Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Nét đặc trưng của các tiểu vùng văn hóa ở thanh hóa nhìn từ góc độ văn học dân gian - Lê Xuân Soan
Nét đặc trưng của các tiểu vùng văn hóa ở thanh hóa nhìn từ góc độ văn học dân gian - Lê Xuân Soan

Văn học dân gian (VHDG) Thanh Hóa rất dồi dào, phong phú cả về nội dung, thể loại, phương thức biểu diễn... Nhiều tác phẩm thường khó xác định để biết quê hương xuất xứ. Đó cũng là tình hình chung của nhiều địa phương. ở Thanh Hóa tồn tại nhiều bài ca dao, sử thi, truyện cổ, hò vè... mà về nội dung có liên quan đến VHDG của cả nước như Đẻ đất đẻ nước, Mai An Tiêm, Từ Thức, Phương Hoa, Trạng Quỳnh... Góp vào dòng chảy chung của VHDG cả nước, VHDG Thanh Hóa cũng có những nét đặc sắc riêng ở mỗi tiểu vùng do điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử, văn hóa tác động...
1. Văn học dân gian miền núi Thanh Hóa
1.1. Sử thi, một quan niệm nguyên khai về vũ trụ
Trong kho tàng VHDG miền núi, không thể không nói đến hai bộ sử thi đồ sộ của người Thái và người Mường ở Thanh Hóa.
Toi ặm oóc nặm đìn (kể chuyện sinh ra đất nước) là một tập sử thi của người Thái. Câu chuyện về nàng On tóc dài da mật và Tạo Inh sức khoẻ phi thường. Họ ăn nằm với nhau sinh ra mây gió, sinh ra đất bằng cái lá đa và tiền bằng cái vẩy ốc... Có đôi chim trời đẻ trứng hóa ra nước, ra lửa, ra khe núi...
Sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường là một bài ca nghi lễ dài được gọi là Mo Tiêu. Câu chuyện kể về việc sáng lập đất nước, mường bản và sự tiến triển của dân tộc Mường từ cộng đồng sơ khai đến khi xây dựng được một chính quyền có vua có thành trì, mường bản.
Đẻ đất đẻ nước, Toi ặm oóc nặm đìn là những sử thi lớn có giá trị về nhiều mặt. Nó đánh dấu những bước phát triển về tư duy của con người, nó là những chứng tích đầu tiên về một tinh thần triết học, nó thể hiện rõ tư duy huyền thoại, tư duy nghệ thuật, thể hiện những phát triển về mặt văn hóa nói chung của dân tộc ta...
1.2. Truyện thơ, một khát vọng tự do yêu đương và hạnh phúc
Truyện út Lót - Hồ Liêu được lưu hành rộng rãi trong các bản Mường của các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Cẩm Thuỷ và người Mường ở tỉnh Hòa Bình. Truyện kể về nàng út Lót và chàng Hồ Liêu (đều là con của 2 Lang đạo), họ yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Cái chết của hai người (dù không phải là cách giải quyết thoả đáng), nhưng đó là sự phản kháng quyết liệt, không chịu khuất phục đối với chế độ hôn nhân cưỡng bức của phong kiến Lang đạo. Sức hấp dẫn của truyện thơ bởi nội dung lành mạnh, giàu tính nhân đạo, bởi lời thơ giàu hình ảnh và âm điệu, rất gần với dân ca Mường.
Truyện Nàng Nga - Hai Mối có thể coi là sự tiếp nối truyện út Lót - Hồ Liêu. ở truyện thơ này, chúng ta bắt gặp những kẻ quyền uy (vua nhỏ, chúa đất, quan lang...) nhưng tất cả đều phải phục tùng Nàng Nga khi nàng đã quyết vượt qua mọi trật tự và lễ nghi phong kiến đương thời mà lo liệu chu tất cho người yêu của mình và nàng được mọi người kính nể.
Truyện Nàng ờm - Chàng Bồng Hương cũng là một trong những tác phẩm phổ biến của người Mường Thanh Hóa. Đó là một bản tình ca ca ngợi những khát vọng, những ước mơ chân chính và cũng rất bình dị của những con người mong được tự do yêu đương, tự do xây dựng hạnh phúc của mình. Nhưng những mơ ước ấy đã bị áp lực của giáo lý phong kiến và bọn lang đạo thô bạo ngăn cản. Truyện thơ được xây dựng theo một lối tư duy gắn với phong cách người Mường (chuyện trò của hồn người chết với họ hàng...).
Có thể thấy, những truyện thơ của người Mường với những nhân vật, sự việc, địa danh được gắn với một vùng, một thời, góp phần tạo nên tính chân thực của tác phẩm, làm rung cảm và thuyết phục người nghe. Đó cũng là sự phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của người Mường thời bấy giờ, góp phần tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cao ở đối tượng tiếp nhận (Vũ Ngọc Khôi, Sđd).
Xường có nghĩa là thương, hoặc thường của người Mường Thanh Hóa biểu hiện một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng rất cao. Xường là một loại dân ca, được nhân dân các tộc Mường sáng tạo, gìn giữ và được sử dụng như một phương tiện để ngợi ca con người, ngợi ca cuộc sống của dân tộc mình, để gửi gắm, giải bày nỗi niềm, ước mơ, khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, trong quá trình giao lưu gặp gỡ của trai gái Mường còn nảy sinh một hình thức ca hát giao duyên, nói lên những cảm xúc, tâm tình của các chàng trai cô gái gắn với một vùng rừng núi xứ Thanh.
Khặp (có nghĩa là hát) của đồng bào Thái các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân. Khặp Thái là một hình thức dân ca mang nội dung rất phong phú về lịch sử, dân tộc với những quan niệm tín ngưỡng của người Thái về cuộc sống và con người. Khặp Thái còn là cái tình sâu sắc đối với quê hương đất nước, là những lời cầu mong hạnh phúc, những lời khuyên bảo, nhắc nhủ nhau giữ gìn nương rẫy. Khặp Thái có nhiều bài miêu tả, kể chuyện kéo gỗ, đắp đập... với tinh thần say sưa lao động và chiến thắng thiên nhiên. Khặp Thái còn là những nét ngọt ngào, quyến rũ của tình yêu. Những câu ca giao duyên, những câu ca tình yêu của khặp Thái xứ Thanh thật vô tận, cũng như sức mạnh tình yêu luôn vô tận. 
1.3. Truyện thơ, giai thoại - một sự ngưỡng mộ, ngợi ca đối với danh nhân và những anh hùng cứu nước
Truyện Khăm Panh là một trường ca tự sự của đồng bào Thái phổ biến ở huyện Bá Thước và một phần ở các huyện Lang Chánh, Quan Hóa. Truyện Khăm Panh có nhiều dấu vết chứng tỏ nguồn gốc truyện gắn với một hiện thực lịch sử, xã hội nào đó. Truyện phản ánh khá rõ một hiện thực về sự hình thành, xây dựng làng bản, chiến thắng thiên nhiên và chiến thắng xâm lăng của người Thái xứ Thanh mà tiêu biểu là dòng họ Khăm Panh.
Hệ thống các giai thoại, truyền thuyết về Lê Lợi, các nhân vật chung quanh Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn, về các sĩ phu yêu nước như Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao... cũng được lưu truyền rộng rãi khắp các vùng núi xứ Thanh - đó là những câu chuyện về những chiến công, về danh tính các vị anh hùng, các danh nhân hào kiệt. Đó là chuyện đặt tên chòm bản gắn với các truyện kể dân gian về các nhân vật chung quanh Lê Lợi, là chuyện về một bản, một làng, một tiểu cộng đồng với những giá trị bền vững nhất.
Như vậy, có thể thấy diện mạo văn hóa vùng núi Thanh Hóa nhìn từ góc độ VHDG là nơi của những sáng tác và sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng rất cao. Qua những sử thi, truyện thơ, xường, khặp của người Mường, người Thái xứ Thanh càng chứng tỏ đời sống tâm hồn phong phú, cách nhìn nhận và lý giải hiện tượng tự nhiên và xã hội mang cốt cách của người miền núi xứ Thanh đậm nét. Sức sống dài lâu của những tác phẩm VHDG cũng chứng tỏ ý thức giữ gìn, lưu truyền những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa của cha ông.
2. Văn học dân gian vùng trung du và đồng bằng Thanh Hóa
2.1. Truyện thần thoại lý giải sự hình thành núi, sông, ruộng đồng
Đây là những truyện nhằm giải thích các địa danh một trái núi, một dòng sông, một cánh đồng, một gò bãi... Cách giải thích thường thông qua hành trạng, công tích của những nhân vật khổng lồ, có sức khoẻ phi thường (quảy núi, cày sông, cõng đá, lấp biển, mở đất lập làng). Những nhân vật này không lao động đơn độc mà cùng làm với con người. Cho nên có thể nói những nhân vật khổng lồ chính là những người nông dân Thanh Hóa thực sự được phóng đại theo kích thước vũ trụ qua trí tưởng tượng phong phú của người xưa. Đó là những nhân vật tiêu biểu nhất của cộng đồng, là anh hùng của cộng đồng gắn với từng vùng, từng xứ. Đó là những truyện về ông Vồm, chàng Go của Thiệu Hóa; là ông Nưa của Triệu Sơn; là ông Bưng của Hoằng Hóa... Tên các vị anh hùng ấy cũng gắn liền với địa danh sông núi, ruộng đồng.
Những truyện về sự hình thành núi sông ruộng đồng ở Thanh Hóa vừa là thần thoại, vừa mang những yếu tố của truyền thuyết. Đó là những anh hùng văn hóa có công khai sáng quê hương, được truyền tụng thờ cúng nên cũng gắn liền với tín ngưỡng dân gian.
2.2. Truyền thuyết về các nhân vật lịch sử
Là những truyện về các nhân vật lịch sử được nhân dân lưu giữ và kể lại bằng phong cách dân gian. Nhân vật của truyền thuyết được bao quanh bởi một lớp hào quang huyền thoại, song vẫn là những hình tượng cụ thể vô cùng gần gũi với nhân dân lao động. Suốt một vùng đồng bằng và trung du rộng lớn của Xứ Thanh đã từng lưu giữ những truyền thuyết về Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc, về Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, về Dương Đình Nghệ, Hồ Quý Ly, Trần Khát Chân, Tống Duy Tân... Đáng chú ý nhất là những chuyện kể dân gian chung quanh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi.
Truyền thuyết dân gian về khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi vận động theo hướng mở của không gian, không bó hẹp ở vùng đất Lam Sơn. Đồng thời cũng vận động theo hướng mở rộng trong một hệ thống được cố định bằng hai huyền thoại tiêu biểu là nhận kiếm và hoàn kiếm. Từ hệ thống này, hình tượng Lê Lợi là hình tượng tiêu biểu. Lê Lợi được dân gian huyền thoại hóa từ việc ra đời, hành trạng, nhận gươm, đánh giặc, thua chạy, chiến thắng, đặt tên làng, trả gươm báu... Hình tượng Lê Lợi nổi bật với một ý nghĩa lớn. Đó là sự tập hợp về vũ khí, tập hợp nhân tài vật lực quanh người lãnh đạo cao nhất.
Cũng cần phải kể đến truyền thuyết về công chúa Liễu Hạnh, nhân vật huyền thoại gắn với nhiều vùng đất như Nghệ An, Lạng Sơn, Nam Định, đặc biệt ở Thanh Hóa với các đền thờ còn lại đến ngày nay là đền Phố Cát (Thạch Thành) và đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn).
Câu chuyện Liễu Hạnh ra đời cách đây đã gần 500 năm. Liễu Hạnh là ai, bóng dáng của nhân vật lịch sử nào? ... Thực ra, trong bối cảnh xã hội lúc đó, truyền thuyết Liễu Hạnh công chúa, xuất hiện với một nàng tiên nữ ba lần giáng trần, yêu thiết tha cuộc sống trần gian, bất chấp mọi trở lực để thực hiện lý tưởng có ý nghĩa tích cực rất lớn và được nhân dân chấp nhận.
Liễu Hạnh được xếp vào danh mục Tứ Bất Tử cùng Chử Đồng Tử, Tản Viên và Thánh Gióng. Đó không phải là ý muốn của một ai, của một thời đại nào. Trong quá trình sàng lọc, đánh giá của tín ngưỡng dân gian, người Việt đã công nhận được bốn vị thần ấy là Tứ Bất Tử. Bất Tử không có nghĩa là không chết, mà là thiêng liêng nhất không vị thần nào so sánh bằng. Bất tử là mãi mãi trường tồn, được ngưỡng mộ, được thờ cúng, mãi mãi muôn đời hương khói bền lâu.
2.3. Ca dao, dân ca, hò vè
Ca dao Thanh Hóa mang cái hồn chung của ca dao cả nước, nhưng nét riêng có thể là qua ca dao thấy tâm hồn, tính cách con người xứ Thanh đậm đà mà hồn nhiên, bộc trực, lúc phóng khoáng dạt dào, lúc bồi hồi tha thiết lúc chân chất yêu thương, khi bay bổng tình tứ, khi lạc quan yêu đời và cả những khi châm biếm, mỉa mai hoặc bất bình.
Thanh Hóa có các trung tâm dân ca mang những nét phong cách riêng. Đó là:
- Trung tâm Xuân Phả nằm ở phía Tây Nam huyện Thọ Xuân, gắn với các hình thức dân ca hát cửa đình, hát ghẹo, hát chèo.
- Trung tâm Đông Anh nằm giữa khu vực văn hóa Đông Sơn, khu di chỉ Thiệu Dương - Núi Đọ, khu di chỉ đồ đồng Đông Sơn và chung quanh là những thị trấn Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Rừng Thông, Quảng Xương... Đây là vùng của hát múa Đông Anh (Tiếp cận kho tàng Folclore Việt Nam).
- Sông Mã chảy qua Thanh Hóa có tới 250 km và đi qua nhiều huyện. Sự giao thông thuyền bè và nghề nghiệp sông nước đã hình thành một thể dân ca đầy đủ thủ tục là hò Sông Mã với những màu vẻ đặc sắc riêng.
Trong đó, Hò Sông Mã không chỉ là hình thức văn nghệ đơn thuần với lời và làn điệu để cho con người thưởng thức. Hò Sông Mã tham gia vào lao động, được phát huy và trở thành một sức mạnh vật chất, góp sức vào cuộc vật lộn của con đò trên sông Mã:
Kể từ trên bến ra khơi
Anh tài đạp lái, bốn anh em tôi cầm chèo.
Hò Sông Mã là một trong những trung tâm dân ca Thanh Hóa, mang sắc thái riêng, đậm chất xứ Thanh của cả một vùng rộng lớn từ thượng nguồn về trung du và đồng bằng Thanh Hóa. Tạo nên một nét văn hóa của vùng sông nước rộng dài trên đất quê Thanh.
3. Văn học dân gian vùng duyên hải Thanh Hóa
3.1. Truyện thần thoại về sức mạnh khai phá, sắp xếp đất đai, núi sông và giữ yên bờ cõi
Truyện Ông Bưng lưu hành nhiều ở huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, là chuyện được nhập vào nhân vật lịch sử triều Lý là Lê Phụng Hiểu, mà thực chất là truyện về một nhân vật khổng lồ, mang nhiều yếu tố thần thoại lại vừa có những yếu tố của truyền thuyết và cổ tích sinh hoạt.
Truyện Thần Độc Cước lại là một câu chuyện về một vị thần có tấm lòng yêu nước thương dân, có dũng khí đã chiến đấu chống bọn cướp biển, giữ bình yên cho vạn chài. Truyện Thần Độc Cước (thần một chân) cùng với các huyền thoại về núi Cô Tiên, Hòn Trống Mái, dãy Trường Lệ tạo nên một cụm truyện dân gian phong phú về vùng biển Sầm Sơn giàu đẹp.
Xét ở góc độ nào đấy thì Thần Độc Cước vừa mang tính chất thần thoại vừa mang những yếu tố của truyền thuyết chân nhân, xả thân chống loài quỷ biển, nó phản ánh tinh thần mong muốn giữ yên bờ cõi cho những người dân của vùng biển xứ Thanh.
3.2. Những truyện cổ tích góp mặt trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam
Truyện Mai An Tiêm (truyện Sự tích quả dưa hấu) không chỉ giải thích việc ra đời của một loại cây, một sản vật mà còn là câu chuyện về hình ảnh người nông dân lao động thời cổ xưa đã biết tin vào sức lực, khả năng của mình để tổ chức tốt cuộc sống cho dù có nhiều khó khăn, nguy hiểm đe dọa. Người Việt cổ, người dân Thanh Hóa tin rằng, với bàn tay lao động của mình, với tình yêu thương của người thân trong gia đình, họ vẫn có thể khai phá những vùng đảo hoang để xây dựng và phát triển đời sống. Đây là truyện có sức thuyết phục, được lưu truyền nhiều ở vùng Nga Sơn. Truyện Mai An Tiêm là truyện về tinh thần lạc quan, thiết tha với thiên nhiên với cuộc đời của người lao động từ thời xa xưa...
Truyện Từ Thức có liên quan đến động Từ Thức ở huyện Nga Sơn. Đây là một truyện rất độc đáo mà trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam ít có câu chuyện như thế.
Truyện Phương Hoa với nhân vật chính là người phụ nữ được nhân dân dành trọn sự quý mến và cảm phục. Phương Hoa là hiện thân của tấm lòng thuỷ chung son sắt. Nàng tin ở tình yêu và giữ gìn tình yêu của mình chỉ với một lời hẹn ước. Phương Hoa đã vượt lên mọi thử thách, tìm mọi cách để thay đổi hoàn cảnh, cải tạo hoàn cảnh, minh oan cho chồng, cho gia đình chồng. Phương Hoa quyết tâm bảo vệ và giành lại hạnh phúc chính đáng của mình, làm tròn trách nhiệm của người vợ hiền, người con hiếu thảo trước một xã hội nhố nhăng, nhũng nhiễu do bọn quan lại gây nên.
3.3 Truyền thuyết về những nhân vật lịch sử
Miền duyên hải cũng như các vùng miền khác của tỉnh Thanh là nơi lưu giữ nhiều huyền thoại, truyền thuyết về các anh hùng lịch sử, danh nhân. Gắn với các nhân vật ấy là quê hương, là nơi phát tích, dựng nghiệp... của họ. Cho nên ở đây cũng có nhiều truyện được lưu hành trong nhân dân về Bà Triệu (Hậu Lộc), về Đào Duy Từ (Tĩnh Gia), Trần Xuân Soạn (thành phố Thanh Hóa), khởi nghĩa Ba Đình (Nga Sơn) ... Những nhân vật ấy trong tâm thức dân gian họ đi vào truyền thuyết, huyền thoại với một sự ngưỡng mộ, kính phục, tôn thờ.
3.4. Truyện Trạng Quỳnh và tiếng cười giàu tính chiến đấu 
Truyện Trạng Quỳnh nằm trong hệ thống truyện Trạng của dân gian Việt Nam. Truyện Trạng Quỳnh là đóng góp lớn, độc đáo cho kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam. ở xứ Thanh, ngoài truyện Trạng Quỳnh còn phải kể đến Xiển Bột, Cả Triệu...
3.5. Tục ngữ, ca dao, dân ca, phương ngôn miền duyên hải
Do điều kiện tự nhiên và xã hội, miền duyên hải xứ Thanh cũng là nơi lưu giữ những câu tục ngữ, những bài ca dao, những phương ngôn và những làn điệu dân ca được dùng trong sinh hoạt hàng ngày và trong sinh hoạt lễ hội.   
Kết luận
1. Cho dù được sáng tác ở thể loại nào, ở vùng miền nào thì VHDG Thanh Hóa nổi lên mấy nội dung cơ bản sau:
- Phản ánh quan niệm của người Việt cổ xứ Thanh về vũ trụ, thiên nhiên, sông núi, ruộng đồng, gò bãi... môi trường sống gắn bó và quen thuộc của người dân trồng lúa, chăn nuôi, săn bắn, chài lưới...
- Phản ánh đời sống tâm hồn phong phú của người dân xứ Thanh: Yêu quê hương làng xóm, ghét gian ác, khát vọng tự do yêu đương và hạnh phúc, một niềm lạc quan yêu đời để vượt lên những gian khổ của cuộc đời thực.
2. VHDG với đặc trưng truyền miệng, nhưng có thể thấy cách truyền khẩu những tác phẩm VHDG ấy cũng đậm dấu ấn tiếng nói xứ Thanh của người Kinh, người Mường, người Thái. Chính điều này giúp chúng ta có thêm cách nhận diện tiểu vùng văn hóa qua VHDG cũng như ngôn ngữ. Người dân xứ Thanh đã biết phát hiện những đặc điểm tiếng địa phương để sáng tạo và lưu giữ những tác phẩm VHDG như một nét của bản sắc văn hóa quê Thanh.
3. Điểm đặc biệt của VHDG Thanh Hóa là: Gần như bất cứ một thể loại văn học nghệ thuật nào có ở Việt Nam, thì Thanh Hóa đều có, và đều tạo thành một số vùng thể loại khá đậm đặc, gây được ấn tượng: Ca công, chèo, hò sông Mã là những ví dụ. Có những sự kiện Folklore được ghi đậm trong lịch sử văn hóa như: Sử thi Đẻ đất đẻ nước, truyện cười với Trạng Quỳnh, truyện nôm với Phương Hoa, truyện thơ dân tộc với Khăm Panh. Nhiều truyện cổ tích tiêu biểu của Việt Nam đã được ra đời từ Thanh Hóa như truyện Mai An Tiêm, Từ Thức. Miền quê rộng lớn gắn bó với đất nước từ thời cổ đại đến hiện đại, có những đóng góp như vậy, không có gì lạ, nhưng đối chiếu với tinh thần chung thì vẫn là có nét riêng tư (Địa chí Thanh Hóa tập II, trang 1257).
4. Sự phong phú của các thể loại VHDG Thanh Hóa chứng tỏ trình độ và năng lực cảm thụ, sáng tạo nghệ thuật của người dân là rất tiềm tàng. Có những tác phẩm trở thành sản phẩm chung của cả nước (Từ Thức, Phương Hoa, Mai An Tiêm, Trạng Quỳnh, Đẻ đất đẻ nước...) nhưng vẫn mang sắc thái xứ Thanh cái hồn của xứ Thanh từ địa danh, tính cách đến ngôn ngữ...
                            

    L.X.S

 

Tài liệu tham khảo:
1. Nhiều tác giả Hợp tuyển Văn học dân gian các dân tộc Thanh Hóa, NXB KHXH (1990).
2. Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Địa chí Thanh Hóa, Tập I, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin (2000).
3. Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Địa chí Thanh Hóa, Tập II, Nhà xuất bản Khoa học xã hội (2004).


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 669
 Hôm nay: 3557
 Tổng số truy cập: 9311363
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa