Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Kịch Lưu Quang Vũ - Cảm quan về một cuộc sống đang vận động - Lê Xuân Soan
Kịch Lưu Quang Vũ - Cảm quan về một cuộc sống đang vận động - Lê Xuân Soan

Lưu Quang Vũ (1948-1988) nổi tiếng là tác giả có nhiều vở kịch được dàn dựng nhất trong năm 80, 90 của thế kỷ trước như: Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Nếu anh không đốt lửa, Bệnh sĩ, Điều không thể mất, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Chuyện tình bên dòng sông Thu, Nguồn sáng trong đời... Kịch Lưu Quang Vũ đụng chạm đến rất nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng trong đời sống xã hội. Nếu như trong cao trào đổi mới, các ngành nghệ thuật đều công nhận sân khấu với một loạt vở diễn, đã đi trước một bước trong lĩnh vực phản ánh, thì bên cạnh những vở thường được kể tên như: Nhân danh công lý (Doãn Hoàng Giang); Mùa hè trên biển (Xuân Trình), chúng ta không thể không nhắc đến Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ. Những vở kịch này đã gây nên một cuộc tranh luận lớn trong đời sống văn học nghệ thuật thời bấy giờ và được báo chí mệnh danh là những cỗ xe tăng vào giải phóng Sài Gòn về mặt văn hóa. Sức hấp dẫn của Tôi và chúng ta chính là đã đi thẳng vào một vấn đề có thật, một vướng mắc còn nổi cộm lên trong đời sống xã hội. Đó là việc quản lý các xí nghiệp sản xuất theo lối mới, sao cho phát huy được quyền chủ động của cơ sở, chống được thói bao cấp, quan liêu đã tồn tại từ lâu, kìm hãm sự phát triển của sản xuất, để rồi sau đó lại đổ mọi thất thiệt lên vai Nhà nước. 
Câu chuyện kịch rất mạch lạc, giản dị, ít những tình huống éo le, phức tạp không cần thiết. ở xí nghiệp Thắng Lợi, đang còn trong tình trạng bê bối, trì trệ, sản xuất rất thấp kém, bỗng xuất hiện một vị giám đốc trẻ tuổi và xốc vác. Anh có cái tên giản dị - Hoàng Việt, có một tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm trước việc mình làm. Con đường dẫn anh đến những nét đẹp đẽ và đáng yêu thương trong tính cách như vậy được lý giải bằng những năm tháng chiến đấu anh dũng của Việt ở Trường Sơn đầy bom đạn thử thách. Trên mặt trận mới của ngày hôm nay, Việt vẫn tiếp tục ý chí tiến công vốn có của mình. Anh tiến công nhằm xóa bỏ sự ràng buộc của những nguyên tắc đã lỗi thời và trở nên cứng nhắc; tiến công vào những kẻ cơ hội và bảo thủ; tiến công để đưa sản xuất của xí nghiệp tăng lên nhiều lần, đồng thời nâng cao đời sống của cán bộ, công nhân. Những việc đối lập cái mới và cái cũ, việc thay đổi một cơ chế đã tồn tại lâu đời trong xã hội không phải là một sớm một chiều có thể làm được. Anh được đông đảo bạn bè, đồng chí - những con người tiên tiến của thời đại: tổ trưởng Thanh, kỹ sư Sơn và anh chị em công nhân ủng hộ và bảo vệ. Ngược lại hàng loạt kẻ ích kỷ, cơ hội - quen sống cho cái tôi vị kỷ, quen chỉ biết lợi ích cho riêng mình, còn mặc kệ thiên hạ - chống đối một cách quyết liệt. Khi vở kịch kết thúc, người xem thấy Việt bị cơ quan công an bắt giữ theo lệnh của Viện kiểm sát, “vì đã vi phạm 22 điều trong nguyên tắc và pháp luật Nhà nước”. Mặc dầu vậy, vẫn không có ai tỏ ý lo lắng cho số phận của anh. Bởi thực tế đã chứng minh anh nghĩ đúng, làm đúng và đạt kết quả cao trong thực tiễn.
Người ta có thể bàn luận nhiều vấn đề mà Tôi và chúng ta đưa ra: đây là vở kịch đấu tranh chống tiêu cực một cách quyết liệt; đây là vở kịch kêu gọi mọi người hãy biết sống vì mọi người, hãy từ bỏ quyền lợi cái tôi nhỏ bé, để vì cái chúng ta rộng lớn hơn... Tất cả đều đúng, nhưng hơn hết vở kịch nhằm vào một mục đích cao cả và trọng đại của văn học nghệ thuật - đó là sự đấu tranh để khẳng định hình tượng những con người mới xã hội chủ nghĩa. Nhân vật Hoàng Việt tiêu biểu cho những con người biết sống hết mình vì mọi người, mạnh dạn đấu tranh chống lại sự bảo thủ, quan liêu, bao cấp đang là sức ì cản trở bước tiến của xã hội.
Bản thân cái tên Tôi và chúng ta đã nói lên một nội dung tư tưởng của vở kịch. Vở kịch không chỉ kể lại một câu chuyện về sản xuất, không chỉ đặt vấn đề cần thay đổi những gì đã lỗi thời, mà còn nói lên yêu cầu đối với con người mới hôm nay. Đó là, muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì mỗi con người chúng ta phải đi từ thế giới cái tôi sang thế giới của chúng ta. Năm 1984, vở Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ đã gây một tiếng vang lớn và được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Vở kịch này, Lưu Quang Vũ đã mở đầu cho thời kỳ đổi mới trong cơ chế sản xuất và quản lý, góp một tiếng nói vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, xây dựng hình tượng con người mới trong cơ chế mới. Trước khi kết thúc vở kịch, Lưu Quang Vũ đã mượn lời nhân vật Bộ trưởng để nâng lên ý nghĩa khái quát của vở kịch:
“Bao cấp chính là sự không tin vào con người - những chủ thể sáng tạo và tác hại của cái quan liêu bao cấp, của cơ chế cũ không chỉ làm năng suất kém, đời sống thấp mà tác hại đáng sợ hơn là làm sa sút phẩm chất con người, làm hư hỏng con người, phá hoại những mối quan hệ giữa con người với con người, dung túng cho thói quan liêu ích kỷ, hèn nhát, ỷ lại, tối tăm, ngu muội... phải chống nguy cơ đó”.
Tiến sĩ văn học Lưu Khánh Thơ trong bài “Đóng góp của Lưu Quang Vũ đối với nền văn học kịch Việt Nam” cũng cho rằng: “Vở kịch đã chứng tỏ một sự nhạy bén trong những vấn đề thời sự, là sự tranh luận sôi nổi, gay gắt về vấn đề đổi mới... Lưu Quang Vũ đã công khai bảo vệ những tư tưởng mới, cách làm ăn năng động sáng tạo, đồng thời phê phán cơ chế quan liêu bao cấp trong lĩnh vực quản lý và cả lĩnh vực tinh thần”.
Văn học nghệ thuật cần góp một tiếng nói đấu tranh để bảo vệ và khẳng định con người mới. Nhìn dưới góc độ này Tôi và chúng ta là vở kịch đã có được sức chiến đấu đáng khích lệ. Nó cho phép chúng ta đòi hỏi sân khấu cần có thêm nhiều tác phẩm xông xáo như vậy.
Vở Nếu anh không đốt lửa cũng đã gây dư luận sôi nổi một thời vì tính thời sự của nó. Bối cảnh của vở kịch là một sự kiện xí nghiệp đóng tàu bầu giám đốc. Việc đổi mới tổ chức nhân sự, bầu cử diễn ra trên cái nền là phần ồn ào, xô bồ của đời sống công nhân sản xuất đã khiến cho vở kịch rất “đời”. Nhưng đổi mới chỉ là phong trào, là chuyện làm theo mốt, còn bầu cử không nghiêm túc thì mọi chuyện sẽ như thế nào? Một vấn đề thời sự được đặt ra là cần có cán bộ thay thế, “vừa hồng vừa chuyên”, có khả năng quản lý lao động để phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước. Nhưng không chỉ có thế, hình như bản thân tác giả qua vở kịch này còn muốn nói một điều gì đó gay gắt hơn, đúng như Ngô Thảo - Vũ Hà đã cảm nhận. Đó chính là cái ý thức cảnh tỉnh: “Mọi chủ trương đổi mới hay ho rất có thể biến thành một trò đùa trong cuộc sống, nếu nó nằm trong lòng bàn tay của những kẻ vô trách nhiệm”.
Bằng sự mẫn tiệp trong tâm hồn nghệ sĩ, bằng sự nhạy bén, năng động trong phong cách của một nhà báo, Lưu Quang Vũ luôn tìm thấy trong lòng cuộc sống cái bề bộn, cái bức thiết cần giải quyết. Đặc biệt là trong bối cảnh cụ thể của đất nước, khi mà chiến tranh vừa đi qua, hòa bình ùa đến, và những chân giá trị đang được định hình. Trong lòng cuộc sống có sự đan xen tồn tại giữa cái cũ và cái mới, cái cũ đang dần mất đi trong khi đó cái mới chưa hình thành. Nhiều vấn đề đặt ra cho con người thời đại khiến họ phải băn khoăn, day dứt. Là một nhà viết kịch, Lưu Quang Vũ đã coi kịch nói là “một thứ phòng thí nghiệm của đời sống hiện đại”. Chưa bao giờ những vấn đề bức thiết của cuộc sống lại được Lưu Quang Vũ đưa lên sân khấu một cách ồ ạt như thập kỷ 80 này.
Vở Ông không phải là bố tôi là một xung đột giữa quá khứ và cuộc sống hiện tại. Vở “Quyền được hạnh phúc” lại nêu lên một tư tưởng dân chủ: quyền được hạnh phúc cũng chính là quyền được làm người, quyền con người hay nhân quyền.
Trong khi đó vở Lời thề thứ 9 lại khai thác thành công nỗi niềm, tâm trạng của những người lính hàng ngày phải đối diện với chiến tranh ác liệt, trong khi luôn mang trong lòng những dự cảm, âu lo về cuộc sống hậu phương, về số phận người thân và gia đình của họ. Trong mười lời thề của Quân đội, Lời thề thứ 9 nói về mối quan hệ quân dân. Bộ đội phải thương yêu, kính trọng, bảo vệ dân. Vậy mà, ông Thịnh, cha của một chiến sĩ đang chiến đấu ở biên giới bị chủ tịch xã Quách Văn Tuần tống giam dưới hầm, tại trụ sở ủy ban xã đã mấy mươi ngày rồi không rõ vì tội gì. Được tin, Xuyên cùng Hiển và Đôn sún, nhân được hưởng ba ngày phép vì có thành tích chiến đấu dũng cảm diệt địch trong trận vừa qua, định kéo nhau về xã hỏi tội lão Tuần và giải thoát cho cha Xuyên. Nhưng lấy đâu ra tiền làm lộ phí và cứu đói cho gia đình.
Các chiến sĩ bèn nghĩ cách đón đường “trấn lột” mấy tay buôn lậu biên giới. Trớ trêu thay, họ lại trấn nhầm ông Hà (Chủ tịch tỉnh) đi lên thăm con. Người con lại là Hiển! Bại lộ, trung đoàn hạ lệnh bắt giam, nhờ Vân - người yêu của Hiển ở cơ quan trung đoàn bộ báo cho biết, ba người vọt luôn về xã. ở xã, bà Xuyên đã mấy mươi ngày nay cùng Cúc, con dâu tương lai đi gõ cửa khắp nơi để giải oan cho chồng. Nhưng xã chỉ huyện. Đến huyện, huyện chỉ tỉnh. Tất cả chỉ im lìm. Cuối cùng người cứu ông Thịnh chính là con ông. Thằng Xuyên cùng Đôn, Hiển đến tận công sở giải thoát cho ông Thịnh và bắt lão Tuần thay vào chỗ ông, ở dưới hầm tối ấy. Mặc dù được cứu thoát, nhưng vợ chồng ông có mừng đâu. Ba chú lính trẻ bị mắng cho một trận và hứa quay về đơn vị ngay. Cùng lúc ấy, phái đoàn truy lùng cũng vừa về tới. Họ phải ẩn vào khu nhà truyền thống xã để “phòng thủ”. Khôi hài thay, chính lão Tuần lại đích thân gọi loa cho các anh ra hàng. Nhưng không, họ không ra khi lão Tuần chưa bị trị tội. Bao nhiêu lời răn đe, hăm dọa của Chủ tịch Hà, của Trung đoàn, kể cả lời thuyết phục, họ vẫn không ra. Đến khi nghe lời mẹ mắng, mẹ gọi thì họ ngoan ngoãn đi ra. Bên người mẹ Việt Nam bao dung, nhân hậu, họ cúi đầu nhận lỗi. Bà mẹ giang đôi bàn tay gầy gò như muốn ôm lấy đàn con, như muốn che chở cho đàn con khôn ngoan trước quân thù, nhưng lại khờ dại trước cuộc đời phức tạp này. Bà chỉ còn biết ngửa mặt lên trời và kêu rằng: “Trời ơi! Sao khổ vậy trời”.
