Quê hương nhà Trịnh - Một vùng văn hóa - T.S Phạm Văn Tuấn
Con đường 217 duyên dáng, bắt đầu từ ga Đò Lèn trên quốc lộ 1A ngược về miền Tây - Thanh Hóa rộng lớn, băng qua những dải núi đồi của ốc Sơn, Đại Lại, Bảo Sơn, Chung Chinh... trong lưu vực sông Mã thuộc địa phận các xã Hà Phong, Hà Đông, Hà Lĩnh của huyện Hà Trung chừng 14 cây số là chúng ta đến vùng đất của Tổng Biện Thượng. Nơi đây, vốn từng là vùng đất của miền Phủ Quảng, ít nhất cho đến đời vua Minh Mạng thứ 18 (1838). Đó là địa bàn của các xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Tân, Vĩnh Minh, Vĩnh Thịnh (Bồng Thượng, Bồng Trung, Bồng Hạ, Bản Thủy), cửa ngõ Đông Bắc của huyện Vĩnh Lộc ngày nay. Là quê hương của nghĩa quân Hùng Lĩnh với cụ nghè Tống Duy Tân nổi danh trong trang sử chống Pháp oanh liệt cuối thế kỷ XIX, với dòng họ Trịnh đã có công khôi phục triều Lê Trung Hưng tồn tại suốt mấy trăm năm. Đó là một vùng đất cổ, xinh đẹp nằm bên tả ngạn của dòng Đại Lại Giang (sông Mã), món quà quý báu mà thiên nhiên đã trao tặng cho dải đất này.
Đến với vùng đất này, dù là đi trên những con đường đất nhỏ màu đỏ xám, hay trên những chiếc thuyền ngày đêm chạy nối bờ, bao giờ người ta cũng nhìn thấy dòng sông Mã cần cù chuyển tải phù sa đắp lên những bãi bồi tít tắp đôi bờ. Những dải đồng bằng bao quanh những xóm làng trù phú, những ngọn núi, đồi dạng vòm rải rác đó đây, một con đê quai bề thế như ngăn cách những xóm làng trong đê ngoài bãi. Nơi đây còn lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử trong lòng đất, trong lòng người và là một đặc trưng, điển hình cho vùng địa lý, lịch sử của xứ Thanh bao la.
Tháng 5 năm 2001, vừa đúng 109 năm ngày cụ Nghè Tống bị hành hình, nhiều nhà khoa học, nghệ sỹ, nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động văn hóa xã hội... cả đại diện của Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Lộc, con cháu cụ Tống và bà con xa gần... đã quy tụ về nhà thờ làm lễ tưởng niệm “Một nhà đại trí thức đấu tranh anh dũng chống bọn xâm lược Pháp” (Hồ Chủ Tịch), một vị anh hùng tiên liệt đã đi vào ký ức dân tộc và đón Bằng công nhận di tích quốc gia về đền thờ và mộ chí của ông. Đền thờ cụ Nghè Tống còn đơn sơ, một đôi câu đối, vài ba bức đại tự, một tấm bia đá, một vài đồ thờ cũ, mới... trong một khuôn viên hẹp. ở giữa những con người thả hồn theo hương khói tưởng niệm, đang quyện bay trong không gian, chúng ta nghĩ về một vùng non nước của Tổng Biện ngày xưa.
Quê cụ Nghè Tống là làng Bồng Trung thuộc tổng Biện Thượng ngày trước, giáp với làng Bồng Thượng ở phía Tây, làng Bồng Hạ ở phía Đông và đều nằm ở bên bờ tả ngạn sông Mã. Cách đó không đầy một cây số, về phía Bắc là làng Đa Bút - nằm sát dưới chân núi Mông Cù - một ngọn núi vừa là đường biên vừa là ranh giới ngăn cách miền núi đồi Thạch Thành với vùng Biện Thượng, cả trong phương diện hành chính cũng như văn hóa.
Biện Thượng, vùng đất gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nghè Tống, từ thuở ấu thơ, lúc thành danh và cả lúc làm nên sự nghiệp anh hùng, tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược.
Còn đó, ngôi nhà gỗ 4 gian được kiến trúc theo kiểu nhà ở dân gian, nơi chứng kiến những miệt mài kinh sử, đi thi và đỗ đạt với học vị tiến sĩ khoa ất Hợi (1875), cụ làm quan phủ 2 năm, rồi về quê mở trường dạy học để nuôi chí lớn (1878). Ngôi nhà này cũng đã chứng kiến những cuộc gặp mặt của các tầng lớp sĩ phu bàn cách cứu nước, cứu dân trong phong trào Cần Vương chống Pháp.
Ngôi nhà kiến trúc gồm 4 vì kèo theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền. Các vì kèo, quá giang, câu đầu, thượng lương được làm bằng loại gỗ tốt, chưa mối mọt, nên diện mạo vẫn còn giữ được tương đối nguyên vẹn. Ngoài những nét chạm trổ dân gian đơn sơ, các họa tiết hoa văn chữ Thọ ở đầu kẻ bẩy và nách câu đầu; hoa văn hình cánh sen ở diềm các bát đấu, thì toàn ngôi nhà không có thêm mảng chạm khắc, trang trí nào khác nữa.
Bài trí trong ngôi nhà đơn sơ, giữa nhà là bàn thờ gia tiên, trên bàn thờ có lư hương, bình hoa, hộp sắc phong, ảnh cụ Tống Duy Tân được đặt trang trọng trên ngai thờ. Phía trên bàn thờ là bức đại tự được sơn son thếp vàng đề 4 chữ “Đại khoa đắc nhân”.
Liền kề chung sân với nhà ở của cụ là nhà thờ của dòng họ Tống. Sau này dòng họ đã đưa bát hương cụ Tống về thờ ở đây.
Mặt bằng của nhà thờ theo kiểu chữ Nhất (-), kiến trúc 3 gian được kết cấu bằng 3 vì kèo theo kiểu giá chiêng chồng rường được bào trơn, đóng bén. Lòng nhà rộng 4,60m; dài 9,20m. ở gian giữa được đặt hương án thờ gia tiên, gian bên trái có hương án thờ các quan văn, gian bên phải thờ các quan võ và cụ Tống Duy Tân.
Đồ thờ trong nhà khá phong phú, đặc biệt có bộ cửa võng và 4 bức đại tự cổ được chạm khắc công phu.
Mộ cụ Tống Duy Tân được đưa về quê hương chôn cất ở ngay khuôn viên sân Trường phổ thông trung học Tống Duy Tân, ngôi trường vinh dự được mang tên cụ, rất thuận lợi cho việc viếng thăm của nhân dân địa phương và du khách xa gần.
Cuộc đời cụ Nghè Tống, gắn liền với quê hương, lớn lên trong lời ru tiếng hát của quê hương, trưởng thành với truyền thống của quê hương. Tư tưởng yêu nước, thương dân của cụ chính là bắt nguồn từ sự kế thừa truyền thống yêu quê hương đất nước của các thế hệ người Biện Thượng được hun đúc qua thời gian để tạo nên sức sống của một vùng đất có giá trị lâu bền.
Bồng Thượng - Bồng Trung - Bồng Hạ - Đa Bút - Bản Thủy đều thuộc Tổng Biện này xưa. Vùng ấy là một trung tâm kinh tế, với gạo ngon, với các nghề thủ công phát triển và một mạng lưới chợ búa rất thuận tiện giao thông cả thủy - bộ, Đông - Tây - Nam - Bắc đều đổ về và tỏa đi tạo nên cái vẻ sầm uất của một vùng đất cổ.
Thật ra, địa danh Biện Thượng hay Tổng Biện để chỉ định một vùng đất thấy ghi chép trong các nguồn sử cũ, trước hết là sách “Việt sử thông giám cương mục” ghi: “Trịnh Kiểm người Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc”. Giáp Dần, Thuận Bình năm thứ 6 (1554) (Mạc - năm Quang Bảo thứ nhất, Minh, năm Gia Tĩnh thứ 33), Thái sư Trịnh Kiểm rời đồn đến đóng tại Biện Thượng. Biện Thượng là tên xã thuộc huyện Vĩnh Lộc, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hoa. còn sách “Lịch triều hiến chương loại chí” (tập 1: 42) lại ghi: Trịnh Kiểm người xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc, ngụ cư đất Biện Thượng. Vùng đất Biện Thượng có thời gọi là Biện Đà, có lẽ đấy là một tên gọi xuất hiện dưới thời Trần - Hồ mà huyện Vĩnh Lộc có tên là Vĩnh Ninh! Đến đầu thời Lê Trung Hưng vùng đất này lại thuộc huyện Vĩnh Phúc (kiêng húy vua Lê Trang Tông), lệ vào phủ Thiệu Thiên. Sách chép: Biện Thượng được dùng để đặt tên cho một tổng bao gồm có 9 xã, thôn, vạn là Đông Biện, Biện Hạ, thôn Mai Vực, Đa Bút, Bản Thủy, Biện Thượng, Thọ Lộc, Kim Sơn, vạn Biện Thượng. Như vậy nếu Biện Thượng là tên xã như Phan Huy Chú từng viết thì đó chính là Bồng Thượng - xã Vĩnh Hùng ngày nay. Còn nếu Biện Thượng là tên xã để chỉ một xứ, một vùng (tổng chẳng hạn) trong cơ cấu hành chính đầu thời Nguyễn thì phạm vi địa lý có thể rộng lớn hơn nhiều mà ta có thể hình dung đó là dải đất nằm ở phía Bắc bờ sông Mã bao gồm Bồng Thượng (Vĩnh Hùng), Bồng Trung, Đa Bút (Vĩnh Tân), Bồng Hạ (Vĩnh Minh), và làng Bản Thủy (Vĩnh Thịnh) ngày nay. Vì vậy, ở về phía Đông Nam mà sách “Việt sử thông giám cương mục” (quyển 27) có ghi: “Chợ Ông Cung nay là chợ Ông ở xã Biện Thượng”. Về phía Tây Bắc có thể gồm cả Vân Lung của huyện Thạch Thành.
Như thế, vùng đất Biện Thượng ít nhất về mặt lịch sử được giới hạn viền bởi dãy núi Mông Cù (Đa Bút) ở phía Bắc và dải núi Sóc Sơn (núi Báo) ở rìa Tây Nam; phía Đông là dãy Bảo Sơn, còn phía Nam là dòng sông Mã chạy xuống Ngã Ba Bông (xã Vĩnh An) là điểm nút - vùng ngã ba sông và là địa giới của 5 huyện: Hậu Lộc, Hà Trung, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa và Vĩnh Lộc từ xưa. Trên một không gian như vậy, vùng đất Biện Thượng nằm trong một vùng địa lý - văn hóa, về bản chất vốn là một không gian mở; mở lên núi rừng chất ngất ở thượng ngàn của các miền đất đỏ Cẩm Thủy, Bá Thước, Thạch Thành mà đỉnh Mông Cù là dãy núi cuối cùng thuộc mạch núi Hùng Lĩnh kéo dài từ miền Tây biên giới Việt - Lào đổ về. Đây cũng chính là con đường chuyển tải và sản sinh các nền văn hóa cổ xưa như Hòa Bình, Bắc Sơn; Đông - Tây nối liền văn hóa núi với văn hóa biển (Đa Bút - Cồn Cổ Ngựa - Gò Trũng). Dải đất này cũng được khép lại ở một mạn Đông - Bắc bằng những dãy núi đồi đất đá chen lẫn tròn như những mâm xôi ở xã Hà Đông của huyện Hà Trung. Mở xuống biển bởi các dòng sông, mà dòng Mã Giang là trục chính. Con sông Mã, sau khi đã đi được một dặm đường hơn năm trăm kilômét từ núi Phu Huôi Long (Lai Châu) đến đồng bằng Thanh Hóa được chia làm hai nhánh ở ngã Ba Bông (cách Biện Thượng không xa). Nhánh chính của dòng sông Mã chảy xuôi đổ ra cửa biển Lạch Trường (còn có tên gọi là Linh Trường), nhánh phụ đổ ra cửa Lạch Sung (nhánh sông Lèn ngày nay). Chủ nhân của nền văn hóa Đa Bút đã di cư, khai thác vùng biển theo những nhánh sông này. Kết quả của những đợt khai quật khảo cổ ở các di tích: Gò Trũng - Phú Lộc, Cồn Sau Chợ - Hoa Lộc, Bái Cù - Hòa Lộc (đều thuộc huyện Hậu Lộc) cho thấy có mối quan hệ tương đồng mật thiết với văn hóa Đa Bút. Theo các nhà khảo cổ học (trong đó ý kiến rất quan trọng của giáo sư Hà Văn Tấn) thì văn hóa Bầu Tró (Quảng Bình) ở phía Nam, văn hóa Phùng Nguyên ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, văn hóa Hạ Long ở phía Bắc với văn hóa Hoa Lộc có mối liên hệ với nhau. Như vậy cũng có nghĩa là các văn hóa ấy cũng có quan hệ giao tiếp với văn hóa Đa Bút. Đó cũng là những con đường thủy quan trọng đón nhận và trở thành một khâu của các luồng thông thương đường sông ra biển từ nghìn xưa cho đến nay. Chủ nhân của nền văn hóa Đa Bút từ thời đại đá mới cách chúng ta từ 5000 đến 6000 năm trước mà công cuộc nghiên cứu của một người Pháp (E.Patte) phát hiện đầu những năm 20, đến việc khai quật vào những năm 80 của thế kỷ XX của các nhà khảo cổ học Việt Nam đã chứng minh cho ta thấy cả bề dày thời gian lịch sử và bề rộng không gian văn hóa của con người nguyên thủy trên đường bước vào ngưỡng cửa văn minh. Giới địa chất - địa lý - khảo cổ học Việt Nam cũng đã vạch được đường biên cổ của vùng đất này để hình dung cho rõ hơn cuộc sống của con người miền ven biển ở đây thời văn hóa Đa Bút.
Các công cuộc điều tra sau này, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy ở Đa Bút những dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn mà trống đồng Đông Sơn ở Đa Bút (có đường kính 50,0cm) lưu trữ ở kho bảo quản của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thanh Hóa được xếp vào loại những trống đồng đẹp như trống Quảng Xương, trống thôn Bùi, là một minh chứng cho sự hội tụ và lan tỏa của người Việt cổ (Lạc Việt) xứ Thanh và sự mở rộng địa bàn sinh tụ trên hầu khắp các huyện đồng bằng của châu thổ sông Mã, sông Chu.
Nếu con người làm nên lịch sử, văn hóa của một vùng đất với vai trò chủ đạo, thì ở Biện Thượng dáng núi, hình cảnh địa văn hóa đặc trưng để làm nên một vùng văn hóa có sắc thái riêng.
Có thể nói: Được hưởng ân huệ từ thiên nhiên nhiều nhất là người dân Biện Thượng. Ta cũng tự hỏi, từ ngàn vạn đời nay những ngọn núi và dòng sông này có tạo nên vượng khí về mặt tâm linh hay không, thật chẳng dễ gì lý giải. Chỉ biết qua dòng chảy của thời gian, tháng tháng năm năm dáng núi và dòng sông ngọt ngào đã tạo cho vùng đất này trù phú, nhân khang, vật thịnh.
Xét về mặt địa chất: Núi Sóc Sơn, núi Mông Cù về sự tạo thành, theo các nhà địa chất thì cách đây 250-260 triệu năm (khoa học gọi là kỷ Pecmi) một dòng dung nham trong lòng đất có nhiệt độ và áp suất cực lớn đã phun trào nơi đây. Về mặt nào đó có thể xem như là núi lửa - dòng dung nham nguội lạnh đông đặc tạo khối đá màu xám xanh, màu xanh cổ vịt, hạt mịn rất đồng nhất với thành phần chủ yếu là Oxitsilic, mà các nhà địa chất gọi là Split, đá phun trào bazơ hoặc đá bazan. Một đặc điểm của loại đá này là rất cứng, cứng hơn cả sắt và một vài hợp kim thông thường khác. Chiều dày của chúng hàng nghìn mét. Trong đá này thường có các mạch thạch anh xuyên qua trong đó có chứa vàng như các núi ở Cẩm Thủy, Bá Thước. Vì vậy mà chúng được xếp vào “hệ tầng Cẩm Thủy”. Đáng chú ý là ở Đa Bút người dân đào giếng đã phát hiện và lấy được vài ba tạ đồng kim loại. Rải rác ở một số nơi còn tìm thấy nhiều mảnh đồng bị cacbonat hóa màu xanh, dù chưa có kết luận rõ ràng về những mẫu vật đó, song đây là địa bàn phát hiện ra trống đồng Đông Sơn, hoặc có thể là nơi đúc đồng của các chúa Trịnh cách đây mấy trăm năm?
Nếu những ngọn núi là xương sống thì dòng sông Mã là mạch máu của cả vùng này. Đất Biện Thượng nằm trọn bên bờ hạ lưu của dòng chính Mã giang trước khi phân nhánh ở vùng ngã ba bông (ngã Ba Bông). Như bao nhiêu con sông khác, từ ngàn vạn đời nay, dòng sông Mã đã đắp lên những bãi bồi tít tắp, những cánh đồng rộng rãi đôi bờ để cho ta những mùa vàng. Ngoài màu vàng của lúa, của ngô, còn có màu vàng của nong kén cân tơ, màu xanh của những ruộng khoai, vườn ổi, vườn cau... trĩu quả, đã đi vào câu ca một thuở:
Ai về nhớ táo Phương Giai,
Nhớ ổi Đa Bút, nhớ khoai chợ Bồng
Nguồn lợi của sông Mã đối với người dân ở đây không chỉ có thế mà những bãi cát trải dài luôn được bồi tụ vơi rồi lại đầy, những lớp đất sét mịn màng đã và đang là những nguồn nguyên liệu không thể thiếu được để nâng tầm cao của những ngôi nhà lên mãi. Nguồn nước sông Mã, cũng được coi là một số ít con sông ở nước ta có nguồn nước ngọt nhất. Còn có bao nhiêu nguồn lợi khác nữa như: hải sản, giao thông, dòng chảy phục vụ cho tưới tiêu, thủy văn...
Dòng sông Mã ở vùng đất Biện Thượng còn là dòng sông của lịch sử. Nó đã từng chứng kiến ba lần quân đội nhà Trần đánh thắng quân Nguyên Mông trên đoạn sông này. Và cũng chính giữa núi Sóc Sơn và Kim Sơn bên bờ sông Mã, chúa Trịnh Kiểm đã nhiều lần đánh bại quân Mạc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp dòng sông nối đôi bờ cũng từng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc hành binh của nghĩa quân Hùng Lĩnh. Và, dòng sông bến nước, con đò cũng trở thành những kỷ niệm trong các cuộc tiễn đưa bè bạn lên đường nhập ngũ vào chiến trường B trong những năm đánh Mỹ.
Chúng ta đã có một vùng Biện Thượng với các nền văn hóa cổ như Đa Bút, Đông Sơn; có một Biện Thượng với các chúa Trịnh nổi tiếng một thời; đã có một Biện Thượng tiền đồn vững chắc, một vành đai cơ động bảo vệ từ xa của Tây Đô, một căn cứ địa vững mạnh của nhà Trịnh trong chiến tranh Trịnh - Mạc; một Biện Thượng trọng sùng nho học từ lâu đời; một Biện Thượng anh dũng, kiên cường chống Pháp mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1885)... để trở thành một vùng văn hóa xuyên suốt hàng nghìn năm, mà cho đến hôm nay truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa ấy đã hòa quyện vào nhau để tạo nên gương mặt của đất nước và ảnh hưởng vào đời sống văn hóa con người. Và cái hay, cái thịnh của vùng quê Biện Thượng không chỉ nổi tiếng gạo trắng nước trong, trên bến dưới thuyền tấp nập, ngoài nghề nông còn có chợ lớn, là trung tâm buôn bán của nhiều vùng, với nghề truyền thống làm bánh đem bán ở các chợ trong làng và trong vùng, nghề bổ cau tươi phơi khô để đem bán quanh năm, nghề trồng lúa nước và dâu tằm nổi tiếng. Lúa hai mùa, tằm tám lứa tơ mỗi năm được sử sách chép đến vào loại sớm ở đồng bằng sông Mã... đã tạo nên một sắc thái đa dạng trong đời sống con người. Biện Thượng còn là vùng đất của những con người cần cù chịu khó, đàn bà thì lịch thiệp đảm đang, đàn ông thì cần cù ham học. Từ bao đời nay người dân vùng này vẫn còn lưu truyền trong ký ức của mình một truyền thuyết về ngọn núi đá có dạng hình chiếc mũ tiến sỹ ở Nham Thôn (Vĩnh Ninh) chầu về làng; trước làng con đê quai bên kia sông Mã có hình chiếc đòn cáng nên ngày xưa Biện Thượng có nhiều người đỗ đạt làm quan. Câu ca “Nam Hành Thiện, Nghệ Quỳnh Đôi, Thanh Đông Biện” và “Ngựa voi về Bồng Báo”. Với những biến thiên của lịch sử để đến hôm nay người dân vùng này còn lưu giữ những kỷ niệm không chỉ ở trong di tích của các dòng họ về những công trình kiến trúc mà còn được ghi chép trong các cuốn phả, bia đá... và cả trong ký ức. Chỉ tính riêng làng Bồng Trung qua 600 năm đã có 13 dòng họ tụ cư ngay tại làng, các nhà thờ họ như họ Đỗ, họ Phạm, họ Tống, họ Nguyễn... đã được xây dựng và tồn tại qua thời gian. Đó là vừa để tưởng niệm tổ tiên, vừa là để ghi công những người đỗ đạt ngày xưa.
Bồng Thượng cũng là vùng quê của ông Nghè, ông Cống mà vị tiến sỹ khoa ất Hợi (1875) Tống Duy Tân là người tiêu biểu. Ông từng được Triều đình nhà Nguyễn phong chức Hàn Lâm viện biên tu, giữ chức Thừa Biện tại Bộ Hình, đã từ bỏ con đường danh vọng để mưu sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Sự hy sinh của ông đã để lại tấm gương lẫm liệt về tinh thần đấu tranh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Văn hóa, tiếng nói con người cũng in đậm trong đời sống địa phương. Qua ngữ âm học hiện đại, các nhà ngôn ngữ học đã dựng lại ở vùng đất Bản Thủy (Vĩnh Thịnh) một không gian văn hóa Việt cổ, ít nhất là về phương diện ngôn ngữ!
Và cũng cần phải nhắc thêm rằng, đất Biện Thượng đã sản sinh ra các chúa Trịnh có công lao trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê, một danh nhân đất nước như Tống Duy Tân, và những con người khác như Thái úy - Hoàng Đình ái, cử nhân Nguyễn Thức Cung, hương cống Đỗ Quang Hoa, tiến sỹ Đỗ Thiện Chính... họ đã làm rạng danh cho lịch sử đất nước và dân tộc. Tấm gương của họ không thể tách rời truyền thống văn hóa, lịch sử của một vùng đất mà trong đó nét sinh thái nhân văn là một trong những yếu tố quan trọng làm nên vượng khí.
Đất Biện Thượng có đủ các vùng địa hình núi non, sông ngòi, đồng bằng, gò bãi... trong đó núi là một nét sinh thái nhân văn đặc sắc đã trở thành cảnh quan lý tưởng để tọa lạc những ngôi chùa đền đài và lăng tẩm. ở đây còn lưu giữ được những công trình của làng xã như đình làng, chùa chiền (đình Bồng Trung, đình Bồng Hạ, chùa Đa Bút, chùa Hoa Long...). Đặc biệt trong đó các công trình kiến trúc liên quan đến các chúa Trịnh như chùa Thác, nghè Thác, phủ Thác, chùa Báo Ân, đình Chuột, Nghè Vẹt (Vĩnh Hùng); khu lăng mộ bà Thái phi Ngọc Diệm, Hành dinh nhà Trịnh (Vĩnh Tân)... đã tạo nên một quần thể di tích phong phú và có giá trị. Nghệ thuật kiến trúc gỗ, nghệ thuật điêu khắc đá của những công trình trên đặc biệt có giá trị nghệ thuật cao, đánh dấu thành quả lao động và trí tuệ tuyệt vời của người nghệ nhân xứ Thanh xưa. Đấy là nghệ thuật Việt, cái đẹp Việt đã hội tụ và mang phong cách nghệ thuật đặc sắc thời Lê Trung Hưng, điều này chỉ có thể giải thích đó là hứng khởi của các nghệ nhân đương thời trước sự thắng thế của các chúa Trịnh trên vũ đài lịch sử.
Như vậy, trải suốt quá trình lịch sử, đất Biện Thượng là vùng “đệm” giữa văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn ở miền Tây Bắc và Văn hóa Đông Sơn của người Lạc Việt ở Đông Nam Thanh Hóa mà trong đó Văn hóa Đa Bút (thời kỳ hậu Bắc Sơn) là một nền văn hóa độc đáo và phong phú; từ thế kỷ XIII-XIV, Biện Thượng nằm trong không gian văn hóa Lý - Trần mà thành Tây Đô ở phía Tây (Vĩnh Lộc), Ly Cung, chùa Linh Xứng ở phía Đông (Hà Trung) là nơi trực tiếp diễn ra những giao lưu văn hóa sống động giữa Thăng Long với trấn Thanh Hoa. Từ thế kỷ XVI, Biện Thượng trở thành “dinh” của Chúa Trịnh, sau đó nó phát triển mạnh mẽ trong khoảng hơn hai thế kỷ. Đến thời Nguyễn, đất Biện Thượng có những biến đổi sâu sắc trên đời sống các mặt. Chính những biến đổi lịch sử ấy là nhân tố quan trọng tạo nên sắc thái văn hóa độc đáo của một vùng đất, nó để lại những dấu ấn rõ nét trên toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của cư dân vùng này.
Từ xa xưa đến hôm nay, vùng đất Biện Thượng - quê hương nhà Trịnh, quê hương cụ nghè Tống, đã trải qua những chặng đường phát triển liên tục. Các thế hệ người Biện Thượng đã làm nên nhiều kỳ tích đóng góp cho lịch sử đất nước. Những kỳ tích ấy đã góp phần nối dài ký ức dân tộc, truyền nối sức mạnh và niềm tin giữa các thế hệ về sự trường tồn và phát triển, nhắc nhở mọi người nhớ về quá khứ vẻ vang, biết ơn những người đi trước đã làm nền sức sống của một vùng đất để cho ta vững bước đi lên.
Thật là hạnh phúc khi ta có một vùng quê như thế để lớn lên, để thương, để nhớ, để biết ơn, để có thể trở về, sau bao gian truân cần được an ủi, đã trở thành một phần của tâm hồn mà nương tựa tháng năm.
P.V.T