Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải với tuyển tập "Văn hóa dân gian Mường Thanh Hóa" - Trần Thị Liên
Nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải với tuyển tập "Văn hóa dân gian Mường Thanh Hóa" - Trần Thị Liên

Là người con của dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên trên quê hương Thanh Hóa, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải đã dày công thu thập tư liệu, đối sánh kết quả của các nhà nghiên cứu tiền bối, tìm cho mình một hướng đi riêng để nghiên cứu và giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc Mường - Nơi đã sinh thành nuôi dưỡng ông - Để ngoài việc làm rạng rỡ quê hương, dân tộc, ông còn giúp độc giả hiểu thêm về văn hóa dân tộc Mường và thuận lợi trên bước đường nghiên cứu. Với những thành tựu đã đạt được, năm 2017 ông đã được Nxb Thanh Hóa tuyển chọn và xuất bản tuyển tập “Văn hóa dân gian Mường Thanh Hóa”. Với trên 1400 trang, ông đã đem đến cho bạn đọc trong, ngoài tỉnh nhiều tri thức của người Mường, trong đó gồm nhiều thể loại. Từ thành ngữ, tục ngữ rồi những tác phẩm truyện kể, truyện thơ như Út Lót Hồi Liêu, Nàng Nga Hai Mối, Nàng Ờm chàng Bồng Hương... Đến những lễ tục trong vòng đời một con người, những bài ca trong đám cưới và những luật tục bất thành văn trong xã hội Mường xưa nhưng vẫn được con người thực hiện một cách nghiêm ngặt. 
Đối với tín ngưỡng, phong tục (còn có thể gọi là sinh hoạt văn hóa tinh thần) của dân tộc Mường, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải rất coi trọng Lễ tục vòng đời người vì ở đó không chỉ phản ánh các lễ tục bình thường mà còn ẩn chứa nhân sinh quan của người dân nơi đây. Đứa trẻ khi mới sinh ra không chỉ được cha, mẹ, ông bà nội, ngoại “Nâng như nâng trứng” mà đến lúc 1 hoặc 2 tuổi còn được ông bà ngoại và gia đình tập trung làm vía. Việc làm vía này không chỉ kính cáo xin với thần linh, tổ tiên phù hộ, độ trì cho đứa trẻ khỏe mạnh, hay ăn, chóng lớn, giỏi giang cùng với sự chúc phúc của hai bên gia đình nội ngoại và lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của gia đình, mà các bé còn được dạy dỗ theo những tiêu chí của đạo đức truyền thống dân tộc. Nếu tiêu chí về sự trưởng thành là “trai mười bảy, gái mười ba” thì đến tuổi này con trai không ngủ với bố, con gái không nằm chung với mẹ nữa. Các thành viên này xem như đã đến tuổi trưởng thành và bắt đầu sinh hoạt theo nhóm nam nữ riêng để “Con trai học đan chài kết lưới; con gái học dệt vải quay tơ”.
Bên cạnh việc các thành viên lớn lên phải dựng vợ gả chồng, khi về già tuổi cao sức yếu, các thành viên này lại được các con trai, gái, dâu, rể tổ chức làm lễ Kéo si, kéo sanh để xin kéo dài tuổi thọ và tăng thêm sức khỏe. Thủ tục đầu tiên của lễ này là người dâu cả ăn mặc rách rưới, đội nón rách, mang giỏ đi lom khom đến một số nhà trong bản Mường để xin đồng tiền, bát gạo về làm vía số, vía kéo si cho bố hoặc mẹ. Các nhà khi thấy có người đến xin đều mang tiền, gạo ra cho. Đây là cuộc đi xin tượng trưng để có gạo, tiền làm vía cho bố, mẹ. Phong tục này không chỉ thể hiện sự xót  thương của con cái với bố mẹ mà còn thể hiện sự đồng tình và cảm thông của hàng xóm láng giềng. Loại trừ những yếu tố duy tâm, việc làm lễ Kéo si, kéo sanh là một tục lệ tốt đẹp, không chỉ thể hiện lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ mà còn giúp cho người già cả, ốm yếu có sự phấn khởi, vững tin vào số phận của mình gắng lên ăn uống mà khỏe lại. Nét đẹp văn hóa đó không chỉ là điểm sáng trong văn hóa Mường mà còn đáng để các dân tộc anh em học tập. 
Những bài ca đám cưới người Mường gồm có: Xin mở cổng, lên thang nhà sàn, rửa chân, trình đồ hồi môn, trải chiếu trong buồng cô dâu, giăng mắc khăn áo lên sào trong buồng cô dâu, mo đám cưới, xường đám cưới.
Những bài này tồn tại và phát triển trong nghi lễ cưới nhưng không phải là những bài cúng, lễ khô khan mà chủ yếu là ca ngợi tình yêu, hôn nhân của tuổi trẻ, hạnh phúc lứa đôi và vươn tới một cuộc sống giàu có và trường thọ. Đồng thời cũng là niềm hân hoan, vui sướng của các bậc cha mẹ khi có con cái trưởng thành. Trong bài ca đám cưới người Mường, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải không chỉ nêu lên từng bước trong nghi lễ mà chủ yếu đem đến cho bạn đọc những cảm nhận ấm cúng, tốt đẹp của phong tục, mong muốn cho “Thông gia hai nhà như một”, đôi trẻ sống hạnh phúc với nhau đến đầu bạc răng long, sinh dưỡng con đàn, cháu đống; khôn lớn, thành người có ích cho dòng tộc, quê hương, đất nước.
Trong Luật tục Mường, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải đã giới thiệu với bạn đọc về rất nhiều “Luật bất thành văn” (vì người Mường không có chữ viết) về các lĩnh vực trong cuộc sống như: Luật sử dụng đất đai, luật thừa kế tài sản, luật về quyền và nghĩa vụ nhà Lang... Qua kết quả nghiên cứu, Cao Sơn Hải cho thấy rằng Luật tục của người Mường tồn tại qua hai hình thức đó là: Bằng lời nói không có vần và có vần. Khi truyền đạt Luật tục không có vần thường thể hiện như lời khuyên răn, chỉ bảo:
- Không được ăn cắp của người khác.
- Mùa sinh nở của thú rừng không được săn bắn.
Loại luật tục tồn tại qua văn vần còn thể hiện nhiều trong thành ngữ, tục ngữ, trong dân ca giao duyên và trong các bài ca nghi lễ dân gian. Chẳng hạn khi nhấn mạnh vai trò trong lập làng, dựng làng, dựng Mường của dân: Làm ruộng có mương/ Dựng Mường có dân.
Hoặc nói về thiết chế bản Mường trước Cách mạng tháng Tám năm 1945: Mường có Lang/ Làng có Đạo.
Khi nói về việc thừa kế của con trai đối với tài sản của cha Luật tục Mường có câu: Ruộng cha con cày/ Chiếu cha con ngồi...
Tuy tất cả chỉ là truyền miệng nhưng được thực hiện rất nghiêm ngặt trong mọi trường hợp.
Riêng phần thành ngữ và tục ngữ Mường, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải đã tập hợp và giới thiệu với độc giả phần tinh túy nhất của trí tuệ dân gian Mường, sự đúc kết kinh nghiệm về các lĩnh vực trong cuộc sống từ dự đoán thời tiết Mây vẩy cá thì mưa đường bừa thì cạn/ Vỡ tổ kiến ngứa trời mưa sắp đến..., Kinh nghiệm sản xuất Đan chài ăn cá đóng ná ăn chim/ Ăn lúa giống sống cũng như chết/ Chiêm gặt non, mùa gặt vàng..., đến kinh nghiệm ứng xử trong cộng đồng như: Siêng năng mới giàu, cơ cầu mới có/ Khách đến nhà không mắng chó, khách đến ngõ không rủa mèo/ Ra mắt rể lúc thả trâu, đưa dâu lúc sẩm tối.
Những kinh nghiệm ấy làm cho các thế hệ trẻ hôm nay vẫn luôn thấy mới mẻ và hấp dẫn.
Nghiên cứu, giới thiệu về văn học của người Mường, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải không chỉ giới thiệu phần văn bản lưu truyền tại các vùng miền của người Mường mà còn thể hiện sâu sắc quan điểm của người nghiên cứu, giới thiệu đến bạn đọc lối ứng xử tình nghĩa yêu trẻ, kính già “Trẻ đùi gà, người già mâm cơm chén rượu”; ca ngợi tình yêu đôi lứa, những mối tình thủy chung đời đời bất diệt của cuộc đấu tranh không lùi bước giữa người nông dân với chế độ lang đạo. Truyện thơ Nàng Ờm chàng Bồng Hương là một cuộc đấu tranh không mệt mỏi với sự tham lam, thói lật lọng của người nông dân với những Lang Đạo có quyền thế trong vùng. Truyện kể tóm tắt rằng có một bà Đao ở đất Mường Ai có chửa, thèm ăn quả chua. Bà đã nhờ một bé trai 7-8 tuổi trèo lên cây quýt hái giúp bà những quả trái mùa còn sót lại và hứa nếu sau này sinh con trai thì cho làm bạn với em đi đánh chài, giăng lưới. Nếu sinh được con gái thì sẽ cho “Nên cửa nên nhà”. Bé trai đã nghe lời bà và ghi nhớ lấy. Khi bà sinh được con gái đặt tên là ờm thì bé trai (tên là Bồng Hương) đã đến bế, ẵm, dỗ dành em gái. Bà tuy có nhớ lời hứa bữa trước nhưng vì Bồng Hương là em bé mồ côi nghèo khổ nên bà xua đuổi hắt hủi em và cấm đoán bé Ờm không cho chơi với Bồng Hương. Vì đôi trẻ thương quý nhau thật sự và chúng đã yêu nhau, khi mới lớn vẫn không rời nhau nửa bước. Bố mẹ Ờm ngăn cấm bé Ờm và đánh đòn rất tàn nhẫn rồi quăng em xuống gầm sàn nên Bồng Hương đã bế Ờm chạy lên núi Làn Ai, vì bế tắc, Ờm đã ăn lá ngón tự vẫn; vì thế chàng Bồng Hương cũng ăn lá ngón chết theo. Bên trong câu chuyện tình cảm động ấy là cả một sự phản kháng mạnh mẽ của người dân lao động đối với thói lật lọng, sự bất công mà tầng lớp thống trị giàu có đã đem đến cho họ. Không chỉ có thế tác phẩm còn cho bạn đọc cảm nhận được khát vọng chính đáng về một tình yêu tự do, hôn nhân tự nguyện và hạnh phúc lứa đôi. Truyện thơ Nàng Ờm chàng Bồng Hương đồng thời cũng là cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống lại tập tục nặng nề: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”; chống lại thói lật lọng, sự bất công của những kẻ giàu có, quyền hành làm cho bao lứa đôi tan vỡ, bao cảnh đời cơ cực mà chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng, xóa bỏ những áp bức, bất công, cuộc sống của nhân dân mới được cải thiện.
Đặc biệt là tất cả các tác phẩm văn học dân gian Mường từ thành ngữ, tục ngữ đến truyện kể, truyện thơ đều được nhà nghiên cứu trình bày bằng song ngữ Mường - Việt. Việc làm này không chỉ giúp cho tác phẩm được phổ biến đến bạn đọc rộng rãi hơn mà còn thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian Mường trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc.
                              

 T.T.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 62
 Hôm nay: 883
 Tổng số truy cập: 9312496
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa