Văn hóa mường trong đời sống, văn hóa của người kinh vùng bán sơn địa tỉnh thanh - T.S Hoàng Minh Tường
Người Việt và Mường vốn cùng một gốc, từ bao đời nay có mối quan hệ, gắn bó keo sơn. Qua quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, người Kinh và Mường cùng cộng cư, cộng mệnh, cộng cảm suốt thời gian dài và chỉ chia tách vào khoảng thế kỷ X và được mo - sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” phản ánh qua sự kiện “đón vua về Đồng Chì, Tam Quan, Kẻ Chợ”. Tuy vậy, bắt mạch từ nguồn cội cùng chung một bọc, với người đứng đầu là Hùng Vương - Tổ mở nước, dù có sự chia tách, song trong cuộc sống, phong tục, tập quán giữa người Mường và Việt luôn có sợi dây liên hệ bền chặt. Qua khảo sát, điền dã và bước đầu nghiên cứu văn hóa vùng bán sơn địa - miền núi thấp và đồng bằng ở Thanh Hóa bước đầu cho thấy dấu ấn văn hóa Mường còn lưu lại khá đậm nét ở địa bàn cư trú của người Kinh.
Đồng bào Mường ở Thanh Hóa sống tập trung chủ yếu ở vùng miền núi phía Tây, láng giềng của họ là người Thái, Dao, Thổ... Các mường lớn và có nguồn gốc lâu đời là Mường Khô, Mường Khôông (huyện Bá Thước), Mường Phẩm, Mường Trám (huyện Cẩm Thuỷ), Mường Rặc, Mường Mèn (huyện Ngọc Lặc)... Địa bàn cư trú là vùng núi thấp, các thung lũng và ruộng nước. Trồng lúa nước và canh tác nương rẫy là phương thức sản xuất chính của họ. Thói quen, cách ăn ở, sinh hoạt đặc trưng của người Mường là: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, trâu gõ mõ, chó trèo thang...”. Người Mường có vốn di sản văn hóa khá phong phú và đặc sắc như sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”; truyện thơ: Nàng Nga - Hai Mối, Nàng ờm - Chàng Bồng Hương; âm nhạc cồng chiêng, khua luống; hát xường, xéc bùa, múa pồn pông... đến mường nào cũng đều bắt gặp.
Văn hóa Mường không chỉ mang những nét đặc thù ở vùng mường lớn, nơi có người Mường sinh sống lâu đời, mà những vùng khác với địa hình bán sơn địa của các huyện đồng bằng tỉnh Thanh như: Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Yên Định, Triệu Sơn, Nông Cống, Tĩnh Gia... sắc thái văn hóa Mường còn lan tỏa và lưu lại trong phương thức sản xuất, phong tục, nếp sống của người Kinh.
Tìm về cội nguồn sự hình thành và phát triển của những người Việt cổ trên đất xứ Thanh xưa, với di chỉ khảo cổ học Núi Đọ, Núi Nuông, Núi Quan Yên, Hang Con Moong, Hang Làng Tráng, Mái Đá Điều, Mái Đá Nước... cho thấy ở những địa bàn cư trú của người Mường, xa xưa đã có con người tối cổ sinh sống. Đến di chỉ Đa Bút và Hoa Lộc, con người từ bóng tối đã bước ra khỏi hang động, tiến ra trước núi, theo dòng sông Mã chinh phục đồng bằng và neo đậu bên những cồn cát, đối diện với biển khơi để tạo lập cuộc sống. Xứ Thanh là địa danh phát hiện ra nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng với nghệ thuật chế tác đồ đồng đã đạt đến trình độ hoàn mỹ. Trong không gian của nền văn hóa Đông Sơn phát lộ trên đôi bờ dòng sông Mã, có rất nhiều trống đồng được tìm thấy ở vùng Mường và cho đến tận hôm nay người Mường vẫn sử dụng cồng chiêng trong sinh hoạt thường ngày, trong hội lễ, theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, âm nhạc dân gian cho biết cồng chiêng còn xuất hiện trước cả trống đồng. Trong quá trình thiên di ấy và cả sau này khi đã có sự phát triển và hoàn thiện của mỗi tộc người thì yếu tố văn hóa Mường vẫn ẩn tàng sâu sắc trong cuộc sống của người Kinh vùng bán sơn địa. Ngay cả miền duyên hải, cư dân chài lưới các làng ven sông biển vẫn thường nhắc tới câu thành ngữ, gợi nhớ họ có cùng gốc Việt - Mường, nhưng là “Mường nước mặn”, vào dịp khác chúng tôi sẽ bàn về yếu tố “Mường nước mặn” này.
Con người là chủ nhân sáng tạo ra văn hóa và cũng chính văn hóa tác động sâu sắc và chi phối nhân cách, sự ứng xử của cá nhân đối với cộng đồng và môi trường sống. Người con gái vùng Quan Yên Triệu Thị Trinh có phải là người Mường không? Về nhân chủng học từ xưa đến nay chưa ai bàn tới, nhưng không thể không thừa nhận Triệu ẩu được sinh ra và khởi nghiệp từ không gian văn hóa núi Nuông - núi Nưa và núi Tượng Lĩnh - không gian văn hóa Việt Mường. Hình tượng Bà Triệu cưỡi đầu voi trắng, tay cầm kiếm lệnh - đặc trưng của nghệ thuật chế tác đồ đồng Đông Sơn và đặc biệt chiếc cồng phát ra lời hiệu triệu, tiếng cồng thúc trận của người anh hùng đọng trong khúc hát đưa nôi: Ru con con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng... còn vang vọng mãi muôn sau đều có yếu tố Mường. Đến vũ khí đánh quân Ngô của tướng sỹ cũng chính là công cụ lao động thường ngày của đồng bào Mường: Này cò, này cấu/ Này đấu, này thưng/ Lưng sào, cánh ná/ Này lá, này lao/ Nghe cồng bà rao/ Nghe lệnh ông gióng/ Chong chóng chạy về... Cũng trong không gian văn hóa núi Nưa còn bắt gặp những ngôi mộ hình thuyền ở làng Ngọ Xá, xã Thăng Bình, làng Lộc Trạch, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn... với việc phát hiện các quan tài hình thuyền cho thấy mối quan hệ Việt - Mường của cư dân nơi đây có từ lâu đời.
Anh hùng dân tộc Lê Lợi theo giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết đó là người con của dân tộc Mường, mẹ của ông là người Mường, làng Thủy Chú. Sử sách còn chép Đạo chủ đất Khả Lam trong những bữa ăn hàng ngày vẫn thường ăn bốc. Sự nghiệp của ông được khởi dựng ban đầu và ngay cả khi về với tổ tiên ông vẫn chọn sông Chu, Chủ sơn vùng Mường để yên giấc thiên thu.
Danh tướng Lê Phúc Thành, thủy tổ của dân tộc Thổ, huyện Như Xuân và Như Thanh vốn có nguồn gốc là cư dân vùng chân núi Nưa (huyện Nông Cống, Triệu Sơn ngày nay), sau chiến thắng quân Minh, ông được vua Lê ban quốc tính và lộc điền ở vùng đất Đống Sẹt và phát triển dân cư để trở thành dân tộc Thổ. Vì cư trú ở vùng đồi núi thấp, cộng cư với người Mường, vì vậy trong đời sống, phong tục, tập quán của người Thổ Như Xuân mang đậm sắc thái văn hóa “đậm Mường, nhạt Kinh”.
Trải qua nhiều nghìn năm, mặc dù giao lưu và tiếp biến văn hóa với Trung Hoa, ấn Độ và các nước phương Tây hoặc tự nguyện, hoặc cưỡng bức, nhưng văn hóa của người Kinh vẫn lưu giữ và trao truyền trong cuộc sống những ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Mường. Về ngôn ngữ, cho đến hôm nay người Kinh sinh sống ở vùng bán sơn địa các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Triệu Sơn, Tĩnh Gia... vẫn sử dụng thổ âm Mường như: giống má; gọi lúa (lọ), gạo (cấu), đường xa (đàng ngái), đồng bãi (áng), vườn tược (tước vướn), con gà (con kha), cái vung nồi (cái bàng), con dao (con tao), cái đầu (cái trốc)... Theo GS Từ Chi, muốn hiểu ngôn ngữ tiếng Việt cổ thì cần phải nghiên cứu ngôn ngữ Mường.
Trong phương thức sản xuất, việc canh tác lúa nước của người Mường với phương pháp “thuỷ nậu”: dùng trâu bò, hoặc người dẫm đạp cho ruộng ngấu để cấy lúa có từ thời xa xưa, cho đến hôm nay vẫn được những người dân vùng chiêm trũng Hà Trung; Đông Cao, vùng núi Nưa Nông Cống, Triệu Sơn thường áp dụng.
Về văn hóa ẩm thực, người Mường có nghệ thuật chế biến thức ăn rất phù hợp với nguyên liệu tự nhiên sẵn có và thích ứng với môi trường và thời tiết theo mùa. Đồ và nướng là cách chế biến thông dụng trong văn hóa ẩm thực của họ, vì vậy công cụ để nấu nướng không thể thiếu là chiếc chõ (hông) để đồ xôi, đồ cá, cất rượu. Về đồ ăn có các món ăn: cơm đồ, cơm lam, cá nướng, cá đồ, lợn thui, canh lóng... Đồ uống có rượu trắng, rượu cần, nước chè, nước uống dùng từ lá cây rừng... Người Kinh ở vùng chân núi, vùng bán sơn địa hiện nay vẫn thường chế biến các món ăn và uống rất gần với người Mường. Trong thú uống, không gì có thể thay thế rượu, vào dịp tết mùng năm, thức uống của người Kinh vùng này và nhiều vùng khác nữa bao giờ cũng có nước lá cây rừng mà dân gian gọi là “chè góp” do người dân tự thu hái từ những cây cỏ quanh nhà. Vương triều Nguyễn có xuất xứ từ Gia Miêu ngoại trang (Hà Long, Hà Trung), đây là địa bàn cư trú của người Mường và Việt, chắc chắn ẩm thực Mường đã theo vua quan, hoàng tộc nhà Nguyễn vào tận kinh thành Huế. Từ món ăn dân dã của vùng Mường, những đồ ăn, thức uống của hoàng tộc nhà Nguyễn đã được chế biến và nâng cao thành văn hóa ẩm thực cung đình, song nó lại có nguồn gốc từ những món ăn Mường và như GS Từ Chi đã nhận xét từ những món ăn này “phả ra hương vị sơ sử”.
Người Mường có tục phụ nữ ăn trầu, đàn ông hút thuốc, cho đến nay lệ tục ấy vẫn duy trì khiến người ta khó mà phân biệt được đâu là người Mường, đâu là người Kinh. Tục cưới hỏi, tang ma, những kiêng kỵ... diễn ra trong cuộc sống hàng ngày đều có sự giao thoa trong sinh hoạt và nếp sống của hai tộc người Mường - Việt. Cho đến nay tục kết chạ vẫn được duy trì không chỉ ở các làng người Mường, mà mỹ tục này cũng được người Kinh và người Mường coi đó là lễ trọng và thiêng liêng. Tục kết chạ diễn ra ở làng án Đổ (làng người Mường Thạch Thành) với làng Quan Phác, Quan Bằng, Eo Lê (làng người Kinh Vĩnh Lộc), Làng Muốt (Cẩm Thạch, Cẩm Thuỷ), làng Nam Ngạn (nay là phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa)... với nghĩa tình gắn bó keo sơn. Tiêu biểu là tục kết chạ giữa Vân Trai (làng người Kinh) với làng Phú Muông (Mường Trác) làng của đồng bào Mường cổ, nay là xã Cẩm Phú cùng trong huyện Cẩm Thuỷ. Làng Vân Trai cung cấp rau, thực phẩm và dành đất bãi ven sông Mã cho Phú Muông lấy đất trồng ngô, hoa màu. Phú Muông đáp lễ để cho người Vân Trai vào rừng kiếm củi và đốn gỗ dựng nhà. Lang đạo Mường Trác là Trương Công Trích tham gia phong trào Cần Vương kháng Pháp đã được Vân Trai gả gái làng đẹp người, đẹp nết cho ông làm vợ. Khi phong trào bị thực dân Pháp đàn áp, truy lùng, dân làng Vân Trai đã chở che, nuôi dưỡng và tìm cách cho ông thoát khỏi sự bủa vây, lùng sục của kẻ thù.
Âm nhạc Mường với các loại nhạc cụ: cồng chiêng, khua luống... vẫn được người Kinh vùng chân núi sử dụng trong hội lễ và sinh hoạt hàng ngày. Hội xéc bùa sử dụng các nhạc cụ gõ cồng, trống, chiêng và những lời hát chúc trong dịp đầu năm mới vẫn được người dân làng Đông Trung, xã Hà Bình (Hà Trung), làng Tỵ thôn, Trung Chính (Nông Cống), các làng thuộc xã Thọ Bình (Triệu Sơn) duy trì và là nếp sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong những ngày hội lễ. Các trò chơi: Đố lá, đi cà kheo, chơi đu, chơi khẳng... vẫn diễn ra hấp dẫn và vui nhộn.
Về tín ngưỡng của cư dân người Kinh giáp ranh với người Mường, họ cùng có chung tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ vật thiêng, “vạn vật hữu linh”: hòn đá, gốc cây, thờ các hiện tượng của tự nhiên: dòng sông, ngọn núi, nguồn nước, Ông Sấm, Bà Sét, Ông Dài, Ông Cụt, thờ Thuỷ thần...
Trong tín ngưỡng nông nghiệp, cũng như người Mường, người Kinh ở vùng bán sơn địa có các lễ thức: Lễ khai hạ, hội xuống đồng, lễ cầu mưa, lễ gọi vía lúa, lễ cơm mới... Trước năm 1960, những lễ thức này diễn ra khá phổ biến của cư dân người Kinh vùng núi Nưa, Triệu Sơn, Nông Cống, Hà Trung, Thọ Xuân... thế nhưng mấy chục năm gần đây các lễ thức gắn liền với sản xuất nông nghiệp này đã và đang dần xa vắng. Dân làng Mao Giáp, xã Trung Chính, Nông Cống vùng núi Nưa cách đây chưa lâu vẫn duy trì nghi lễ làm vía lúa. Sau khi cấy lúa xong, làng cử một bà mẹ phúc hậu chủ trì buổi lễ gọi hồn vía lúa. Lời khấn gọi hồn vía lúa như sau: Ông lọ bà lọ/ Ông tốt như mây/ Bà sây như móc/ Hạt chắc như hèo/ Vừa cắt vừa kèo/ Một mẫu trăm phương/ Mười lăm gánh lẻ/ Người già người trẻ/ Sức khỏe làm ăn/ Đầy đụn đầy chum/ Vừa ăn vừa bán... mang đậm dấu ấn văn hóa Mường của cư dân trồng lúa nước.
Văn hóa Mường trong đời sống, văn hóa của người Kinh vùng bán sơn địa là mảng màu hiếm gặp và đặc sắc trong tổng thể bức tranh sắc thái văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh. Mảng màu đó vừa mang những nét chung, lại vừa chứa đựng những nét riêng mà không phải ở địa phương nào trên đất nước ta cũng đều bắt gặp. Nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa Mường trong đời sống, văn hóa của người Kinh vùng bán sơn địa tỉnh Thanh nêu trên chỉ là bước đầu gợi mở, nhưng chắc chắn càng nghiên cứu, chúng ta sẽ bắt gặp và tìm ra được nhiều điều mới lạ, hấp dẫn và bổ ích, giúp cho việc hiểu biết và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc trên đất tỉnh Thanh ngày càng hiệu quả và đầy đủ hơn.
H.M.T