Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Hội làng xứ Thanh vào mùa xuân - Nguyễn Văn Minh
Hội làng xứ Thanh vào mùa xuân - Nguyễn Văn Minh

Vùng đất Thanh Hóa là nơi hội tụ nhiều dân tộc sinh sống như: Kinh, Thái, Mường, Mông, Dao, Thổ, Khơ Mú... và cũng là mảnh đất có nhiều di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể hết sức phong phú và đa dạng. Trên mỗi vùng miền ở xứ Thanh thấm đẫm các giá trị văn hóa hội làng.
Hội làng ở xứ Thanh chứa đựng nhiều giá trị lịch sử - văn hóa qua hàng ngàn năm, tiêu biểu phải kể đến các hội làng như: Hội làng Bột Thượng, Hội làng Chiềng, Hội làng Cổ Bôn, Hội làng Xuân Phả...
Xuôi về vùng đất Hoằng Hóa có hội làng Bột Thượng. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 2 đến mùng 6 tháng Giêng. Không khí hội làng vui tươi ấy còn được ghi trong câu ca của làng: “Xã ta đóng áng giữa đồng/ Trông lên lồ lộ những rồng cùng tiên”.
Phần lễ, nghi lễ cúng tế được cử hành trọng thể, đọc thúc ước văn bằng chữ Nôm tại đình Đụn, 5 toà miếu, văn chỉ và các nhà thờ họ. Các vị thần được thờ trong làng đứng đầu là Thành hoàng Nguyễn Tuyên - một vị công thần thời Lý có công giúp vua Lý Thái Tông dẹp giặc Chiêm Thành đầu thế kỷ XI. Sau đó, ông được dân làng nơi đây mến mộ, kính trọng đưa vào hưởng tế Thành hoàng làng. Phần hội là các trò chơi, trò diễn mang đậm yếu tố dân gian như: đấu vật, đánh cờ, đua thuyền, múa hát...
Cùng với vùng đất cổ linh thiêng làng Triềng xã Yên Ninh, huyện Yên Định có Hội làng Triềng (hay còn gọi làng Trịnh Xá), làng nằm trên một vùng đất cao hình chiếc bành voi, đầu voi là nơi dựng ngôi nghè thờ Thành hoàng Trịnh Quốc Bảo có công giúp vua Lý đánh đuổi giặc Tống phương Bắc và chính là người sáng tạo ra trò Triềng độc đáo, để các đội binh mã đã làm nên chiến thắng đem trò ra diễn trận lại tại Kinh thành Thăng Long xưa. Tương truyền rằng: Sau nhiều năm đem trò Triềng ra diễn ở Kinh đô, có bà Chúa Chan thương dân vất vả, tốn kém đã tâu với vua cho phép mở hội và diễn trò tại quê nhà. Ghi ơn bà, làng lập đình thờ gọi là đình Chan, và từ đó cứ đến ngày 12 tháng Giêng dân làng tưng bừng mở hội tại làng. Vì gắn liền với tích trò Triềng, nghi lễ cúng tế của lễ hội làng Triềng không diễn ra tại đình mà ở bãi trò.
Hội làng Triềng diễn ra vào các ngày 10, 11 và 12 tháng Giêng âm lịch. Sau lễ tế Thành hoàng trang nghiêm, là lễ rước kiệu phụng nghinh Thành hoàng ra bãi trò gồm các đoàn voi, phường tượng mã triều, rồng tre, ngựa sắt do thanh niên trai tráng trong làng đóng thế. Cuộc đua tài trong các trò Thiên Vương, trò voi bị, phường ngựa, rồng trọi, tạo nên không khí huyên náo, sôi động... Cùng âm thanh rộn ràng của tiếng chiêng trống, là những con trò đội lốt vừa chạy vừa nhún như ngựa phi, rồng lượn, voi uốn. Đặc biệt là màn trò phối diễn, tất cả các trò nhảy múa tại chỗ múa rối, múa khiên, múa đoản dao và hát.
Đến với vùng đất có nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng trong lịch sử xứ Thanh đó là làng Cổ Bôn (thuộc Đông Thành, Đông Sơn, Thanh Hóa). Làng thờ 4 vị Thành hoàng: Thánh Cả, Thánh Phúc, Thánh Quỳnh, Thánh He, trong đó Thánh Cả hiệu là Đế Thích (vua đánh cờ) biểu tượng của một khúc gỗ thiêng, thánh Quỳnh biểu trưng là “Con cáo luôm thuôm”, thánh Phúc là một người mồ côi, thánh Hẹ là Đặng quận công Nguyễn Khải.
Làng Cổ Bôn tổ chức hội ngày 20 tháng Giêng. Các thôn rước Thành hoàng về sinh Bôn để hội làng. Theo tục lệ cỗ cúng ở hội kẻ Bôn, phải có bánh đầu tằm và bánh chưng to bằng cái mẹt, phải luộc bánh bằng vạc, mỗi vạc luộc được 2 cái. Hội Bôn có trò Bôn, là một hệ thống ngũ trò: trò Tiên Cuội, trò Hòa Lan, trò Ngô, trò lăng ba khúc, trò thủy. Trò Bôn do quan viên trong làng quy định, tùy theo tình hình năm mở hội. Nếu định chữ Thượng thì làng tổ chức đánh cờ, nếu định chữ Trung thì kéo trò Bôn, nếu chữ Hạ thì chỉ làm cỗ “bò sống, lợn sống” (tạ lễ bằng thịt sống).
Ngược lên trên vùng đất Thọ Xuân đó là hội làng Xuân Phả (Xuân Trường), diễn ra vào ngày mùng 10, 11-2 âm lịch. Hội làng gắn liền tích báo ân của vua Đinh Tiên Hoàng đối với vị thần báo mộng cho ông đánh thắng giặc nơi biên thùy phía Nam. Phần lễ cúng tế Thành hoàng, phần hội là các trò chơi, trò diễn xướng dân gian Xuân Phả được người xưa ví rằng: “Ăn bánh với giò, không bằng xem trò làng Láng”. Thông qua các tích: Hoa Lang, Chiêm Thành, Tú Huần, Ai Lao, Ngô Quốc. Cùng với các đạo cụ diễn trò như: lốt voi, hổ, ngựa, kỳ lân, gậy trúc... Đặc biệt, các trò diễn nhảy múa siêu đao, phất cờ, chèo thuyền, múa quạt... để hiểu thêm về mối quan hệ bang giao giữa nước ta và các nước láng giềng trong lịch sử.
Hàng năm, hội làng ở xứ Thanh được duy trì thường xuyên tổ chức 1 lần. Để nhằm biết ơn những bậc tiền nhân, những anh hùng dân tộc đã có công với làng, với dân tộc. Đồng thời, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau luôn luôn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Trong không khí rộn ràng mùa xuân về, lễ hội truyền thống hội làng ở xứ Thanh trở thành nép đẹp văn hóa trong đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
                         

   N.V.M


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 657
 Hôm nay: 3089
 Tổng số truy cập: 9310895
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa