Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu (933-1011) - Phạm Minh Trị
Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu, thế danh là Ngô Xương Tỷ, sinh năm 933 mất năm 1011, quê ở hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc ở Châu ái (có sách chép là làng Cát Lỵ nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Sách “Thiền uyển tập anh” chép: “Ông người hương Cát Lỵ huyện Thường Lạc họ Ngô tên Chân Lưu, là hậu duệ của Ngô Thuận đế (Ngô Quyền)”. Theo Đào Duy Anh dẫn Tấn thư, thì thời Tam Quốc, Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều quận Cửu Chân gồm 7 huyện. Huyện Thường Lạc tương đương huyện Tĩnh Gia nay. Đến thời Đường đổi là ái Châu (Từ Công Nguyên thứ I trở đi gồm 6 huyện thì Thường Lạc được đổi thành An Thuận. Đến thời Đinh - Lê thì Thanh Hóa là đất ái Châu còn các huyện thì vẫn như cũ. Như vậy, sử chép Ngô Chân Lưu là người huyện Thường Lạc, Châu ái có lẽ không chính xác so với tên gọi lúc đó mà phải là người huyện An Thuận mới đúng. ở Tĩnh Gia nay không có làng Cát Lỵ mà ở Tượng Sơn (Nông Cống) - đất Tĩnh Gia (cũ) có thôn Cát Lễ gần núi Nưa còn lưu hành nhiều dấu tích về các truyện thần tiên tu hành. Theo phả hệ họ Ngô Việt Nam, ông là con cả của Ngô Xương Ngập và là anh trai của Ngô Xương Xí, tức cháu đích tôn của Ngô Quyền. Khi Dương Tam Kha sát hại Ngô Quyền, chiếm ngôi nhà Ngô (944), ông được nương vào cửa chùa để tránh họa sát thân. Năm 950, Ngô Xương Văn diệt Dương Tam Kha khôi phục lại nhà Ngô. Ông vẫn quyết chí gửi thân nơi cửa Phật. Song về quê hương, thân thế sự nghiệp của Ngô Chân Lưu cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. GS Hoàng Văn Lâu trong bài viết đi tìm địa chỉ Ngô Chân Lưu đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 1(26) 1996 với những chứng cứ xác thực dựa trên nội dung hai văn bia “Tư văn bi ký” có niên đại dựng tháng 8 năm Chính Hòa thứ 12 (1691) và “Bản thôn tạo thạch bi” dựng năm 1792 hiện còn lưu giữ ở chùa Cửa Rừng, thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã khẳng định: “Quê quán của Ngô Chân Lưu hiệu là Khuông Việt đại sư làm Tăng thống ở triều Đinh - Lê là ở thôn Đoài, xã Do Hà, huyện Kim Hóa, phủ Bắc Hà (địa danh thế kỷ XVII-XVIII mà trước đây thời Đinh - Lê có tên là Hương Cát Lợi (nay là thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội)”.
Ngô Chân Lưu sau khi quy y cửa Phật chuyên tâm nghiên cứu, trau dồi giáo lí, tư tưởng Thiền học, lại được theo học Thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc và được chân truyền tâm ấn, ngày càng trở nên tinh thông Phật pháp. Sau đó ông lại đi tham vấn với các Thiền sư trưởng bối khắp nơi. Nhờ tận tâm trên đường hoằng pháp nên ông càng được phật tử ở khắp mọi vùng kính trọng noi theo. Năm 971, ông được vua ban tên hiệu là Khuông Việt đại sư. Năm 40 tuổi danh tiếng của ông vang tận đến triều đình. Năm 973, vua Đinh Tiên Hoàng mời ông vào triều tham vấn chính trị. Nhận thấy tài năng và đức độ của ông, vua Đinh Tiên Hoàng đã quyết định phong cho ông chức Tăng thống coi trọng như Quốc sư. Chức quan phong cho vị sư được triều đình coi là người đứng đầu Phật giáo, vua ban cho Trương Ma Ni làm Tăng lục, (chức quan trông coi Phật giáo dưới chức Tăng thống), đạo sỹ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi (chức quan trông coi về đạo giáo). Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con trai Đinh Liễn bị sát hại, Lê Hoàn được tôn lên làm vua, lập ra triều Tiền Lê. Trong giai đoạn trị vì của nhà Tiền Lê, Ngô Chân Lưu tiếp tục được trọng dụng trong vai trò của một Tăng thống. Năm 987, nhà Tống sai Lý Giác sang sứ, ông được giao nhiệm vụ tiếp đón Lý Giác. Vua cho ông giả làm người chèo đò đón sứ giả. Với học vấn uyên thâm ông đối đáp văn thơ với sứ thần trôi chảy, Lý Giác phải nể phục người nước Đại Cồ Việt. Khi Lý Giác về, vua sai ông làm thơ đưa tiễn làm Lý Giác rất cảm kích, quyến luyến không nỡ rời. Sứ Tống về triều tâu lên những điều mắt thấy tai nghe làm nhà Tống hiểu rõ tình hình Đại Cồ Việt. Từ đó mối quan hệ bang giao với nhà Tống được qua lại thường xuyên. Trong các lần sứ giả nhà Tống sang Đại Cồ Việt ông cùng Thiền sư Đỗ Pháp Thuận đối đáp trôi chảy làm nâng cao vị thế của đất nước. Tinh thông nho, y, lý, số nên biết vận nhà Đinh sắp hết từ năm 974 ông đã truyền sấm ngữ: “Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh, cạnh đầu đa hoành nhi đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng đại vương, thập ác vô nhất thiện, thập bát tử đăng tiên kế đô nhị thập niên” nghĩa là: Đỗ Thích giết hai Đinh, nhà Lê nổi thánh minh, tranh nhau nhiều hoành nhi, đường sá người vắng tanh. Mười hai xưng đại vương, toàn ác không một thiện, mười tám con lên tiên, sao Kế đô hai chục ngày.
Khi tuổi cao, ông lui về tu tại núi Du Hí (Sách “Thiền uyển tập anh” chép: Về già ông dựng chùa ở núi Du Hý thuộc quận nhà rồi trụ trì ở đấy”. Theo gia phả của dòng họ Ngô ở xã Định Hòa (Yên Định) thì Động Bàng ở gần sông Mã và đối ngạn là huyện Vĩnh Lộc có núi Xuân Đài, có chùa Du Anh (chùa Thông) cách Động Bàng khoảng 10 km. Có thể lúc tuổi già Ngô Chân Lưu trở về quê gốc và dựng nên chùa Thông để tu hành và truyền giảng Phật pháp(?) truyền dạy học trò, hoằng dương giáo hóa. Ông mất ngày 12 tháng 2 năm Tân Hợi (1011). Ông được tôn là Tổ thứ 5 của thiền phái Vô Ngôn Thông(1) ở Việt Nam. Khi nói về ông, người đời sau đều đánh giá ông là một trong số những nhân vật lịch sử, nhà ngoại giao kiệt xuất nhất của thế kỷ X, người đã có công lao to lớn trong việc tạo dựng nền móng vững chắc cho sự nghiệp khôi phục độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và phục hưng văn hóa Đại Việt. Bằng trí tuệ, nhiệt huyết và lòng yêu nước sâu sắc ông đã phục vụ có hiệu quả công cuộc bảo vệ nền độc lập non trẻ ở cả hai triều đại Đinh và Tiền Lê. Ngày nay nhiều con đường ở trong và ngoài tỉnh đã được mang tên ông. Đó là sự tri ân, tôn vinh công lao sự nghiệp của ông đối với quê hương và đất nước.
Tác phẩm của ông hiện nay còn khúc ca Vương lang quy, hai câu thơ và một bài kệ ứng khẩu lúc sắp mất.
Vương Lang Quy(2)
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
Dao vọng thần tiên phục đế hương.
Vạn trung sơn thủy thiệp thương lang,
Cửu thiên quy lộ trường.
Tình thảm thiết,
Đối ly trường.
Phan luyến sứ tinh lang;
Nguyện tương thâm ý vị biên cương
Phân minh tấu ngã hoàng.
Dịch nghĩa:
Chàng Vương trở về
Hây hây làn gió trong ánh sáng tốt lành, giương cánh buồm gấm
Xa ngóng vị thần tiên trở lại chốn đế hương.
Non nước muôn trùng, vượt làn bể xanh,
Đường về phương trời xa thăm thẳm.
Tình thảm thiết,
Đối chén rượu ly biệt.
Vin xe sứ giả lòng quyến luyến;
Xin đem cái ý sâu xa vì cõi biên cương này,
Tâu thật minh bạch với hoàng đế chúng ta.
Dịch thơ:
Gió xuân đầm ấm cánh buồm giương
Ngóng vị thần tiên tại đế hương
Non nước nghìn trùng vượt đại dương
Trời xa bao dặm trường!
Tình thảm thiết
Chén đưa đường.
Vin xe sứ giả vấn vương!
Dám xin tâu rõ cùng thánh thượng:
Lưu ý chốn biên cương
Trần Thanh Mại
(Giai thoại văn học Việt Nam)
Thủy chung
Thủy chung vô vật diệu hư không
Hội đắc chân như thể tự đồng
Dịch nghĩa:
Thủy chung(3)
Không có cái gì là “thủy” và “chung” chỉ, “hư không” mới là thần diệu,
Nếu hiểu được chân như (4) thì [vạn vật] sẽ tự đồng nhất với tâm thể [của mình]
Dịch thơ:
Sau trước có gì đâu!
Hư không mới nhiệm mầu.
Chân như, chẳng hiểu được,
Tâm thể, cũng như nhau.
Huệ Chi
P.M.T
(1) Theo Nguyễn Lang trong “Việt Nam Phật giáo sử luận” (tập I) NXB Văn học - Công ty Phát hành sách Hà Nội 1992.tr171 thì Thiền phái Tì ni đa lưu chi du nhập vào nước ta năm 580, còn Thiền phái Vô Ngôn Thông du nhập vào Việt Nam từ năm 820. Sư Vân Phong được tôn là tổ thứ 4 của Thiền phái Vô Ngôn Thông là thầy dạy của Ngô Chân Lưu.
(2) Đầu đề này chỉ chép ở Thiền uyển tập anh, Đại Việt sử ký toàn thư không chép. “Vương lang quy” có thể chỉ là tên khúc ca, chứ không hẳn là đầu đề.
(3) Đầu đề do chúng tôi thêm. Theo “Thiền uyển tập anh” thì một hôm có người học trò là Đa Bảo hỏi về sự khởi đầu và kết thúc của việc học đạo. Khuông Việt đã trả lời bằng hai câu thơ trên. Ông cho rằng vạn vật đều đồng nhất với cái chân như (cái bản thể), nó trường tồn, không có bắt đầu, không có kết thúc.
Đa Bảo (?-?) Học trò xuất sắc của Khuông Việt, đứng đầu thế hệ thứ sáu, dòng thiền Quang Bích, là người đã góp phần hoạt động giúp Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra nhà Lý. Không rõ họ tên, quê quán.
(4) Chân như: thuật ngữ đạo Phật, chỉ bản thể vũ trụ chân thực, trường tồn tương đương với các thuật ngữ thực tướng, pháp tinh, pháp giới, viên thành trong các kinh, luận của đạo Phật.
Chân là nói cái nghĩa chân thực, hiển hiện rõ ràng, không phải là cái... Như là nói sự trường tồn, biểu thị ý không thay đổi. [Hai chữ ] đó... chân thực của mọi hiện tượng và tính trường tồn của nó, vì thế mới gọi chân như.