Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Trịnh Ngọc Dự - Người thơ lặng lẽ - Lê Văn Vọng
Trịnh Ngọc Dự - Người thơ lặng lẽ - Lê Văn Vọng

Tôi rút tít bài viết này từ những gì hiểu về Trịnh Ngọc Dự ngoài đời và sau khi đọc xong tập “Thơ trên những dặm dài”, nó hoàn toàn khác với điều tôi vẫn thường làm. Không có ý định viết về thơ Trịnh Ngọc Dự, bởi mấy tập thơ anh tặng đã lâu đọc qua rồi xếp lên giá, nay định lục tìm một cuốn sách để đọc giữa lúc những dòng viết trên máy tính đang bị “tắc tị”, tình cờ lại rút được tập “Thơ trên những dặm dài”, anh tặng tôi giữa năm 2017. Thế là cũng gần hai năm rồi, tôi mới đọc lại tập thơ này. Chỉ định đọc lại vài bài, nhưng rồi kéo một mạch đến hết tập lúc nào không hay. 
Tôi thường có thói quen khi đọc một tập thơ hoặc truyện ngắn là nhìn cuối bài xem viết vào lúc nào, qua đó thấy được sức viết và sức sáng tạo, sự trưởng thành trong bút pháp của tác giả. Tập “Thơ trên những dặm dài” của Trịnh Ngọc Dự bài viết sớm nhất được ghi năm 1971, đó là bài "Trên bến Xuân Sơn". Gần đây nhất là trường ca "Con đường nước mắt" - 2017. “Thơ trên những dặm dài” không đề tuyển, nhưng có thể coi đây là một tập hợp những bài thơ tác giả tâm đắc, chắt lọc từ các tập thơ được xuất bản rải rác các năm: “Miền đất trong tôi” (Nxb Thanh Hóa 1987), “Đất đỏ con đường” (Nxb Thanh Niên 1992), “Lời muộn” (Nxb Hội Nhà văn 2009), “Nước mắt con đường” (Thơ và Trường ca, Nxb Hội Nhà văn 2015).
Thơ “Trên những dặm dài” ôm trọn trong lòng 47 năm có lẻ, với 57 bài thơ và 1 trường ca. Dồn nén về thời gian nhưng lại mở ra trước mắt ta một không gian bao la kéo dài từ quê Thanh giàu chiến tích đến Trường Sơn hùng vĩ, ngược lên Lũng Cú, Hà Giang địa đầu đất nước; từ miền xuôi lên miền ngược, có biển có rừng, có sông có núi, có niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc và đớn đau. 
Là một kỹ sư cầu đường, ngay từ những ngày miền Bắc bị máy bay Mỹ ném bom, Trịnh Ngọc Dự đã có mặt trên những cung đường máu lửa Nghệ An, Quảng Bình, những con đường vượt Trường Sơn, nơi được mệnh danh là “túi bom” của địch. Những cây cầu bị bom đánh sập và cả những cây cầu chưa hình thành đang gọi anh. Sau những giờ vật lộn với sắt thép, bê tông dầm trụ cầu ngoài công trường, có chút thời gian nghỉ ngơi ít ỏi anh lại cặm cụi làm thơ, làm một lần không xong, hôm sau làm tiếp. Và cứ thế những bài thơ ra đời ngay chính trên công trường, trong khói bom khét lẹt. Đây: Chúng tôi ra cầu/ Dòng sông đêm như mực/ Qua một ngày nắng gắt/ Qua một ngày mưa bom (Chúng tôi ra cầu), hay: Xe ta đi vi vút ngã Xuân Sơn/ Nay leo dốc vượt đèo Đá Đẽo/ Bảy cây số đường lên vòi vọi/ Núi uy nghiêm dựng một cổng trời (Qua đèo Đá Đẽo). Và: Trên đầu ta chát chúa bom rơi/ Mà giữa hang phút giây yên tĩnh/ Nghe mát lạnh từ lòng đá thắm/... (Trong hang đá). Những câu thơ khỏe khoắn như những trụ cầu đứng vững trong gió mưa, bom đạn. Nó được thai nghén ngay sau những loạt bom, bên mố cầu đang thi công gấp gáp. Sau nhiều chục năm sống trong hòa bình, những câu thơ vẫn như còn vương mùi khói đạn, nó cũng nhắc ta năm tháng hào hùng không thể nào quên trong cuộc chiến một mất một còn với quân thù. Một hiện thực trần trụi, không hề né tránh hiện diện trong những câu thơ. Không tô hồng cũng chẳng bớt xén, Trịnh Ngọc Dự như người ghi chép hiện thực bằng cảm quan một nhà thơ. Và để cảm nhận nó, chúng ta cũng cần đọc trong tâm thế không phải của hôm nay mà ngược về gần 50 năm trước.
