Vị thế của miền tây Thanh Hóa trong khởi nghĩa Lam Sơn - Phạm Tấn
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo nổ ra vào ngày mùng 2 tháng 1 năm Mậu Tuất (tức ngày 7-2-1418) và kết thúc thắng lợi vào cuối năm 1427. Trong mười năm ấy, có 5 năm (1418-1423), nghĩa quân Lam Sơn hoạt động chủ yếu trên địa bàn miền Tây Thanh Hóa. Còn nơi bùng phát của cuộc khởi nghĩa là trên vùng đất của vùng núi Lam (tức Cham) trong không gian địa lý hành chính của hương Lam Sơn (hồi thế kỷ XV và đến thời Nguyễn thì chuyển gọi là tổng Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) - vùng miền núi giáp ranh (hay nối liền) với miền đồng bằng Thanh Hóa. Đây chính là vùng đất hoang rậm mà từ thời cuối Trần, các đời ông, cha Lê Lợi đã đến đây khai khẩn mà “thành sản nghiệp”. Rồi vị Đạo Cham - Hào trưởng (thủ lĩnh) của vùng đất Lam Sơn, với tinh thần yêu nước và sự căm thù giặc Minh sâu sắc đã tập hợp, nhóm họp những người thân tín có cùng chí hướng để tổ chức một cuộc hội thề lịch sử vào năm 1416 (mà sử sách ghi chép là cuộc hội thề Lũng Nhai) để “dốc sức cùng lòng gìn giữ địa phương để trong cõi được an cư, sống chết cùng nhau...” (Trích ở bài văn thề Lam Sơn thực lục, Bản nhà Lê Sát, xuất bản 1976, tr.204). Cũng tại hội thề này, Lê Lợi chỉ tự xưng “tôi là phụ đạo” là người nước A Nam, lộ Khả Lam. Và ngay từ những ngày trứng nước chuẩn bị cho công cuộc khởi nghĩa để giữ vững lời thề và làm nên nghiệp lớn, phụ đạo Lê Lợi đã có ý thức đặt cho vùng đất mà mấy đời có công khai khẩn thành một cái tên địa danh thật rất đáng chú ý, đó là “Lộ Khả Lam” của nước “A Nam”. Điều đó chứng tỏ trong tâm thức của mình, Lê Lợi rất muốn biến đổi nơi đây - vùng rừng núi phía Tây Thanh Hóa sẽ trở thành một trung tâm lộ - trấn như những vùng đất khác. Còn trên thực tế, Lộ Khả Lam, từ lúc được xướng tên ở Văn thề Lũng Nhai đến các văn bản ở các đời sau đó cũng chưa bao giờ được xem là địa danh hành chính trực thuộc quốc gia một cách chính thức vì qua khảo cứu thì vùng đất hương Lam Sơn hồi thế kỷ XV chỉ là địa danh hành chính trực thuộc huyện Lương Giang (thế kỷ XV) và huyện Thụy Nguyên sau đó mà thôi. Nhưng nơi đây - Khả Lam, hay Lam Sơn là nơi khởi phát cuộc khởi nghĩa chống Minh do Lê Lợi - người thủ lĩnh địa phương cầm đầu để sau 10 năm đánh đuổi quân Minh ra khởi cõi bờ và lập ra vương triều Hậu Lê dài lâu trong lịch sử dân tộc đồng thời cũng là vùng đất được gọi là quê hương của nhà Lê mà trong sử sách và dân gian sau đó đều gọi là vùng “đất Căn bản” (giống như ở thời Nguyễn gọi vùng đất của làng Gia Miêu Ngoại trang, huyện Tống Sơn (Hà Trung nay) là vùng đất quý hương, còn Tống Sơn gọi là vùng đất quý huyện). Chính vì thế mà sau khi chiến tranh chống Minh kết thúc (1427) và vương triều Lê được thiết lập (1428), Lam Sơn, hay Khả Lam - ở chỗ gia tộc họ Lê khẩn nghiệp rồi làm nên nghiệp lớn để sớm biến thành Lam Kinh - một vùng đất thiêng với đầy đủ điện - miếu - lăng mộ để thờ phụng các Vua và Hậu nhà Lê như ta biết.
Như vậy, trước - trong và sau khởi nghĩa, vùng đất Lam Sơn đều có vị thế hết sức đặc biệt. Với vị trí địa lý ở vùng rừng núi tiếp nối với đồng bằng, Lam Sơn (ở thời điểm thế kỷ XV) vẫn có đủ yếu tố cần thiết để lập ra một vùng căn cứ khởi nghĩa chống Minh rất lợi hại cả trong phòng thủ, tấn công và rút lui rất an toàn, nhanh chóng. Vì vậy mà trên thực tế, Lam Sơn đã từng được chủ soái Lê Lợi lựa chọn làm nơi chuẩn bị lực lượng và xây dựng thành căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Tại đây, Lê Lợi cũng từng huy động nghĩa quân và dân chúng xây dựng hệ thống thành, lũy nhiều lớp theo địa hình tự nhiên và những nơi tập kết, tập luyện cho nghĩa quân cùng những thuyền, bè để vượt sông Lương, khai chiến với quân thù (như bia Ma Nhai ở núi Rồng - sách áng xưa đã chép mà chúng tôi sẽ nói ở phần sau). Cho đến nay, đã qua rồi hơn 6 thế kỷ, qua khảo sát điền dã, chúng ta vẫn còn thấy ở vùng đất xung quanh núi Lam và địa phận hương Lam Sơn xưa vẫn còn hiển hiện những dấu vết của các đoạn hào thành, các bãi luyện quân, hoặc kho tích trữ quân lương ở một số hang động thuộc dãy núi Miềng (cũng thuộc hương Lam Sơn xưa). Ngoài ra, còn có chỗ núi - đồi còn được gọi là đồn tiền tiêu, hay chỗ liên lạc, đưa đón nghĩa quân vào căn cứ, v.v...
Ngay sau khi cờ nghĩa phất lên (7-2-1418), tại căn cứ Lam Sơn, Bình Định Vương Lê Lợi đã có mấy lần lãnh đạo nghĩa quân chống trả lại sự bao vây, tấn công của quân Minh. Tuy có gây cho địch một số tổn thất, song do tương quan lực lượng quá chênh lệch, Lê Lợi đã quyết định cho nghĩa quân rút lên miền núi rừng phía Tây Thanh Hóa để vừa bảo tồn lực lượng, vừa mở rộng địa bàn hoạt động theo phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”, đồng thời dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở để tổ chức mai phục và tấn công địch một cách bất ngờ, chớp nhoáng. Và từ tháng 2-1418 đến tháng 4-1423, khắp các địa bàn ở vùng rừng núi phía Tây Thanh Hóa, ở phía Tây, hoạt động tới mãi vùng miền núi giáp giới với Ai Lao, phía Tây Bắc tới vùng giáp với cả Hòa Bình và Sơn La, còn phía Tây Nam, nghĩa quân còn có cả hoạt động ở vùng giáp với Nghệ An, v.v... Trong 5 năm hoạt động ở các vùng miền núi phía Tây Thanh Hóa, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng nghĩa quân Lam Sơn vẫn tồn tại, phát triển không ngừng và liên tục tổ chức nhiều trận đánh mai phục, tiêu diệt được nhiều sinh lực của quân nhà Minh như các trận Lạc Thủy (18-5-1418), trận Mường Mọt (tháng 10-1418), trận Mường Nanh (cuối năm 1418), trận tấn công đồn Nga Lạc (tháng 5-1419), trận Mường Chánh (6-1419), trận Bến Bổng (tháng 11-1420), trận Bồ Thi Lang (cuối năm 1420) và từ cuối năm 1420 trở đi là các trận ở sách Ba Lẫm, ở trại Quan Du, hay ở núi Bồ Mộng, Bồ Thi Lang và Kình Lộng, v.v... Đặc biệt là trận chiến ở Sách Khôi (khoảng tháng 2-1423), nghĩa quân Lam Sơn với tinh thần quyết tử đã đập tan cuộc vây quét tấn công của địch rồi rút về Chí Linh.
Trong những năm tháng chiến đấu đầy cam go, ác liệt, ngoài sự chở che ủng hộ của đồng bào các dân tộc miền núi phía Tây Thanh Hóa, Lê Lợi còn cử một số tướng lĩnh liên hệ với các hào trưởng ở vùng đồng bằng thu thập quân lương cung cấp cho nghĩa quân, thậm chí cả một số người vợ của Lê Lợi cũng được huy động làm nhiệm vụ hậu cần. Đặc biệt, Nguyễn Công Duẩn ở Gia Miêu (Tống Sơn - Hà Trung), trong nhiều năm chỉ chuyên trách việc huy động, tiếp tế quân lương cho nghĩa quân - người được Lê Lợi tuyên dương và phong thưởng rất hậu sau cuộc chiến kết thúc.
Tuy nhiên, trong những ngày tuyệt lương, quân số còn rất ít, núi Chí Linh (tức Pù Rinh - dãy núi trên địa bàn Lang Chánh - Thường Xuân) đã trở thành nơi bảo tồn lực lượng của nghĩa quân. Trong 5 năm hoạt động ở miền núi rừng phía Tây Thanh Hóa, nghĩa quân đã 3 lần phải rút lui về vùng núi Chí Linh để bảo tồn và củng cố lực lượng. Chính nhờ vị trí hiểm yếu, lợi hại của núi Chí Linh mà quân Minh dù quyết tìm cách bao vây, tiêu diệt nghĩa quân mà không thể nào làm được. Ngược lại, nghĩa quân đã có đồng bào các dân tộc và rừng núi bao bọc, che chở, cho nên, cứ sau mỗi lần về Chí Linh ẩn náu và củng cố lực lượng, sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn vẫn tiếp tục được tăng cường, phát triển. Vì vậy, sau khi chiến tranh chống Minh chấm dứt, núi Chí Linh đã được các bậc thức giả nổi tiếng đương thời xem xét, đánh giá như là một cứu tinh của dân tộc.
Trong bài “Phú núi Chí Linh”, Nguyễn Trãi - người bạn chiến đấu thân thiết của Bình Định Vương Lê Lợi - danh nhân văn hóa tiêu biểu ở thế kỷ XV đã có sự mô tả, nhận xét về núi Chí Linh một cách thật sắc sảo như sau:
Rồng thiêng bay chừ trên Lam Kinh
Giáo trời chỉ chừ ải Bắc Yên
Sáng nghiệp thành công bao khó nhọc
Núi sông miền Tây thật là thiêng!
Ôi! Vua ta tài thánh võ
Gánh việc bốn phương kinh doanh
Lao tâm khổ tứ, vận nước gian truân
Đã do trời mà biết thời
Lại cố chí để công thành
Nhờ thế ngày nay Hồ - Việt mới hóa một nhà
Mà núi này được thiên cổ lưu danh
Khi nghĩa binh mới nổi, thế giặc hoành hành
Cả nước anh hào như lá thu sương
Chí nuốt Ngô chừ, ai là Chưng, ai là Lãi
Mưu hưng Hán chừ, ai là Bình, ai là Lương
Vua ta giấu vết ở núi này, đành nín hơi để náu nương
Vợ con lưu ly, quân sĩ tan tác
Tuy khốn đốn mà lại hay, vì có điều sắp vẻ vang
Mang giáp trụ để che thân, lấy củ rau để làm lương
Chí hăm hở lo toan, lòng căm tức chẳng hề quên.
Tưởng núi này lúc bấy giờ chừ khác nào núi Mang đường của vua Hán
Bởi biết người biết mình, hay yếu hay mạnh
Đợi thời chờ dịp
Giấu sắc giấu tài
Ăn thường nếm mật
Ngủ thường nằm gai
Lo rửa nhục cũ, khôi phục đất xưa
Tưởng núi này lúc bấy giờ chừ há chẳng giống núi Cối Kê dung Việt Vương Câu Tiễn hay sao.
Rồi thu thập tàn quân, nuôi vỗ ân cần
Trong rèn chiến cụ, ngoài giả hòa thân
Bỏ vàng mộ lính, giết voi khao quân
Ai cũng mến vua mà liều chết
Ai cũng muốn ra sức để đền ân(1)
Thế rồi luyện binh, kén tướng mưu cao như thần...
Cũng theo Nguyễn Trãi, cũng nhờ có núi Chí Linh đùm bọc, che chở và sự hun đúc ý chí, tinh thần trong những ngày “nằm gai, nếm mật” tại đây mà cuộc chiến chống Minh của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn mới toàn thắng vẻ vang đến như vậy. Cho nên ở cuối bài phú, Nguyễn Trãi đã kết luận:
Đế vương nổi lên được, bắt đầu từ (núi) đấy
Nhưng sự nghiệp của vua ta khởi thủy từ lúc này
Mà công can đức lớn của vua ta cùng với núi này vòi vọi mãi chăng?
Liền cúi đầu mà dâng lời ca rằng:
Trời sinh thánh chừ, đất dựng vương
Càn khôn mờ mịt chừ, vận hội phi thường
Thấy núi này vòi vọi chừ, nhớ đến gian khổ xưa
Võ nền vương nghiệp chừ, mãi mãi vấn vương!
Xin ghi thịnh đức vào đá chừ, để truyền mãi mãi về sau
Suốt thiên cổ, vạn cổ chừ cùng trời đất cửu trường(2)
Ngày 19-5-1423, từ rừng núi Chí Linh, Lê Lợi cùng với toàn bộ nghĩa quân đã trở về căn cứ Lam Sơn cố thủ trong thời gian hơn một năm tạm hòa hoãn với giặc Minh. Và tại đây, lực lượng của nghĩa quân đã được củng cố và tăng cường nhanh chóng. Đó là một trong những yếu tố quyết định làm nên chiến thắng đồn Đa Căng (vào ngày 12-10-1424 (nay thuộc địa bàn xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống) để mở đường tiến vào Nghệ An xây dựng chỗ đứng chân mới, rồi từ đây mở rộng vùng giải phóng, làm bàn đạp tấn công ra Bắc đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi. Và đến ngày 29-12-1427, Vương Thông chính thức xin rút toàn bộ quân Minh trở về nước. Từ đây, dân tộc ta lại sạch bóng quân thù. Và đúng như Nguyễn Trãi đã viết trong bài Bình Ngô đại cáo rằng:
... Xã tắc từ nay bền vững
Sơn hà bởi đó đẹp tươi...
Như vậy, chỉ trong 10 năm (1417-1427), dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi (và Bộ chỉ huy), cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ quy mô địa phương dần trở thành một cuộc chiến chống Minh của cả dân tộc đã thắng lợi hoàn toàn một cách oanh liệt, thật rất đáng tự hào. Trong 10 năm ấy, từ Lam Sơn - quê hương của nhà Lê - căn cứ khởi phát đầu tiên của cuộc khởi nghĩa đến Chí Linh sơn và toàn bộ miền núi rừng phía Tây của tỉnh Thanh Hóa đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc khởi nghĩa. Nhờ có những năm hoạt động ở đây, nghĩa quân Lam Sơn mới có đủ điều kiện để duy trì, củng cố và phát triển lực lượng, đồng thời đó cũng là chiến trường để nghĩa quân thực thi hiệu quả phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” và dựa vào địa hình và tình thế cụ thể để bố trí mai phục, hoặc tấn công địch một cách bất ngờ. Cũng nhờ địa bàn rừng núi hiểm trở mà khi bị kẻ thù bao vây, nghĩa quân vẫn có thể tiến, lui một cách cơ động. Thậm chí, cả trong những thời khắc nguy khốn nhất, lực lượng của nghĩa quân vẫn tồn tại và phục hồi nhanh chóng. Vì vậy, mà chỉ sau hơn 1 năm tạm hòa hoãn với giặc Minh (từ 19-5-1423 đến tháng 10-1424), tại căn cứ Lam Sơn, lực lượng của nghĩa quân đã được củng cố, tăng cường đáng kể. Nhờ đó mà nghĩa quân mới đủ sức đánh thắng đồn Đa Căng và một loạt thành ở phíaTây Nghệ An trong thời gian cuối năm 1424 để từ đó mở ra một cục diện mới là liên tiếp chủ động tấn công kẻ thù cho tới ngày toàn thắng.
Với những gì như đã nêu ở trên, chúng ta có thể khẳng định nếu không có thời gian hoạt động ở vùng rừng núi phía Tây Thanh Hóa thì chắc chắn nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu chắc chắn không thể có chiến thắng ở giai đoạn tiếp theo. Và khi kết thúc cuộc chiến tranh chống Minh, qua những tài liệu hiện còn, chúng ta biết Lê Lợi, Nguyễn Trãi và nhiều văn thần thời Lê đều đánh giá rất cao công lao của nghĩa quân Lam Sơn trong những năm tháng hoạt động ở miền núi rừng Thanh Hóa, mà Lam Sơn, hay Chí Linh sơn thực sự đã trở thành hình tượng thiêng liêng cứu nguy cho dân tộc mà cho đến giờ đây, sau 600 năm, thế hệ chúng ta vẫn còn cảm nhận được sức sống của một cuộc kháng chiến sinh tử chống kẻ thù xâm lược hồi thế kỷ XV ngưng đọng và tỏa sáng tại đây.
P.T
(1) Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb KHXH, Hà Nội, 1976, tr.85, tr.86.
(2) Sđd, tr.88.