Sự hấp dẫn của vở kịch ấy được thể hiện từ ngôn từ văn học, từ tính cách và số phận của từng nhân vật, từ những cuộc xung đột âm thầm và vô cùng bức bối. Và bao trùm lên tất cả là vấn đề tư tưởng mà tác giả đặt ra cho cuộc sống hôm nay. Lý luận và thực tiễn, khẩu hiệu và hành động vẫn còn khoảng cách và ngược chiều trong xã hội chúng ta!
Một ông chủ tịch có tác phong và quan điểm quần chúng tốt, nhưng vì vị trí và công việc dần dần biến ông xa rời quần chúng mà có khi ông không hề hay biết, để cho cán bộ dưới quyền ức hiếp nhân dân, bưng bít sự thật, báo cáo láo.
Nhân dân, nhất là dân ở nông thôn thì thấp cổ bé họng, sống ngột ngạt dưới sự thống trị vô cùng hà khắc của bọn cường hào, ác bá mới. Họ muốn kêu trời thì trời không thấu, họ muốn kêu người thì người chẳng chịu nghe cho... “Nỗi khổ này biết chịu đựng đến bao giờ” như lời bà mẹ nói!
Những người lính trẻ hăng hái, dũng cảm nhưng còn bồng bột biết xử lý làm sao giữa luật pháp, kỷ luật và đạo lý? Trong khi luật pháp chưa được áp dụng công bằng với mọi người, đạo lý thì bị chà đạp, khinh rẻ. Cuối cùng, họ manh động và trở thành phạm pháp vì đi trừng trị một kẻ phạm pháp gấp trăm lần hơn mà không hề bị luật pháp trừng trị, để cứu dân.
Như vậy, có thể nói rằng, riêng ở góc độ phản ánh hiện thực, Lưu Quang Vũ tỏ ra khá dũng cảm. Kịch của anh giàu tính chiến đấu, tấn công không khoan nhượng vào cái ác, cái xấu xa, vào những tệ nạn xã hội đang manh nha xuất hiện trong đời sống, và vào cả những vấn đề đang nảy sinh trong tâm lý con người thời đại. Tuy nhiên trong những vở kịch ấy, Lưu Quang Vũ không chỉ dừng lại ở sự phản ánh, ngợi ca hoặc phê phán đơn thuần. Đằng sau những vấn đề thời sự ấy là một niềm day dứt khôn nguôi, là những âu lo, trăn trở, đầy tinh thần ý thức trách nhiệm công dân của một người nghệ sĩ đã từng đi qua chiến tranh, đã từng trải qua những thăng trầm của cuộc sống và vận mệnh dân tộc. Kịch nói dường như là một nơi để anh giãi bày những điều ấy.
                            

L.X.S    

    
    
Tài liệu tham khảo:
1. Đừng tầm thường hóa cách hiểu kịch Lưu Quang Vũ (Nguyễn Thị Minh Thái)
2. Thế giới nghệ thuật kịch Lưu Quang Vũ (Lê Thị Hoa)
3. Tầm vóc Lưu Quang Vũ qua Hồn Trương Ba da hàng thịt (Đỗ Hiền)
4. Kịch bản sân khấu: bao giờ bắt kịp Lưu Quang Vũ (Hoa Mai)


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 233
 Hôm nay: 9059
 Tổng số truy cập: 12928656
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa