Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Liên hoan Nghệ thuật Tuồng và Dân ca Kịch... Dòng nước ấm tụ nguồn! - Cao Giáng Hương
Liên hoan Nghệ thuật Tuồng và Dân ca Kịch... Dòng nước ấm tụ nguồn! - Cao Giáng Hương

Dân xứ Thanh “Câu hò trôi dạt hồn sông...”!
Và dân xứ Thanh, họ không những mê xem nghệ thuật Tuồng và Dân ca Kịch, mà họ còn rất say sưa cùng hát múa Tuồng. Bởi lời ca điệu múa của họ được bồi đắp từ khí trời, hơi đất, của miền quê “Địa linh nhân kiệt” nơi đã sinh ra bao đời vua, chúa, anh hùng hào kiệt, góp phần không nhỏ đã làm rạng rỡ lịch sử nước Nam. Và dân say sưa hát múa Tuồng, còn bởi, họ tự tạo ra sức mạnh để đối đầu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, mà xứ Thanh như được thiên nhiên dành cho phần hơn “nắng xém trời, mưa tối đất và gió bão thì lở núi, tung đồi, băng hoại bản làng, ruộng nương...”. Dân say sưa hát, còn ẩn trong máu một sự kiêu hãnh, mình là hậu duệ của cụ Tổ Nghệ thuật Tuồng Đào Duy Từ. Vì cụ Từ, ngay từ thế kỷ đương thời của cụ, cụ không chịu được sự miệt thị, là con nhà gánh hát “Sướng ca vô loài” của nhà nước phong kiến đất Bắc, nên cụ đã Nam tiến lập nghiệp... Rồi cùng với thời gian nghệ thuật Tuồng đã phát triển như dòng nước ấm nóng, lan tỏa khắp ba miền. Là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc.
Dòng nước ấm tụ nguồn lần này, là sau ba năm từ cuộc thi tài năng trẻ, của nghệ thuật “Tuồng - Chèo” chuyên nghiệp toàn quốc, tại Nhà hát Lam Sơn - thành phố Thanh Hóa. Đến nay, các cán bộ nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công... của 16 đoàn nghệ thuật, của 11 tỉnh thành đại diện cho ba miền đã hội tụ về dự Liên hoan Nghệ thuật Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc, tại Nhà hát Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, từ ngày 11 đến ngày 20 tháng 5 năm 2019 cũng là dịp Thanh Hóa Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. 
Hòa cùng không khí tưng từng của lễ hội, suốt 10 ngày đêm khán giả xứ Thanh đã có cơ hội thưởng thức, với đủ cung bậc tràn ngập âm sắc hùng, bi, ái, ố... của những cảnh diễn, cả về đề tài lịch sử truyền thống dân tộc như: Triết vương Trịnh Tùng, Hoan Lộ, Quan Khiêng Võng, Trung Thần, Chói rạng sơn hà... và không ít vở diễn phản ánh sâu sắc những hiện thực đấu tranh xây dựng và bảo vệ xã hội hiện đại, như: Điều còn lại, Biển động tình người, Tình trong mơ, Cái mẻ kho, Trái tim đàn bà... các vở diễn được tác giả, đạo diễn, diễn viên thông qua nghệ thuật biển diễn sân khấu Tuồng và Dân ca Kịch đã giải mã thành công từ khái quát những vấn đề xã hội, đến những chi tiết của từng số phận nhân vật trong lịch sử với quá trình xây dựng một dòng tộc, một vương triều hay một quan niệm sống, một tình người cao cả...
Khán giả xứ Thanh, cùng gần 500 diễn viên, nhạc công tham dự và thưởng thức nghệ thuật đã tràn ngập cảm xúc trong từng cung bậc, khi thì nín thở, thổn thức theo lời thoại, giọng ca lắng đọng, day dứt. Khi thì bừng lên xao động theo phách trống, nhịp đàn xông trận và khải hoàn... của cảnh diễn. Không khí tưng bừng, tính nghệ thuật lung linh tỏa sáng từ “Thánh đường Nghệ thuật” lan khắp khán phòng và vượt không gian nhà hát đến mọi nơi trong thành phố Thanh Hóa và lưu luyến vấn vương cả vào giấc ngủ của người tham gia và thưởng thức Nghệ thuật...
Sự hòa quyện của “Tác giả - Đạo diễn - Diễn viên - Khán giả” là những yếu tố làm nên thành công cho vở diễn “Tác phẩm Nghệ thuật Sân khấu”. Thành công, đó là, sức mạnh của dòng nước ấm xuyên suốt của mạch chảy không ngừng từ thế hệ này truyền sang thế hệ khác. Một quá trình thăng trầm theo lịch sử phát triển của xã hội. Mà, Liên hoan Nghệ thuật Tuồng và Dân ca Kịch 2019 tại Thanh Hóa lần này như khơi sâu hơn mạch nước ấm trong lòng công chúng yêu nghệ thuật Sân khấu truyền thống dân tộc. Trong tổng kết liên hoan của phó giáo sư, tiến sỹ Trần Trí Trắc - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, thay mặt Hội đồng Nghệ thuật đã nhận xét: “Trong bối cảnh cơ chế thị trường của đất nước hội nhập quốc tế. Với bao biến đổi giá trị sống, giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật... Nhưng bằng sự sáng tạo từ trái tim đến trái tim của các nghệ sỹ tham dự liên hoan, vẫn kiên cường không chịu biến mình thành “hàng hóa”, thành vật phẩm thương mại để trao đổi với thượng đế có tiền, mà mỗi khóe mắt, nụ cười, lời thoại, giọng ca, nhịp đàn, điệu múa... vẫn lung linh, thiêng liêng đậm sắc màu truyền thống nhằm trao truyền cho đời những thông điệp triết lý nhân sinh, nhân văn về làm người rất khó. Và làm nghệ sỹ chân chính càng khó hơn...”.
Làm nghệ sỹ chân chính khó lắm...? Nhưng, là đích đến của người dám dấn thân ôm lấy “Nghiệp - Nghệ thuật” vào thân và luôn mong có vị trí xứng đáng trong lòng công chúng. Từ tiếng vỗ tay hay lời tung hô đúng lúc, đúng chỗ, là tạo sức mạnh tái tạo sức lao động cho nghệ sỹ, để lần sau cống hiến tốt hơn. Dù rằng, một vở diễn hoàn chỉnh để tham gia hội thi, hội diễn, liên hoan... là cả trăm ngày miệt mài lao động sáng tạo Nghệ thuật của một tập thể “Tác giả, đạo diễn, diễn viên...” mà chỉ để có vài giờ trên thánh đường nghệ thuật được cống hiến cho khán giả. Vậy nên, thượng đế dù là người có kiến thức về Sân khấu Kịch, thì sự cảm nhận vài giờ cũng chỉ dừng ở cảm xúc...
Việc đánh giá, liên hoan gửi niềm tin vào Hội đồng Nghệ thuật. Hội đồng Nghệ thuật trước khi xem trực tiếp vở diễn trong liên hoan, thì đã có một quá trình đọc kịch bản và duyệt vở để bàn luận trao đổi với người dựng vở và Ban Tổ chức Liên hoan, nhằm chuẩn xác cho việc trao giải. Tổng kết Liên hoan Nghệ thuật Tuồng và Dân ca Kịch 2019. Ban Tổ chức đã trao 2 huy chương Vàng và 4 huy chương Bạc cho vở diễn và một số diễn viên tham gia đạt huy chương Vàng, Bạc. Với kết quả ấy, theo công luận và ý kiến của những đạo diễn nổi tiếng trong nước tham dự liên hoan đã nhận xét, là một liên hoan “sạch” với sự đánh giá chuẩn và tôn vinh chính xác những cá nhân và vở diễn đạt huy chương. Bởi, ngay cả địa phương đăng cai liên hoan cũng chỉ có giải huy chương Vàng, Bạc cho diễn viên. Phải chăng Liên hoan Nghệ thuật Tuồng và Dân ca Kịch lần này đã đồng hành cùng tiêu chí với luật chơi, luật nghề, không có “vùng cấm”...
Đã hiểu được mình, được ta, khán giả xứ Thanh lại mong có cơ hội được xem lại các vở diễn. Xem để thấu hơn sự đời, sự nghề, và cả những sự tình nghệ thuật đã gửi trao cho đời...
Bao thổn thức với những tính cách, số phận hùng, bi được tạo ra trong sự kiện lịch sử hay hoàn cảnh đã tạo dựng nên sự phát triển tính cách nhân vật, nhằm phục vụ mục đích tối cao của tác phẩm “tính tư tưởng” của vở diễn đặt ra.
Từ cảm nhận của người thưởng thức Nghệ thuật Tuồng và Dân ca Kịch, trong kỳ liên hoan. Viết bao nhiêu cũng không thấu, nhưng tôi nêu vài nét bày tỏ cảm nhận ở hai vở khai mạc và đêm kết liên hoan.
Đó là, giá như nhân vật Triết vương Trịnh Tùng trong Tuồng “Triết Vương Trịnh Tùng”, đạo diễn khắc họa rõ hơn vai trò nhân vật Trịnh Tùng, để tầm quan trọng của vị trí Trịnh Tùng trong quá trình xây dựng triều Lê như tinh thần lịch sử ghi nhận và kịch bản cũng như sử sách đã viết... thì cảnh diễn sẽ gọn và sáng hơn lên giá trị nghệ thuật của vở diễn. Tránh được sự rườm rà, luẩn quẩn của nhân vật trong lời thoại và hành động kịch.
Cũng một chút lặp lại ở “Vụ án Lệ Chi Viên” là, ngoài sự khắc họa nhân vật Nguyễn Trãi và Thị Lộ qua vai diễn chưa xứng tầm với nhân vật lịch sử. Thì phần giải mã oan khuất của gia tộc Nguyễn Trãi đã rõ ràng, mà còn vớt thêm cảnh hồi tưởng về tình yêu sơ khai của Nguyễn Trãi và Thị Lộ, nếu chi tiết hồi tưởng được lồng vào cảnh trước của kịch, thì sự cô đọng, súc tích của vở diễn đậm hơn, kết cấu của vở tăng sự chặt chẽ. Dĩ nhiên giá trị nghệ thuật của vở diễn cũng cất cánh. Và khán giả không có cơ hội ra về lúc cảnh diễn hồi tưởng tình yêu của danh nhân đang cao trào...
Liên hoan Nghệ thuật Tuồng và Dân ca Kịch đã khép lại, nhưng dư âm ngày Hội Nghệ thuật Sân khấu truyền thống dân tộc còn đọng lại trong từng khán giả, người thưởng thức. Và cả những cán bộ nghệ sỹ, diễn viên... người đã cống hiến, được hưởng trọn vẹn những hiệu ứng tích cực về nghệ thuật, về tình nghệ sỹ với công chúng... Với những điều được và chưa được nhưng đều trân trọng nhau, trao cho nhau sự mếm mộ, hướng tới những điều tốt đẹp, trong sáng và cũng là cơ hội giúp nhau hoàn thiện hơn.
Với dân xứ Thanh say mê nghệ thuật Sân khấu truyền thống dân tộc như một khát khao bồi đắp cho năng lượng đời sống tinh thần, nhiều huyện, thị, thành phố trong tỉnh có câu lạc bộ nghệ thuật Sân khấu truyền thống mạnh như: Hoằng Hóa, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Đông Sơn, Nông Cống... Đặc biệt là Hoằng Hóa với: Tuồng Hà Ngọc và Dân ca kịch Bút Sơn được anh em ngành văn hóa Tỉnh tôn vinh là đoàn Nghệ thuật Sân khấu truyền thống dân tộc 2, sau các đoàn Văn công chuyên nghiệp của tỉnh. Với nền tảng ấy, hy vọng dòng nước ấm “Nghệ thuật Tuồng và Dân ca Kịch...” sẽ luôn tụ nguồn như đã hẹn, để cùng nhau dâng lên cụ Tổ Nghệ thuật Sân khấu Tuồng, Đào Duy Từ những đóa hoa nghệ thuật tươi thắm nhất.
                      

 Thanh Hóa, tháng 5-2019
                              C.G.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 148
 Hôm nay: 1663
 Tổng số truy cập: 12907951
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa