Tự hào hướng đến Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa - Phạm Duy Phương
Xứ Thanh từ xa xưa đã nổi tiếng là một vùng đất rộng người đông, có đầy đủ các vùng miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển, được coi là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam. Từ buổi bình minh của lịch sử, nhiều tộc người đã đến vùng đất này để khai phá, dựng xây sinh cơ lập nghiệp. Những phát hiện về khảo cổ học, lịch sử đã khẳng định lưu vực sông Mã là nơi có nhiều dấu tích định cư xa xưa của người Việt và là nơi lưu dấu những chặng đường phát triển quan trọng trong chiều dài mấy ngàn năm văn hiến của dân tộc.
Quá trình chiếm lĩnh, khai phá, dựng xây, cải tạo thiên nhiên, những cư dân xứ Thanh đã tạo dựng, phát triển nền Văn hóa Đa Bút (thời đại đá mới), Văn hóa Hoa Lộc (thuộc sơ kỳ thời đại kim khí), Văn hóa Đông Sơn (thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt),... Chính Văn hóa Đông Sơn đã trở thành biểu tượng văn minh của người Việt cổ thuở các Vua Hùng dựng nước, là niềm tự hào của người dân Cửu Chân xưa - Thanh Hóa nay. Vùng đất có bề dày lịch sử này cũng là nơi có sắc thái văn hóa phong phú và đa dạng. Vùng đất này là quê hương sinh thành, nuôi dưỡng những anh hùng hào kiệt, văn thần, võ tướng kiệt xuất của đất nước như: Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ,... Công lao sự nghiệp lẫy lừng của các bậc tiền nhân trong việc giành và giữ vững độc lập dân tộc, dựng xây và phát triển đất nước mãi là niềm tự hào của người tỉnh Thanh từ xưa đến nay.
Đặc biệt dưới vương triều Lý (1010-1225) nhà nước quân chủ Đại Việt đã được xây dựng và phát triển khá toàn diện. Những con người hào kiệt của Châu ái như Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành cùng các thiền sư Ngô Chân Lưu, Đạo Dung, Pháp Bảo, Sùng Tín (Mãn Giác) đã góp công sức xây dựng, củng cố và phát triển vững chắc bộ máy triều đình. Là con em của nhà Tiền Lê, chứng kiến sự suy vong của triều đình nên họ sẵn sàng từ bỏ chế độ mục ruỗng, ủng hộ cho cái mới, tiến bộ mà Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) là người khởi xướng sự đổi thay này. Nhằm củng cố quyền lực đối với các địa phương triều vua Lý Thái Tổ đổi 10 đạo thành 20 lộ, Châu Hoan, Châu ái đổi làm trại. Vào đời vua Lý Thái Tông năm Thiên Thành thứ hai (1029) trại Châu ái được đổi làm phủ Thanh Hóa. Từ đây trở đi trải qua các vương triều Trần, Hồ, Hậu Lê, Trịnh, Nguyễn, Thanh Hóa vẫn được giữ nguyên tên gọi với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Đất xứ Thanh và người xứ Thanh trải qua các thời Đinh, Lê đến thời Lý vẫn bảo lưu truyền thống “tương thân, tương ái” của một vùng đất ít bị biến động. Không phải chỉ khi đất nước có sự biến Thanh Hóa mới là hậu cứ quan trọng của phong trào giải phóng và bảo vệ đất nước mà ngay trong giai đoạn thái bình thịnh trị, đất quê Thanh vẫn luôn có sức hấp dẫn, vẫy gọi với cư dân ở nhiều vùng miền khác tìm về. Vào thời Lý, tập quán cổ truyền và tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp không những được duy trì mà còn phát triển. Việc thờ cúng tổ tiên, thờ những người có công đối với quê hương, đất nước trong chống lụt bão, khai xóm dựng làng, đánh giặc ngoại xâm... luôn luôn được đặt ở vị trí hàng đầu. Qua tín ngưỡng thờ cúng tạo thành sợi dây cố kết cộng đồng, tạo thành sức mạnh tổng lực giúp người dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức vươn lên bảo vệ, xây dựng quê hương.
Thời Lý, Phật giáo đã trở thành quốc giáo. ở Thanh Hóa, Phật giáo đã hòa đồng với tín ngưỡng dân gian để cùng tồn tại và phát triển. Các vua, vương hầu triều Lý rất tôn sùng đạo Phật. Những thiền sư có kiến thức, học vấn uyên thâm được tôn sùng, trọng dụng. Những thiền sư được tham vấn, tham dự những công việc ở trong triều đình. Trên đường hoằng pháp, bằng tài năng thuyết pháp, các nhà sư đã dần cảm phục dân chúng tin tưởng làm theo. Với Thanh Hóa vùng đất “phên dậu” nhà Lý rất coi trọng và đã cử những vị tướng tài năng, uy tín như Lý Thường Kiệt làm Tổng trấn 19 năm (1082-1101). Chu Công coi giữ Thanh Hóa từ năm 1115... Các nhà sư Pháp Bảo, Đạo Dung, Sùng Tín được sự ủng hộ của Lý Thường Kiệt về tiền của, sự góp công sức của các tín đồ phật tử đã dựng nên nhiều ngôi chùa nổi tiếng khắp cả nước thời bấy giờ như chùa Minh Tịnh xã Hoằng Phúc (Hoằng Hóa), chùa Báo Ân núi An Hoạch (thành phố Thanh Hóa), chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh xã Văn Lộc (Hậu Lộc), chùa Hương Nghiêm xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn xã Hà Ngọc (Hà Trung), chùa Minh Nghiêm, Trịnh Nghiêm... Văn bia thời Lý còn lưu lại đến nay có hơn một nửa là của Thanh Hóa.
Dưới vương triều Trần trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông gay go và ác liệt, Thanh Hóa không chỉ là chiến trường mà có lúc là trung tâm của bộ chỉ huy, là hậu phương cung cấp nhân tài, vật lực cho kháng chiến. Nhiều người con ưu tú của Thanh Hóa đã tham gia kháng chiến như Trần Bình Trọng (con Lê Phụ Trần) là dòng dõi vua Lê Đại Hành, Chu Văn Lương, đại toát Lê Mạnh,... Lê Văn Hưu là ông tổ của nền sử học nước nhà với bộ “Đại Việt sử ký” gồm 30 quyển. Đến nay bộ sử này chỉ còn bóng dáng trong “Đại Việt sử ký toàn thư”.
Vương Triều Hồ thay thế nhà Trần chỉ tồn tại 7 năm và định đô ở Tây Đô Thanh Hóa nhưng đã để lại dấu ấn quan trọng. Hồ Quý Ly đã thực hiện nhiều chính sách cách tân táo bạo về kinh tế, quân sự, chính trị nhằm giảm ảnh hưởng của tầng lớp vương hầu quý tộc. Song sự nghiệp không thành đành ôm mối hận ngàn thu qua câu nói nổi tiếng của Hồ Nguyên Trừng “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Đất nước một lần nữa lại sống trong “mối họa tột cùng” của thời Minh thuộc. Từ vùng núi Lam Sơn người anh hùng Lê Lợi đã giương cao ngọn cờ đại nghĩa để cứu nước, cứu dân khỏi họa diệt chủng. Bằng đức độ, tài năng kiệt xuất về chính trị, quân sự, ngoại giao, binh vận với phương châm “đánh vào lòng người” và nghệ thuật “lấy yếu chống mạnh”, “dựng quân mai phục, lấy ít địch nhiều” qua 10 năm “nếm mật nằm gai” Lê Lợi đã đánh đuổi giặc Minh xâm lược giành lại non sông đất nước. Thuận theo ý trời, hợp với lòng người, ông đã lên ngôi hoàng đế, lấy quốc hiệu Đại Việt, niên hiệu Thuận Thiên lập nên vương triều Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm, là triều đại dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Các vua nhà Lê Sơ nối nghiệp đưa đất nước phát triển gần 100 năm mà đỉnh cao là triều vua Lê Thánh Tông. Hơn 260 năm các chúa Trịnh, chúa Nguyễn đã góp công khôi phục nhà Lê Trung Hưng, giữ mối hòa hiếu với phương Bắc, mở rộng bờ cõi về phương Nam tạo thành một dải thống nhất đất nước cho đến tận Hà Tiên (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Từ vùng núi rừng Tây Sơn, anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ từ Phú Xuân tiến ra Bắc đã chọn Thanh Hóa làm địa điểm tập kết, huy động sức người, sức của thần tốc táo bạo tiến quân tiêu diệt 29 vạn quân Thanh giải phóng đất nước. Hơn 80 năm chịu ách đô hộ của thực dân Pháp, nối tiếp truyền thống các bậc tiền nhân, các sỹ phu đã hưởng ứng phong trào Cần Vương xây dựng các căn cứ Ba Đình, Hùng Lĩnh, Mã Cao,... với các thủ lĩnh tiêu biểu như Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao,... Các cuộc khởi nghĩa đều bị dập tắt nhưng lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các sỹ phu mãi là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã một lòng, một dạ sống, chiến đấu dưới lá cờ quang vinh của Đảng. Cùng với nhân dân cả nước chúng ta đã làm nên một cuộc cách mạng “long trời lở đất” vào mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945 lập chính quyền công nông đầu tiên ở Đông Nam á. Hơn 20 năm chống Mỹ cứu nước, phát huy truyền thống ông cha, bao thế hệ thanh niên đã lên đường nhập ngũ vào bộ đội, thanh niên xung phong, vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại và chi viện sức người, sức của cho miền Nam, chúng ta đã làm nên kỳ tích đại thắng Mùa xuân 1975 để Nam Bắc sum họp một nhà. Bước vào thời kỳ khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, chúng ta đã phá vỡ thế bao vây, cấm vận của kẻ thù, từng bước ổn định đời sống nhân dân. Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng lãnh đạo từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) cùng với cả nước, Thanh Hóa đã huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh ta đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đưa tỉnh ta hội nhập và phát triển.
Truyền thống 990 năm Thanh Hóa là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương sẽ là mạch nguồn thôi thúc, cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa vươn lên thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
P.D.P