Thao thiết cùng biển - Vài suy nghĩ về thơ Đinh Ngọc Diệp - Trần Hiệp
Quen biết Đinh Ngọc Diệp đã ngót nửa thế kỷ, đọc khá nhiều thơ anh, nhưng không hiểu vì sao mãi đến bây giờ tôi mới nghĩ rằng: nên viết một cái gì về nhà thơ này.
Những ai đã từng ở thành phố Thanh Hóa từ cuối những năm 70 và hàng chục năm sau đó của thế kỷ XX sẽ không quên được chàng trai gầy gò, cao lêu nghêu, trên đầu cái mũ kè rộng vành, dưới chân đôi dép lê, lững thững cuốc bộ trên các con phố và thế nào cũng nhập vào một nhóm nào đó của anh em báo chí, văn nghệ sĩ xứ Thanh. Anh lẳng lặng ngồi giữa âm thanh ồn ào của mọi người, tủm tỉm cười cho đến mãn cuộc. Nói lại những kỷ niệm ấy bởi đọc thơ anh tôi thấy rất hợp với tính cách ấy, âm thầm, lặng lẽ mà sâu lắng.
Đinh Ngọc Diệp viết về rất nhiều đề tài, nhưng tôi có cảm tưởng anh là người luôn thao thức cùng biển. Điều rất lạ, anh không phải người miền biển, không làm nghề biển, mặc dù anh thường trú ở Sầm Sơn. Đinh Ngọc Diệp sinh ra và lớn lên ở cái nôi cách mạng - xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, nhưng không hiểu vì lý do gì anh đã dạt xuống đây sống mấy chục năm ở nơi đầy sóng gió này.
Với công việc của mình, tôi có vài ba chục năm theo dõi về nghề biển, tôi hiểu tương đối tường tận về cuộc sống và nghề nghiệp của nhân dân ven biển Thanh Hóa suốt chiều dài ngót trăm kilômét, trong đó có vùng Quảng Tường, Quảng Cư, Quảng Tiến, Quảng Sơn - Sầm Sơn. Đó là cái nghề rất nguy hiểm, giữa mênh mông biển cả, một con thuyền, một cánh buồm, những mái chèo với những con người chống chọi với sóng to, gió lớn bất cứ lúc nào, rồi còn quân giặc quấy nhiễu ngoài biển khơi, bây giờ thì khác nhiều rồi, thuyền được lắp máy đẩy, có bộ đàm nắm bắt thời tiết. Thế nhưng thơ Đinh Ngọc Diệp không lên gân, lên cốt mà lặng lẽ nói lên cái nỗi niềm nghĩ suy về biển và khắc họa cái đẹp của biển.
Để còn biển
Cho ta
Không vướng mắc lứa đôi nào thuở trước
Chợ thời gian khấp khểnh chuyện đời.
(Em và biển)
Sinh ra: cát mặn
Trở về: mảnh chai
...
Tôi nhặt mảnh chai
Chiều muôn dặm cát lầm
(Cát)
Viết về hùng khí của biển anh cũng nhẹ nhàng, không đao to búa lớn mà trầm tĩnh như khi viết về ruộng khoai, đồng lúa. Trong bài thơ làm tặng một nhiếp ảnh gia Hải Phòng, anh viết:
ùm xuống biển là thân tàu hạ phóng
Sầm Sơn - em...
Đâu sắt thép triền đà
Nghìn búp ngực xếp tường thành đẩy sóng
Anh vỡ òa, biển lắng dư ba.
(Gặp biển)
Trong bài làm tặng một nhà thơ - họa sĩ Hà Nội anh viết:
Biển cách một tầm tay, anh như người chạy sóng
Để tự mình lắng đọng những buồn vui.
Sầm Sơn đó mấy mươi năm trở lại
Anh ghé thăm tôi - tôi xơ xác thân gầy
Trong phối cảnh phố phường hiện đại
Bức tranh đầy ắp phố, phố không tôi.
Khi miêu tả về bức tranh đá và sóng, đây phải chăng là biển và dãy Trường Lệ thơ mộng, Đinh Ngọc Diệp cũng thư thái viết:
Sóng vô tư, núi đá vô tình
Sóng ca hát, đá im lìm dáng đá
Sóng hồn nhiên bọt tung trắng xóa
Và hãy chờ khi đá gọi
Tình yêu.
Đến như khi viết về Trường Sa, một đề tài được nhiều văn nghệ sĩ hòa vào tình cảm nhân dân với các chiến sĩ canh giữ đảo xa của Tổ quốc với những dòng văn, câu thơ thao thiết, thì Đinh Ngọc Diệp cũng chỉ từ tốn, bình tĩnh mà mô tả:
Anh theo đội Hoàng Sa ra đảo
Đảo gặp người theo kiếp cơm rơi
Nay mẹ vẫn yêu con bằng gạo mới
Đảo long lanh kết ngọc ở chân trời.
(Tổ quốc ở Trường Sa)
Khi viết về vẻ đẹp của biển, ngòi bút của Đinh Ngọc Diệp có vẻ tung tẩy hẳn lên:
Ai biết chiều nay xanh đến thế
Biển và trời như lẫn vào nhau
(Biển xanh - cánh buồm)
Trên bản đồ như nắm tấm vung ra
Quần đảo Trường Sa - chuỗi ngọc ngoài xa tít
...
Đảo long lanh kết ngọc ở chân trời
(Tổ quốc ở Trường Sa)
Chập choạng lên bờ, biển cạn đi một ít
Lại đầy hơn, tím ngắt cuối chân trời.
Nơi bờ cát anh hôn cành phượng rớt
Anh và màu hoa đỏ lạc trùng khơi.
(Gặp biển)
Cát biển mặn trăng gió lùa qua tóc
Sướng cùng ai? Trăng gợn u hoài.
(Một mình ở biển)
Phải là người quan sát kỹ và tinh tế, phải là người gắn bó với những bờ cát và con sóng, mà hai thứ này ở biển là vô cùng, mấy người hằng đoái tưởng, Đinh Ngọc Diệp đã đưa vào thơ rất thật và cũng rất mộng mị:
Biển rút xa, em lún dần trong cát
Tiếng gọi anh sóng đợi phía trăng mờ
Bên kia địa cầu anh cũng chìm xuyên cát
Trồi sau em... cho sóng gối chân bờ
(Xuyên)
Và, một lần đến với Lạch Bạng, một cửa lạch rất gần với nhà máy lọc hóa dầu ở khu kinh tế Nghi Sơn, Đinh Ngọc Diệp - một nhà thơ không biết uống rượu mà cũng say vì vẻ đẹp của biển nơi đây:
Trăng chưa lên. Sông bỗng hóa con thuyền
Ba bốn bóng say, núi Du thành cá ngủ
Cốc rượu đầy bốc núi nhắm thành thơ...
Càng chông chênh khi thuyền neo lại bờ
Càng ngật ngưởng khi nào rượu hả
Anh với con đò đắp trăng nằm ngủ
Tiễn mình tôi về bến cuối cùng
(Lạch Bạng, Đêm...)
“Cốc rượu đầy bốc núi nhắm thành thơ” và, “Anh với con đò đắp trăng nằm ngủ”, chỉ có trong cái say của thi nhân mới nẩy ra được cái ý thơ lạ lùng mà lắng đọng ấy.
Tôi không có ý định làm công việc của một nhà phê bình văn học, triết luận về thơ Đinh Ngọc Diệp mà chỉ muốn nói lên cảm nhận của một người đọc về nỗi niềm trăn trở đến thiết tha, thao thức cùng biển của Đinh Ngọc Diệp. Anh đã in năm tập thơ và luôn có thơ đăng trên các báo, tạp chí văn học ở trung ương và ở nhiều tỉnh thành đem đến cho người đọc những cảm nhận về thơ mới lạ, mềm mại như tính cách con người anh. Chắc chắn chúng ta còn được đọc nhiều thơ của Đinh Ngọc Diệp với những tứ và ý thơ mới lạ mà sâu lắng hơn.
T.H