Đảng bộ huyện Bá Thước 70 năm xây dựng và trưởng thành - Trương Văn Lịch
Sự hình thành của Đảng bộ huyện Bá Thước
Bá Thước là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, nằm ở vùng trung lưu sông Mã, cách thành phố Thanh Hóa 117 km về phía Tây; tiếp giáp với các huyện: Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành và một số huyện của tỉnh Hòa Bình; có tổng diện tích tự nhiên trên 77.752 ha; dân số 108 ngàn người, có ba dân tộc anh em chung sống chủ yếu là: người Mường, người Thái và người Kinh; trong đó dân tộc Mường chiếm 48,7%; dân tộc Thái chiếm 34,5%, dân tộc Kinh dân tộc Kinh và các dân tộc khác chiếm 16,8% số dân trong toàn huyện. Về giao thông có nhiều huyết mạch giao thông quan trọng nối liền với các huyện lân cận, đặc biệt có Quốc lộ 217 và Quốc lộ 15A đi qua; về đường thủy có dòng sông Mã chảy qua với chiều dài trên 40 km, chia đôi huyện thành 2 khu vực có những đặc điểm khác nhau: Phía bắc sông Mã nhiều núi cao và núi đá vôi; phía nam sông Mã có nhiều đồi núi thoai thoải. Thung lũng sông Mã mở ra như một lòng chảo, thu hút hầu hết các dòng suối trong địa bàn của huyện. Do vậy, sông Mã đã trở thành huyết mạch giao thông quan trọng về đường thủy ở Bá Thước.
Bá Thước có nền văn hóa phong phú và lâu đời, nhân dân vốn có truyền thống lao động cần cù, trọng tình nghĩa trong cuộc sống, anh dũng trong đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước. Trong những thập kỷ sống dưới ách cai trị của thực dân, phong kiến cuộc sống vô cùng cực khổ,vừa phải đương đầu với thiên nhiên khắc nhiệt, lao động cực nhọc, lại bị đàn áp, đối xử bất công. Do đó, mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân lao động với thực dân, phong kiến càng trở nên sâu sắc. Chính vì thế, khi có lý tưởng Đảng soi đường chỉ lối, nhân dân các dân tộc đã đứng lên theo Đảng đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ bản làng. Những truyền thống vẻ vang đó luôn được kế thừa và phát huy. Sau khi ra đời Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng ngày càng phát triển. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược đánh chiếm miền Tây Thanh Hóa và xây dựng đồn Cổ Lũng nhằm nuôi dưỡng bộ máy thực dân phong kiến, cai trị lâu dài đất nước ta. Để lãnh đạo nhân dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai đi đến thắng lợi Đảng bộ huyện Bá Thước ra đời đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng đó.
Cuối năm 1946, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược cả nước, nền độc lập dân tộc được ví như “Ngàn cân treo sợi tóc”. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, nhân dân các dân tộc Bá Thước đã phát huy truyền thống yêu nước và ra sức chuẩn bị cuộc cho kháng chiến trường kỳ. Khắp các bản làng, già trẻ, trai gái chung sức, chung lòng góp công, góp sức chuẩn bị cho kháng chiến. Để đáp ứng yêu cầu của phong trào quần chúng, đầu năm 1948 Bá Thước đón đoàn công tác của Tỉnh ủy gồm các đồng chí: Bùi Phú Quý, Bùi Minh Hán, Lê Ngọc Đãi lên Bá Thước và ở những nơi phức tạp như: Quốc Thành, Hồ Điền, Long Vân từng bước giải thích cho dân về đường lối kháng chiến của Đảng ta, vạch trần những âm mưu thủ đoạn của thực dân, phong kiến. Đoàn công tác dựa vào các quần chúng tích cực tổ chức các phong trào thi đua kháng chiến và củng cố các đơn vị dân quân du kích; lựa chọn những quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng. Tháng 5-1948, 03 quần chúng ưu tú đầu tiên của huyện Bá Thước được kết nạp vào Đảng là các đồng chí: Đinh Văn ít (xã Ban Công), Cao Văn Cầu, Cao Văn Môn (xã Quý Lương). Đây là những người con đầu tiên của Bá Thước được kết nạp vào Đảng. Sau đó, một số con em của huyện đang tham gia lực lượng vũ trang của tỉnh được kết nạp vào tổ chức Đảng tại đơn vị quân đội như các đồng chí: Lục Bá Dương (xã Văn Nho), Trương Công Cách (xã Hồ Điền), Trương Duy Tân (xã Quý Lương). Đó là những hạt nhân đầu tiên của huyện Bá Thước làm nòng cốt thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ hơn.
Đầu năm 1949, Tỉnh tăng cường một Đoàn cán bộ miền Tây cho Bá Thước gồm các đồng chí: Vũ Giới, Lê Ngọc Thơm, Nguyễn Duy Chiêng, Lê Văn Kim, Phạm Quang Trung, Bùi Thị Huân, Nguyễn Văn Diệu để tuyên truyền đường lối của Đảng, lãnh đạo phong trào và lựa chọn những quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng huyện nhà, Đảng ủy Dân chính Đảng miền Tây ra quyết định thành lập chi bộ đầu tiên của huyện. Ngày 10-2-1949, tại nhà Bà Bồng (xã Điền Lư) chi bộ đầu tiên được thành lập gồm các đồng chí đảng viên của huyện và một số đảng viên trong đoàn công tác của Tỉnh cử lên Bá Thước. Đồng chí Vũ Giới (quê ở huyện Vĩnh Lộc) được bầu làm Bí thư chi bộ; đồng chí Lê Ngọc Thơm (quê ở huyện Tĩnh Gia) làm phó Bí thư chi bộ; đồng chí Bùi Phú Quý (quê ở huyện Thạch Thành) làm chi ủy viên. Từ đây phong trào cách mạng chính thức có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Tháng 2-1949 đến tháng 5-1949 số hội viên trong hội kháng chiến được kết nạp vào Đảng gồm: Khu Hồ Điền có Trương Phụ Ninh, Hà Văn Cử; Khu Long Vân có Trương Công Ngọc; Khu Thiết ống có Phạm Văn Tàu, Phạm Tư Tưởng; Khu Văn Nho có Hà Văn Êu; Khu Quý Lương có Trương Văn Mới, Trương Thế Thịnh.
Để thống nhất sự chỉ đạo, Tỉnh ủy Thanh Hóa ủy nhiệm cho Đảng ủy Dân chính Đảng miền Tây ra quyết định thành lập Đảng bộ Bá Thước. Ngày 18/5/1949, tại nhà ông Đinh Văn Êu ở La Hán, xã Ban Công, Đảng bộ huyện Bá Thước được thành lập. Ban chấp hành lâm thời gồm 5 đồng chí do đồng chí Vũ Giới làm Bí thư; đồng chí Lê Ngọc Thơm làm phó Bí thư; các đồng chí Bùi Phú Quý, Hà Văn Miêng, Lê văn Kim là Huyện ủy viên. Đây là sự kiện quan trọng đối với phong trào cách mạng của nhân dân huyện Bá Thước.
Sau khi ra đời, Huyện ủy quyết định thành lập 4 chi bộ ghép: Chi bộ Hồ Điền - Quý Lương; Chi bộ Long Vân - Ban Công; Chi bộ Thiết ống - Văn Nho; Chi bộ Công sở (gồm các cơ quan trong huyện).
Đến cuối năm 1949 toàn huyện có 48 đảng viên, với 6/7 xã có chi bộ (riêng xã Quốc Thành do tình hình chiến sự đồn Cổ Lũng vẫn đang căng thẳng nên chưa có điều kiện phát triển Đảng).
Ngày 17-12-1949 đồn Cổ Lũng - một căn cứ quân sự then chốt của thực dân Pháp ở phía Tây tỉnhThanh Hóa được giải phóng đã mang lại ý nghĩa chính trị, quân sự rất quan trọng, làm thất bại hoàn toàn âm mưu thiết lập chiến lược quân sự hành lang Đông - Tây của thực dân Pháp. Đồng thời, mở ra một thời kỳ mới để nhân dân Bá Thước càng tin tưởng, tự hào về Đảng, càng ra sức bảo vệ vững chắc những thành quả đã đạt được.
Đảng bộ huyện Bá Thước trên con đường phát triển
Với những bước phát triển của lịch sử Đảng bộ Huyện Bá Thước qua các thời kỳ, đồng thời cũng sự tin tưởng, đồng lòng, đoàn kết của tập thể lãnh đạo và nhân dân, huyện Bá Thước đã có những bước chuyển mình thành công trên mọi mặt
Ghi nhận những kết quả đạt được và những nổ lực phấn đấu của nhân dân và cán bộ huyện Bá Thước, năm 2009 huyện đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương lao động hạng Ba nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đảng Bộ huyện Bá Thước và sau 6 năm phấn đấu năm 2015 Đảng bộ và nhân dân huyện Bá Thước lại rất vinh dự được nhận huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng tặng.
Bên cạnh những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Bá Thước đã giành được trong 70 năm qua, Bá Thước còn có những khó khăn đó là: Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, công tác xóa đói giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của tỉnh; chất lượng lao động còn thấp; các tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp... Đó là những vấn đề trực tiếp, thường xuyên tác động tiêu cực đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta càng phải phấn đấu nhiều hơn nữa để khắc phục hạn chế, yếu kém của địa phương.
Từ những thành tựu đã đạt được và những khó khăn nội tại của địa phương, những bài học kinh nghiệm trong 70 năm qua là thực tế khách quan để lại cho Đảng bộ và nhân dân ta những bài học thiết thực, bổ ích cho sự phát triển của huyện nhà:
- Một là: Nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước vào thực tế địa phương; tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực và triển khai thực hiện các chương trình, dự án có hiệu quả.
- Hai là: Phát huy sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, trong nhân dân, giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kỷ cương, kỷ luật và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; phát huy sức mạnh của các tổ chức quần chúng, các tầng lớp nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
- Ba là: Phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Quan tâm bảo vệ môi trường, sinh thái, đem lại niềm tin cho nhân dân.
- Bốn là: Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải tuân thủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, phân công trách nhiệm rõ ràng và tạo sự nhất trí cao giữa cơ quan lãnh đạo và cơ quan điều hành. Trong chỉ đạo chú trọng việc trọng tâm, trọng điểm, những việc có tính chất đột phá; phát động những phong trào sâu rộng trong nhân dân để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng.
- Năm là: Quan tâm chăm lo công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý. Coi trọng việc phát hiện để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ có sai phạm; bổ sung những cán bộ trẻ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực trong công tác đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
70 xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện Bá Thước, đó là cả chặng đường cách mạng đầy sôi động và tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện nhà. Những thành tựu đã đạt được là những giá trị tốt đẹp trong 70 năm qua, là di sản tinh thần vô giá, là tiền đề để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập và noi theo. Chúng ta càng tự hào về truyền thống quê hương, càng vững tin vào con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn cho dù phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng những truyền thống hào hùng của nhân dân các dân tộc, những công lao của bao thế hệ các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc còn mãi trong mỗi con người chúng ta, thôi thúc chúng ta quyết tâm, cùng nhau phấn đấu để huyện Bá Thước ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
T.V.L