Dấu ấn văn hóa Chăm, Hương đại lại - TS. Hoàng Minh Tường
Tống Sơn xưa, Hà Trung nay là miền đất phát tích của hai vương triều Hồ và Nguyễn trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Hương Đại Lại, nay thuộc xã Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa là nơi sinh ra Hồ Quý Ly (1336-?), một nhân vật có những cải cách tiến bộ trong lịch sử Việt Nam đã dựng nên triều đại nhà Hồ. Trong hơn 30 năm phục vụ nhà Trần và 7 năm đứng đầu bá quan văn võ triều Hồ, Hồ Quý Ly đã đưa ra hàng loạt những chủ trương cải cách trọng đại. Hồ Quý Ly không chỉ nổi tiếng với những chính sách "vạch thời đại" về các lĩnh vực chính trị, kinh tế mà về văn hóa, Hồ Quý Ly thể hiện chủ trương phát huy văn hóa dân tộc. Ông là vị vua Việt Nam đầu tiên quyết định dùng chữ Nôm để chấn hưng nền văn hóa dân tộc, bài bác tư tưởng nho sĩ Trung Hoa. Năm 1392, Hồ Quý Ly soạn sách ''Minh đạo'' phê phán Khổng Tử, chê trách các nhà Tống Nho, cho dịch các kinh, thư, thi. Chính ông đã biên tập thiên "Vô dật" từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ để dạy vua và con cái nhà quan, làm sách Quốc Ngữ Thi nghĩa (giải thích Kinh thi bằng Quốc ngữ), bỏ bài tựa của Chu Tử và viết lại theo ý của mình, soạn ra 14 thiên Minh đạo dâng lên Trần Nghệ Tông. Mặc dù vậy, nhưng Hồ Quý Ly vẫn có tư tưởng "mở" qua tiếp xúc và giao lưu văn hóa với các nước lân bang mà cụ thể là Chiêm Thành. Suốt thời gian từ 1380 đến 1401 trong những lần cầm quân chinh phạt và chống lại sự tấn công của Chăm Pa vào Đại Việt, trong quá trình tiếp xúc ấy, văn hóa Chăm không chỉ in dấu chốn kinh thành Tây Đô của vương triều Hồ mà còn hiện hữu nơi miền đất Đại Lại quê hương ông.
Đại Lại vào thế kỷ XIII nằm giữa dòng sông và dãy núi cùng mang tên là Đại Lại, phong cảnh hữu tình. Trần Nguyên Đán (1325-1390) đã từng đến Đại Lại và có thơ ca ngợi cảnh đẹp vùng đất này như sau:
Tống Giang thủy hiệp ba thanh tiếu
Đại Lại sơn không thảo sắc thiên
(Nước Tống Giang sóng reo nhè nhẹ
Núi Đại Lại cỏ mọc xanh xanh)
Đại Lại - quê hương của Hồ Quý Ly, vùng đất từ phía Tây huyện Hà Trung đến Đông - Bắc huyện Vĩnh Lộc thời bấy giờ không chỉ là miền đất tụ cư, phát tích của các vương triều, khanh tướng, mà còn là nơi hiểm yếu thời loạn. Chính Đại Lại luôn là nơi lui tới của các vua nhà Trần với người họ Lê và dòng dõi viên quan Lê Huấn ở địa phương này. Vua Trần Minh Tông (1300-1357) đã lấy hai bà họ Lê ở hương Đại Lại làm vợ, mà Quý Ly đều gọi bằng cô. Hồ Quý Ly cũng phát lộ tài năng và khẳng định vị thế của mình qua những lần tiếp xúc với vương triều Trần từ đất quê mình.
Trong lịch sử, sự ảnh hưởng của văn hóa Đại Việt với văn hóa Chăm và ngược lại đã từng diễn ra qua các cuộc hành binh tiến về phương Nam của Lê Hoàn, các vị vua nhà Lý, Trần, Hồ... và Chăm Pa do Chế Bồng Nga đầu binh cũng đã từng ba lần từ phương Nam kéo vào Thăng Long đối đầu với quân tướng của Đại Việt. Hồ Quý Ly trong các năm 1380, 1389, 1399... đã nhiều lần cầm quân chinh phạt Chiêm Thành. Trong quá trình diễn ra sự tiếp xúc giữa Đại Việt và Chăm Pa từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV phần lớn là các cuộc đụng độ về quân sự, cùng với nó đã diễn ra sự giao lưu về văn hóa nghệ thuật giữa hai quốc gia láng giềng này. Trên đất Đại Lại, tỉnh Thanh, bằng chứng là triều Trần và triều Hồ nhiều lần đã mang theo hàng binh Chăm về Đại Việt và xứ Thanh để khai khẩn đất đai, lập ra các đồn điền vùng trung du và xây dựng các công trình kiến trúc, thành quách, lăng mộ... Thời Lý, giữa Đại Việt, Chăm Pa và các nước lân bang thường thăm viếng, qua lại lẫn nhau như văn bia chùa Linh Xứng xã Hà Ngọc ghi việc xây chùa (1085-1089) này để: "thức tỉnh kẻ u mê, phá tan niềm hôn tục" và để cho các nước lân bang như "Hoàn Bang, Chân Lạp xa tới mà quỳ gối ngắm xem, hoặc nước lạ phương xa quy phục mà cúi đầu dập trán". Thông qua các cuộc tiếp xúc về quân sự, chính trị, ngoại giao ấy mà ảnh hưởng và tiếp thu văn hóa Chăm trên đất Đại Lại diễn ra khá sâu sắc. Những ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật Chăm lưu dấu ấn tại Đại Lại - đất quý hương của Hồ Quý Ly, nay thuộc xã Hà Đông (Hà Trung) và Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) thể hiện khá rõ tại một số di tích tôn giáo và kiến trúc nghệ thuật.
Chùa Hoa Long có niên đại thời Trần ở thôn Trung, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc. Đáng chú ý là trong chùa có bệ thờ có kiểu dáng thường gặp trong các đền tháp người Chăm, chỉ khác thay bằng bệ được làm từ đá sa thạch Chăm Pa là đá xanh Thanh Hóa. Bệ thờ Phật chùa Hoa Long hình chữ nhật, dài 3,1m; rộng 1,1m; cao 1,1m được chia thành hai tầng. Phần chân bệ thờ tiếp giáp với mặt đất trang trí hình sóng nước, lớp trên là đồ án những dây cúc leo uốn lượn nhịp nhàng theo hình sóng, mỗi khúc uốn trổ ra một mắt lá có tay leo theo thế hồi văn. Đồ án trang trí cúc dây ở bệ thờ là lớp chuyển tiếp từ sóng nước đến cỏ cây thiêng và tiếp đến là hình các vũ công múa thờ dâng Phật, bốn góc của bệ thờ có bốn chim thần Garuđa hai cánh giang rộng, chân trụ vững, hai tay giơ cao đỡ tòa sen nơi ngự của Phật. Hình ảnh các thiếu nữ được chạm công phu, tràn đầy sức sống với bộ ngực căng tròn, bụng nở, bắp đùi thon thả, trang phục mỏng, mềm mại theo bước nhảy, hai chân khuỳnh ngang một chân trụ vững, chân kia nhón gót như đang quay tròn theo nhịp quay của thân và tay, nếu bỏ đi lớp xiêm áo thì phù điêu này giống như các bức tượng vũ nữ Chăm các đền tháp cổ. Phía trên cùng của bệ thờ là những lớp cánh sen mở ra, lớp này chồng lên lớp khác dâng đỡ phật đài. Trên mỗi cánh sen đều chạm một bông hoa gắn với tích của Phật rất tinh xảo. Bệ thờ chùa Hoa Long khá gần gũi với kiểu dáng và họa tiết chạm khắc bệ thờ Trà Kiệu hiện trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Điều đó cho thấy dòng chảy nghệ thuật Chăm hòa quyện vào nghệ thuật Việt, tạo nên sức sống mới qua khiếu thẩm mỹ và sự sáng tạo của các nghệ nhân dân gian ở hương Đại Lại.
Cũng tại chùa Hoa Long còn bắt gặp ở gian chính của tòa Thiêu hương hình 2 tiên nữ mặt người, mình chim với hai cánh giang rộng như đang vút bay, múa lượn trong không gian linh thiêng thờ Phật. Hình tượng này chính là hình ảnh của Nữ thần đầu người mình chim - Kinnari được điêu khắc trong các đền tháp Bàlamôn giáo Chăm Pa. Phía bên phải của tòa Thiêu hương còn có bức chạm gỗ nhạc công gẩy đàn, ngồi trên mình bò. Nhạc công gương mặt hồng hào, mắt lim dim, cổ có ngấn, tai dài như tai Phật. Nhạc công tay trái ôm lấy bầu đàn hình chữ nhật, cần đàn vươn cao và cuộn lại phía chót đỉnh, tay phải nhạc công hơi khuỳnh, tấu lên khúc nhạc thiêng. Hình ảnh nhạc công cỡi bò tấu nhạc chùa Hoa Long này rõ ràng có sự giao thoa văn hóa, tôn giáo giữa Chăm Pa và Đại Việt. Bức chạm nhạc công gẩy đàn ở chùa Hoa Long chính là phiên bản hình ảnh thần Shiva cỡi bò Nandi của người Chăm đã được các nghệ nhân tái hiện tại ngôi chùa cổ ở hương Đại Lại này. Không chỉ mô tả các hoạt động âm nhạc, về những điệu múa thiêng vẫn còn hiện hữu ở bệ thờ với hình chạm 8 thiếu nữ duyên dáng, uyển chuyển, hai tay giơ cao ngang đầu, lòng bàn tay để ngửa, say mê trong vũ điệu hát múa dâng Phật. Năm ngón tay búp măng nõn nà, mềm mại thể hiện năm hoạt động của vũ trụ: Sáng tạo, Bảo toàn, Phá hủy, Hóa thân, Giải thoát... các trinh nữ dường như đang từ bệ đá bước ra nhập vào cuộc sống trần tục... Những hình ảnh sống động và kỳ bí ấy qua mỗi nét chạm của nghệ sĩ dân gian, rất gần gũi với các vũ nữ Apsara trên đài thờ Trà Kiệu. Một biểu tượng Chăm Pa ở chùa Hoa Long nếu không để ý thì rất dễ bỏ qua, đó là hình hai con sư tử chỉ tạo tác phần đầu và bờm, thân mình ẩn vào khối gỗ là ngạch ngang của cửa chính bước vào tòa Thiêu hương. Hai sư tử miệng mở rộng, hai mắt tròn trông rất ngộ nghĩnh, lông trên trán và bờm xoắn tròn tựa "bụt ốc"... Hình tượng sư tử canh giữ đền tháp này khá phổ biến trong các kiến trúc tôn giáo của người Chăm và đã được nghệ nhân dân gian người Việt thổi hồn để trở thành sư tử chùa Hoa Long thân thiện, hiền lành và có phần ngộ nghĩnh.
Tại đất quý hương Đại Lại, sau khi Trần Nghệ Tông mất (1395), Hồ Quý Ly thấy nhà Trần đã suy yếu, nhớ lời của Thượng Hoàng: "sau khi trẫm chết, quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua" (Theo Đại Việt sử ký). Với sự nhìn xa trông rộng, ông đã tính đến sự chống đối của các thế lực trong nước và nhà Minh mượn cớ can thiệp, nên đến năm 1397 sau khi cho viên Lại bộ thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh vào Vĩnh Lộc để đo đạc xây thành Tây Đô làm hậu cứ, năm sau Hồ Quý Ly cho dựng cung Bảo Thanh ở hương Đại Lại quê mình, ép vua Trần Thuận Tông (1378-1399) dời đô từ Thăng Long về đây, rồi nhường ngôi cho Thái tử An, từ bỏ quyền hành và tu dưỡng tại cung Bảo Thanh, còn gọi là Ly cung. Năm 1400, Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần, dời kinh về thành Tây Đô và nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương. Hán Thương cho lập miếu thờ tổ phụ ở Đại Lại và muốn giữ ngai vàng, quê tổ bền lâu, như ý câu thơ của vua Trần Nhân Tông năm 1288: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã. Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá. Non sông ngàn thuở vững âu vàng), nên năm 1403 Hán Thương cho đổi tên Đại Lại thành Kim Âu. Vì thế về sau mới có tên gọi xã Kim Âu, núi Kim Âu, sông Kim Âu, chùa Kim Âu...
Từ giữa năm 1398 đến đầu năm 1400, Đại Lại trở nên đế đô tạm thời của nước ta và Hồ Quý Ly cũng là tác giả các công trình kiến trúc của kinh thành này. Theo sử sách cho biết thì cung Bảo Thanh là một công trình kiến trúc lộng lẫy, nguy nga, chiếm một diện tích vài ngàn mét vuông, nằm gọn trong thế tay ngai của núi Đại Lại. Trải qua thời gian 600 năm cung Bảo Thanh nay chỉ còn nền móng và gạch đá còn sót lại, tuy vậy quan sát kỹ trên nền điện với những di vật còn sót lại vẫn nhận ra đâu đó nghệ thuật trang trí thời Trần với các linh vật tượng đầu rồng, gạch hoa văn rồng ốp tường, hình tháp trang trí trên ngói lá đề... thể hiện rõ nghệ thuật thời Trần. Đặc biệt có một số hiện vật như tượng sư tử, tượng đầu chim, bệ đá hoa sen, trên mỗi cánh sen chạm rồng, chân bệ trang trí dây cúc leo hình sin uyển chuyển, ngói bò nóc chạm hình sư tử... rất gần gũi với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm. Phía Đông Nam của Ly Cung có giếng Ngọc mà dân gian gọi là "giếng Vua" có cấu trúc rất đặc thù của giếng Chăm với việc chọn mạch nước tự trào ở dưới chân núi Đại Lại, nước trong mát và ngọt, kỹ thuật ghép đá và chạm khắc tinh xảo. Chắc chắn trong khi xây dựng cung Bảo Thanh, Hồ Quý Ly đã sử dụng và huy động không ít tù binh và thợ xây dựng, điêu khắc Chăm Pa vốn là sản phẩm của những cuộc bình Chiêm để thi công công trình.
Đình làng Thượng Phú, xã Hà Đông có 5 gian, mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn. Song, rất hiếm gặp trong kiến trúc đình làng tỉnh Thanh là trong ngôi đình này mang hai phong cách điêu khắc khác nhau: nửa ngôi đình phía Đông là kiểu chạm khắc cung đình, nửa phía Tây là điêu khắc dân gian. Đặc biệt với kiểu chạm khắc cung đình, bắt gặp nhiều đồ án trang trí với các linh vật và hoa cỏ thiêng có nhiều chi tiết giống với nghệ thuật chạm khắc trong các đền tháp Chăm Pa.
Cùng với nghệ thuật trang trí, điêu khắc ở cung Bảo Thanh và các công trình kiến trúc tôn giáo, trong cuộc sống gắn liền với phương thức sản xuất nông nghiệp, trên đất Đại Lại còn bắt gặp giếng Chăm rất độc đáo. Cũng ở làng Thượng Phú, cách ngôi đình khoảng 1 km có giếng cổ - dân trong vùng gọi là Xá Kim Sơn, mạch nước ngầm chảy ra từ chân núi Cồm Xá, ngay phía dưới là ruộng lúa nên suốt bốn mùa nước giếng luôn xanh trong, đặc biệt có vị rất ngọt. Từ xưa dân làng Thăng Đường (tên cũ của làng Thượng Phú và Kim Sơn nay), đất "quân vương" triều Hồ mãi tự hào về những sản vật và nguồn nước "danh bất hư truyền" của đất quý hương Đại Lại:
Muốn ăn thịt hoãng, thịt nai
Đem con mà gả cho trai Thăng Đường
Nước Thăng Đường vừa trong vừa mát
Đường Thăng Đường đá lát dễ đi
Cấu tạo của giếng gồm có phần nổi và phần chìm. Phần nổi của giếng là hình tròn được xếp đá núi, kích thước khoảng 1,5m. Bên dưới của giếng có hình chữ nhật. Khoảng giữa đáy giếng và phần gần miệng giếng là những phiến đá kích thước lớn đặt chồng lên nhau, trải rộng làm để xây phần trên bao quanh. Thành giếng được xếp đá mỏng, đáy giếng được ghép bằng các tấm gỗ dày để mạch nước từ dưới đùn lên. Gần với miệng giếng đặt một ống tre lớn thông mắt, khi nước dâng đầy thì theo ống dẫn nước từ trong ra ngoài (nước tự chảy) cung cấp nước uống, tắm giặt và tưới cho ruộng lúa (dân gian gọi là Dọc Xá). Giếng Chăm ở làng Thượng Phú, Hà Đông có từ thế kỷ XIV gắn liền với triều Hồ và đến tận hôm nay vẫn là nguồn nước vừa để sinh hoạt, vừa là nguồn nước tưới cung cấp cho cây trồng của cư dân nơi đây. Trải qua hàng trăm năm nhưng nguồn nước quý giá này không bao giờ cạn, vẫn trong ngọt và không bị phèn. Điều đó phản ánh người làng Thượng Phú xưa đã học được cách làm giếng của người Chăm (hay chính những người Chăm đã xây nên loại giếng này trên đất Đại Lại, xứ Thanh?). Kiểu dáng “miệng tròn đáy vuông” phản ánh tâm thức của người Chăm xưa, khiến ta dễ liên tưởng tới tín ngưỡng phồn thực thông qua việc thờ cúng ngẫu tượng linga - yoni (linga tròn, yoni vuông) khởi nguồn sự sống. Biểu tượng đó có sự tương đồng với người Việt quan niệm về vũ trụ, trời đất, âm dương, cao thấp, cặp đôi: “trời tròn đất vuông”, “dương tròn âm vuông”... Người Việt hương Đại Lại xưa đã biết tiếp nhận cách làm giếng Chăm để phục vụ cho chính mình và đó cũng là minh chứng rõ nét cho sự giao thoa văn hóa của hai dân tộc Đại Việt - Chăm Pa.
Khảo sát và nghiên cứu phương ngữ làng Kim Sơn, xã Hà Đông, Hà Lĩnh và một số làng thuộc huyện Hà Trung... có sự khác biệt trong phương ngữ các làng cổ ở tỉnh Thanh. Ví như đồi núi nhỏ được gọi là "cồm", thì trong ngôn ngữ Việt - Mường cổ cũng không thấy có từ này; hay như giếng nước được gọi là "xạ" như xạ Kim Sơn, xạ Đại Lại nay gọi là xạ Kim Phát...
Về hiện tượng này, một số nhà ngôn ngữ học đã cho rằng phương ngữ của người dân ở các làng trên rất gần với ngôn ngữ của người Chăm, và cũng chính tại những làng này là địa bàn cư trú của người Chăm vào khoảng thế kỷ XIII - XV.
Là vị tướng quyền uy của nhà Trần và đặc biệt Hồ Quý Ly được vua Trần Nghệ Tông hết sức tin dùng, do vậy trong các cuộc bình Chiêm, bắt giữ tôi tớ, thợ thủ công, nghệ nhân Chăm Pa từ phương Nam về Đại Việt thì không gian văn hóa của miền đất Đại Lại từ phía Tây huyện Hà Trung đến Đông - Bắc huyện Vĩnh Lộc đây đó vẫn in dấu văn hóa Chăm Pa.
Chùa Du Anh có từ thời Lý, nay thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tên chùa Du Anh gắn liền với việc vua Trần Nghệ Tông (thế kỷ XII) đưa công chúa Du Anh tới chùa và dưỡng bệnh. Sau khi công chúa khỏi bệnh, nhà vua cả mừng cho mở rộng quy mô chùa vào năm 1270, trực tiếp do công chúa Du Anh đốc công tu tạo và lấy tên công chúa để đặt tên cho ngôi chùa. Đáng chú ý lối vào cổng chùa có tượng sư tử mang đậm nét chạm khắc Chăm. Tượng mô tả sư tử với vóc dáng tròn mập, trán ngắn, mắt lồi có lông hình cúc dây bao quanh viền theo hai bên hàm chạy vòng xuống tới cằm, mũi hếch, gáy có bờm ngắn; môi mỏng, miệng há rộng, hai hàm răng nhe, lưỡi đầy và ngắn. Cổ có bờm bạnh ra kéo dài từ mí mắt đến ức. Cằm trên và dưới có râu hình hoa văn vãn hồi hình chữ S và tựa như hàng cúc dây chạy từ cằm trên xuống cằm dưới, cằm dưới nối với cổ có râu kết thành búi nhỏ quặp ra, cổ đeo một quả chuông hình tròn; từ cổ kéo dài xuống ức là những lớp vẩy tựa như vẩy cá sấu xếp chồng từng lượt theo chiều ngang kéo dài đến nách của 2 chân trước. Vai có bờm trải rộng tới nửa lưng tựa như một tấm sampot khoác từ cổ kéo trùm qua vai. Bốn chân có móng sắc bám chặt vào thớ đá, mặt sau của chân có các lớp vẩy chạy dài cho tới khuỷu. Chân trước bên phải đưa cao một chút quặp chặt viên ngọc bích - ngọc bích trong quan niệm của người Việt biểu tượng cho mưa thuận gió hòa; chân trái hơi thu về phía sau, từ khuỷu đến bàn chân tiếp đất như tiếp lấy nguồn năng lượng dồi dào từ đất; hai chân sau ép vào bụng như dồn nén sức lực để chồm lên bất cứ lúc nào để coi giữ giám sát linh hồn và hành động của những người tới cửa Phật luôn hướng thiện, tìm thấy sự bình an. Đuôi của linh vật được tạo tác to mập từ cuối lưng buông xuống hết mông, lông đuôi dày và mượt, có cảm giác luôn ve vẩy, sống động. Trên mình và chân sư tử phân bố tương đối đều 46 bông hoa bốn cánh với hình chữ thập nổi trên gờ giữa của cánh hoa, đây chính là biểu tượng chữ “Vạn” của nhà Phật được chạm khắc trên sư tử. Việc mở rộng chùa và tạo tác linh vật, trong đó có sư tử chùa Du Anh gắn với vương triều Trần - Hồ trên miền đất Tây Đô cho thấy đã từng diễn ra sự giao thoa văn hóa, tôn giáo giữa Đại Việt và Chăm Pa.
Trong việc chôn cất người chết với hình thức địa táng “thượng sàng hạ mộ” và thi hài người chết quàn trong mộ đá rất hiếm gặp ở Bắc Bộ. ở Thanh Hóa bắt gặp hình thức an táng này ở đình làng Bột (Hoằng Hóa) thờ Tuyên Công - giúp vua Lý bình Chiêm; Trịnh Quốc Bảo - giúp vua Lý Thái Tông đánh tan giặc Chiêm Thành, an táng trong đình làng Triềng, Yên Ninh (Yên Định) và trên kinh đô của triều Hồ, chính tướng quân Trần Khát Chân, người đánh bại tướng Chăm là Chế Bồng Nga, mưu sát Hồ Quý Ly bại lộ và bị hình sử, mộ và đền thờ ngài trên sườn núi Đún Sơn, Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc) cả ba vị tướng bình Chiêm này đều có hình thức địa táng có phần giống với phong tục của người Chăm Hồi giáo: thi hài không cải táng, kiêng đào mộ lên, trên đầu ngôi mộ đặt 2 phiến đá (thế kỷ X, các thương nhân ả Rập đã mang tôn giáo và văn hóa đạo Hồi vào Chăm Pa).
Giao lưu và tiếp nhận văn hóa là một quy luật tất yếu diễn ra không chỉ trong quá khứ lịch sử, đã và đang diễn ra hôm nay mà còn mãi mai sau. Dấu ấn văn hóa Chăm trên miền đất Đại Lại thời Trần - Hồ trải qua thời gian và sự quên lãng của lòng người làm cho nhạt nhòa và rất hiếm gặp, tuy vậy với một số những gì còn sót lại về kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật... nêu trên bước đầu hé mở về sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa giữa Đại Việt và Chăm Pa gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Quý Ly trên đất quý hương.
H.M.T