Lễ hội mùa xuân ở xứ Thanh - Trần Thị Liên
Mùa xuân vốn là của đất trời. Thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước ta bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông, có mùa xuân của tự nhiên và cũng có mùa xuân của con người nhưng chính con người đã làm cho mùa xuân thêm đẹp, thêm vui và thấm đậm tính nhân văn bằng những lễ hội mùa xuân.
Theo dòng chảy của mùa xuân văn hiến Việt Nam, chúng ta đã tạo nên những truyền thống “văn hóa xuân” tốt đẹp: xuân làm ăn, xuân đánh giặc và còn có xuân vui chơi, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Lễ hội mùa xuân trên đất nước ta là kết quả của sự giao lưu và đan xen văn hóa để tô nên một sắc xuân Việt Nam và những nét văn hóa riêng của mỗi vùng.
Xứ Thanh là một trong những cái nôi của văn hóa dân tộc, một vùng quê văn hiến cũng là nơi có nhiều lễ hội. Lễ hội truyền thống ở xứ Thanh diễn ra trong bốn mùa nhưng tập trung nhất vẫn là mùa xuân. Lễ hội mùa xuân truyền thống trên đất Thanh Hóa đã góp phần tạo nên một nét văn hóa xuân trong kho tàng văn hóa Việt Nam.
Văn hóa Việt Nam cổ truyền căn bản là văn hóa nông nghiệp do người lao động sáng tạo ra. Văn minh Việt Nam cổ truyền là văn minh làng xóm, hội mùa xuân Việt Nam là hội làng quê. Hội mùa xuân trên vùng đất quê Thanh cũng không ngoài mẫu số văn hóa chung ấy.
Đối với người dân, mùa xuân là thời gian tạm nghỉ giữa hai chu trình sản xuất nông nghiệp. Sau những ngày đông vụ chí kỳ, những người nông dân phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, “ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng” đây là thời gian nông nhàn trước khi bước vào thời vụ mới. Các làng quê sau những ngày tháng bận rộn, những ngày đông giá rét bỗng bừng dậy sắc xuân với một khí thế hội hè, đình đám.
Ngôi đình là trung tâm của hội làng. Với vị thế là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, ngôi đình là nơi làng tế lễ thành hoàng và mở hội xuân với các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng như hát chèo, hát cửa đình, tiến hành các trò chơi, trò thi. Các làng có những ngôi đình nổi tiếng như Hoằng Lộc, Nguyệt Viên (Hoằng Hóa), đình Gia Miêu, Đồng Ô, đình Trung, đình Quan Chiêm (Hà Trung), đình Viên Khê (Đông Sơn), đình Hổ Bái (Yên Định), đình Hồ Nam, Đông Môn (Vĩnh Lộc)... là những nơi được biết đến với những hội làng đông vui, thể hiện sức sống của văn hóa dân gian và nét đặc sắc của văn hóa làng xứ Thanh.
Nằm trong vùng nông nghiệp, lễ hội cổ truyền ở xứ Thanh chủ yếu là lễ hội cầu mùa. Với ý nghĩa cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng được người an, vật thịnh, mùa màng tươi tốt bội thu. Đây chính là các lễ kỳ phúc, kỳ yên thường phổ biến ở hầu hết các làng quê nông nghiệp. Tiêu biểu cho loại lễ hội này là lễ hội trình nghề ở làng Triềng (Yên Ninh, Yên Định), lễ kỳ phúc ở các làng nông nghiệp miền xuôi và lễ Cầu Ngư ở các làng miền biển như Ngư Lộc (Hậu Lộc), Quảng Nham (Quảng Xương)... Bên cạnh lễ hội cầu mùa, lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc, tưởng nhớ người có công với dân, với nước cũng khá phổ biến ở Thanh Hóa. Loại lễ hội này có thể liên quan trực tiếp với anh hùng dân tộc như lễ hội đền Bà Triệu, lễ hội đền Lê Hoàn, lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền Lê Lai... cũng có thể là những lễ hội liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử như lễ hội Xuân Phả, lễ hội làng Bôn... Lễ hội làng Xuân Phả, sau tế Thành Hoàng, dân làng vào hội với hàng loạt trò vui như trò kéo hội, trò chạy giải, trò chèo thuyền múa mạn. Sau này còn có cả một hệ thống 5 trò diễn là Ngô Quốc, Chiêm Thành, Tú Huần, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung. Các trò diễn này được gắn với nội dung các nước chư hầu đến tiến cống triều Lê.
Lễ hội làng Bôn sau tế lễ thành hoàng là diễn ngũ trò. Ngũ trò gồm có trò Thủy, trò Tiên, trò Ngô, trò Hòa Lan và trò Lăng Ba Khúc. Những trò này được diễn để cung nghinh thành hoàng là Đăng Quận Công Nguyễn Khải (con trai Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết ông là binh bộ Thượng thư Thái phó, cho đến khi tuổi cao sức yếu vẫn được vua Lê phong Quốc Lão để tham dự việc triều chính. Khi mất ông được phong là Phúc Thần). Một số trò diễn ở đây cũng nói về việc sứ thần nước ngoài đến tiến cống thành hoàng nước Nam.
Cùng với nội dung cầu mùa, tôn vinh anh hùng dân tộc; Lễ hội cổ truyền còn tôn vinh, xưng tụng công đức của những danh nhân văn hóa, các vị tổ sư các ngành nghề - những người đã đóng góp mở mang dân trí, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng. Tiêu biểu cho loại lễ hội này là lễ hội bánh chưng bánh dày, lễ hội Bà Triều (Tổ sư nghề dệt súc) ở Sầm Sơn.
Mùa xuân là mùa của những lễ hội đình đám và diễn trò. Cùng với chiếu chèo mùa xuân, hát ca công và những hình thức diễn xướng dân gian trong lễ hội mùa xuân đã làm cho mùa xuân thêm rộn rã, vui tươi.
Hội mùa xuân cổ truyền cũng gắn với hội đền, hội chùa. Thanh Hóa là nơi có nhiều đền, chùa, phủ nổi tiếng như đền Bà Triệu, đền thờ vua Lê, đền Sòng, đền Phố Cát; phủ Na, phủ Sung; chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, chùa Thanh Tuyền, chùa Linh Xứng, chùa Hương Nghiêm, chùa Báo Ân, chùa Vồm, chùa Bình Lâm... Mùa xuân cũng là dịp trẩy hội chùa, hội đền, giải oan tâm linh, cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn.
Miền núi Thanh Hóa là quê hương lâu đời của nhiều dân tộc anh em. Lễ hội mùa xuân của các dân tộc Mường, Thái, Dao... đã làm cho nét xuân xứ Thanh thêm đa dạng và giàu hương sắc.
“Lịch” của người Mường vốn là lịch “Ngày lui tháng tới” nhưng từ lâu người Mường đã theo lịch của người Việt (Kinh) và ăn tết đón xuân theo âm lịch. Hương vị ngày xuân trên các bản mường không chỉ có âm thanh của cồng chiêng trong các hội hát séc bùa mà còn thể hiện qua các trò chơi mang đậm nét văn hóa mường như tung còn, bắn cung và những khúc tình xuân trong các làn điệu dân ca mường: thường, rang, bộ mẹng, múa ống, múa sạp. Đặc biệt là hội chơi bông chơi hoa vào cuối mùa xuân khi mùa hoa bông trăng nở. Đây là lễ hội mang đặc trưng của văn hóa truyền thống Mường trước khi mãn xuân.
Người Thái có cách tính mùa theo lịch riêng nhưng tết của người Thái cũng gần như tết Nguyên đán. Người Thái có nhiều lễ hội, nhất là khi mùa hoa ban nở. Đặc sắc nhất là lễ hội “Kin chiêng boóc mạy” (cá sa - sàng khàn). Sau phần tế lễ thần linh, tỏ lòng biết ơn thần linh đã có công giúp người dân qua khỏi bệnh tật hiểm nghèo, giúp dân làng làm nương, rẫy tốt. Tiếp đó là các lễ cầu mát, cầu lành, cầu bình an cho dân làng rồi đến các trò diễn, trò chơi. Cùng với các trò chơi dân gian hội ném còn, khua luống đã làm cho mùa xuân vùng cao thêm đẹp mang sắc thái riêng của văn hóa tộc người.
Con người đã làm nên lễ hội mùa xuân, lễ hội mùa xuân đã thể hiện được tinh thần cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, nghệ thuật, tôn vinh anh hùng, tưởng nhớ tổ tiên, hướng tới một năm tốt đẹp. Hội mùa xuân xứ Thanh trong dòng chảy của mùa xuân dân tộc đã tạo nên một nét xuân góp phần vào mùa xuân dân tộc.
Do điều kiện lịch sử, có một thời kỳ lễ hội cổ truyền đã tạm thời lắng xuống, nhiều lễ hội bị rơi vào lãng quên hoặc mai một dần; một số di tích bị hư hỏng và chịu sự tàn phá của thời gian. Gần đây, lễ hội truyền thống đã được phục hồi và có phần phát triển rầm rộ. Sự phục hồi và phát triển này có mấy nguyên nhân cơ bản. Đó là quan điểm của Đảng ta về gìn giữ bảo lưu phát huy giá trị truyền thống trong việc xây dựng nền văn hóa Việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là đời sống nhân dân từ khi có chính sách khoán 10 các hộ gia đình đã có cơ hội phát triển kinh tế và nhu cầu văn hóa của nhân dân cũng ngày một đòi hỏi cao hơn. Bên cạnh đó, việc cấp bằng công nhận di tích cho một số di tích lịch sử của Nhà nước cũng khuyến khích lễ hội có thời gian phát triển. Ngày rước bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa ở một số địa phương đã thực sự trở thành ngày hội của cả vùng.
Lễ hội cổ truyền phục hồi cũng là một nguyên nhân làm cho các làng quê ngày càng đổi mới, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Song bên cạnh những ưu điểm của việc lễ hội được phục hồi cũng có những hiện tượng tiêu cực nảy sinh, đó là việc thương mại hóa trong lễ hội. Để được cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa, một số địa phương, đã lập hồ sơ di tích không trung thực, tô vẽ cho Thành Hoàng làng mình những thành tích không có thật, miễn được Nhà nước cấp bằng công nhận di tích lịch sử để được tôn tạo di tích và mở lễ hội là được. Thêm vào đó, một số lễ hội lại đưa vào đó mục đích kinh doanh, lấy lễ hội nuôi lễ hội; thế là họ ngang nhiên thuê đất dựng quán bán hàng, giữ xe, tổ chức đánh bạc dưới hình thức “vui chơi có thưởng”, bán đồ lễ với giá cắt cổ bắt chẹt khách thập phương và thuê những người hầu đồng, hầu bóng về hoạt động liên miên, làm cho người đi lễ mệt mỏi tinh thần vì nội dung đơn điệu, nhàm chán.
Để trả lại cho lễ hội cổ truyền giá trị đích thực, các cấp quản lý cần có sự phối hợp chặt chẽ, khai thác những giá trị văn hóa truyền thống, vận dụng phù hợp để mọi người đến với lễ hội vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vừa được vui chơi thoải mái, không bị chi phối bởi sự thương mại hóa của lễ hội, làm mất đi những giá trị tốt đẹp vốn có của lễ hội cổ truyền.
T.T.L