Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Từ "Vùng trời thủng", nhớ nhà văn - chiến sỹ Kiều Vượng - Lưu Đức Hạnh
Từ "Vùng trời thủng", nhớ nhà văn - chiến sỹ Kiều Vượng - Lưu Đức Hạnh

Bối cảnh rộng của tác phẩm, nói cách khác trường tạo sinh là những năm làm con đường dọc biên giới Việt - Lào, khoảng 200 ki lô mét thuộc địa phận Thanh Hóa. Năm ngàn người, phần lớn thanh niên được huy động từ những ngày đầu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những con người này với tuổi thanh xuân của mình lao vào cuộc chiến đấu mới. Xu thế chung, tâm thế của họ trên công trường là chịu đựng gian khổ, hy sinh, sống lao động vì mục đích cao cả - xây đắp tình hữu nghị, xây dựng, phát triển kinh tế - văn hóa đất nước, quê hương, không lùi bước, không ngã lòng. Như thế đã 5 năm. Bối cảnh hẹp - trường ngữ nghĩa là một năm tiếp theo, với 200 con người của một đại đội - đại đội Tám, làm 15 cây số đường khó khăn nhất giữa khu "cổng trời", được mệnh danh là vùng trời thủng vì "đất và rừng quanh năm ướt sũng, nhầy nhụa, lép nhép".
Về mặt mô hình, tiểu thuyết chia làm 12 chương, tương ứng với 12 tháng của năm, từ Chương Tháng Một liên hoan tổng kết thi đua năm cũ đến Chương Tháng 12 có cái gì xa xôi, vắng lặng nhưng ấm dịu và đoạn cuối cùng như là vĩ thanh. Tất cả được kết cấu theo ba tầng vừa song song (vì có ranh giới trông khá rõ) vừa thẩm thấu vừa đan xen vào nhau. Tầng thứ nhất Tỉnh - Công trường. Đậm nhạt khác nhau song đều "có chuyện" - Tỉnh lên thăm, dự tổng kết, Công trường đón tiếp - đấu đá ở Tỉnh - sự chỉ huy của công trường... với 2 nhân vật: Thu - Bí thư Tỉnh ủy, Thế - Chỉ huy trưởng công trường. Tầng thứ hai Cán bộ - Chiến sĩ đại đội Tám. Bàn, đại đội trưởng có năng lực, nhân hậu, cả đời lăn lộn với những con đường, âm thầm hi sinh chịu đựng mất mát, chịu sự đánh giá quan liêu, vô tình của cấp trên, tuy lí trí khá tỉnh táo, sắc sảo. Cuối cùng sự cay nghiệt, oái oăm của "đời" vẫn chưa chịu buông tha anh. Các cô gái lao động, sống, chịu đựng gian khổ khó tưởng tượng nổi và cái chết đến với 12 người trong số họ theo các kiểu, các phía khác nhau. Nhân vật tôi - Kiều, vốn là thư ký của công trường, đại đội phó, hay ghi chép đời sống để "sau này viết văn",  tham gia cả 2 tầng kia, làm thành tầng thứ ba. Đó là tầng Chứng kiến - Cảm nhận - Suy nghĩ qua "tôi - nhân vật - nhân chứng - người dẫn truyện - tác giả". Nếu như hiện thực và nhân vật của tầng một, tầng hai là hiện thực, con người ở thời kỳ lịch sử cụ thể ấy thì tôi - tác giả còn là người trong xu thế đổi mới hôm nay "nhìn nhận lại thời ấy".
Trung tâm xét về phương diện sự kiện là tầng thứ hai. Cuộc sống lao động mở đường giữa rừng núi thật gian khổ, khắc nghiệt. Nhiều cảnh, nhiều chi tiết được dựng lại, khắc họa để làm rõ điều này. Cảnh cõng muối, cảnh sụt núi, nước lũ. Có khi hàng tháng sắn trộn với canh sắn nhạt muối. Có những chi tiết như "buổi chiều, anh chị em đi làm ngoài tuyến về đã thấy năm dãy lán kiến tuôn vào chiếm chỗ hoàn toàn. Vậy là có bao nhiêu củi dự trữ phải tung ra hết để quần nhau với kiến, giành lại chỗ nằm" (trang 33). Hay một con vắt cắn no máu ở cổ "to như một quả chuối mắn... từ nơi vắt cắn, máu còn trào ra loang lổ lại có một bầy vắt con bèo nhèo như có ai vừa trát lên đó một lớp mỡ bò đặc sệt". Chỉ sơ ý một chút là "bị ông bà, cha mẹ, cháu chắt nhà vắt sinh nở trên lưng, trên cổ" (trang 43). Song điều gây ấn tượng mạnh, cũng là sự "tập trung" của người viết là những cái chết các kiểu. Một năm 13 cái chết khủng khiếp, ghê rợn hay oái oăm. Động đất, sụt núi chết 7 người, có người không tìm thấy xác. Cô Chòa chết vì ong lỗ đốt. "Toàn thân cô đen bầm và tím ngắt lại... xác cô trương phình lên giống như một con trâu chết lâu ngày, đã bị thui đen" (trang 127). "Muốn cho xác vào hòm phải dùng kim tiêm hút nước độc ra. Mỗi lần mũi kim được rút ra nước vàng, nước đen trong khối thịt lại phun theo... rỉ đến đâu, đất nơi đó đen kịt lại" (trang 129). Hương chết vừa oái oăm vừa ghê rợn. Ba cô gái khác chết vì tra ghẻ bằng thuốc trừ sâu vôphatốc. Ly chết đau ruột thừa không kịp mổ vì 5.000 người trên công trường giữa rừng sâu núi thẳm không có một bác sĩ. Ông chỉ huy trưởng công trường đã phải nói "không đơn vị nào mà làm náo động cả công trường như đại đội Tám các đồng chí. Tai nạn liên tục, ốm đau liên tục, và chết người liên tục. Không rõ còn kiểu chết người nào trên trái đất mà đại đội các đồng chí chưa lặp lại. Cứ tình trạng thế này thì không rõ khi đoạn đường "trời thủng" này hoàn thành, đại đội Tám còn lại bao nhiêu người" (trang 192). Những con người ấy còn chịu cơ chế chỉ huy từ bên trên chặt chịa, chỉ biết việc ít biết tới người, chỉ đòi hỏi phấn đấu, hi sinh ít quan tâm đời sống cá nhân.  Điều này như một sự dĩ nhiên. Tất cả sống trong cơ chế với tâm thế chung như thế, ngay cả từng cá nhân cũng hoàn toàn thừa nhận đấy là tiêu chí lý tưởng - đạo đức - thẩm mỹ và đo theo thước đo ấy. Tiến độ lao động chậm, Chỉ huy công trường nổi sung lên: "Kệ thây các anh. Bốn ngày nữa, máy ủi C100 không vượt qua khe Khằm lên giải phóng đất ở km 64 các anh coi chừng. Phải xem lại tư tưởng chỉ đạo". "Lúc nào cũng kêu khổ, kêu khó. Lúc nào cũng thương người, thương lính. Kiểu ấy một thế kỉ nữa mới thông đường". "Khổ. Khổ cái quái gì ở đây. Người ta đi làm cách mạng còn bị còng, bị kẹp, chết đi sống lại trong xà lim sao họ vẫn không khai. Các anh là cách mạng nửa vời" (trang 44). Một con lợn chết đại đội cũng phải cử người giữa đêm khuya, vượt bản, đầy nguy hiểm có khi đổi cả mạng để về ban chỉ huy báo cáo "số lợn chúng tôi vừa nhận, tối nay có một con khoảng 70 kg bị chết đột ngột. Chúng tôi đã nấu nước sôi, chờ lệnh ban chỉ huy công trường". Không làm thế không được. "Không có ý kiến công trường mà cứ tự động làm thịt... tài vụ phạt gấp ba bốn lần. Họ nắm đường cán, mấy đồng lương tháng họ lại trừ toẹt mất thôi" (trang 41). Chẳng may vì một lý do "rất người" nào đó, anh có thể bị án treo suốt đời trong dư luận chung, trong mắt tổ chức. Bàn, Kiều đều mang cái "án" loại này. Yêu thương nhau dù rất thực, rất đẹp, cũng không dám hết mình vì còn phải nhìn, phải nghĩ đến “Phương hướng” rất có thế lực treo lơ lửng ở đâu đó, ở ngay trong bản thân.
Thế nhưng những con người này lại rất đẹp. Hai nhân vật nữ được quan tâm hơn cả, Ly và Dung là hai cô gái có nhan sắc, tâm hồn, tấm lòng, lao động hết mình. Các cô gái khác cũng thế. Bàn, Kiều (tôi), Lỡ cũng vậy. Tất cả họ sống với nhau chan hòa tình người. Một tình người tự nhiên, chân thật, cảm động, mang tính "nhi nhiên". Có thể nói từng trang tiểu thuyết là từng trang gian khổ, cực nhọc, chết chóc nhưng tình yêu, tình bạn bè, đồng đội, tình anh em cũng thấm đượm từng trang. Nó làm thành hai "mảng", hai "mặt đối lập". Ngay cả ông Thu, ông Thế cũng không phải người xấu. "Xấu" nhất là Sinh, anh đại đội trưởng mới thay Bàn, cũng không xấu hẳn. Họ đều có cái "hợp lý chân thành".
Phải chăng đây là nét chân thật mang tính lịch sử cụ thể của một thời ta từng sống mà tác phẩm ghi nhận được. Nghĩa là cuốn tiểu thuyết đã vượt lên "thói thường nhìn lại mang chất biếm họa" về ngày hôm qua của một thứ nhân danh đổi mới hôm nay? Nhưng đồng thời Vùng trời thủng cũng không nhìn xuôi chiều, cổ động, hô hào như cũ mà nhìn thẳng vào sự thật, xét “hiện thực đã qua” nghiêm ngặt hơn với một chút diễu nhại - một trong những giọng điệu đặc trưng của văn học đổi mới. 
Từ tầng thứ hai mang ý nghĩa khách quan này, Vùng trời thủng xây dựng, phản ánh tầng thứ nhất, "nhìn lại" tầng thứ nhất có tính phê phán mà không tố cáo. Nó chỉ góp thêm tiếng nói rằng, có một thời ta đã ít chú ý tới con người - cá nhân, đã "xơ cứng" trong nguyên lí của chủ nghĩa ta theo mà ít nhìn nhận tính mềm dẻo nhân văn của nó. Quá tập trung vào phần lý tưởng chung ta đã ít quan tâm đến đời sống cụ thể. Cho dù đó là vô tình.
Tầng thứ ba, tôi - nhân vật - nhân chứng - dẫn chuyện - tác giả đi xuyên suốt 258 trang tiểu thuyết từ năm đã sống đến thời đang sống - mười năm sau cái "năm tiểu thuyết" ấy. Nhân vật tôi về mặt kỹ thuật làm nhiệm vụ đan kết các tầng, các "chuyện", các nhân vật. Về mặt tư tưởng - thẩm  mỹ chủ yếu là cái tôi nhân văn mang cái tâm yêu thương, vật vã, đau đớn, nghĩ suy, nhìn nhận hay phẫn nộ để sống trong cuộc đời. Nó khiến cho Vùng trời thủng không phải là cuốn sách viết về ngành giao thông vận tải, viết về tình hữu nghị Việt - Lào đơn thuần mà viết về con người, cuộc sống, cuộc đời. Nó khiến cho bấy nhiêu gian khổ, bấy nhiêu cái chết, khiến cho cái môi trường, tâm thế "cứng" kia mang vẻ đẹp của cái nhân từ, làm nên sự ấm áp của trang viết. Cũng vì thế nên khi tác giả đưa ra giọng triết lý - chính luận, làm "chính trị" thì gán ghép, gượng gập thế nào ấy. Tầng thứ ba - nhân vật tôi như vật đằm tàu nhằm tạo ra, đo độ thăng bằng của tác phẩm. Có điều kiểu xây dựng nhân vật tôi này nếu không khéo sẽ khiến tác phẩm bị tãi ra. Người đọc sẽ nghĩ tới tính tự nhiên, tính "nhớ và ghi". Người ta sẽ thấy không có nhân vật chính - trung tâm - điển hình. Cốt truyện dễ bị căng theo thời gian, không rõ hình khối. Nghĩa là dễ “nhòe”, “mỏng”. Có lẽ những điều như vậy không phải Vùng trời thủng không vướng phải. Vì xét cho cùng cái tầm nhân bản của nhân vật tôi chưa đủ để thành một hình tượng điển hình. Song nhìn chung đó vẫn là một chỉnh thể cảm động. Cho người đọc những suy nghĩ, ghi nhận về một thế hệ thanh niên, về một cuộc sống chúng ta đã từng nếm trải mà không làm ta bị băng hoại tâm hồn, tình cảm, tư tưởng. Điều này hết sức đáng quý, mới đúng là văn học chân chính. Không phải tác giả, tác phẩm nào cũng có được, đạt tới.  Trong sự đổi mới chung hiện nay, chẳng đã có thứ "văn học nhìn lại" hay sao? Tuy thông minh sắc sảo, cũng thật cả thôi, xét ở phương diện chi tiết, sự kiện nhưng mà châm biếm, đả kích, cay độc, cay nghiệt hả hê thế!
ở bối cảnh bây giờ Vùng trời thủng của Kiều Vượng vẫn là một bài học, một dẫn chứng về cái tâm của người viết, một gợi ý về một kiểu nhân vật lấy thăng bằng cho tác phẩm.
                                                      

L.Đ.H
                                                         


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 47
 Hôm nay: 5351
 Tổng số truy cập: 12924948
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa