Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Bàn thêm về việc học - Lê Văn Bài
Bàn thêm về việc học - Lê Văn Bài

Việc học đã có từ ngàn năm nay, ai cũng rõ, thế nhưng cũng có nhiều điều cần nói rõ hơn.
Học là cắp sách đến trường, nghe giảng, ghi chép rồi về nhà học bài. Học để làm gì, quá rõ ai cũng biết là để lấy kiến thức.
Tuy nhiên, nghĩ kĩ ra như trên là đúng, nhưng không đơn giản chỉ có thế. Giáo sư Toán học Nguyễn Cảnh Toàn nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục đã viết “Tư duy quan trọng hơn kiến thức” còn Anbe Ensten, nhà Vật lý vĩ đại nhất thế kỉ 20, người bằng nhiều thí nghiệm tưởng tượng mà cho ra đời Thuyết tương đối, cũng cho rằng “trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức”. Như  vậy học là để lấy kiến thức, nhưng cần thiết hơn, cao hơn là nâng cao năng lực tư duy. ở trường, thầy giáo qua quá trình truyền thụ kiến thức và rèn luyện kĩ năng, phải tu luyện bộ óc học sinh, rèn luyện cho các em biết suy nghĩ, chịu suy nghĩ. Đó là mục tiêu cao nhất của giáo dục. Tri thức có sẵn trong sách vở, internet, chúng ta nếu cần có thể tìm đọc, truy cập, nhưng cao hơn tri thức là con người biết tư duy, biết quan sát nhận xét, so sánh, phán đoán, hình dung, tưởng tượng, phân tích, tổng hợp, quy nạp, diễn dịch, suy luận, khái quát hóa, cụ thể hóa, liên hệ, liên tưởng, vận dụng tri thức để làm việc, để giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Với năng lực tư duy đó, con người ta từ việc này có thể hiểu ra việc khác, từ hiện tại có thể lần ra quá khứ và dự báo tương lai, từ hình thức suy ra nội dung, từ hiện tượng  hiểu ra bản chất, từ nghĩa hẹp suy ra nghĩa rộng, từ nghĩa đen ra nghĩa bóng. Khả năng tư duy đó tạo ra năng lực nhận thức của con người, rồi từ nhận thức con người lao động, sáng tạo, cải tạo tự nhiên theo ý muốn. Với phương pháp tư duy đó, con người nhận thức thế giới xung quanh, thế giới tự nhiên, nhận thức xã hội, thời cuộc, chính trị, nhận thức con người. Và từ hiểu thế giới, con người hiểu chính mình, tự nhận thức chính mình. Hiểu được mình, hiểu đúng chính mình cũng rất quan trọng. Có câu: Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng. Làm việc gì cũng phải hiểu mình hiểu người. Mà hiểu mình cũng khó lắm. Lão Tử, triết gia Trung Quốc cổ đại đã nói: “Tri nhân giả trí, tự tri giả mình”, nghĩa là biết người là có trí, nhưng tự biết mình mới là sáng suốt. Hiểu mình là tự đánh giá đúng, đầy đủ cái yếu, cái kém của mình, cái mình chưa biết, biết chưa đủ, chưa tường tận, cái dở, cái sai thậm chí cả cái xấu. Khổng Tử có câu nói nổi tiếng: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri giả” (biết thì cho là biết, không biết thì cho là không biết, đó là người biết). Còn Ploton, triết gia Hy Lạp cổ đại viết “Kẻ không biết sự dốt nát của mình là hai lần dốt nát”.
Từ nhận thức đầy đủ cái yếu, cái sai, cái dốt của mình, con người ta tự đề ra biện pháp để nâng cao học vấn, lấp lỗ hổng tri thức, sửa sai, tự điều chỉnh mình, để hoàn thiện mình. Đó là tự giáo dục. Chính Khổng Tử cũng khuyên con người ta “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Muốn làm việc lớn, trị quốc bình thiên hạ, trước hết phải tu thân, tức là tự sửa mình. Do hiểu mình mà con người xử sự đúng đắn, hợp lý trong quan hệ với người xung quanh. Cũng vì không hiểu mình mà bao người đã tự kiêu, chê bai người khác, thậm chí chê cả người hơn mình “múa rìu qua mắt thợ” ngô nghê, rất dở.
Tập cách suy nghĩ, con người cũng tập chịu suy nghĩ, khắc phục bệnh  lười suy nghĩ, một căn bệnh còn tai hại hơn lười lao động chân tay. Trong khi sống, làm việc, trước mọi vấn đề, con người phải động não và chịu khó suy nghĩ, có thế mới nhận thức ra lẽ phải, chân lý, mới có sáng tạo, phát  minh. Bệnh lười suy nghĩ là một căn bệnh trầm kha của xã hội ta, một di hại của cơ chế quan liêu bao cấp còn chưa được khắc phục.
Như vậy biết suy nghĩ, chịu khó suy nghĩ thể hiện năng lực nhận thức của con người. Nó quyết định hành động, việc làm, cách xử sự. Nếu nhận thức nông cạn, sai lệch thì con người khó có hành động đúng, chí hướng đúng, khó có sự tiến bộ, đi lên.
Để có tri thức và nhận thức trước hết con người phải học trong các nhà trường. Tuy nhiên, nhà trường dù có dạy tốt, cũng chỉ trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản và tối thiểu. Do đó việc học không thể hạn chế trong sách giáo khoa, không thể đóng khung trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường mà phải học suốt đời. Mà sự học sau khi ra trường mới quyết định học vấn. Dale Carnegie, tác giả cuốn Đắc nhân tâm viết “ở trường ra ta mới thực sự bắt đầu học, mà sự học đó mới quan trọng nhất”. Thực tế ta thấy, không ít người, nhất là lớp trước, do không có điều kiện nên học hành không đầy đủ, không có bằng cấp cao nhưng do tự học mà có vốn hiểu biết được người đời kính nể. Nhiều người được phong giáo sư rất xứng đáng khi  chưa có bằng đại học, như giáo sư Trương Tửu được phong đợt đầu khi bằng cấp mới tương đương trung học cơ sở. ở tỉnh ta những người có trình độ cao được nhiều người biết như ông Hoàng Tuấn Phổ, Nguyễn Diên Niên, Mai Bình, Minh Hiệu, Hoàng Anh Nhân... cũng là những người như thế.
Sự học sau khi ra trường, chủ yếu là tự học, tự đọc trong sách vở. Vì vậy muốn có hiểu biết nhiều phải đọc, phải học hàng ngày. Nếu ai đó dù có bằng cấp cao, mà không tự đọc hàng ngày, có lẽ chưa nên tự cho mình là người hiểu biết. Người ta có thể đọc sách ở các thư viện, trao đổi với bạn bè, hoặc bỏ tiền ra mua sách về đọc, nghiên cứu. ở nhiều người, số sách của họ lớn dần cùng với vốn hiểu biết và cuối đời họ có tủ sách hàng ngàn cuốn, rất giá trị, một món quà quý, một kỷ vật thiêng liêng để lại cho con cháu. Vì mua sách để đọc, xây dựng tủ sách cá nhân, họ tạo cho mình cách chơi sách, một thú chơi trí tuệ, cao sang. Những người hiểu biết nổi tiếng ở tỉnh ta đều có tủ sách cá nhân cũng nổi tiếng như học vấn của họ.
Về sách đọc, trước hết, mỗi người phải đọc sách chuyên môn, cập nhật tri thức, nghiệp vụ, nâng cao năng lực làm việc, mà kết quả, chất lượng công việc là thước đo giá trị của mỗi con người. Một nhà thơ nổi tiếng, một thầy giáo giỏi, bác sĩ giỏi... là một vinh quang lớn lao mà ai cũng mong ước.
Ngoài làm việc, con người phải hiểu biết xã hội, thời cuộc, nhân sinh. Vì vậy, đọc sách  khoa học xã hội là rất cần. Nhiều nhà khoa học tự nhiên như giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Ngô Bảo Châu... qua cách nói và  viết của họ, ta thấy vốn khoa học xã hội của họ cũng rất khá. Một nhà toán học, một kĩ sư tin học... mà không hiểu đất nước, quê  hương, thế giới, quá khứ, hiện tại... thì cũng thiếu sót.
Nhân loại, trong quá trình đi lên đã tạo ra nhiều loại hình nghệ thuật: thi ca, sân khấu, âm nhạc, hội họa... và đã sáng tạo, tích lũy được kho tàng các giá trị văn hóa, nghệ thuật đồ sộ, con người ta phải đọc nó để tiếp cận, tiếp nhận nó, để nâng cao nhận thức xã hội và làm giàu đời sống văn hóa tinh thần của mình. Một người có thể rất giỏi chuyên môn mà không biết truyện Kiều, không thuộc một câu tục ngữ, ca dao, không biết Shakespeare, Ban-dắc, Lỗ Tấn... là ai, không biết Tam Quốc, Tấn trò đời, Chiến tranh và hoà bình... là gì thì cũng chưa hoàn chỉnh.
Hơn nữa, khoa học xã hội, các tác phẩm nghệ thuật thường hàm chứa tư tưởng nhân văn. Đọc nó, tiếp nhận nó, ta được bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, nguồn gốc của đạo đức, nhân cách, một yếu tố xác định tầm văn hóa của mỗi con người.
Ngoài đọc sách, chúng ta có thể học trong giao tiếp. Chung quanh ta có biết bao người mà ở mặt này, mặt nọ họ đáng là bậc thầy của ta. Nếu ta muốn học hỏi, chú ý nghe, ta sẽ tiếp nhận được nhiều điều có ích, có thể rút ngắn được chút ít khoảng cách hiểu biết với họ. Để học được khi giao tiếp, chúng ta phải thành thực khiêm tốn “không hổ thẹn khi hỏi người thấp kém hơn mình” như Khổng Tử đã nói về mình với các học trò. 
Chúng ta còn có thể  học qua đi đây đi đó. Tục ngữ có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đi nhiều, với sự chăm chú quan sát, nhận xét, suy ngẫm, chúng ta có thể thu được không ít tri thức cần thiết.
Học trong sách vở, học ngoài  đời, học bạn  bè, ta còn đạt được một mục tiêu nữa là làm giàu vốn ngôn ngữ,  nâng cao khả  năng  nói, viết, tức là khả năng diễn đạt và do ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy, tư duy qua ngôn ngữ mà nâng cao vốn từ, cũng là nâng cao năng lực tư duy, đưa đến nâng cao năng lực nhận thức.
Học sau khi ra trường có ý nghĩa, quyết định trình độ học vấn. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa hạ thấp những năm học ở nhà trường. Nó là bước đầu của sự học suốt đời, là “chìa khóa của tri thức” (lời của Bill Gates, tỷ phú công nghệ thông tin Mỹ).
Với giới văn nghệ sĩ, những người sáng tạo ra những giá trị tinh thần, trước hết họ cần có năng khiếu. Tuy nhiên, nếu thiếu hiểu biết về xã hội, con người, họ sẽ khó có thành công lớn. Các nghệ sĩ vĩ đại như Ban-dắc, Lev tolstoi là những người có học vấn rất cao. Đọc “Đống rác cũ” ta thấy hiểu biết của Nguyễn Công Hoan về xã hội Việt Nam đầu thế kỉ 20 thật là sâu rộng.
Sự học có nhiều cách “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân” như Bác Hồ đã nói. Biết được sự học như vậy, mỗi người chúng ta biết được sức học của mình và qua đó hiểu được tầm học vấn của mình, để đề ra con đường học tập, tiếp tục tự giáo dục, tự hoàn thiện, nâng dần vốn hiểu biết, tình cảm, tâm hồn, nhân cách, trở thành người có văn hóa, con người ở tầm cao của sự phát triển, thành người học suốt đời trong xã hội học tập.
                              

  L.V.B


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 59
 Hôm nay: 275
 Tổng số truy cập: 9311888
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa