Ca trù từ dân ca đồng nội đến thính phòng đô thị - Trịnh Hoành
Theo các truyền thuyết thì đã khoảng gần năm thế kỷ nay ở nước ta (nói đúng ra là ở miền Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ) đã xuất hiện và tồn tại một thể loại diễn xướng gọi là Ca trù. Đó là một thể loại ca nhạc gồm ba người diễn: một quan viên cầm trống chầu, một ca nương vừa gõ phách (sinh) giữ nhịp vừa hát và một kép đàn đáy (Đới cầm). Người đánh trống chầu cũng có thể là ông bầu (khi nhà nước phong kiến có hình thức quản lý gọi là trưởng giáo phường) hoặc một vị có chức sắc trong làng xã am tường và yêu thích phường hát. Trống chầu vừa có tác dụng cầm chịch, lại vừa dùng để tán thưởng giọng hát của ca nương khi “quan viên” tâm đắc, và mỗi khi khen thì rút ra một thẻ, chữ Hán là “trù”, vì thế mà hình thức diễn xướng mang tên “ca trù” (sau buổi biểu diễn, ông bầu sẽ đếm số thẻ mà thưởng tiền cho ca nương và kép đàn).
Ca trù là một loại hình diễn xướng đậm chất dân gian nhưng cũng chứa đầy phong thái bác học. Do vậy mà nó đã làm đắm say biết bao thế hệ người nghe từ bình dân cho đến các bậc văn nhân quân tử.
Theo ghi chép trong một số thư tịch cổ, ca trù cùng những thể loại âm nhạc dân gian khác (như phường chèo, phường tuồng bội, ban hí...) đã được triều đình từ thời Lê Sơ lập “Ty giáo phường”, coi giữ, tổ chức thành giáo phường ở các làng xã và chịu sự quản lý trực tiếp của lý trưởng (ở làng) và xã trưởng (ở xã). Mỗi khi làng xã có mở hội đầu xuân hay lễ tế thần linh ở đình làng hay đền miếu, các phường hát được phân công biểu diễn phục vụ, góp vui.
Do tính chất diễn xướng vừa mang tính dân gian vừa có tính hào hoa của ca trù; hơn nữa nó lại nghiêm túc vì quan viên trống chầu, ca nương, kép đàn đáy khi diễn xướng đều ngồi trong một chiếc chiếu và không có vũ đạo gây cười, nên phường ca trù thường được làng xã ưu ái mời đến tham gia biểu diễn mỗi khi tế lễ thành Hoàng ở đình làng hoặc tế lễ các thần thánh ở các đền miếu. Vào những dịp này, phường ca trù thường được biểu diễn tại cửa đình (Cửa đình xưa kiểu tam quan, cửa chính rất rộng có thể trải chiếu ngồi, hai cửa phụ đi lại bình thường), quan viên ngồi trong sân đình và dân chúng ngoài cửa đình đều thưởng thức. Từ đó mà ca trù có tên là Hát cửa đình (Đình môn ca).
Có khi những nhà phú ông hoặc hương chức trong làng xã có việc khao vọng như mừng thọ, lên lão, thăng tiến hay dựng vợ, gả chồng cho con cũng mời phường ca trù đến nhà hát vui, hát chúc. Dân gian gọi đó là hát quan viên. Thậm chí có những nhà quan lại nuôi hẳn một phường ca trù trong nhà để mua vui lúc rảnh rỗi, đó là những gia tộc đang có thế lực trong xã hội. Dân gian gọi đó là phường hát cửa quyền. Qua một số ghi chép cổ (như Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái) chúng ta biết được trong phủ chúa Trịnh thời Thịnh vương Trịnh Sâm có một giáo phường ca trù. Bấy giờ trong phủ có quan Trí phiên liêu Nguyễn Khản (con trai trưởng Đại Tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm và là anh trai Nguyễn Du) quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân xứ Nghệ (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh) là người rất am tường và đam mê ca trù, được chúa Trịnh sủng ái, thường cho cầm trống chầu và điểm thẻ. Nhà Nguyễn Khản ở phố Bích Câu, trong nhà cũng nuôi một phường ca trù, lúc nào cũng vang lên tiếng tom chát, lách cánh, tì tưng của trống chầu, sênh, phách, đàn đáy. Nguyễn Khản không chỉ mê ca trù mà còn sành âm luật nên đặt được những điệu hát mới trong phủ, được các phường hát bên ngoài bắt chước và lưu truyền.
Theo đà phát triển của xã hội, từ cuối thế kỷ XVIII tại các trấn lỵ và kinh thành nước ta hình thành nhiều khu chợ hay những khu dân cư có cửa hàng buôn bán thành từng dãy dọc ngang hình thành các phố liên tiếp trong thị thành. Để thu hút khách mua bán, nhiều nhà hàng (nhất là các quán trà, quán rượu...) đã thuê các phường hát ca trù đến phục vụ hoặc nuôi hẳn họ để kinh doanh mặt hàng chính tốt hơn, hát ca trù ở đây được dân gian gọi là “hát nhà tơ”. Một danh xưng mới cho ca nương ở đây là Đào nương, còn gọi là Cô đào (cũng gọi là ả đào) và lối hát ca trù trong các nhà hàng ấy còn được gọi là “Hát ả Đào” (ả đào hoặc Cô đầu xuất phát từ sự tích cô gái họ Đào làng Đào Đăng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên nay, người đẹp, hát hay có công dụ và giết nhiều giặc Minh được vua Lê Thái Tổ cho lập đền thờ). Các Cô đào (hay ả đào) trong các nhà hàng không chỉ có thanh mà còn có sắc. Bởi thế mới xuất hiện câu “Đẹp như ả đào” mà! Tiếng hát của họ có thể an ủi được cuộc đời, làm cho mọi người xao xuyến đôi khi chết mệt. Vì vậy mà các danh sĩ, văn nhân ưa đàn hát đã tụ tập ở đây để tán thưởng và tìm ý thơ, nét nhạc của một người khách đa tình, và đôi khi còn tạo ra những bản bài mới, giai điệu mới cho hát ả đào.
Theo nghiên cứu của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam, ca trù đến nay đã sử dụng đến hơn 50 thể cách (làn điệu) trong đó có nhiều làn điệu của hát chèo như: Sa mạc, Bồng mạc, nói Sử, hát Ru, hát Giai (tập trung ở làn điệu ả phiền còn gọi là 36 giọng); hoặc của các làn điệu dân ca khác như Trống quân, Chầu văn, Sẩm... Một số làn điệu ca trù cổ như: Nhịp ba cung bắc, Thét nhạc, Bắc phản, hát Chúc, hát Phú, giọng Hãm, Gửi thư... còn đến nay và hoàn thiện phát triển nhờ các văn nhân, nhất là với thể cách Mưỡu - Hát nói, Tỳ bà... Lời hát là những câu thơ lục bát, lục ngôn, tứ ngôn, thất ngôn, bát ngôn... tùy theo từng thể cách có số câu từ 4 đến 11, 15, 19 và có thể dài hơn (như cách Mưỡu - Hát nói, Tỳ bà...).
Có thể kể ra một số tao nhân mặc khách mê hát ả đào và giỏi từ phú đã sáng tác những bài ca trù lưu truyền qua nhiều thế hệ từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX để thấy những đóng góp của họ cho một loại hình diễn xướng ra đời từ dân ca đồng nội đã dần trở thành loại âm nhạc thính phòng bác học bắt đầu từ hát Quan viên, hát Cửa quyền đến hát Nhà tơ và hát ả đào (hay Cô đầu do biến âm Cô đào). Người được nhắc đến đầu tiên là Nguyễn Công Trứ (biệt hiệu Hy Văn) là một người rất mê hát ca trù và giỏi đàn đáy. Ông từng làm kép đàn cho một ca nương ở huyện Nghi Xuân trước khi xuất thế làm quan (sau khi đậu giải nguyên thi Hương) trải qua ba vị vua đời Nguyễn là Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông để lại cho đời đến 60 bài ca trù, trong đó nổi tiếng nhất là “Bài ca ngất ngưởng” viết năm 1848 khi ông cáo quan về hưu, đi chơi chùa mà vẫn đem theo vài Cô đào hát “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì” khiến “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”.
Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến, hiệu Quế Sơn (1835-1909) ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam không nhận chức Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên năm 1884 do thực dân Pháp trao cho đã xin về quê sống thanh bạch và dạy học. Ông viết nhiều bài ca trù đả kích bọn tay sai thực dân và thế sự đương thời, nổi tiếng có các bài “Vịnh Phổng đá” theo thể Mưỡu - Hát nói, đả kích viên kinh lược sứ Bắc Kỳ là Hoàng Cao Khải. Nhiều người thuộc bài “Anh giả điếc” như tâm sự chính ông để tránh sự quấy rầy của nhà đương sự: “Trong thiên hạ có anh giả điếc/ Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây/ Chẳng ai ngờ sáng tai họ điếc tai cày/ Lối điếc ấy sau này em muốn học!...”.
Chu Mạnh Trinh (1862-1905) là người làng Phú Thị, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đỗ tiến sĩ năm 1892 làm quan đến chức án sát tỉnh Thái Nguyên, nổi tiếng văn chương. Ông đã chiếm giải nhất cuộc thi Vịnh Kiều do Tổng đốc Lê Hoan tổ chức tại Hưng Yên (năm 1905). Ông là người rất mê hát ả đào và đã viết nhiều bài hát nói trong đó có bài “Hương Sơn phong cảnh ca” với khổ thứ hai tuyệt hay: “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lửng lơ khe yến cá nghe Kinh/ Thoảng bên tai một tiếng chày Kình/ Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”. Tiếp theo phải kể đến Dương Khuê, hiệu Vân Trê (1839-1902) người làng Vân Đình huyện ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, bạn đồng môn với Nguyễn Khuyến, từng giữ chức Tổng đốc tỉnh Nam Định, khi về hưu được phong hàm Thượng thư (Bộ trưởng nay). Ông là người rất mê hát ca trù, kể cả khi có tang trở. Ông thường lui tới Giáo phường Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội nay) nghe Cô đào Nguyễn Thị Tuyết hát, có lần làm bài “Đào Hồng, Đào Tuyết” ngay tại chỗ, bài hát được truyền đến tận ngày nay. Nhà yêu nước Phan Bội Châu (1867-1940) từ khi còn trẻ đã bày tỏ khát vọng chí khí làm thay đổi giang sơn trong bài ca trù “Chơi xuân”: “Nước non Hồng Lạc còn đây mãi/ Mặt mũi anh hùng há chịu ri!”. Cho đến khi bị tù đày không còn hoạt động cách mạng được vẫn gửi niềm tin vào lớp trẻ qua bài ca trù “Gửi phường hậu tử”: “Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ/ Thiên hạ thùy nhân bất thức quân” (Không còn buồn vì không có tri kỷ, thiên hạ còn người hiểu mình).
Các danh sĩ như Nguyễn Thượng Hiền (1898-1926) đồng hương của Dương Khuê, Hương Sơn cư sĩ Nguyễn Hữu Khanh người xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất và nhiều văn nhân khác mê hát ca trù cũng để lại nhiều bài hát truyền đời.
Nhiều người khi nghe ca trù xong thường đặt câu hỏi: Không biết nó xuất phát từ đâu? Đó là vấn đề tìm xuất xứ (và Thần tổ của ca trù) mà cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên có một truyền thuyết được truyền từ Trung Bộ đến đồng bằng Bắc Bộ có thể gợi ý cho ta (nói đúng hơn cho ta mường tượng dấu vết lịch sử) về vấn đề vừa nêu. Chuyện kể rằng xưa ở làng Cổ Đạm (thuộc huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh nay) có một chàng trai nhà nghèo, ham học, hay chữ nhưng không thích đi thi cử để lấy công danh mà rất mê đàn hát. Chàng gắn bó với cây đàn của mình và hát được nhiều làn điệu dân ca, hơn thế còn đặt được nhiều làn điệu mới như hát thơ thổng, hát dồn, hát nói... (mà đến nay ca trù vẫn sử dụng và dạy cho các bạn hữu nam nữ hát). Nhưng chàng không ưng ý với cây đàn của mình và mong muốn làm một cây đàn có âm réo rắt, có thể nhấn nhá dễ dàng để đệm cho giọng hát. Thế rồi một hôm chàng được hai ông Tiên đến giúp, cho một khúc gỗ và một tờ giấy có vẽ mẫu đàn, bảo chàng cứ như mẫu mà làm thì sẽ được như ý. Chàng Đinh Lễ ấy mừng rơn, ngày đêm pha gỗ làm đàn theo mẫu hai ông Tiên cho và được một chiếc đàn không giống với bất kỳ loại đàn nào chàng đã biết kể cả cây đàn chàng luôn đem bên mình. Đó là một cây đàn có hộp chữ nhật dài 0,30 m rộng 0,18 m dày 0,09 m nhưng không có mặt lưng, cần dài 1,2 m gắn theo chiều dài hộp đàn và được gọi là đàn đáy (Đới cầm). Tiếng đàn có sức hấp dẫn kỳ lạ, chim chóc trên không sà xuống, cá dưới nước bơi lên, cây cối cũng lặng như muốn nghe. Người xung quanh nghe sảng khoái, hào hứng, quên hết lo buồn. Vì tiếng đàn có thể đanh, mềm, bâng khuâng nhờ nhấn nhá, có tiếng đục, tiếng trầm sâu lắng khói mây nhờ có ba dây to nhỏ khác nhau. Vui sướng vì có cây đàn ấy, chàng đã ôm đàn chia sẻ niềm vui với thiên hạ. Chuyện kể tiếp rằng chàng đi đến châu Thường Xuân (Thanh Hóa) nhờ tiếng đàn mà con gái quan châu là Bạch Hoa nhan sắc nhưng bị câm đã lâu phải thốt lên: “Chà! Tiếng đàn hay quá!”. Rồi chàng được quan châu gả Bạch Hoa làm vợ. Vợ chồng cùng học đàn, học hát rất hay. Sau đó vợ chồng lại trở về quê dạy đàn hát cho lớp trẻ trong vùng, khiến Cổ Đạm thành làng ca hát với cây đàn đáy và cái nôi của ca trù.
Truyền thuyết còn kể rằng, một dịp khác vợ chồng Đinh Lễ, Bạch Hoa đi du chơi ở Bắc Bộ và dừng lâu ở làng Lỗ Khê (thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội nay) truyền ngón đàn cùng các điệu hát cho nhân dân làng đó (ngày nay ở Lỗ Khê có nhà thờ Tổ giáo Phường ca trù do hai dòng họ Nguyễn Văn, Nguyễn Thế coi giữ với bản “Ngọc phả giáo phường Lỗ Khê” viết bằng văn tự Hán - Nôm.
Trên đất Hà Tĩnh, làng Cổ Đạm là cái nôi sản sinh ra nhiều Đào nương và kép đàn nổi tiếng, huyện Nghi Xuân với làng Uy Viễn cũng xuất hiện những kép đàn nổi danh như Nguyễn Công Trứ mê ca trù từ khi còn trẻ đến tuổi xế chiều. Hà Tĩnh còn nhiều nơi có giáo phường ca trù nổi tiếng như xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, với họ Phan có nhiều ca nương hát hay và nhan sắc từ thời Lê, Hồng Đức.
Tuy kinh kỳ Thăng Long là nơi tiếp thu lối hát ả đào muộn hơn ở miền Trung nhưng lại là nơi loại hình diễn xướng này phát triển nhanh và lớn nhất sau này (theo Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam thì vào đầu thế kỷ XX, ở Thăng Long đã có tới hơn 8000 Đào nương và nhạc công ca trù). Có thể từ cái nôi Lỗ Khê ban đầu, ca trù đã được nhân thành nhiều điểm mới trong kinh kỳ 36 phố phường. Tại phố cổ Hàng Trống có ngôi đền thờ Đào nương Nguyễn Thị Huệ từng được chúa Trịnh triệu vào phủ cùng với thầy đàn, thầy trống, về sau bị bà Chính phi của chúa ghen mà giết hại. Nơi đây nguyên là thôn Cựu Lậu kéo dài đến tận Tràng Tiền (Hàng Khay bây giờ) có một giáo phường ca trù, trong các ngõ xóm luôn vang lên tiếng phách giòn giã, tiếng đàn đáy bâng khuâng và tiếng trống chầu tom tom, hòa giọng hát ngọt ngào của các Đào nương níu gọi văn nhân.
Về phía tây kinh thành, tại vùng Đống Đa có dòng họ Nguyễn với nhiều Ca nương, kép đàn đáy và người cầm trống chầu nổi danh ở phường Thái Hà. Giáo phường ca trù Thái Hà có tiếng ở Thăng Long từ thời Nguyễn Sơ, đến thời Nguyễn Mạt vẫn còn làm say đắm văn nhân Dương Khuê ở mạn Cầu Đơ (Hà Đông) bởi Cô đào Tuyết. Ngay cả khi Cô đào đang tang trở cho chồng vốn là kép đàn đáy, vị quan máu mê ca trù vẫn ép phải hát cho nghe và còn làm bài hát mới ép hát tiếp: “Nhân vong cầm tai/ Thương chàng Hai mà hỏi lại cô Hai/ tiện đây hỏi một đôi lời/ Đàn bản ấy đã cùng ai so phím cũ?”... và ba câu dồn xếp keo: “Gương ngồi lại hát chơi khúc nữa/ Ai trách chi tang trở chốn bình khang/ Xưa nay nghề nghiệp thế thường”. Đến nay giáo phường ca trù họ Nguyễn Thái Hà vẫn rung nẩy tiếng đàn và vang lên tiếng trống chầu đêm đêm.
Xứ Thanh chắc hẳn là nơi có nhiều giáo phường ca trù với nhiều đào kép nổi tiếng, nên nhà thơ núi Tản, Sông Đà mới viết: “Chốn phòng đất khách cơm tàu/ Con ca xứ Huế cô đầu tỉnh Thanh...” (Thú ăn chơi).
Miền đất Thanh Hóa nhiều nơi còn lưu lại truyền thuyết, dấu tích về ca trù. Từ vết tích do truyền thuyết kể trên đất Châu Thường (nơi vợ chồng Đinh Lễ và Bạch Hoa nên duyên cầm ca) thì Bàn Thạch (xã Xuân Quang, Thọ Xuân nay), sang Phú Lâm (huyện Vĩnh Lộc), đến làng Bái Thủy (xã Định Liên, huyện Yên Định), rồi đến làng Phượng Đoài (xã Trường Trung, huyện Nông Cống), xuống đến làng Phù Liễn (nay là Trường Xuân, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn)... đều tìm thấy vết tích Tổ phường ca trù hay những tay đàn đáy, Ca nương còn lưu danh.
Dấu chân danh sĩ Nguyễn Thượng Hiền (1868-1926) còn lưu trên khắp miền xuôi, miền núi xứ Thanh từ khi ông chối chức Đốc học Ninh Bình - Nam Định sau khi đỗ Hoàng Giáp lúc 25 tuổi (năm 1892) và tâm hồn ông đã thuộc về mảnh đất địa linh nhân kiệt này khi ông viết bài ca trù “Bản tỉnh phong cảnh ca” với câu thơ: “Nhân kiệt địa linh thiên cổ tại/ Cảnh thanh vật sắc tứ thời tân” và kết rằng “Hà địa bất sinh tài?” (Lẽ nào đất ấy chẳng sinh nhân tài?).
Có một thời (vào khoảng những năm 20 thế kỷ trước) các nhà hàng muốn biến các Cô đào thành kỹ nữ tiếp khách làng chơi đã làm cho danh tiếng các Đào nương bị hoen ố và người đời mạn khinh hát Cô đầu, vì thế sau này ca trù bị nhấn chìm (khoảng những năm 60 đến năm 90 thế kỷ trước). Gần đây mới được khôi phục.
Khi ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp (2009) Thanh Hóa là một trong những tỉnh có nhiều câu lạc bộ ca trù (CLBCT) hoạt động góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và bảo tồn vốn cổ dân tộc, trong đó có CLBCT Thành Hạc, Hà Tân (Hà Trung)... là những cánh chim giọng hót dẫn đầu. Nghệ nhân Ngô Trọng Bình chủ nhiệm CLBCT Thành Hạc với cây đàn đáy nổi danh của dòng họ ca trù Nguyễn Thế ở xã Trường Trung, Nông Cống trao lại, vốn xuất thân từ giáo phường ca trù làng Phù Liễn mà phụ thân ông từng giữ chánh quản ca gánh hát nơi đây thời xưa. Bà Nguyễn Thị Kim hậu duệ của phường ca trù Nguyễn Thế có giọng hát vàng được ghi âm lưu trữ ở Viện Âm nhạc Việt Nam...
Trong thời kỳ cận đại, Thanh Hóa có nhiều tụ điểm hát ả đào ở vùng phố thị tỉnh thành như ở Bắc Ga, Quán Giò, Hàm Rồng... đã thu hút nhiều thầy trống, tay đàn, Cô đào, con hát sắc nước và giọng hát sơn ca cùng nhịp phách điêu luyện, ngất ngây làm cho bao tao nhân mặc khách mê hồn... Qua một số ghi chép cũ ta biết được, thời ông Vương Duy Trinh làm Tổng đốc Thanh Hóa đã cùng đồng sự và bạn hữu dựng một Phương Đình (Đình hình vuông gọi là Vọng Châu Đình) ở núi Long Hạm để thỉnh thoảng ngồi bình thơ, ngắm cảnh. Vào tiết trùng cửu (9 tháng 9 âm lịch) năm Thành Thái 11 (1899), Tri phủ phủ Thiệu Thiên là Trần Nhật Tĩnh (hậu duệ Trần Nhật Duật thời Trần) dẫn theo nhiều cô đào, tay đàn, tay trống du chơi và đàn hát mua vui. Tại đây ông đã viết bài “Trùng cửu đăng sơn đắc vũ” (Tiết trùng cửu chơi núi gặp mưa) để các cô đào hát (Nghe nói bài này được khắc vào bia đá dựng ở núi Hàm Rồng, nay bia đã mất, thác bản văn còn lưu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội). Bài ca có đoạn: “...Vọng Châu Đình chớ nghĩ con con/ Hội thượng hạ đăng sơn ngày trùng cửu/ Tịch thượng đào nương ca tiến tửu/ Chúc giang sơn thảo mộc quần sinh...”.
Cuối bài viết này chúng tôi muốn nói tới một ảnh hưởng của ca trù trong sáng tác ca khúc mới đã làm mê hồn người nghe. Gần đây ta được nghe nhiều rô măng có âm hưởng ca trù được phát trên các phương tiện đại chúng các bài: Hạt mưa mùa xuân (sáng tác Trương Ngọc Ninh, ca sĩ Thúy Lan hát), Đất nước lời ru (sáng tác Văn Thành Nho, do ca sĩ Thanh Hoa hát), Một thoáng Hồ Tây (sáng tác Phó Đức Phương, ca sĩ Kim Oanh thể hiện), Một nét ca trù ngày xuân (của Nguyễn Cường do nghệ sĩ Lê Dung hát)... và một số bản nhạc đàn dân tộc của Xuân Khải, Phạm Thái... Có thể thấy rằng "Đất nước lời ru" như một bài ca trù lời mới, bài "Hạt mưa mùa xuân" đằm thắm hơi xuân nhờ có chất ca trù đỉnh điểm, "Một thoáng Hồ Tây" thì thoáng đãng, bát ngá,t mênh mông nhờ đảo ngữ kiểu ca trù... Có thể nói hay nhất là "Một nét ca trù ngày xuân" do Nguyễn Cường viết sau một chuyến thực tế ở xứ Thanh. Bài ca có cách lặp tính từ kiểu ca trù như: "Mùa xuân! Mùa xuân ngất ngây", "Mùa xuân! Mùa xuân đắm say" làm cho bài hát dễ đi vào lòng người tuy rất dung dị, nghe mãi không chán.
Tôi tuy là người không biết đàn hát ca trù và cũng không phải là người am tường âm luật, lại có đôi tai không biết thẩm âm nhưng rất mê nghe ca trù (dĩ nhiên chủ yếu là qua băng đĩa và truyền thông), thực ra không dám bàn đến một thể loại âm nhạc đã manh nha từ đồng nội dân gian trở thành một thể loại thính phòng khắp phố thị thời trung, cận đại và đến nay vẫn phát triển. Nhưng khi biết ca trù được UNESCO vinh danh ca trù tôi rất tự hào, và mạnh dạn cùng bạn đọc mạn đàm về loại hình diễn xướng này. Rất mong được bỏ qua những điều còn bất cập, đừng cho là "Múa rìu qua mắt thợ" và xin được góp ý chân thành để được tri ân.
Nhân đây, xin cống hiến bạn đọc bài ca trù "Thành cổ triều Hồ" theo thể Mưỡu - hát nói (được nhiều văn nhân thế kỷ XIX, XX... sử dụng nhiều viết cho Đào nương) để bạn đọc ngâm nga (nếu thích hát). Đây là một bài hát nói dôi khổ (2 khổ dôi là 3, 4 từ câu 9 đến 16, so với bài chuẩn chỉ 11 câu thơ), như sau:
Mưỡu:
Những nghe vật đổi sao dời/ Thành Hồ đã trải bao đời gió mưa
Nước non hơn sáu trăm thu/ Đã thành di sản UNESCO chói ngời
Nói:
Đến Vĩnh Lộc ngắm uy nghi Thành cổ/ Sánh người xưa xây trụ chống trời
Núi sông giăng bao bọc muôn đời/ Kinh thành Hồ trường tồn tuế nguyệt
Bắc Thổ Tượng sơn trận voi dũng liệt/ Nam Mã Đà Giang ngựa chiến dâng trào
Nghe vọng An Tôn, núi Đún ầm ào/ Đá theo voi bè lên thành cao ngất
Nam môn tam quan nguy nga lầu gác/ Lễ đài khi triều hội rợp cờ.
Đường Hoàng gia đá xanh như chiếu trải dài/ Dẫn đến Nam Giao tấu cùng trời đất.
Đây Đông Thái Miếu, kia Tây Thái Miếu/ Đây cung Nhân Thọ, kia điện Hoàng Nguyên.
Sáu trăm năm dâu bể vẫn không quên/ Thành tên ruộng, tên đồng, xưa thành nội.
Nước Đại Ngu tưởng chừng mây nổi.
Cuộc kháng Minh thành quách còn đây.
Giang sơn mấy cuộc đổi thay!
Vĩnh Lộc, 15-9-2015
T.H