Tư Mã Hai Đào - Người anh hùng trấn ải biên cương của tổ quốc - Phạm Xuân Cừ
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước với bao biến cố, thăng trầm, con người Điền Lư - Bá Thước vẫn luôn tự hào về quê hương của mình, một vùng địa linh - nhân kiệt. Vào thế kỷ thứ XVII, Tư Mã Hai Đào đã từng chọn để xây thủ phủ Mường Chu Sàn mới, và sinh sống đến cuối đời.
Hai Đào - Người con thứ hai trong một gia đình ở Bàn Đào - Mường Khô. Từ nhỏ là đứa trẻ mồ côi cha mẹ, ở Mường Đào nên mọi người thường gọi là Hai Đào lâu dần trở thành tên gọi của ông. Lúc nhỏ đi chăn trâu, Hai Đào là đứa trẻ giỏi chơi đu, chơi cù, luyện kiếm, thi đấu võ, đấu trận. Khi lớn lên có dáng người cao lớn, trán cao, mắt sáng rực, râu hùm, hàm én, mày ngài, tướng mạo phi thường, tay dài như vượn, văn võ kiêm toàn vào làm đầy tớ cho Lang Đạo Mường Khô. Lúc bấy giờ khắp nơi trong vùng nghe tin triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ anh tài, phò vua diệt giặc ngoại xâm. Chàng trai Hai Đào nghe tin liền lập tức xuôi về kinh kỳ, kẻ chợ dâng sớ tấu trình xin được tham gia hội thi đấu võ.
Trong võ đài năm ấy chàng trai miền sơn cước Hai Đào liên tục thắng cuộc trước con mắt thán phục của nhiều người. Rồi như duyên se, trời định khiến chàng thanh niên mồ côi nhưng tài giỏi Hai Đào lọt vào mắt xanh công chúa. Khi biết tin con gái phải lòng chàng trai miền sơn cước, nhà vua lập tức cho triệu Hai Đào vào yết kiến. Nhìn thấy tướng mạo của chàng phi thường xứng danh bậc anh tài, vua liền đồng ý cho tác hợp đôi lứa và truyền cho thầy đến dạy văn võ cho chàng. Từ một kẻ nghèo hèn, nay bỗng trở thành phò mã, lại được học hành thành tài. Hai Đào nguyện đem hết khả năng của mình phục vụ giang sơn, đất nước. Chính vào lúc này (khoảng thế kỷ XVII) vùng biên giới nước ta xảy ra nhiều biến cố. Giặc ngoại xâm rình rập, đánh chiếm liên miên. Dân đói khổ trước nạn xâm lăng nên ai oán. Phò mã Hai Đào lập tức xin phép vua cha cho được cầm quân đi dẹp giặc giữ yên vùng biên giới phía Tây của Tổ quốc. Vua đồng ý, liền sắc phong Tướng quân cho chàng và cấp lương thực, voi, ngựa, vũ khí cho quân đầy đủ. Hai Đào vui mừng trở về quê triệu tập thêm binh cường tướng giỏi, thu nhận thêm vũ khí, lương thực do nhân dân ủng hộ rồi chọn ngày lành, tháng tốt, dưới sự chỉ huy của mình đoàn quân rầm rộ xuất binh lên biên giới (vùng Tén Tằn, huyện Mường Lát ngày nay) đánh đuổi giặc ngoại xâm, trấn ải biên cương. Từ đó, Hai Đào tức phò mã Hai Đào còn có tên khác là phò mã Tén Tằn.
Đoàn quân của phò mã Tén Tằn đánh cho quân giặc nhiều phen điêu đứng, thế mạnh như chẻ tre. Đánh một trận giặc bị thua to, đánh nhiều trận giặc càng thua nặng. Thừa thắng quân ta đuổi giặc ra khỏi biên giới. Để cứu nguy quân giặc liền cho quân về nước mang ra trận một cái cọng (cồng) thần. Khi đã có chiếc cọng trong tay chúng bắt đầu phản công trở lại, đánh chiếm biên giới nước ta. Mỗi lần đánh nhau, chờ khi quân ta xông trận quân địch lại đánh chiếc cọng đó lên. Khi tiếng cọng thần vang lên, lập tức quân tướng của Hai Đào chân tay bủn rủn, đầu đau như búa bổ nên phải tháo lui, quân địch thừa thắng đánh chiếm đến tận Quán Lào (Quán Lào - Yên Định) và Dốc Lào (Thạch Thành) ngày nay.
Phò mã Tén Tằn tìm hiểu nguyên nhân thua trận của quân ta chính là ở sự mầu nhiệm của tiếng phát ra từ chiếc cọng mà quân địch có trong tay. Ông lập tức tính kế và cho mời ót Đanh, ót Dọ (Hai tướng quân văn, võ tinh thông trong đội quân của Hai Đào) tới để giao nhiệm vụ đột nhập đội quân của giặc để tìm hiểu tiếng cọng lớn phát ra làm quân ta bị thua. Hai tướng vâng lệnh lên đường, giả người ăn mày hằng ngày vào đồn giặc xin ăn lâu dần tướng giặc cho vào đồn làm người giúp việc. Trong thời gian làm nhiệm vụ, họ đã phát hiện ra đó chính là chiếc cọng thần. Bằng sự mưu trí, gan dạ và dũng cảm của mình, hai người đã lấy được lòng tin của địch. Một lần được tướng giặc tin tưởng cho mang cọng thần ra sông Mã cọ rửa, ót Đanh và ót Dọ đánh tráo cọng thần vượt sông, vượt núi mang về tấu trình Hai Đào.
Có được chiếc cọng thần trong tay. Phò mã Tén Tằn (Hai Đào) lập tức xuất quân ra trận. Khi tiếng cọng thần vang lên, quân giặc lập tức bủn rủn chân tay chen nhau tháo chạy, quân ta thừa thắng xông tới, đuổi cho quân giặc tan tác, chạy về đến tận đồi Phân Mao (tức núi phân chia ranh giới). Hai bên cắm cột đồng để làm mốc phân chia ranh giới lâu dài. Phò mã Tén Tằn thắng trận lui quân về nước án ngự tại nơi phát ra tiếng cọng thần đánh giặc là xã Tén Tằn, huyện Mường Lát ngày nay.
Đất nước trở lại thanh bình. Hai Đào ban thưởng cho ót Dọ về làm Đạo Mường Chanh, ót Đanh về làm Đạo Xim Pùng và đặt tên cho bản người Thái - nơi phát lệnh đánh cọng thần thắng giặc là bản Chiềng Công. Hai Đào được phong tước Tư Mã Biên phòng (tương đương như Tư lệnh) chỉ huy biên phòng cai quản vùng biên giới phía Tây từ Sơn La, Thanh Hóa đến Nghệ An đóng đồn chính tại Tén Tằn.
Trong thời gian đánh giặc, trấn ải biên cương Hai Đào đã qua lại nhiều lần thấy Mường Xia là vùng đất đẹp nên sau khi biên giới thanh bình ông đã xin nhà vua cho thành lập Mường Chu Sàn mới, chọn Mường Xia làm thủ phủ. Tại đây tiện đường cho các đồn biên phòng qua lại với nhau suốt dọc biên giới ba tỉnh Sơn La - Thanh Hóa - Nghệ An rộng lớn. Cũng từ đây tiện cho Hai Đào khi về kinh có thể thăm Bàn Đào - Mường Khô quê cũ. Mường Chu Sàn mới gồm 14 mường dọc phía Nam sông Mã trực thuộc, tính từ Mường Chanh, huyện Mường Lát về đến Mường Chự, huyện Quan Sơn trong đó Mường Xia là trung tâm (mường trong của Chu Sàn)...
Từ đó Mường Xia lại tấp nập dân cư. Một số dân trước đây bỏ mường đi nay lại kéo nhau về, một số từ các nơi khác chuyển đến. Mường Xia trở lại sầm uất hơn xưa. Cũng từ đó ngày đêm dưới những nếp nhà sàn đầm ấm của người Thái đất Mường Xia lại rộn ràng nhịp chày khua lóng; mượt mà, quấn quýt tiếng khèn gọi bạn dưới chân núi Pha Dùa và ven bãi sông Luồng, suối Xia. Ngọt ngào, da diết những lời khặp của đôi lứa trao duyên nơi miền quê thanh bình, tươi đẹp. Dân Mường Xia gọi ông là Quan Châu Xia cai quản ba vùng gồm: Mường Chu Sàn, Mường Chu Da và Mường Chu Sang. Trong đó Mường Chu Da phía Bắc sông Mã thuộc huyện Quan Hóa ngày nay, Mường Chu Sang thuộc tỉnh Hòa Bình và Sơn La ngày nay.
Vì lập được công lớn nên ông được nhà vua cho nhận quà biếu của một số mường giáp biên của Lào và thu thuế một số mường của Việt Nam khu vực biên giới gồm:
Phía Lào:
- Mường Xằm biếu cá khô gác bếp
- Mường Cáng biếu gừng cay
- Mường Xằm Tớ quà quế thơm
- Chom Mường quà rượu ngon
- Lạn Pạu quà vừng thơm
- Bản Pọng Tớ quà đọt song
- Mường Liệt, Mường Ngà cho diêm xinh
- Mường ét, Chiềng Cọ quà cá dốc
Bốc đó mây đem về liền nộp
Phía Việt Nam:
- Mường Lí nộp thuế chè.
- Mường Lè nộp thuế kê.
- Mường Xo, Mường La nộp cá bống đuôi đỏ, bọ đá, nhộng chuồn chuồn.
- Xộp Xim, Xộp Xài nộp cá nong
- Mường Khiết nộp nai, hoãng, dúi, tê tê, thú quý
- Mường Tuồng gánh mắm, gánh muối
- Mường Mìn nộp lá dong, nõn chuối rừng, giống đay
- Mường Xia trông coi nhà cửa, cày cấy, sửa chữa mương phai nên được coi là cột kèo của đạo.
Khi về già ông mất tại Mường Xia. Người dân Mường Xia an táng Hai Đào tại một hang động của núi Pha Dùa. Từ đó, người dân Mường Xia thường gọi ông là thần Tư Mã Pha Dùa (thần chúa Pha Dùa). Tuy nhiên tại hang động nào của núi Pha Dùa đến nay còn là điều bí ẩn chưa ai biết rõ.
Năm tháng trôi qua, duy chỉ có một điều còn đọng lại mãi được người đời truyền tụng nhau rằng: Chính ông là vị thần thiêng, người có công tiến quân lên biên giới diệt trừ quân xâm lược và khi đất nước thanh bình lại cai quản yên lành cửa ải biên cương và cả vùng biên giới phía Tây bình yên. Điều này được nhiều sách chữ Thái ở địa phương ghi chép lại. Trong đó có một trường ca dài 231 câu nói về thân thế sự nghiệp của ông (có bản phiên âm và dịch kèm theo).
Hiện nay ở bản Chung Sơn còn nền móng nhà của gia đình ông ở khu sân hành lễ nhà thờ và móng thủ phủ (công sở) nơi ông làm việc tại khu vực trường THCS xã Sơn Thủy. Nhờ ơn người đã có công gìn giữ biên cương mang lại yên bình, no ấm cho bản mường. Sau khi ông mất bà con lập đền thờ để hằng năm tiện việc hương khói thờ phụng, coi ông như một người giữ vía cho cả mường, cả vùng. Đền thờ của ông rất linh thiêng:
Người giữ đất này trở xuống bên Kinh
Từng cưỡi lưng voi canh giữ đất giáp Lào
Lâu ngày thành thần thiêng sông núi
Được hai mươi thần nhà trời đến hộ vệ
Ai đi buôn, bán bò, mua trâu, đi qua cũng phải cúng lễ
Hễ người đi ngựa phải xuống khỏi yên
Quan trên đi qua xuống võng
Người mang lọng phải hạ xuống khỏi đầu
Đội nón lật nón ra sau
Ai cũng cúi đầu tôn nghiêm qua đầu Tư Mã.
(Trích Trường ca Tư Mã Hai Đào bằng tiếng Thái)
Năm 2010, đền thờ ông được nhà nước xây dựng lại khang trang ở phía trên nền nhà cũ của ông (cách đường Sơn Thủy - Na Mèo về phía tay trái khi lên) 40m.
Hằng năm bà con Mường Xia tổ chức lễ hội để tri ân, vừa mong cầu ông phù hộ cho bản mường no ấm, cuộc sống an lành, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi, nảy nở.
Khi mở hội Mường Xia trai thanh, nữ tú trong mường và các mường lân cận như: Mường Mò, Sại, Hạ, Chự, Mìn, Khằng, Khiết, Mường Lý, Mường Lè và nhiều địa phương khác trong vùng thậm chí cả Mường Bén và Mường Xôi nước bạn Lào cũng về dự. Tạo cho lễ hội đông vui, thắm tình hữu nghị keo sơn.
Người ta đua nhau đi lễ hội Mường Xia với mục đích đầu xuân năm mới đi cầu may, cầu phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt, đất nước yên vui thanh bình. Ngoài ra còn là dịp để cầu duyên, cầu sức khỏe của mình. Nếu vào trong hang Pha Dùa con trai, con gái gặp nhau lần đầu làm quen thấy mến nhau, sau đó ra bãi đất bên bờ sông Luồng tung còn với nhau ai bắt được quả còn làm tin lại càng hiệu nghiệm.
Tư Mã Hai Đào chính là người có công thu hút dân cư trở lại, trả cho Mường Xia tên cũ Chu Sàn với vẻ sầm uất rộng lớn hơn xưa. Do đó người dân Mường Xia coi ông như vị thần giữ vía cả mường. Toàn bộ cư dân Mường Xia gửi vía cho ông vào một hòn đá gọi là “Hòn đá Vía”, tiếng Thái gọi là “Lặc Mắn” để cầu ông giữ vía cho cả Mường Xia và vùng biên giới. Mỗi năm tổ chức lễ hội một lần “Hòn đá Vía” được đào lên tắm rửa sạch sẽ rồi bọc vải đỏ trân trọng rước về làm lễ. Xong lễ hội người ta lại trân trọng rước “Hòn đá Vía” về để nơi quy định. Xung quanh nơi chôn “Hòn đá Vía” được trồng cây xương rồng để bảo vệ.
Hiện nay “Hòn đá Vía” của Mường Xia vẫn còn nguyên tại vị trí cũ, ngay giữa bản Chung Sơn gần sát nền móng ngôi nhà của Tư Mã Hai Đào.
Mỗi khi trong mường có con em đi bộ đội hoặc đi làm ăn xa gia đình đều mang chiếc áo của người sắp lên đường đến Đền thờ của Tư Mã Hai Đào thắp hương xin ông phù hộ cho con em chân cứng đá mềm, giữ cho vía yên, vía lành, đi đến nơi về đến trốn, sau đó đến trước “Hòn đá Vía” của mường xin được gửi vía. Như một điềm lạ hay có thể nói như một lời thần bí hiệu nghiệm: Tất cả những người xin được gửi và nhờ giữ vía tại đền thờ và “Hòn đá Vía” của mường đều bình an nơi trận mạc, trở về nguyên vẹn.
Để giữ gìn biên giới yên bình, lúc đương thời ông đã từng nói:
Lời ngài: Biên giới, anh em
Chớ có giặc giã hai bên đau buồn
Anh em đoàn kết luôn luôn
Bên nhau sống tốt muôn đời nhớ ghi
Những điều hiềm khích bỏ đi
Đừng có lời xấu đi về người ơi.
(Trích Trường ca Tư Mã Hai Đào bằng tiếng Thái)
P.X.C