Chiến tranh kết thúc, cùng với độ lùi thời gian, cảm xúc của Trịnh Ngọc Dự đã thoát khỏi không khí bom đạn. Vẫn viết về cầu, về đường nhưng không gian những câu thơ trở nên lung linh, nhịp điệu vần thơ trở nên uyển chuyển: Dập dềnh bước, dập dềnh lời hẹn/ Nhịp cầu treo đưa vạt áo tôi sang (Uống rượu với thợ cầu), hay: Nắng đừng rát con đường phía trước/ Phải câu thơ người gửi cho mình (Cửa Hà), và: Đò quen cô gái còn xuống bến/ Mường Lát cầu treo thưa khách đi (Sông Mã phía thượng nguồn) v.v... Khi tái hiện một thời oanh liệt, hy sinh mất mát của các chàng trai cô gái trên mặt trận giao thông, cảm xúc của Trịnh Ngọc Dự như ứa nghẹn: Dưới vệt xe có bạn chúng tôi nằm/ Người đã chết thêm một lần chết nữa (Nước mắt con đường), hay: Chúng tôi đào đất lên/ mười ngón tay bật máu/ Thường ơi, Châu ơi, Hiếu ơi.../ Các bạn nằm đâu? (Nước mắt con đường) v.v...
Viết về cây cầu, con đường, dòng sông... không phải là để tả cảnh mà Trịnh Ngọc Dự muốn mượn “nó” chuyển những thông điệp về sự hy sinh, gian khổ của những người thợ cầu đường thời chiến tranh, qua đó thể hiện tấm lòng sắt son của đồng bào miền Bắc với miền Nam yêu thương, đang ngày đêm giương cao ngọn cờ giải phóng. Cái đặc sắc đến kỳ ảo của thơ là ý tại ngôn ngoại, nói gần để hiểu xa, nói đêm để thấy ngày, nói về cao thượng để nhận ra sự thấp hèn. Bởi thế thơ có cách “đi” riêng để đến với người đọc. 
Là người trong ngành Giao thông vận tải, Trịnh Ngọc Dự đã dành nhiều tình cảm, tâm huyết cho nơi anh đã cống hiến cả thời trai trẻ. Phải là người yêu ngành lắm lắm, Trịnh Ngọc Dự mới có thể viết được hàng trăm bài thơ về cái nghề nghe có vẻ khô khan đơn điệu. Và phải là một người hiểu ngành, trân trọng ngành lắm nên những bài thơ của anh mới đa thanh, đa diện; để rồi khi đọc nó người đọc cũng lây lan tình yêu của anh với những con đường, cây cầu, với những vùng đất còn ít người biết tới. Chỉ riêng trong tập “Thơ trên những dặm dài” này thôi, đã có 13 bài viết trực tiếp về những cây cầu, những con đường. 13/57, một tỉ lệ không nhỏ. Xin được kể tên mấy bài làm chứng: Tình ca thợ cầu, Nhớ một cây cầu, Một lần Mường Lát, Cơn mơ những con đường, Uống rượu với thợ cầu v.v... Trong số 7 tên sách anh đã xuất bản thì có tới 4 tên có chữ “con đường”. Có thể nói Trịnh Ngọc Dự là một trong số ít nếu không nói là hiếm, người đã gắn bó với ngành Giao thông vận tải bằng nghề nghiệp và những trang thơ tâm huyết của mình.
Hiện thực cuộc sống phong phú và không bao giờ nhàm chán, nhưng để biến nó thành chất liệu cho thơ phải qua chọn lọc, chưng cất, phải có lối nhìn phát hiện, biết cách khai quật quá khứ làm giàu thêm cảm xúc. Ngoài mảng thơ về ngành giao thông, Trịnh Ngọc Dự còn hướng cảm xúc tới những vấn đề xã hội, nhân sinh, tình yêu, tình bạn. Sau bao thăng trầm, chiêm nghiệm sự đời, những được mất, thành bại và cả những trở trăn, vật vã về thơ, Trịnh Ngọc Dự đã tự làm mới cho thơ mình khi nhận ra chiếc áo cũ của thơ không còn phù hợp. Anh biết cách đào xới, khai lật những khuất lấp, tìm tới giá trị nhân văn, để những câu thơ chạm tới được trái tim người đọc. Đây có thể coi là giai đoạn thành công để anh gặt hái những giải thưởng xứng đáng: Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2013 cho tập thơ “Gió ở cuối đường”, năm 2018 cho tập "Thơ trên những dặm dài", và Giải thưởng Cuộc thi sáng tác Văn học đề tài Giao thông vận tải do Hội Nhà văn và Bộ Giao thông vận tải phối hợp tổ chức năm 2015, với trường ca “Nước mắt con đường”.
Không chủ trương tìm kiếm sự cầu kỳ trong cấu trúc và uốn éo chữ nghĩa, thơ Trịnh Ngọc Dự dễ đọc, dễ cảm. Giản dị câu chữ, trong sáng về nội dung - đấy là con đường ngắn nhất đưa thơ tới trái tim người đọc. Giản dị mà không nông cạn, trong sáng mà vẫn hàm súc, đó là "thơ thứ thiệt" theo cách nói Nam bộ, không phải hàng giả "giả thơ". Bạn đọc ngày nay đủ thông minh để nhận ra đâu là một bài thơ hay, một câu thơ dở. Nhất là trong bối cảnh người người làm thơ, mỗi ngày có cả trăm tập thơ được in ra thì việc chọn đọc lại càng được coi trọng.
“Thơ trên những dặm dài” là tập thơ mang đậm dấu ấn tác giả. Ta nhận ra ở đấy một Trịnh Ngọc Dự chừng mực, kiệm chữ. Một hồn thơ dễ xúc động và không dễ thỏa hiệp. Hồi ức về người cha kính yêu anh viết: Đêm cha kéo vó ngoài đồng/ Cánh cửa gió giật, con không ngủ được. Và: Chiếc roi trên tay cha/ Con nằm chờ, mong được đứng dậy/ Nhưng cha vẫn ngồi giảng giải cho con lẽ đúng sai (Khoảng trống). Lục bát là thể thơ rất dễ biểu lộ tình cảm. Với mỗi chúng ta người vợ luôn là bến bờ bình yên, bước chân lãng tử dù có đi chân trời góc bể rồi cuối cùng cũng phải cập bến. Có lẽ vì thế mà anh mượn nó để ký thác lòng mình với người vợ thân yêu: Câu vui chưa hết mê say/ Câu buồn chưa đến bạc ngày trắng đêm/ May là còn lại có em/ Ta đi trăm nẻo... về bên em rồi! (Tuổi năm mươi).
Trên cuộc đời này không có gì xé nát lòng ta như nỗi đau mất người thân. Khi người con trai yêu quý đột ngột ra đi, Trịnh Ngọc Dự đã thảng thốt và suy sụp; nhưng rồi anh tin là thật vì anh hiểu đấy là cuộc đời, mà cuộc đời thì vô thường và lắm nỗi đau, thân phận con người bé nhỏ và mong manh trước vạn vật, tạo hóa. Lục tìm lại những kỷ niệm về con, anh bắt gặp giò phong lan trên ban công nhà, những câu thơ ùa ra theo nước mắt: Những giò phong lan con treo trên tầng thượng/ Cha chăm sóc mỗi chiều, mỗi sớm mai. Hay: Cha ngắm màu hoa và mùi hương thơm/ Lắng bước con về (Những giò phong lan). Và xa hơn, ngược thời gian về năm tháng ấu thơ trong một lần đưa con về quê ngoại: Mùa phù sa lên, cha vốc nước rửa mặt cho con/ Một đêm thức chờ xe, con lẫm chẫm dưới ánh đèn đỏ quạch/ Đêm sau chiến tranh những người lính trở về (Xa xa bờ bãi sông Hồng).
Nếu có điều gì cần nói nữa ở tập thơ này, tôi nghĩ đó là những bài thơ về bạn bè đồng đội, đó là những cô thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những người thợ một thời cùng chung lưng đấu cật với anh trên "những dặm dài". Đọc, ta thấy được cái tình chân thật, cái tình mặn nồng, thuỷ chung của người thơ thấm đẫm trong từng câu chữ. Nó tạo nên sự cảm thông, chia sẻ với họ trong đời thường, đây: Ngày trở về, những người bạn tôi ơi/ Lận đận sá cầy trên ruộng cũ/ Người bôn ba chân trời góc bể/ Cuộc mưu sinh về lại buổi ban đầu (Người về). Hay: Tôi xa mười năm chiến trường/ Anh mải mười năm đất bạn/ Khoảng cách bây giờ là tôi và anh (Bạn), và: Người đi để lại con đường/ Mình ta đằng đẵng dặm trường... mình ta! (Ta về) v.v..
Viết nhiều về một đề tài (giao thông cầu đường), dù có tài "biến hóa" đến đâu cũng không tránh khỏi sự trùng lặp về hình ảnh và ngôn từ. Đó là điều tác giả bài viết này muốn nhắn gửi tới người thơ Trịnh Ngọc Dự.
Xuất hiện nhiều trên báo chí Trung ương và địa phương nhưng không ồn ào; ngay cả việc dùng tiểu xảo gây chú ý đánh bóng tên tuổi những lúc có thể như ai đó cũng không. Trịnh Ngọc Dự cứ lặng lẽ miệt mài cày xới trên cánh đồng chữ như người nông dân với mảnh vườn của mình. Để rồi từ đó đem lại những mùa vàng bội thu - những đứa con tinh thần anh ấp ủ.
Nhưng chả lẽ vì sự ít lời này mà anh chịu thiệt. Bao mùa kết nạp hội viên (Hội Nhà văn) qua đi chỉ để lại cho anh cảm xúc hẫng hụt. Đoàn tàu mang tên Hội Nhà văn từ lâu anh chờ đợi mỗi năm một kỳ đón khách, khi nhiều người viết sau đã yên vị trên toa, thì Trịnh Ngọc Dự cũng đã vài lần bị rớt lại sân ga. Và con tàu vẫn cứ bình thản lăn bánh. Trịnh Ngọc Dự không khỏi băn khoăn, trăn trở bởi ý nguyện của mình... Lẽ nào cánh cửa lên tàu lại không rộng mở với anh, một người đã dành cả tình yêu, tâm huyết cho thơ ca gần nửa thế kỷ qua? Dù có thế nào anh vẫn cứ ngày đêm lao tâm khổ tứ; anh không buồn bởi anh hiểu đấy là “nút thắt” cuộc đời. 
                          

 Hà Nội, 4-2019
                                  L.V.V


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 126
 Hôm nay: 2405
 Tổng số truy cập: 12908693
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa