Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Lời của sóng (Đọc lại Trường ca Biển của Hữu Thỉnh) - Lê Quang Sinh
Lời của sóng (Đọc lại Trường ca Biển của Hữu Thỉnh) - Lê Quang Sinh

LTG: Tôi biết nhà thơ Hữu Thỉnh từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Lúc ấy, anh và nhà thơ Thanh Thảo là thần tượng của nhóm sinh viên Bách khoa yêu thơ. Hàng tháng, mỗi lần sinh hoạt nhóm, chúng tôi thường đem thơ anh cùng nhau đọc, bình phẩm, xem ai thuộc thơ, hiểu thơ anh nhiều nhất. Gần gũi anh trong sách báo cả chục năm mới gặp anh ngoài đời rồi như một định mệnh tôi lại được chia sẻ cùng anh trong công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam ngót nghét đã 20 năm.
Gần anh, nhiều lần bắt gặp, chứng kiến những xúc cảm, những rung động bất chợt mà từ đó làm nên tên tuổi thơ anh. Tôi có nhiều hơn về một Hữu Thỉnh lãng mạn và sâu sắc.
Trước không gian rộng lớn của biển, tầm mắt anh được đẩy đi vô hạn... tôi có cảm tưởng sự ám ảnh trong anh kết đọng đến hồi trào dâng một thứ dung nham mang hơi nóng trầm tích. Với Hữu Thỉnh biển đảo ngoài ý nghĩa không gian của thi ca còn là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Biển là một không gian bao la, nơi nuôi dưỡng, tạo nguồn, lưu giữ các nền văn hóa cho mỗi thời đại. Việt Nam là một quốc gia biển, nên nó còn là một phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, là “đường link” kết nối, giao thoa với thế giới. Trong bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng, biển đảo như là một chủ đề, một dòng chảy. Thơ Hữu Thỉnh đóng góp sự đột phá, góp sức khơi thông dòng chảy chung đó.
Trong chiến tranh chống Mỹ, trên đường đi vào chiến trường, nhiều lần qua khu bốn, vượt đèo Ngang, Hữu Thỉnh có rất nhiều bài ghi chép, nhiều bài thơ về biển. Do đó, Đường tới thành phố - Một trường ca viết về chiến dịch Hồ Chí Minh, anh đã dành trọn phần Hồi âm - Kết thúc của trường ca với gần 70 câu thơ để nói về biển, đảo. Nhiều lần tôi cứ tự hỏi: Vì sao, một trường ca viết về chiến dịch Hồ Chí Minh lại không kết thúc ở Sài Gòn mà lại kết thúc ở đảo? Tôi tìm hiểu và được biết: Về lịch sử mà nói, đồng thời với chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, Bộ Tổng tư lệnh điều một đoàn tàu ra giải phóng các đảo. Cuộc chiến tranh giải phóng đất nước của chúng ta chỉ có ý nghĩa thực sự trọn vẹn khi hoàn thành việc cùng với giải phóng đất liền là giải phóng được các đảo, giang sơn thu về một mối. Chính vì thế, Hữu Thỉnh có lý khi để một kết thúc mở cho trường ca Đường tới thành phố. Đó cũng là bước chuẩn bị có tính tiền đề cho những nỗ lực sáng tạo về sau của anh.
Hữu Thỉnh cũng đã nhiều lần đi thực tế ở một số tuyến đảo phía Bắc (Dù rằng anh chưa có dịp đi đến Trường Sa, Hoàng Sa do điều kiện khó khăn lúc bây giờ), và anh đã gặt hái được nhiều thành quả. Một chùm thơ viết về đảo: Gởi từ đảo nhỏ, Tiếng gà trên đảo, Biển nỗi nhớ và em... mang đến bạn đọc những hy vọng về bút lực, về những khám phá mới của anh trong tương lai:
Biển vắng cỏ non vẫn biết mùa xuân đến
Khi trông bờ ngóng một lá thư thăm
Biển xanh quá ước gì anh gói được
Nhờ con tàu bè bạn đến tay em.

        (Gửi từ đảo nhỏ)
Hay:
Ai mang quê ra đảo
Ló một tiếng gà trưa
Bao nhiêu là súng pháo
Ngây thơ như cày bừa.

        (Tiếng gà trên đảo)
Hay:
Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn.

        (Biển nỗi nhớ và em)
Đáng chú ý cũng trong thời gian này, Hữu Thỉnh có bài: Phan Thiết có anh tôi. Đây là một trong những bài thơ hay nhất của anh lúc bấy giờ. Bài thơ không phải viết riêng cảm xúc về biển, nhưng tất cả những câu thơ về biển có trong bài đều làm ta rung động và cũng chính nó như một liều thuốc phóng đưa bài thơ đi xa:
Chính ở đây anh thấy biển lần đầu
Qua cửa hầm
Sau những ngày vượt dốc
Biển thì rộng căn hầm quá chật
Khẽ trở mình cát để trắng hai vai.

Hay:
Biển ùa ra xoắn lấy mọi người
Vì yêu biển mà họ thành sơ hở
Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ
Mặt anh còn cách nước một vài gang.

Tất cả những bài thơ đó là chất liệu vật chất, là sự chuẩn bị để anh viết Trường ca Biển. Sau Trường ca Biển anh còn viết thêm một loạt bài thơ nữa về biển như: Cát thở, Cù lao chàm, Căn hộ biển... Viết về biển là một hợp âm với điệp trùng sóng vỡ, đa thanh, đa sắc sống động của Hữu Thỉnh, một vệt chói sáng song song với thơ viết về đất liền, trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước của hành trình thơ anh. Hữu Thỉnh là người viết về biển sớm (không nói là sớm nhất) và có nhiều thành tựu, trong đó trường ca: Trường ca Biển được giải nhất Bộ Quốc phòng năm 1994 và giải thưởng Hồ Chí Minh.
Chương một: Dốc biển là cuộc đối thoại giữa một bên là người lính, một bên là biển. Nói đúng hơn đấy là cuộc đối thoại giữa dân tộc Việt Nam sau chiến thắng 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam với vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Những suy tư được đặt ra, những hiện thực được lý giải, những bài học được đúc kết sau cơn say chiến thắng. Đó là những thách thức (Dốc biển) mà dân tộc phải đối diện, nó cũng không kém phần khốc liệt như bất cứ một thứ “dốc” nào dân tộc đã trải qua trong quá khứ trên đất liền. Cũng chính từ đó giúp chúng ta bình tĩnh lại sau những khó khăn chồng chất thời kỳ hậu chiến để kịp thời đề ra những đối sách thích hợp vượt qua thách thức:
- Mẹ dặn tôi: Ra sông lấy sóng mà yêu
Đường xa gặp núi lấy đèo mà tin
Tôi đã tin và chưa hề bị ngã
Biển nói:
- Không ngã chưa chắc đã khỏi chìm
Người lính nói:
- Có bí quyết gì sau lớp sóng kia chăng?
Biển nói:
- Sống với nước hãy bắt đầu từ nước.

“Sống với nước hãy bắt đầu từ nước”. Nước giờ đây không đơn thuần là nước sông, nước biển... mà nước là đất nước, là Tổ quốc, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một triết luận, một sự cảnh tỉnh, một sự tỉnh ngộ sau những éo le, dang dở, cay đắng mà dân tộc đã trải qua trên con đường vươn ra biển lớn: 
Người lính nói:
- Bao vốn liếng cả một đời góp nhặt
Bước xuống tàu bỗng thành kẻ tay không?
Biển nói:
- Những chiếc huân chương còn soi sáng trên bờ
Sống với nước hãy bắt đầu từ nước.

Chương hai: Cát. Là một chương thú vị. Cát được nhân cách hóa thành người đồng hành có cùng số phận với người lính đảo với đầy đủ những éo le,  ngang trái cùng sức chịu đựng phi thường. Vẫn thấy bóng dáng cách lập ngôn, lập tứ, cách tạo dựng những cung bậc cảm xúc của Đường tới thành phố, nhưng những nghiền ngẫm thế cuộc sâu hơn, thấm đẫm hơn; câu thơ được âm thầm làm mới bằng nỗ lực của một con người không chịu thỏa mãn, không chịu bằng lòng với những gì đã có. Nếu thái độ của người lính khi nghĩ về Tổ quốc trong Đường tới thành phố: “Trời ơi, nếu kẻ thù chiếm được/ Chỉ một gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn/ Tổ quốc sẽ ra sao? Tổ quốc?/ Thơ ơi thơ hãy ghì lấy gốc sim”, thì trong Trường ca Biển cách nói chừng như gọn hơn, ám ảnh hơn, mới hơn: “Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình/ Đảo có lính cát non thành Tổ quốc”.
Hơn cả những gì người lính trong chiến tranh phải đối diện, người lính đảo thời bình còn phải biết “gồng mình” trước khoảng trống mênh mông của biển cả; trước những réo sôi đến lặng người của sóng và cả những yên tĩnh trống không ngay trong chính lòng mình:
Chúng tôi là lính đảo thời bình
Phải gồng mình cả khi yên tĩnh nhất
Để chống lại cái khoảng trống kia
Chực len vào giữa bạn và tôi
Cái khoảng trống lạnh tanh vô nghĩa
Có ngay trong chính bản thân mình.

Lấy “Cát” làm chủ thể, “Cát ở đây là tất cả”, cát hiển hiện trong không cùng, trong số phận người lính “Không có chỗ nào không có cát/ Không có điều gì không có cát”; “Chúng tôi vốc cát lên/ Chúng tôi nghe cát nói”. Người lính sống cùng cát, ăn nằm cùng cát, lấp đầy cùng cát. Người lính và cát, cát và người lính ngào trộn vào nhau làm nên gương mặt đảo:
Chúng tôi lại cùng nhau bới cát
Chôn anh thêm một lần
Cát và cát
Ngày ngày lại mới
Cát và cát
Ngày ngày lại trắng
Trắng như bàn tay trắng chúng tôi
úp lên số phận bạn mình.

ở chương ba: Tự thuật của người lính. Với vốn kiến thức và những hiểu biết sâu sắc được tích lũy có hệ thống từ những năm tháng sống ở nông thôn và trong đời lính, Hữu Thỉnh đã “thao lược” tài tình và đầy hiệu quả trên những trang viết thật sự cảm động, có khả năng gây ám ảnh cao. Cũng thấy đâu đó bóng dáng người lính trong Đường tới thành phố năm nào: “Chúng tôi chưa bao giờ yên tĩnh/ Đi như sông hiếu động như rừng/ Đã để lại thảnh thơi cho cỏ/ Và nhận về giông bão trên lưng”, nhưng người lính đảo thời bình có gì đó mang nhiều ngổn ngang, nhiều suy tư hơn:
Cơn lốc đen đánh úp lá bàng
Tôi cảm thấy mùa thu đang mất máu
Một chút lửa hoa dong riềng cuối dậu
Sợ một ngày sương muối đến đem đi.

Người lính ra đi từ làng, mang theo “tất cả những gì” làng có vào quân ngũ. Hữu Thỉnh sinh ra và lớn lên từ làng quê, hơn ai hết anh am hiểu nó vừa cặn kẽ, vừa tinh tế. Những câu thơ của anh thấm đẫm hồn vía ca dao, tục ngữ vừa hồn nhiên, vừa xa xót:
Con mang về con bống của mẹ đây
Từ những ao chum nghìn xưa để lại.

Hay:
Con đi mót gặp toàn gốc rạ
Chiếc nón mê tha thủi giữa đồng.

Hay:
Cha đi vắng tôi trèo lên cây ổi
Cây ổi cho một búp sâu kèn
Và cứ thế với sâu kèn tôi hát
Cố tin rằng tôi không bị bỏ quên.
Và đôi khi sắc lẻm, làm bao con tim “rớm máu”:
Không ai nói với tôi rằng hoa bưởi sắp tàn
Chiều chỉ có một mình chim gõ kiến
Hoa sim tím quả sim cũng tím
Đồi treo đầy những túi mật trung du.

Tôi có cảm tưởng mỗi lần Hữu Thỉnh viết về quê, thơ anh như  “vòi sen được mở ” ào ào tuôn chảy, dào dạt tuôn chảy “Trứng ốc nhồi nở trắng dọc bờ ao/ Con ếch sọc dưa đi tìm tức tưởi”, “Tôi lớn lên/ Vó ngựa giật mình đôi sấu đá/ Gươm giáo hai hàng quan võ quan văn/ Ông nhịn mặc để ăn/ Ông nhịn ăn để mặc/ Người đói và người rét/ Sơn son và thếp vàng”, “Tôi lớn lên/ Có người thắt cổ sau chùa/ Không ai kịp khóc/... / Cây phướn sầu trên mặt đất hoang mang/ Hồn chị nhập vào hoành phi câu đối/ Nhìn xuống bữa tiệc tàn/ Từ nay chúng nó toàn vận rủi/ Sập chân quỳ một chiếc huyệt đào ngang” v.v... đọc câu nào cũng hay, cũng gợi, cũng gần gũi, cũng thẳm sâu với đầy đủ hương vị, màu sắc không đoán định được:
Cá rô rạch ngược mưa rào
Hám gì bỏ nước cầu ao vào lờ.

ở chương bốn: Đất này. Đó là câu chuyện mở cõi, tiếp đất ra đảo, xây chắn “phên dậu”, định dạng hình hài Tổ quốc:
Đất đi qua biển thì mau
Người đi qua nỗi khổ đau thì dài.

Tổ quốc hiện lên thật gần gũi, thân thuộc, máu thịt. Cũng như đất liền, đảo có mọi thứ từ “lề thói” đến cây cối, hội hè; có Lan, có Trúc mà nên xóm nên làng... Những câu thơ như phù thủy dồn nhịp, ngây ngất!... Ta như được sóng miên man đẩy đi vô tận rồi ào ạt trở về trên cát mịn:
Luống hành hoa đội rạ đứng lay phay
Người tứ phương tụ hội về đây
Cắm cọc treo nồi
Đóng đinh móc rế
Trồng mùa thu bằng cây thị
Thả mùa hè bằng ngó sen
Cây lan có tên cho cô Lan có tên
Cây trúc có tên cho cô Trúc có tên
Lan và Trúc say lòng những chàng trai mới lớn
Lan và Trúc tiễn bao người ra trận
Và chiều nay cha gửi đất cho con 

Đảo không đơn độc, đất liền với đảo là một. Hữu Thỉnh sẽ rất thiếu sót khi viết Trường Sa chỉ cho người ta biết về Trường Sa, mà cùng lúc đó ở phía sau lưng kia, ở phía hậu phương xa thẳm kia là cuộc sống ở đất liền, là số phận những người ở đất liền. Vẫn là cách nói sắc lẻm, chặt chẽ “Đất chẳng bao giờ héo/ Trời thăm thẳm không mòn/ Khi vui chán vạn khi buồn một ta”, Trường ca Biển lại bung tỏa sang một chiều cảm nhận khác. Đó là công cuộc củng cố bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc mà “Không có đất không thể nào sống được”, và định hình như một chân lý khi đến với đảo:
Đất đi đến đâu quê hương theo đến đấy
Quê hương đi đến đâu máu đi theo đến đấy
Máu chẳng bao giờ cũ
Cuốc cuốc cứ kêu hoài.

Chương năm: Hóa thạch những dòng sông, là chương chất chứa nhiều sáng tạo của Hữu Thỉnh, anh quan sát và suy ngẫm với nhiều chiều kích, biến hóa trong tự tại, có nhiều cách nói mới lạ. Viết về sông mà như viết về một đời người vậy: “Những dòng sông quờ quạng tìm nhau/ Dưới đáy biển/ Những dòng sông chết/ Biển âm u đáy huyệt/ Hồn sông đi lang thang”; “Sông góp củi cho nồi cơm lớn/ Lòng vị tha là người khách sau cùng”; “Sông đi sông đi vật vờ sông đi/ Tìm lại mình trong biển/ Biển nói bằng muối chát/ Sông không nghe được gì”... Sông có tất cả những gì thuộc về con người, sông như con người “Sinh ra sông để đem cho”:
Ta bới sóng đi tìm các dòng sông
Gặp cái chao chân khi em mười tám tuổi
Ta đi vớt tiếng sáo diều đắm đuối
Thúc ba hồi trống quân.

Hay:
Ta bới sóng đi tìm các dòng sông
Thấy cau bỏ già
Trầu không để úa
Yêu nhau không lấy được nhau.

Hay:
Ta bới sóng đã lâu
Tìm thấy sông hóa kén
...

Và đó là tất cả những gì thuộc về “gia tài” của sông đem cho khi gặp biển cuối cùng. Một cuộc hóa thân vào biển “Trọn vẹn huy hoàng như cho thơ”, và “Khi không còn thứ gì để cho, sông như tráng sỹ không còn vũ khí, giáo chủ không còn mật kinh, võ sư không còn bí quyết, sông như nghệ sỹ đã sắm xong vai, một kẻ trắng tay giàu có đo mình bằng kích thước của biển”. Nhìn ra biển để thấu hiểu tận cùng sông cũng là cách nhìn vào nguồn cội của dân tộc mà hiểu tận cùng số phận từng con dân. Đó cũng là cách như sông trao mình cho mênh mông biển:
Sông trao mình cho biển
Như cây trao bóng cho rừng
Về biển thì hết sông
Không về thì không được.

Đó cũng là cách ứng xử đối với biển đảo như cách ứng xử với độc lập, tự do của dân tộc Việt.
Chương sáu: Chương cuối cùng của Trường ca Biển được Hữu Thỉnh đặt tên: Bão biển. Có lẽ sau những gì xảy ra ở Cô Lin, Gạc Ma... báo động cho toàn thể dân tộc Việt nguy cơ về một cơn “bão biển” đang tới gần, gặm nhấm bờ cõi, biển đảo của chúng ta; mưu toan xóa sạch ý chí độc lập tự do, thay đổi biên giới quốc gia của chúng ta:
Bão vò cây gào rít điên cuồng
Tóc của bão là lá cây rách tướp
Tay của bão là sóng thần rợn ngợp
Cả đất trời say sóng ở Trường Sa
Trong bão gió chúng tôi đo Tổ quốc
Bằng đôi tay vượt biển lính xa nhà.

Cuộc đối mặt trước bão là cuộc đối mặt sinh tử, một mất một còn, người lính nói riêng và dân tộc Việt nói chung không có quyền lựa chọn, không cho phép lưỡng lự, không còn chỗ cho sự tháo lui:
Bão bức anh khỏi đảo
Như chiếc đinh bật khỏi con tàu.
...
Như triệu năm quyết liệt quay về
Tìm lại đảo
Một chỗ đứng, một tên gọi
Cả vũ trụ so găng đấu với một mình anh
Nghìn cái chết kéo co với sinh linh bé nhỏ
Tất cả những gì chưa sống nói với anh không thể chết
Tất cả những gì đã chết nói với anh phải sống.

Hữu Thỉnh đã viết chương sáu để kết thúc Trường ca Biển với giọng thơ bi tráng nhất, nhưng cũng oai hùng nhất, khí phách nhất, đó cũng là việc mà cả dân tộc phải làm trước lịch sử:
Bao hiểm nguy con xin lại bắt đầu
Con xin lại bắt đầu từ lời ru trong suốt
Ra sông lấy sóng mà yêu
Đường xa gặp núi lấy đèo mà tin
Con lại lao ra biển
Một chiếc phao thoi thóp bơi đi...

Trường ca Biển có sáu chương. Từ chương một đến chương năm, kết thúc mỗi chương đều có một phần: Lời sóng. Về cấu trúc Lời sóng là một kiểu Đất ru ứng với mỗi khúc như trong trường ca Đường tới thành phố. Nhưng khác ở chỗ: Đất ru là lời ru cho những người lính đã khuất. Sau mỗi khúc, lời ru được kéo dài thêm. Khúc một với 4 câu (Tôi xin làm cỏ ru anh/ Trồng cây ơn nghĩa xung quanh hồn người/ Tôi ru nhẹ bớt mưa rơi/ Sương tan sơm sớm nắng trời rộ mau.), khúc 2 tăng thêm 4 câu thành 8 (Tôi xin làm cỏ ru anh/ Trồng cây ơn nghĩa xung quanh hồn người/ Tôi ru nhẹ bớt mưa rơi/ Sương tan sơm sớm nắng trời rộ mau/ Bên bồi bên lở về đâu/ Bên trong bên đục dài lâu tình đời/ Có anh trong mỗi buồn vui/ Trăng treo gọi trẻ mắt người vào thu), khúc 3 thành 12 câu..., thể hiện sự mất mát ngày một lớn dần theo thời gian cuộc chiến. Còn Trường ca Biển với: Lời sóng 1, lời sóng 2, lời sóng 3... là những khúc ru, những tâm sự bát ngát được mở ra với những âm hưởng khác nhau! ở đây, không phải chỉ ru cho vong hồn những người lính đã chết mà cho cả số phận những người lính còn sống; không phải ru cho người lính xa nhà mà cho cả những người ở hậu phương; không phải chỉ ru cho cái hữu hạn mà ru cho cả những cái vô hình; nó như ngàn lớp sóng vỗ ập òa đập vào vách đảo ngân vang với bao số phận cùng chung số phận với dân tộc. Đó cũng là một dấu ấn của sự tìm tòi, khám phá, sáng tạo, làm mới thơ mà Hữu Thỉnh đem đến cho mỗi chúng ta.
Tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần: Lời sóng, cố hiểu thấu đáo xem Hữu Thỉnh muốn nói gì? Có lặp lại (Đất ru) của chính mình không? Càng đọc, tôi càng khám phá rằng: Lời sóng là nơi đậm đặc những sáng tạo, làm mới thơ của Hữu Thỉnh từ cấu trúc đến ngôn ngữ diễn đạt. Trường ca Biển có 5 Lời sóng, nếu tách riêng từng lời từ 1 đến 5, rồi tập hợp chúng lại với nhau ta có một trường ca hoàn chỉnh với tên: Lời sóng. Đây là một dạng trường ca trong trường ca, có cấu trúc đan quyện, đôn nhau bởi nhiều tầng “sóng cảm xúc” đã có và mới có.  ở đây, ta nghe rất rõ âm thanh trầm hùng của sóng, sự ngọt ngào lắng mặn của biển; những tâm tư của đảo, của đất liền. Thơ biến ảo một cách khôn lường trong sự đa dạng và giàu có về ngữ nghĩa, nó không còn đơn giản chỉ là những câu lục bát uyển chuyển - Cảm xúc bung nở, xếp lớp, hiện đại trong thế “quy cố nhân".
ở Lời sóng 1, với cấu trúc mỗi khổ 2 câu thể 5 chữ (ngũ ngôn). Biển của thi ca, hiện lên với vô vàn lớp sóng ào ạt, nhưng thật êm đềm, bình lặng của những câu chuyện, những truyền thuyết lãng mạn, những giai điệu du dương về tình yêu đôi lứa, về thú vui biển cả, trí tưởng tượng...:
Có bao người con gái
Đến thăm nàng vọng phu.

Biển thành nắng thành mưa
Của đất liền vòi vọi.

Biển thành đêm thành ngày
Nồng nàn trên gối cưới.

Và cả những giấc mơ táo bạo, vươn xa của sức trẻ trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của đất liền:
Em muốn đêm tóc xanh
Buộc đời cho đỡ bão.

Sang Lời sóng 2, cấu trúc thơ đột biến khác thường, không còn tuân theo quy luật. Trật tự cũ bị phá, nhiều thể loại thơ được sử dụng cùng lúc trong sự xoáy trào của tư duy, nhiều thử nghiệm mới được thể nghiệm. Những cố gắng làm mới thơ của Hữu Thỉnh đã mang lại kết quả thật lạ lùng: Cảm xúc khuất, lộ ẩn hiện tinh vi, lay động hơn, tinh tế hơn bằng trật tự ngôn ngữ được sắp đặt lôgíc, tài hoa:
Trời còn bao nhiêu thu             (năm chữ)
Tóc chị thắm làm thót lòng nội ngoại.    (tám chữ)
Hay:
Chị tôi đi thửa hương vòng        (sáu chữ)
Ngậm ngùi trên mộ cũ.            (năm chữ)

Ngay cả khi Hữu Thỉnh sử dụng thể thơ truyền thống thì cũng không còn như "đất ru" thoảng lặng, tê tái mà mạch lạc, quánh đặc hơn, tốc độ hơn, hiện đại hơn:
Hôm nay lúa lại nhen đòng
Chim bay ngược bão hoa trong thiếp mời
Hôm nay tái giá chị tôi
Liền anh cùng với bao người đứng trông.

Và chỉ bằng một câu thơ kết thúc Lời sóng 2 với hai vế không mới, rời rạc “cháu ở lại cùng bà” và “bống bống bang bang”, được một Hữu Thỉnh thấm đẫm dân ca khéo léo kết hợp lại với nhau, “bống bống bang bang” bỗng như  được “vén mây, tẩy trần” trở nên bao la - Câu thơ lạ, ám ảnh, rực chói một cách lạ lùng, khả năng khơi gợi đến vô tận về một câu chuyện bi tráng giữa thời bình, vừa xa xót vừa đậm đặc nhân văn:
Cháu ở lại cùng bà bống bống bang bang
Chuyện chị tái giá - Cuộc sống tiếp diễn cần phải khâu vá lại. Nó vừa vui lại vừa buồn “chim bay ngược bão”! Cũng là việc để lại đứa con nhỏ “cháu ở lại cùng bà”,  là tiếng khóc chông chênh khát mẹ, là lời ru khàn giọng vỗ về “bống bống bang bang” của bà, lúc bổng lúc trầm, lúc thưa lúc mau, vọng đến từ căn nhà tre ba gian giữa trưa hè cháy nắng. Bão thời bình đấy! Chao ôi, ai bảo bão thời bình không nghiệt ngã - Cân bằng được vai này thì chao đảo vai kia, dẹp gọn được ngổn ngang này thì ngổn ngang khác bày ra. Hữu Thỉnh lách vào mọi ngóc ngách đời sống, số phận con người để tìm đến bao dung, Hữu Thỉnh làm mới thơ từ những cái đã cũ, Hữu Thỉnh bay lên từ ngổn ngang những tìm tòi, khám phá... Một cuộc cách tân thơ đầy ngẫu hứng và sáng tạo của Hữu Thỉnh làm sao có thể không say.
Lời sóng 3, là khúc ru Hữu Thỉnh dành nói về chủ quyền biển đảo, chủ quyền đất nước, về tiếng Việt giữa biển khơi xa. Nó là cái gì đó thật thiêng liêng, thật gần gũi, có giá trị lịch sử, giá trị pháp lý, được đo bằng mồ hôi và máu của bao thế hệ cha ông tôn tạo mà có. Nó không phải thứ chủ quyền của những kẻ ăn cướp thường rêu rao kéo theo “màu cờ nhếch nhác”:
Búi tóc dõi chân trời
Đùm nhau qua đói khát
Be bờ và đắp đập
Nước Việt ngoài khơi xa

Đan cài trong thể thơ năm chữ (ngũ ngôn), đôi chỗ biến thể ngắt nhịp theo sự “quẫy đạp” của cảm xúc, Hữu Thỉnh thông qua người lính mang đến những suy tư về gốc rễ, nguồn cội; về quá khứ và hiện tại; về quan hệ giữa biển đảo và đất liền; giữa người trước và người sau... Nhịp thơ đôi lúc biến hóa phá vỡ luật lệ, như lớp lớp sóng liên hồi vỗ vào tâm thức mỗi con dân Việt. Nếu Lời sóng 1 Hữu Thỉnh dùng thể thơ ngũ ngôn khổ 2 câu, thì Lời sóng 3 hầu như cũng thể ngũ ngôn đó nhưng khổ 4 câu, làm tăng hiệu quả chiều sâu suy tư bởi đặc trưng vốn có của thể loại thơ này mang lại: “Nồng nã những cơn mưa/ Mang hồn năm tháng cũ/ Người trước bỗng hiện về/ Qua mảnh sành mảnh sứ”; “Cổ nhân còn đâu đây/ Như vừa ăn dở bữa/ Giáo mác quắt đêm thần/ Nhớ nhà ngồi khâu vá”; “Cổ nhân vẫn còn đây/ Máu chưa lành vết chém/ Mồ hôi vẫn còn đây/ Còn mặn hơn biển mặn”..., nó vừa là lời ru, lời tâm sự lắng kết, thầm thì, vọng nhớ, vừa như nhắc nhở nhau về lịch sử, về trách nhiệm của các thế hệ tiếp nối để “Tổ quốc tròn tên”:
Nổi chìm bao kiếp người
Qua tháng năm sứt mẻ
Cho Tổ quốc tròn tên
Việt Nam
Hai tiếng Mẹ.

 Cảm xúc nhớ nhà của người lính trẻ Trường Sơn năm xưa giữa hun hút đại ngàn - Cái cô đơn thăm thẳm trong phút lặng yên giữa hai trận đánh “Mấy đứa nhớ nhà ngắt ngọn tàu bay” (Đường tới thành phố), dẫu “bần thần”, da diết, khắc nghiệt đến bao nhiêu, người lính Trường Sơn vẫn còn có rừng gần gũi làm điểm tựa, làm phên giậu che chắn, bao bọc mà hy vọng ngày về “Đường chẳng còn dài như vốn nó từng dài/ Suối cứ đổ trong bình minh nõn chuối” (Đường tới thành phố). Còn người lính đảo thời bình dẫu sự sống và cái chết không diễn ra một cách thường trực, nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt. Họ nhỏ bé, cô đơn, trơ trọi giữa biển khơi bao la. Họ không biết lấy gì làm điểm tựa, bao bọc, chở che để chống đỡ bão tố và cô độc ngoài tình thương yêu đồng đội, nỗi nhớ nhà làm phên giậu cho hy vọng đoàn viên:
Trên bãi cát những người lính đảo
Ngồi ghép nhau bao nỗi nhớ nhà
Chiếc áo rộng vài vạt mây hờ hững
Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa
Người sống cô đơn là thế, người chết cũng không kém phần hiu hắt:
Đảo tái cát
Khóc oan hồn trôi dạt
Tao loạn thời bình
Gió thắt ngang cây     

Và kết thúc Lời sóng 4, bằng lời ru lục bát quen thuộc, Hữu Thỉnh đưa ta về trong thế “quy cố nhân” sau những giằng xé, vật vã thế sự:
à ơi tình cũ nghẹn lời
Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh

Lời sóng 5, như một tự thoại, một lá thư, một chút tâm tình giữa người lính đảo với người yêu, người vợ; giữa chị và em; giữa người lính với hậu phương; giữa đảo với đất liền; giữa quá khứ và hiện tại; giữa cá nhân và thời cuộc; giữa những vô vi và những lớn lao... Đó là những số phận hóa thạch, là đất cho đảo, là dư vị làm nên cuộc sống:
Lá đa vắng anh thành chú mèo tam thể
Chú mèo khôn từ thuở lên ba
Dạy con anh
Lúc lên đèn
Không nhìn sang hàng xóm.

Và lá cờ Tổ quốc được anh phất cao, vút lên như “Phất một lá diều” trong nỗi nhớ con, nhớ em, nhớ đất liền... mà làm nên nền móng đảo, giúp đảo trụ vững trước mọi sóng gió cuồng phong. Đảo gần gũi với đất liền, đảo là đất đai của mẹ Tổ quốc. Câu thơ bay lên theo “ba tầng sáo” hóa thạch những dòng sông:
Anh nhớ con anh phất một lá diều
Ba tầng sáo chắc đất liền nghe thấy
Những ô cửa xin đừng khép vội
Đảo nói gì thao thiết giữa không trung

Tiếng sáo diều làm biển bớt mênh mông
Vầng trăng đứng
Tự nghe mình
Lặng lẽ...

Gấp lại Trường ca Biển, tôi vẫn nghe đâu đó tiếng của những người lính gọi nhau trong mịt mù bão cát: “Song Tử đâu? Nam Yến đâu? Sinh Tồn đâu?...”, đó phải chăng là cuộc gọi tập hợp lực lượng của cả một dân tộc trước hiểm họa. Hữu Thỉnh không những mang đến cho thơ sự bứt phá, những tìm tòi, sáng tạo vô giá mà chính anh còn tạo dựng, bồi đắp một đức tin cho mỗi con dân Việt, giúp họ trụ vững trước mọi sóng gió, mưu toan thâm độc của kẻ thù.
                    

Hồ Tây, cuối năm Đinh Dậu 2017
                                 L.Q.S


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 186
 Hôm nay: 364
 Tổng số truy cập: 12919961
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa