Từ trong bụi phấn - Đôi điều cảm nhận - Trịnh Vĩnh Đức
Tác phẩm “Từ trong bụi phấn” của nhà giáo - thạc sĩ Lê Xuân Soan - nguyên cán bộ giảng dạy trường đại học Hồng Đức ra mắt bạn đọc vừa qua như một đường viền kết hoa bay lặng lẽ vào không gian văn học, tạo nên một sắc thái thu hút sự tò mò của độc giả. Có lẽ sự tích tụ trải nghiệm trong 40 năm với sự nghiệp trồng người đã ngấm vào mạch nguồn văn chương để tác giả Lê Xuân Soan viết nên tác phẩm, đáp ứng sự kỳ vọng, chờ đợi của nhiều thế hệ sinh viên đồng nghiệp, bạn bè.
Từ xưa tới nay, các nhà văn, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học trong nước, dường như mỗi năm đều đắp những con đê sừng sững để ngăn bão lũ, ngăn sự mặn chát đời thường vương vào đời sống xã hội. Họ đã dũng cảm lấy đà, dùng bút lực ngăn chặn tiêu cực. Khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước. Không quên băng tới các vùng miền tìm những gương sáng người tốt, việc tốt giúp cho đời, cho văn học nước nhà có thêm hương sắc mới. Hòa với không gian văn học, cây bút Lê Xuân Soan đã góp tiếng nói của lòng mình cùng với các nhà văn xứ Thanh, cả nước làm được những điều như thế.
Với gần 500 trang, tác phẩm “Từ trong bụi phấn” đã thể hiện những rung cảm thẩm mỹ, chứa đựng cảm xúc với nhiều cung bậc khác nhau. Hơn thế nữa đã len vào cõi lòng người để tìm đến những hiệu ứng tích cực trong thế giới văn chương. Ngay từ tên tác phẩm đã khơi gợi tình cảm người đọc vừa lạ vừa yêu. Cái lạ ở đây chính là sự tâm huyết cả đời say mê với học trò. Giúp học trò mở khóa tìm sáng tạo, khám phá cái mới trong các tác phẩm văn học, cũng như định hướng phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất.
Như con ong bay vào vùng đại ngàn tìm thêm hương nhụy kết tinh cho đời, nhà giáo Xuân Soan đã lay thức hàng ngàn thế hệ học sinh, sinh viên đồng nghiệp, bạn bè qua những năm tháng phủ đầy “bụi phấn” để rồi hôm nay cuộc đời, sự nghiệp luôn mỉm cười khi trang văn đến tay bạn đọc đầy ắp lòng mến mộ.
Tôi đã được nhà giáo tặng cuốn sách vào giữa hè năm 2017. Như cái duyên tiền định. Sự gặp gỡ này còn có cả lời ấm áp lan tỏa từ tình cảm mừng vui sau bao ngày gặp lại. Ngoài tâm sự còn có cả dự định với bao điều muốn nói. Tôi đã đọc liền một mạch hết cả cuốn. Mới biết những con chữ chạy theo dòng cảm xúc đã lặn lội đi qua năm tháng cuộc đời của một nhà giáo sâu nặng lắm. Âu cũng là cái nghiệp với văn chương của tâm hồn văn sĩ Xuân Soan.
Qua nhiều năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, người văn sĩ ấy không những có nhiều chuyên luận nổi tiếng được học trò, đồng nghiệp mến mộ trong ngành mà còn uyên thâm trong lĩnh vực khai thác, biên soạn một số công trình khoa học, qua việc viết “Địa chí” cho các huyện Bá Thước, Ngọc Lặc, góp phần giữ gìn vốn văn hóa Việt.
Đi sâu vào lĩnh vực khoa học. Nhà giáo Xuân Soan đã giành nhiều thời gian cho nhiều công trình nhiên cứu ngôn ngữ học. Là người Việt Nam ít ai không hiểu Truyện Kiều là tác phẩm hồn cốt của người Việt. Ngôn ngữ Truyện Kiều mang tinh hoa, tính thẩm mỹ cao, đặt vào vị trí nào cũng lóe lên một vùng sáng tiêu biểu cho nền văn học nước nhà. Với con mắt nhìn từ góc độ ngôn ngữ học, thạc sĩ Xuân Soan thực sự thành công trong hội thảo quốc tế tại Hà Nội qua bài viết: Sử dụng cặp từ hô ứng “Càng... Càng” trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đây không chỉ là niềm vinh dự của nhà giáo Xuân Soan mà còn khẳng định vị trí xứng tầm của tác giả trong giới nghiên cứu ngôn ngữ Truyện Kiều.
Ngoài những vấn đề trên. Soi vào cuốn sách, hơn nửa số trang gồm những bài nghiên cứu lý luận phê bình, còn lại là những bài bút ký, những định hướng phương pháp dạy học theo thể loại.
ở phần đầu, tôi rất thích bài viết “Kiều Vượng một đời lính một đời văn”. Báo cáo đề dẫn tại hội thảo khoa học do Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa tổ chức.
Vẫn xoay quanh từng con chữ, được giao cảm trong triết lý sâu sắc, nhân văn, đầy ý nghĩa, Nhà nghiên cứu Xuân Soan đã khai quặng tìm ra lớp vỉa mới có sức công phá vào hiện thực đời sống xã hội làm ánh lên một Kiều Vượng tài năng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt thể loại văn xuôi với nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự điều tra v.v...
Trước tượng đài các tác phẩm kinh điển được nhiều cây bút phê bình văn học nổi tiếng đề cập trên văn đàn, tác giả Xuân Soan không bị choáng ngợp. Trái lại vẫn bản lĩnh phát huy sức sáng tạo riêng của mình. Nét riêng ấy tập trung chủ yếu vào đối tượng người đọc là học sinh, sinh viên, giáo viên dạy các trường phổ thông khi họ chờ đợi trong niềm khát và thiếu.
Khi đề cập nội dung dạy học trò tiếp cận tác phẩm văn chương trong nhà trường, đáng lưu ý có bốn bài viết liên quan đến tác giả Hồ Chí Minh. Bài “Hình ảnh người phụ nữ trong tập Nhật ký trong tù” là một ví dụ. Tác giả đề cập đến tính nhân văn, quan điểm bênh vực, đề cao phẩm chất đạo đức, quyền sống, hạnh phúc của người phụ nữ một cách cô đọng, thuyết phục, dễ nhớ. Trong bài “Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Di sản văn hóa của mọi thời đại”. Bằng nghệ thuật dẫn dắt sáng tạo đã đưa người đọc hiểu rõ hơn những nội dung cơ bản: “Văn kiện lịch sử vô giá, văn bản nghị luận mẫu mực” có giá trị nhân văn sâu sắc, lan tỏa đến nhận thức của mọi người, hướng tới một triết lý, một quan niệm sống đúng đắn, một tầm nhìn rộng lớn mang tính lịch sử nhân loại của một quốc gia.
Với tư duy một nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, tác giả Xuân Soan còn đi sâu vào lĩnh vực khảo cứu, tìm và giải mã ngôn ngữ nghệ thuật qua đặc trưng thể loại như bài “Tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật qua đặc trưng loại thể”. Những vấn đề đưa ra đều bình đẳng có tính gợi mở nhưng vô cùng hữu ích. Với sự hiểu rộng giữa lý luận văn học cùng với kinh nghiệm trong thực tế giảng dạy, nhà giáo Xuân Soan đã mã hóa được từng loại thể. Đối với văn xuôi, với thơ. Mỗi phần viết đều có những dẫn chứng chọn lọc, phân tích minh họa có chiều sâu không lẫn với tác giả đi trước nào. Những cảm xúc đều có điểm chung chân thành. Xuất phát từ điểm nhìn khách quan theo quan điểm đúng đắn. Với thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn v.v... đều được phân tích khá cô đọng, thuyết phục, toát lên đặc trưng của từng thể loại.
Sẽ là thiếu nếu không nói đến bài viết nghiên cứu tính sử thi trong thơ hiện đại của tác giả Xuân Soan. Đây là đề tài không mới nhưng rất cần giúp học sinh hiểu được tính lịch sử của tác phẩm. Vì nét đẹp sử thi luôn gắn với nhân vật qua hiện thực khách quan, rất cần có lời bình định hướng. Với cách luận bàn hấp dẫn, thạc sĩ Xuân Soan đã cho học trò hiểu rõ hơn về hình tượng nhân vật đi qua cuộc chiến khốc liệt đã đem lại niềm tự hào cho cả dân tộc. Niềm tự hào ấy trong không khí hoan ca đầy kiêu hãnh phải được lưu giữ trong tâm trí các em là hoàn toàn đúng đắn.
Từ cảm xúc của lòng mình, nhà giáo Xuân Soan đã truyền lửa cho các em bằng tình yêu văn chương cháy bỏng qua việc hướng dẫn các em cách dạy và học thơ theo thể loại. Trong đó có thơ mới và thơ Đường. Để có những rung cảm thẩm mỹ, một số bài bình luận phân tích những tác phẩm tiêu biểu như bài thơ “Khóc Bác” của Việt Phương, bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên v.v... Tìm hiểu giá trị thẩm mỹ của biện pháp tu từ, so sánh trong tập “Thơ thơ” của Xuân Diệu v.v... là cả một sự chiêm nghiệm, nghiên cứu tinh tế để tìm về giá trị đích thực qua các lớp nghĩa, nhằm giúp học trò dễ nắm được hồn cốt của tác phẩm. Hơn thế nữa, đi vào thực tế còn có bài hướng dẫn dạy bồi dưỡng học sinh giỏi văn cho đội ngũ giáo viên. Đây là những cẩm nang giúp đội ngũ thầy và trò yêu thích bộ môn ngữ văn hơn.
ở phần thứ hai gồm những bài bút ký được viết trải dài theo nhiều năm với nhiều tên bài khác nhau. Đây cũng là cái tình ân nghĩa của nhà giáo Xuân Soan sau bao nhiêu năm băng rừng lội suối đến với bạn bè, với học trò với những miền quê một thời gắn bó để rồi say nồng bên bếp lửa, lảng đãng dưới chiều hôm cùng bạn tìm cảm hứng văn chương để viết. Không phải ngẫu nhiên những bài bút ký “Thao thức một vùng rừng”, “Nơi cuộc đời neo đậu”, “Ký ức Điện Biên”, “Vùng quê không yên tĩnh”, “Đi tìm những liệt sĩ còn nằm ngoài nghĩa trang”, “Một thời để nhớ”... xuất hiện trên văn đàn đã chạm vào trái tim đông đảo người đọc như thế. Có được điều ấy, phải chăng, tác giả đã có cái nhìn soi chiếu hiện thực cuộc sống bằng những chuyến đi thực tế điền dã ở các vùng miền để tìm ra những mảng mầu sáng tối, mang hơi thở thời đại rồi hiện thực hóa vào trong tác phẩm của mình. Không dừng lại ở đó, nhà giáo Xuân Soan còn nặng tình duyên nợ với mùa xuân. Thế rồi bút ký “Tín hiệu mùa xuân” ra đời. Điều lý thú nhà văn đã mượn sức trẻ khỏe của mùa xuân để viết về mái trường sư phạm qua sự hình thành và phát triển cho đến nay. Đó là trường cao đảng Sư phạm sau đổi tên thành trường đại học Hồng Đức, một ngôi trường đã trải qua thăng trầm của lịch sử, nơi nhà giáo Xuân Soan đã gắn bó gần như cả đời với sự nghiệp trồng người tại mái trường này. Hình ảnh được ghi lại bằng những con chữ sâu nặng và ân tình lắm. Nó còn được kết dư từ những ngày gian lao vất vả “hạt muối củ khoai đã trở thành cổ yến” đối với mỗi người dưới thời bao cấp. Nơi ấy dẫu cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn nhưng tình người vẫn ngân vang trong từng câu hát. Họ đã chia sẻ ngọt bùi để tìm về những điều thiêng liêng nhất dưới mái nhà chung.
Khâm phục với sức lao động trí tuệ, xin được khẳng định những bài viết trong tác phẩm “Từ trong bụi phấn” của tác giả Lê Xuân Soan là tác phẩm của một nhà giáo tâm huyết nặng lòng với nghề, như dòng sông chở nặng phù sa, sau bao ngày lở bồi vẫn chọn cho mình một cái gì đó mà tác giả muốn gửi gắm tâm sự của lòng mình đến bạn đọc. Tác phẩm chính là món quà tri ân đối với quê hương, gia đình, người thân, đồng nghiệp, sinh viên và bạn bè. Xin được chúc mừng thạc sĩ Lê Xuân Soan với một tấm lòng kính trọng nhất. Nhân dịp nhận quà tặng tác phẩm mới “Từ trong bụi phấn”, tôi gửi tặng tác giả mấy câu thơ sau:
Cả đời bục giảng với niềm say
Năm tháng đi qua nghĩa vơi đầy
Vinh quang sự nghiệp nghề cao quý
Lưu lại cho đời trang sách hay !
T.V.Đ