Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Lệ Hải Bà Vương Triệu Thị Trinh - Trịnh Hoành
Lệ Hải Bà Vương Triệu Thị Trinh - Trịnh Hoành

Năm 220, nhà Ngô thay nhà Đông Hán cai trị nước ta. Thời gian đầu, nhà Ngô vẫn duy trì cơ cấu hành chính và bộ máy quan chức như của nhà Hán. Đến năm 226, niên hiệu Hoàng Vũ thứ 5, Ngô Tôn Quyền cải tổ hành chính của Giao Châu cũng như bộ máy quan chức để thực hiện chính sách cai trị thuận lợi hơn.
Giao Châu được nhà Ngô chia lại thành 7 quận, 53 huyện: Hợp Phố (6 huyện); Giao Chỉ (14 huyện); Tân Hưng (6 huyện); Vũ Bình (7 huyện); Cửu Chân (7 huyện); Cửu Đức (8 huyện); Nhật Nam (5 huyện). Quận Cửu Chân đời Hán được chia thành 2 quận: Cửu Chân và Cửu Đức. Cửu Chân từ nam sông Đáy đến bắc sông Lam - trừ vùng từ Đô Lương về nam; Cửu Đức tương đương với huyện Hàm Hoan, quận Cửu Chân đời nhà Hán từ phía nam Nghệ An đến Hoành Sơn (Theo Đặng Xuân Bảng, Sử học bị khảo (Bản dịch) của Viện Sử học, NXB Văn hóa Thông tin, 1997).
Quận Cửu Chân (đời Ngô) nay là miền đất tương đương một phần tỉnh Hà Nam (phía tây sông Đáy), tỉnh Ninh Bình, một phần tỉnh Sơn La, Hòa Bình, tỉnh Thanh Hóa và phần tây bắc Nghệ An giới hạn bởi sông Lam. Tuy đất bị thu hẹp phần phía nam nhưng cũng được chia thành 7 huyện, có hai huyện đời Hán là Tư Phố, Cư Phong (đổi gọi Di Phong vì đã cắt một phần thành Tòng Nguyên), 5 huyện mới là: Trạm Ngô (Quảng Xương ngày nay), Kiến Công (vùng Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc... đông bắc tỉnh Thanh ngày nay), Phú Lạc (bắc dãy Tam Điệp), Thường Lạc (từ Tĩnh Gia đến Nghi Lộc), Tòng Nguyên (miền Nông Cống, Như Xuân).
Về quan chức, nhà Ngô cũng đặt như nhà Hán trước đây: Thứ sử là quan đầu ở châu (đầu tiên là Thứ sử Lữ Đại ở Quảng Châu, Thứ sử Đái Lương ở Giao Châu), Thái thú trông coi quận, Huyện lệnh trông coi huyện nhưng so với nhà Hán, nhà Ngô còn bóc lột nhân dân ta thậm tệ, hà khắc hơn. Ngoài việc bắt dân ta phú cống các thứ quý như: ngọc trai, lưu ly, lông chim trĩ, đồi mồi, sừng tê giác, ngà voi và các loại hương liệu, vải lụa, cùng các thứ hoa quả mà phương Bắc hiếm có như chuối, dừa, nhãn, vải... chúng còn bắt những thợ thủ công giỏi trong nghề gốm, nghề đúc đồng của nước ta đưa về kinh đô.
Do chính sự hà khắc đó, nhiều quan lại cũ của nhà Hán trong bộ máy nhà Ngô cũng như quan lại người Việt và dân chúng đều rất bất bình, đã nổi lên chống lại, nhưng đều bị đàn áp tàn nhẫn. Trước sự thống trị tàn bạo, hà khắc của nhà Ngô, nhân dân ta ở khắp nơi đã nổi dậy. ở Cửu Chân, hai anh em bà Triệu ẩu ở huyện Tư Phố nổi dậy chống lại nhà Ngô. Triệu ẩu (Bà Triệu), gọi tôn là Triệu Trinh Nương quê ở vùng núi Quân Yên, nằm trong vùng hợp lưu giữa sông Tất Mã (Một tên gọi khác của sông Mã) và sông Cầu Chày (Ngọc Chùy), nay thuộc địa phận xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Do cha mẹ mất sớm, Triệu Thị Trinh ở với anh trai là Triệu Quốc Đạt. Tương truyền, Bà là người có sức khỏe và có tướng lạ. Bà là người có chí diệt giặc Ngô nên năm 19 tuổi, anh trai khuyên Bà đi lấy chồng, bà nói: “Người ta sinh ra ở đời, không kể là con trai hay con gái, phải lập nên công lớn để tiếng thơm ngàn năm, việc gì cứ bắt chước người khác phải cúi đầu, khom lưng làm tôi tớ cho người ta? Tôi muốn cưỡi gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách đô hộ cho dân chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. 
Từ năm còn niên thiếu, Triệu Thị Trinh đã ham tập luyện võ nghệ, thể hiện tài năng và sức khỏe hơn người. Vào năm Bà 17 tuổi, trong vùng núi Quân Yên, bỗng xuất hiện một con voi trắng một ngà, rất dữ tợn, thường về phá phách ngô lúa trên nương rẫy, đe dọa tính mạng người dân. Bà đã tập hợp nhiều trai tráng và các bạn đồng lứa, vây bắt voi, cứu nạn cho dân, con voi bị dồn xuống đầm lầy ở chân núi Quân Yên, Bà đã dũng cảm nhảy lên đầu voi và bắt nó phải khuất phục. Con voi đó được bà nuôi dưỡng và trở thành voi trận sau này.
Không chịu nổi sự bóc lột của nhà Ngô, nhiều lần Bà Triệu đã tập hợp trai tráng trong vùng, kéo xuống tận huyện trị Tư Phố (ở vùng núi Vồm, thuộc thành phố Thanh Hóa ngày nay), để cướp của chia cho người nghèo. Nhưng thấy như thế cũng không ngăn chặn được sự tàn ác của giặc Ngô, Triệu Quốc Đạt đã bàn với em gái phải chiêu mộ được nhiều nghĩa sĩ trong quận để nổi dậy. Dân chúng thấy Bà có nghĩa khí, lại có tài võ lược nên tôn Bà làm chủ soái, chuẩn bị khởi nghĩa.
Ông Triệu Quốc Đạt đặt bài đồng giao cho con trẻ hát lan truyền trong vùng và khắp quận để xúc tiến việc chiêu mộ tướng sĩ:
Có Bà Triệu tướng
Vâng lệnh trời ra
Trị voi một ngà
Dựng cờ mở nước
Lệnh truyền sau trước
Theo gót Bà Vương.

Thấy vùng núi Quân Yên tuy cũng có núi cao, sông sâu, rừng rậm nhưng không được rộng rãi, khó luyện quân và lại gần trị sở huyện Tư Phố và quận Cửu Chân ở vùng Vồm - ngã ba Giàng (Thiệu Khánh, Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa ngày nay) thường gọi là Doanh Xá, Bà Triệu đã cùng anh đi tìm nơi khác và chọn vùng núi Nưa (Na Sơn) của huyện Cư Phong (nay là huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) làm nơi dựng cờ tụ nghĩa và luyện quân.
Núi Nưa là một rặng núi phía đông nam của huyện Cư Phong và tây bắc huyện Tòng Nguyên (do huyện Cư Phong đời Hán tách ra), là một rặng núi hiểm trở, có nhiều sông suối, rừng rậm bao quanh. Từ Quân Yên, Bà Triệu cùng nghĩa quân vượt sông Chu đến phía bắc núi Nưa đóng bản doanh tại làng Sơn Trung (ở đó sau này có mộ anh trai Bà Triệu và đền thờ Bà cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt) và lấy vùng thung lũng núi Nưa dọc hai bờ sông Nhơm đóng quân và luyện binh. Đây là một vị trí thuận lợi cho việc luyện quân và chuyển quân đi khắp nơi trong quận và đi các quận khác: theo sông Nhơm vào sông Hoàng rồi theo sông Yên ra biển, cũng có thể vào các con sông khác... Tại đây, ngày ngày Bà Triệu cùng quân sĩ luyện quân, tập võ nghệ, tiếng cồng chiêng vang khắp núi rừng. Trong vùng này, ngày nay nhiều nơi còn mang tên: Đồi chiêng trống, khe đá bàn Bãi Bò... gợi nhớ về một thời Bà Triệu luyện quân, ngoài ra còn tìm được những di vật khảo cổ học như: mũi giáo, mũi tên đồng...
Cùng với căn cứ chính ở phía tây quận này, anh em Bà Triệu còn cho xây dựng căn cứ ở phía đông quận tại thung lũng Bồ Điền thuộc huyện Kiến Công (còn gọi là Kiến Sơ, nay thuộc thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) kẹp giữa hai dãy núi Châu Lộc (phía bắc) và Tam Đa (phía nam) bên dòng sông ấu (nay còn dấu tích là cánh đồng lầy). Căn cứ Bồ Điền do ba tướng quân họ Lý là Hoàng Công, Mỹ Công và Thành Công vốn là người ở đây đã mộ quân theo Bà Triệu và được Bà sai phái về xây dựng căn cứ địa, phòng quân giặc từ phía bắc huyện (Nga Sơn ngày nay) và bắc quận (huyện Phù Lạc ở bắc Tam Điệp) tràn xuống (vì sông ấu nối với sông Lèn).
Khắp nơi trong quận Cửu Chân, từ miền đông đến miền tây, dân chúng rỉ rả theo về căn cứ nghĩa quân Bà Triệu, con trai thì luyện gươm cung, con gái thì giúp việc quân. Trong các ngõ xóm ở đâu cũng vọng ra câu hát ru:
Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng
Túi gấm cho lẫn túi hồng
Têm trầu cánh kiếm cho chồng ra quân.

                (Ca dao)
Mùa thu năm Đinh Mão, niên hiệu Ô Xích thứ 10 đời vua Ngô Tôn Quyền (năm 247), Bà Triệu lập đàn lễ tế trời đất, thánh thần và làm lễ ra quân đánh giặc Ngô. Từ căn cứ Na Sơn, đại quân theo sông Nhơm, sông Hoàng, sông Chu đến bao vây quận trị Cửu Chân đặt tại thành Tư Phố ở Dương Xá (Xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa ngày nay) và huyện trị Tư Phố ở Doanh Xá, tiêu diệt các cơ quan đầu não của chính quyền đô hộ ở Cửu Chân. Hình ảnh Bà Triệu (còn gọi là Bà Vương) cưỡi voi, điều khiển voi trận tung hoành xông pha cùng đoàn nghĩa binh giáo mác ngút trời, tiến vào thành Tư Phố, đã làm bạt vía kinh hồn bọn xâm lăng cho nên chúng phải thốt lên: “Hoành qua đương hổ dị, đối diện Bà Vương nan” (Múa giáo chống hổ dễ, đối mặt vua Bà thật khó). 
Sau khi chiếm được quận trị Tư Phố, Bà Triệu chia quân làm hai hướng: ra bắc quận đánh chiếm các huyện lỵ Kiến Công, Phù Lạc, xuống phía nam đánh các huyện Tòng Nguyên (Nông Cống ngày nay), Trạm Ngô (Quảng Xương, nam Đông Sơn), Thường Lạc (vùng Tĩnh Gia, bắc Nghệ An). Đạo quân ra bắc đi đến Bồ Điền (nay là làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) để hợp quân với tướng họ Lý rồi đi đánh chiếm các huyện phía bắc và đóng đồn đề phòng quân Ngô từ quận Giao Chỉ tiến vào. Dọc từ Bồ Điền đến cửa biển Thần Phù, Bà Triệu đã cho đóng 7 đồn lũy để phòng giặc. 
Cuối năm Đinh Mão (đầu năm 248), Ngô Vương Quyền sợ cuộc kháng chiến của Bà Triệu lan ra quận Giao Chỉ và khắp Giao Châu, bèn cho Lục Dận sang làm Thứ sử Giao Châu kiêm chức Hành dương đốc quân đô úy, đem 8.000 quân thiện chiến từ Hợp Phố theo đường biển, đường sông sang đàn áp phong trào chống Ngô. Phong trào chống Ngô ở phía bắc không mạnh nên Lục Dận dễ dàng bình định (3.000 nghĩa sĩ ở Hợp Phố do Hoàng Ngô cầm đầu, 5 vạn nhà dân ở bắc quận Giao Chỉ). Lục Dận tiến binh vào Cửu Chân theo hai hướng: Thần Phù và Cửa Vích (Lạch Trường).
Bà Triệu đã đưa quân đánh chặn quân Ngô từ cửa Thần Phù, nơi cửa ngõ phía nam huyện Phù Lạc (nay là huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) và cửa ngõ phía bắc huyện Kiến Công (Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc...), nhiều lần quân giặc đã phải chùn bước vì gặp đội quân dũng mãnh của Bà. Hơn ba mươi trận chiến lớn nhỏ đã diễn ra trên đất Kiến Công nhất là vùng Bồ Điền. 
Lục Dận cho quân bao vây căn cứ Bồ Điền, sau mấy ngày cầm quân chống trả quyết liệt với quân Ngô, Bà Triệu đã anh dũng hy sinh trong trận chiến cuối cùng tại đây vào ngày 21 tháng 2 năm Mậu Thìn (Việt Nam những sự kiện lịch sử - NXB Giáo dục, 2001, tr.25). Ba tướng quân họ Lý từ phía bắc Kiến Công đem quân về ứng cứu, bao vây quân Ngô ở vòng ngoài, nhưng do lực lượng mỏng, bị quân Ngô đánh từ trong đánh ra, phải rút chạy vào các hẻm núi ở dãy Châu Lộc (phía bắc) và dãy núi phía nam (dãy Tam Đa), sau đó đánh du kích để tiêu diệt địch. Ngày 6 tháng 3, ba người hợp quân đánh giặc Ngô rất kiên cường nhưng cuối cùng bị hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương. Số nghĩa binh còn lại phải trốn vào rừng núi, tìm đường trở về quê tìm kế sinh nhai.
Tuy cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu và người anh trai là Triệu Quốc Đạt chỉ diễn ra trong khoảng nửa năm và chưa đưa đất nước đến độc lập tự do, chưa đuổi được quân Ngô về nước như cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đầu công nguyên, nhưng đã thể hiện được ý chí quật cường, không chịu làm nô lệ của người con gái núi Quân Yên, người được nhân dân tôn xưng là “Bà Chúa núi Quân Yên” và quân giặc đã phải tôn là “Bà Vương”. Cảm phục việc làm nhân nghĩa đầy chí khí của Bà Trưng, Bà Triệu, nhà chép sử Nguyễn Đình Tuân (Nguyễn Đình Tuân là quan đốc học tỉnh Hà Đông đời vua Tự Đức (1848-1883) trong sách “Đại Việt ký sử cải lương” đã viết: “Việc Bà Trưng, Bà Triệu chứng tỏ là lớp sóng này dẹp được thì lớp sóng kia lại nổi lên, ví như lửa càng dập, càng bùng. Các bà là nữ giới mà dám chống giặc Trung Hoa, khách quần thoa mà rõ ràng có chí khí bậc tu mi nam tử...”.
Tự hào khí phách “Bà chúa Quân Yên”, nhân dân đã lập đền thờ Bà ở nhiều nơi, trong đó tại hai căn cứ núi Nưa và Bồ Điền đến nay vẫn khói hương, nhị kỳ xuân - thu tế lễ. Tại làng Trung Sơn (cũng gọi là Sơn Trung) thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn. Trên núi Nưa hiện còn đền thờ Bà Triệu cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt, tương truyền có lăng mộ Triệu Quốc Đạt, người đã mất tại đây trước khi làm lễ xuất quân. Tại Bồ Điền xưa, nay là làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, gần đường Quốc lộ 1A, trên lưng sườn núi Gai có đền thờ Bà Triệu. Đối diện với đền thờ của Bà theo đường chim bay khoảng 1.000m là lăng Bà Triệu trên đỉnh núi Tùng. Đền thờ Bà Triệu được dựng vào thế kỷ VI, do Lý Nam Đế lập để tưởng nhớ vị nữ anh hùng có lòng yêu nước (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử lược, NXB Thanh Hóa, 2006, tr.56), đền được trùng tu nhiều lần, nay được công nhận là khu Di tích Quốc gia đặc biệt - di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Trước sân đền có đôi voi đá (thạch tượng) trong tư thế quỳ phục hướng vào đền, làm ta nhớ đến hình ảnh Bà Triệu oai phong:
Đầu voi phất ngọn cờ vàng
Sơn thôn mấy cõi chiến tràng xông pha

            (Đại Nam quốc sử diễn ca)
Trước linh vị Lệ Hải Bà Vương linh thiêng, trang nghiêm là hai liễn đối lung linh:
Thiên thượng tinh anh nhân thanh sơn hiển thánh
Nữ trung hào kiệt thiên thu bạch tượng truyền thần

Nghĩa là: 
Tinh anh ở trên đời, vạn bậc non xanh hiển thánh
Hào kiệt trong giới nữ, nghìn thu voi trắng truyền thần

Tương truyền câu đối đó là của vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đề cùng một bài thơ Nôm như sau: 
Tướng mạnh tài cao gái khác thường,
Sau Hai Trưng Nữ có Bà Vương,
Cửu Chân trăm dặm gan hơn sắt
Lục Dận nhiều phen mặt đá vàng
Chắc những yếm khăn trùm vũ trụ
Sá gì son phấn nhuộm tang thương
Mảnh gương ái quốc còn treo đó
Miếu Vũ đời đời ngát khói hương

Cuộc khởi nghĩa và hình ảnh của Bà Triệu được viết trong sử sách của nước ta như: “Đại Việt sử ký toàn thư”; “Việt Nam sử lược”; “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”; “Đại Việt sử ký cải lương”... hay các sách của Trung Quốc cũng đề cập đến như: “Nam Việt chí”; “Giao Châu ký”; “Thái Bình hoàn vũ ký”; “Việt Kiệu thư”... 
Bậc tinh anh như Bà Triệu do khí thiêng sông núi hun đúc nên sống khôn chết thiêng. Truyền rằng vào thế kỷ VI, Lý Nam Đế (541-548) đã từng dẫn quân đi đánh giặc Chiêm Thành quấy nhiễu bờ cõi phương Nam. Một lần dẫn quân, ông đã dừng chân ở làng Bình Lâm (nay thuộc xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, cách đền thờ Bà Triệu khoảng 4 cây số), nghe nói trong miền có đền thờ Bà Triệu ẩu, ông đã đến đền để cầu khấn phù trợ cho đánh giặc đại thắng. Trận đi ấy ông dẹp yên giặc, đại thắng về qua đền, ông đã cùng tướng Phạm Tu đến tạ ơn Bà và sau đó tôn phong hiệu bà là “Bật chính anh liệt, Hùng tài Trinh nhất phu nhân” và cấp phí tu sửa đền.
                                

T.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 664
 Hôm nay: 3561
 Tổng số truy cập: 9311367
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa