Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Lê Thánh tông - Một danh nhân kiệt xuất sinh vào năm Tuất - Nguyễn Văn Minh
Lê Thánh tông - Một danh nhân kiệt xuất sinh vào năm Tuất - Nguyễn Văn Minh

Lê Thánh tông trị vì đất nước được 38 năm: 10 năm đầu lấy niên hiệu là Quang Thuận (1460-1470) và 28 năm sau lấy niên hiệu là Hồng Đức (1470-1497). Với một vị vua có học vấn thông tuệ, tài năng quản lý đất nước, Lê Thánh tông đã đề ra nhiều cải cách tiến bộ về chính trị, luật pháp, phát triển kinh tế - văn hóa, coi trọng giáo dục, thi cử để tuyển chọn nhân tài phục vụ cho đất nước; giữ vững cương vực phía bắc, mở rộng lãnh thổ vào phía nam và đã đưa đất nước Đại Việt trở thành một nước cường thịnh vào bậc nhất vùng Đông Nam á thời bấy giờ. 
Lê Thánh tông hiệu là Lê Tư Thành, sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442). Ông là con thứ tư của vua Lê Thái tông và bà Ngô Thị Ngọc Dao (người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa). Ngay từ khi sinh ra, Lê Tư Thành có tướng mạo "Thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước" (Đại Việt sử ký toàn thư tập II, nxb KHXH Hà Nội năm 1993, tr.387)
Năm Thái Hòa thứ 3 (1445), Lê Tư Thành được phong làm Bình Nguyên vương, làm phiên vương vào ở kinh.
Ngày 3 tháng 10 âm lịch năm 1459, niên hiệu Diên Ninh thứ 6, Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân thực hiện âm mưu đó là chia làm ba đường lẻn vào cung cấm làm binh biến. Vua Lê Nhân tông và Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh bị giết, Lê Nghi Dân lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiên Hưng. Nghi Dân phong Bình Nguyên vương Tư Thành làm Gia vương. 
Lê Nghi Dân lên ngôi, tin dùng các nịnh thần, sát hại bề tôi cũ và thay đổi pháp chế, cho nên không được lòng dân và các quan triều đình. Một số quan thần là Lê Ê, Lê Thụ, Đỗ Bí, Lê Ngang muốn lật đổ Lê Nghi Dân nhưng việc bại lộ, tất cả đều bị giết.
Sau đó, các đại thần gồm: Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm, Lê Nhân Thuận, Lê Nhân Khoái, Trịnh Văn Sái, Trịnh Đạc, Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Yên... cùng bàn với nhau lật đổ Lê Nghi Dân.
Ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460), các quan vào ngồi ở nghị sự đường ngoài cửa Sùng Vũ. Nguyễn Xí, Đinh Liệt giết hai người cầm đầu là Đồn, Ban trước Nghị sự đường. Sau đó, hai ông sai đóng các cửa, mỗi người đem cấm binh dẹp nội loạn, giết bè đảng của Trần Lăng.
Ngày 8 tháng 6 âm lịch năm 1460, Gia vương Lê Tư Thành lên ngôi ở điện Tường Quang, lấy niên hiệu Quang Thuận.
Lê Thánh tông là một ông vua cương quyết đấu tranh sự trì trệ mà quá khứ để lại, đẩy mạnh canh tân đổi mới đất nước trên mọi phương diện như: hệ thống chính trị, kinh tế, luật pháp, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng.
Về cải tổ hệ thống chính trị, ông đã tiến hành xóa bỏ hệ thống tổ chức hành chính cũ thời Lê Lợi từ 5 đạo đổi thành 13 đạo (tức 13 thừa tuyên) để dễ bề quản lý, giám sát. Dưới cấp đạo, là phủ, dưới phủ là huyện, ở miền núi gọi là châu, dưới châu và huyện là các xã. Lê Thánh tông đã thay đổi từ 3 bộ thành 6 bộ đó là: Bộ Lại (chức năng: tuyển dụng, thăng giáng quan chức); Bộ Lễ (tổ chức nghi lễ, học hành, đúc ấn tín, cử người coi đình chùa, miếu mạo); Bộ Hộ (coi việc ruộng đất, tài chính, hộ khẩu, thuế, kho tàng, lương); Bộ Binh (tổ chức quân đội, đặt quan trấn thủ biên cương, ứng phó việc khẩn cấp); Bộ Hình (thi hành luật pháp, lệnh, xét các việc tù đày, kiện cáo); Bộ Công (lo việc xây dựng, sửa chữa cầu đường, cung điện, quản đốc thợ thuyền). Bộ máy nhà nước Trung ương tập quyền dưới triều Lê Thánh tông đã đến mức hoàn thiện, từ Trung ương xuống đến làng, xã. Thế lực của đại quý tộc bị hạn chế, thay vào đó là sự tham gia của tầng lớp sĩ phu nho giáo được tuyển lựa bằng con đường thi cử.  
Bên cạnh thay đổi về tổ chức hành chính, Lê Thánh tông đặc biệt chú ý các biện pháp phát triển kinh tế, sửa đổi chế độ thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, mở đồn điền, khai khẩn đất hoang, cho đào kênh, mở mang đường sá, chợ búa. Đặc biệt, hoàn chỉnh chế độ quân điền trên cơ sở công điền cũ. Lê Thánh tông quy định thống nhất cách phân chia ruộng đất trên cả nước, đưa lại ruộng đất cho mọi người ở nông thôn từ quan lại đến binh sĩ, người lão, cô nhi, quả phụ. Chế độ quân điền đã góp phần tích cực ổn định kinh tế tiểu nông, hạn chế sự phân hóa xã hội.
Cùng với cải cách về kinh tế, Lê Thánh tông hiểu rõ tầm quan trọng của pháp luật trong quản lý đất nước. Vì vậy, nhà vua đã ban hành các điều luật để trấn áp những hành vi xâm hại đến chế độ, đến biên giới và chủ quyền đất nước, xâm hại đến thuần phong mỹ tục, nền tảng đạo đức. Lê Thánh tông là người gương mẫu tôn trọng luật pháp. Ông từng nói với quần thần rằng: "Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo". Tên tuổi của Lê Thánh tông gắn liền với việc hoàn chỉnh Bộ “Quốc triều hình luật” - còn gọi là Bộ luật Hồng Đức. Chính sử ghi lại, bộ luật được ban hành chính thức vào năm Quý Mão (1483) - Niên hiệu Hồng Đức năm thứ 14. Sự ra đời của bộ luật Hồng Đức được xem là sự kiện đánh dấu bước hoàn thiện về thể chế luật pháp xã hội Đại Việt thời bấy giờ. Lê Thánh tông đã lấy những quan điểm của Nho giáo làm hệ tư tưởng, chỉ đạo việc biên soạn, ban hành luật pháp, nhằm thể chế hoá một nhà nước phong kiến Đại Việt, với truyền thống nhân nghĩa, lấy dân làm gốc. Bộ luật Hồng Đức bao gồm 13 chương với 722 điều, nội dung cơ bản của bộ luật như sau: Giữ cho đất nước luôn ở thế chủ động đối phó với sự xâm lược từ bên ngoài; Giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; Chấn hưng nông nghiệp, coi nông nghiệp là nền tảng của sự ổn định kinh tế xã hội; Mở rộng giao lưu khuyến khích thủ công nghiệp, thương nghiệp lành mạnh; Bảo vệ quyền sở hữu tài sản của muôn dân, chống tham nhũng triệt để, chống sự lạm quyền và ức hiếp dân chúng; Khuyến khích nuôi dưỡng thuần phong mỹ tục và phát triển kinh tế; Bênh vực và bảo vệ quyền lợi phụ nữ.
 Ngoài việc xây dựng thiết chế mới, Lê Thánh tông còn đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngay từ đầu ông đã chú trọng đào tạo người tài giỏi, nâng cao dân trí bằng con đường khoa cử nhằm phục vụ công cuộc cải cách đất nước. Chính vì vậy, dưới thời Lê Thánh tông, sự nghiệp giáo dục và khoa cử nho giáo đã đạt đến trình độ cao nhất trong lịch sử thi cử Hán học. Trong 38 năm trị vì, Lê Thánh tông đã tổ chức đều đặn 3 năm một kỳ với 12 khoa thi hội, lấy 501 tiến sĩ, 9 trạng nguyên. Trong đó, có nhiều danh thần dưới thời vua Lê Thánh tông mà học vấn và nhân cách của họ đã làm rạng rỡ nền văn hóa nước nhà như: Lương Thế Vinh, Thân Nhân Trung, Ngô Sĩ Liên (biên soạn bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư). Đặc biệt, ông là người khởi xướng lập bia lưu danh nhằm tôn vinh những người tài giỏi của dân tộc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 
Song song với việc cải cách về hành chính, luật pháp, phát triển kinh tế - văn hóa, vua Lê Thánh tông còn chú trọng về an ninh quốc phòng, bảo vệ bờ cõi giang sơn; lực lượng quốc phòng bảo vệ đất nước được tăng cường. Trước kia, quân đội chia làm 5 đạo vệ quân, nay đổi làm 5 phủ đô đốc. Mỗi phủ lại có vệ, sở. Bên cạnh còn có 2 đạo nội, ngoại, gồm nhiều ti, vệ. Ngoài tổ chức quân thường trực, Lê Thánh tông còn chú ý lực lượng quân dự bị ở các địa phương. 43 điều quân chính. Ông là người chăm lo mở mang bờ cõi Đại Việt bằng cách chinh phục Chiêm Thành (năm 1471). Vua Lê Thánh tông cho vẽ bản đồ đất nước một cách chi tiết, đến năm 1490 thì hoàn thành Thiên hạ bản đồ có cả các nước lân bang.  
Đặc biệt, trong thời gian trị vì đất nước, Lê Thánh tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi - vị khai quốc công thần, nhà văn hóa lớn ở thế kỷ XV bị chết oan uổng tại vụ án Lệ Chi viên (1442).
Ngoài tài năng về quản lý đất nước, Lê Thánh tông còn là một nhà thơ lớn trong nền văn học nước Đại Việt thời bấy giờ. Không chỉ làm thơ giỏi, mà vua còn sáng lập ra Hội Tao Đàn, chọn 28 văn thần làm hội viên (gọi là nhị thập bát tú). Các bài thơ của Lê Thánh tông rất phong phú và đa dạng gồm các tập thơ chữ Hán, bài thơ chữ Nôm và văn xuôi. Tiêu biểu phải kể đến một số tác phẩm như: Anh hoa hiếu tự, Thiên Nam dư hạ (trong đó có bài phú nổi tiếng Lam Sơn Lương Thủy phú), Châu cơ thắng thưởng Chinh Tây kỷ hành, Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ xúy, Quỳnh uyển cửu ca, Cổ tâm bách vịnh, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Thánh tông di thảo... Thơ của ông thể hiện một nhân cách lớn, một tâm hồn gắn bó với phong cảnh thiên nhiên, với quê hương, với nhân dân, với khí phách cả một dân tộc đang vươn lên một cách tự lực, tự cường.
Ngày 30 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1497), Lê Thánh tông mất tại cung Bảo Quang, hưởng thọ 56 tuổi. Ngày 24 tháng 12 năm 1497, thi hài vua được rước về táng ở Chiêu Lăng tại Lam Kinh miếu, hiệu là Thánh Tông, dâng tôn hiệu Đại Hành Hoàng đế là Sùng Thiên Quảng Vận Cao Minh Quang Chính Đức Đại Công Thánh Văn Thần Vũ Đạt Hiếu Thuần Hoàng Đế. Chiêu Lăng ở bên tả Vĩnh Lăng (Lăng Lê Thái Tổ). Chiêu Lăng xây theo hướng Nam, trên một khoảng đất rộng thuộc địa phận làng Phú Lâm, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Để tưởng nhớ đến cống hiến to lớn của ông đối với dân tộc, tại các thành phố Thanh Hóa, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng... đều có đường phố mang tên ông. Đặc biệt, thân thế và sự nghiệp của Lê Thánh tông đã làm rạng danh vùng đất và con người xứ Thanh hôm nay và mai sau.
                                                                                                         N.V.M


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 71
 Hôm nay: 3876
 Tổng số truy cập: 13604137
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa