã có sự thuyết phục người xem và những người hoạt động sân khấu.
                                

A.T

 

Tài liệu tham khảo:
Sân khấu kịch nói tiếp thu sân khấu truyền thống - Hà Diệp
Sân khấu thể nghiệm mang yếu tố biểu hiện - Trần Bảng
Tính giả định, trong không gian và thời gian - Ngọc Phương


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 231
 Hôm nay: 5957
 Tổng số truy cập: 12925554
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa