Câu hò xứ Thanh - Da diết một nỗi niềm bên sông cổ - Hà Thị Vinh Tâm
Tôi bắt gặp Câu hò xứ Thanh của nhà thơ Hữu Thỉnh trên Tạp chí Xứ Thanh số tháng 5-2019 và cứ ám ảnh mãi bởi tiếng hò sâu lắng, thiết tha trong từng ngôn từ, hình ảnh. Bài thơ đã đánh thức người đọc về ám ảnh văn hóa của người thơ!
Thực sự tôi ấn tượng bởi cách mở đầu bài thơ:
Câu hò xứ Thanh
đi trước anh hai bước
một bước là gió
một bước là em!
Chủ đề bài thơ nằm ngay câu thơ mở đầu: “Câu hò xứ Thanh”. Câu hò là một thể loại diễn xướng nhạc điệu phổ biến trong đời sống Việt Nam từ cổ đại, khởi nguồn từ tập quán sinh hoạt vùng chiêm trũng,... Đó là điệu hồn quê hương xứ sở của cha ông. Trong tương quan với nhân vật trữ tình, câu hò ấy “đi trước anh hai bước”. Vì câu hò ấy là trí tuệ, là tiếng lòng của cha ông, có giá trị khai mở, chứa đựng những triết lý sâu xa về cuộc đời, câu hò ấy dẫn dắt cho anh bước đi! “Một bước là gió/ Một bước là em”, phải chăng đó chính là thiên nhiên, là tình yêu, tình đời đã nâng bước cho anh trên đường đời và gợi mở, nuôi dưỡng cho tâm hồn anh? Hơn nữa, hình ảnh gió gợi sự tồn tại tất yếu, tất nhiên và có sự tác động nhất định (nhanh hoặc chậm, mạnh mẽ hoặc nhẹ nhàng) có sức gợi, sự lay động về tâm hồn còn “một bước là em” gợi sự dịu dàng đầy say mê, mời gọi anh, tạo men say dẫn lối đưa đường cho nhân vật trữ tình. Phải chăng “Câu hò xứ Thanh” - cái nguồn mạch của văn hóa dân gian, của tâm hồn cha ông ấy có sức hấp dẫn, cuốn hút, thấm sâu vào mỗi người một cách tự nhiên và đầy hứng khởi? Mở đầu bài thơ là sự trộn lẫn giữa hư và thực, giữa thực và mơ, giữa có lý và phi lý. Câu hò ấy gọi quá khứ về hiện tại. Đối tượng ở đây là câu hò xứ Thanh. Tác giả dành trọn ấn tượng, cảm xúc, rung động đối với câu hò ấy.
Câu thơ của bài thơ co giãn tự do theo mạch cảm xúc của tác giả, khi thì chỉ có bốn chữ, khi thì tăng lên gấp đôi tám chữ:
“Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng”
Bản thân bài hát là một di sản văn hóa, có sự kết hợp giữa thơ và nhạc, không chỉ phản ánh hiện thực mà còn phản ánh tâm hồn của người hát. Câu thơ thứ hai giãn ra để khơi mạch cảm xúc, mở ra một thế giới thơ phong phú. Điều đặc biệt chính là tác giả không trực tiếp giãi bày cảm xúc mà tâm trạng ấy được ánh xạ qua một câu hát dân ca gợi sự gian truân, vất vả và sự chăm chỉ, chịu khó của người dân cày. Phong vị dân gian thấm đẫm từ dòng mở đầu mang tính khái quát nhưng giàu sức gợi: Câu hò xứ Thanh đến câu thơ trích nguyên vẹn câu hát dân ca này: “Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng”. Câu dân ca là một di sản văn hóa không chỉ thể hiện gợi niềm thương mến, đồng cảm với người dân cày của nhân vật trữ tình. Câu hát ấy thấm sâu một cách tự nhiên trong tâm hồn mỗi người con quê hương xứ Thanh, bởi thế “Câu hát như không” mà: Rủ rê nước mắt. Phải chăng có sự xót xa, thương cảm tận cùng của người thơ? Hình ảnh thơ vụt lớn dậy một cách mạnh mẽ, đầy xúc động: Ai như là lệch biển phía Sầm Sơn! Hình ảnh so sánh bất ngờ, độc đáo tạo thành điểm sáng cho bài thơ. Nhắc đến Sầm Sơn người ta nghĩ đến xứ Thanh. Điều quan trọng chính là tác giả không chỉ khéo léo nhắc đến địa danh nổi tiếng của xứ Thanh mà còn gợi được cả tình cảm vô bờ bến, nặng ân tình của nhân vật trữ tình “ai”. Những dòng thơ trên được cất lên từ miền dân ca tự sâu thẳm đáy lòng, người thơ trở về thực tại:
Thành phố lên đèn,
Nhường trăng về mạn lúa
Không son phấn dễ nhận người quen cũ
Trăng nguyên khôi thuở anh mới lên đòng.
Thành phố về đêm với hình ảnh ánh đèn không đủ níu giữ tâm hồn người thơ, người thơ chỉ nhớ đến ánh trăng trên cánh đồng lúa yên bình. Tác giả đã rất ý nhị khi dùng từ “nhường”. Phải chăng đây là cách ứng xử hiền hòa, đầy tính nhân văn mà Hữu Thỉnh luôn hướng đến? Câu thơ giàu tính triết lý được thể hiện qua những ngôn từ mộc mạc như một lời tâm sự chí tình của “cố nhân”: Không son phấn dễ nhận người quen cũ. Hình ảnh “trăng” tiếp tục xuất hiện. Nếu ở câu thơ trên, trăng đưa nhân vật trữ tình chìm trong không gian quá khứ bình yên thì “trăng” ở câu thơ này bỗng hóa thành một thời quá khứ “nguyên khôi” - là tình yêu đầu đời như dải ánh sáng trong trẻo, tinh khôi, nguyên lành “thuở anh mới lên đòng”. Hình ảnh thơ giàu sức gợi và đầy sự liên tưởng đẹp gợi về thuở chàng trai bắt đầu bước vào thế giới tình yêu mơ mộng, đầy hương sắc, đầy hy vọng, mong ước, đầy hăm hở, rạo rực! Đó là câu thơ giàu ấn tượng, mang tính trực giác, thể hiện một tâm hồn thơ nhạy cảm, tinh tế khi nắm bắt và diễn tả nỗi niềm của chàng trai thuở ban sơ.
Cả bài thơ liền mạch, không có dấu chấm ngăn cách mà chỉ có ở cuối bài để kết thúc bài thơ. Hai khổ thơ trên là hai đoản khúc tâm trạng, sau mỗi khổ kết thúc bằng dấu chấm than như là một cung bậc cảm xúc được đẩy lên đến tận cùng. Kết thúc khổ thơ thứ ba là dấu phẩy để tạo đà cho nỗi niềm cảm xúc kết đọng ở cuối bài thơ:
Câu hò xứ Thanh
rượu mộc rót tràn bên sông cổ.
Tất cả đều kết đọng ở đây. Nhân vật trữ tình cuối cùng chỉ có bên mình “Câu hò xứ Thanh” và chén “rượu mộc rót tràn”. Mở đầu bài thơ, mở ra thế giới nội tâm của người thơ bắt đầu từ “Câu hò xứ Thanh” và khép lại thế giới thơ ấy cũng chính là câu hò ấy. Kết cấu tưởng như vòng tròn, khép kín mạch cảm xúc ấy nhưng hóa ra lại không phải thế. Điều tạo dư âm của bài thơ không chỉ là âm thanh của câu hò đậm hồn cốt xứ Thanh và cái men nồng say của chén rượu mộc mà còn là ở hình ảnh “sông cổ” chứ không phải một dòng sông cụ thể được gọi tên. Kết thúc nhưng lại gợi mở, đó là dòng sông của một bề dày truyền thống kết đọng trầm tích văn hóa bao đời của xứ Thanh. Dòng sông trầm tĩnh, cổ điển nhưng lại ẩn chứa sức mạnh tinh thần, niềm tự hào của người con xứ Thanh. Hơn thế, rượu mộc rót tràn là một bầu tâm sự về dòng sông cổ ấy! Kết thúc bài thơ rồi mà người đọc cứ thổn thức, cứ rưng rưng bao nỗi niềm còn nặng trĩu của người thơ!
Với tôi, những dòng thơ của Hữu Thỉnh lúc nào cũng đẫm triết lý nhân sinh, giàu nội lực, có sự kết hợp của nguồn mạch tâm linh và truyền thống dân tộc! Lý Hoài Thu đã thật xác đáng khi nhận ra: Thơ Hữu Thỉnh “có sự kết hợp giữa phẩm chất dân tộc và tính hiện đại, giữa chiều sâu triết lý và độ xúc cảm tràn trào, giữa sự hiền hòa lắng đọng và mãnh liệt sục sôi, giữa khả năng viết những tác phẩm trường ca dài và thơ trữ tình ngắn”(1).
H.T.V.T
(1) http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c183/n5779/Tho-Huu-Thinh-mot-huong-tim-toi-va-sang tao-tu-truyen-thong-den-hien-dai.html