Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Một tấm gương tràn đầy nghị lực - Nguyễn Xuân Dương
Một tấm gương tràn đầy nghị lực - Nguyễn Xuân Dương

Ít lâu nay ta thường được nghe kể về những người phụ nữ là tấm gương trong cuộc sống, học tập, lao động, sáng tạo... đó là những người phụ nữ đáng trân trọng và đặc biệt hơn trong số họ có những người bị khiếm khuyết về thân thể song vẫn mạnh mẽ vượt lên số phận, cô Xuydan Lavô là một trong số những người như thế. Cô đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ để cố gắng học tập thành tài, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ một cách xuất sắc tại giảng đường trường đại học Pari vào những năm đầu thập kỷ 30 của thế kỷ trước.
Trước khi thuật chuyện chúng tôi xin nhắc lại là ở Pháp, vào thế kỷ trước, trường đại học nào cũng được cấp hai loại bằng tiến sĩ, bằng quốc gia (diplôme d’Star) và bằng riêng của trường (diplôme d’Universitê) và trong các trường đại học thì trường Pari là trường có tiếng hơn cả. Cũng là tiến sĩ, nhưng bằng của trường này thường được coi trọng hơn bằng của các trường khác. Vì vậy, một số thí sinh có khuynh hướng muốn được bảo vệ luận án tiến sĩ tại đây.
Những buổi bảo vệ luận án ở đây thường được những người có trình độ học vấn cao đến dự. Nhưng, ngày cô Xuydan Lavô (Suyanne Lavaud) bảo vệ luận án thì tại giảng đường Xoóc bon (Sorbonne) người đến xem tấp nập, chưa kể một số đông phóng viên của các tờ báo lớn ở Pari cũng đến đưa tin và không quên đem máy ảnh để chụp lại quang cảnh đáng ghi nhớ của buổi bảo vệ luận án này.
Hội trường khảo thí hôm ấy, vẫn như thường lệ, ngồi sau chiếc bàn lớn đặt ở cuối giảng đường là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Banđenxpeecgiê (Baldensperger) ngồi giữa hai vị giáo sư khác, giới thiệu thí sinh Xuydan Lavô là sinh viên của ông.
Hôm ấy cô Xuydan Lavô trình bày trước hội đồng khảo thí luận án về: “Mari Lơnêru cuộc đời, nhật ký và kịch khúc của cô”. Mari Lơnêru là một nữ sĩ câm nhưng danh tiếng vang dội trên kịch trường Pháp thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914 - 1918.
Cô Xuydan ở trong hoàn cảnh giống hệt cô Mari, nhưng Mari vẫn còn may mắn hơn cô là mãi đến năm mười hai tuổi mới mắc bệnh và từ đó phải câm trọn đời, còn Xuydan bị câm và điếc bẩm sinh. Cha mẹ cô rất buồn vì điều đó, nhưng vì cả hai đều là thạc sĩ và giáo sư trung học nên quyết không để con chịu phận kém người. Nhất là bà Lavô, nhất định cưỡng lại số mệnh, kiên trì dạy con học chữ, đến khi con đã nắm được những kiến thức cần thiết, bà mới cùng ông giảng giải cho Xuydan biết con người có tiếng nói và tập cho Xuydan nói. Cả hai ông bà đã dạy con phải uốn miệng thế nào, để lưỡi ở đâu, đưa hơi ra như thế nào.
Phát âm được nhưng Xuydan lại không nghe được, lại không hiểu được giọng nên cô thường gieo tiếng sai âm. Mặc dù giọng nói chưa thật chuẩn xác nhưng Xuydan đã có thể tiếp xúc với những người xung quanh. Và ngay từ lúc còn rất bé, như cô đã tâm sự trong “Lời nói đầu” bài luận văn tiến sĩ của mình “tôi đã sớm hòa đồng với các bạn gái cùng tuổi, tôi không hoàn toàn nhận thức được sự khác biệt phân cách giữa tôi với họ, việc đọc trên môi, đối với tôi từ lâu đã rất dễ dàng và có thể nói là gần như thành bản năng” (dịch nguyên văn từ “Lời nói đầu” của luận án - Do hội in ấn văn chương và kỹ thuật Pari ấn hành năm 1932). 
Vì Xuydan có khả năng đọc trên môi người đối thoại nên hôm bảo vệ luận án bà Lavô xin phép hội đồng thi cho bà được ngồi bên cô để có thể dùng ngón tay làm hiệu những câu giám khảo hỏi mà cô không nghe thấy. 
Xin nói thêm để bạn đọc được rõ là trong cuộc chấm thi Tiến sĩ Đại học có ba giám khảo (ở các cuộc chấm thi Tiến sĩ quốc gia, số giám khảo đông gấp hai: sáu vị), các giám khảo luân phiên đặt câu hỏi cho thí sinh. Trường hợp cô Xuydan, như ta đã biết, thường phải đọc trên môi mỗi vị để xem người ấy hỏi gì, nếu mà có vị khác hỏi xen vào, thì có thể cô không lưu ý, và bà Lavô ngồi bên cạnh cô có nhiệm vụ “thông ngôn” cho cô để cô có thể hiểu rõ câu hỏi của vị kia.
Một nhà trí thức nước ta hồi ấy, có được may mắn tận mắt chứng kiến buổi hỏi thi này, có thuật lại là: một lần vị Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Banđenxpeecgiê lên tiếng hỏi cô, nhưng cô tỏ ra ngơ ngác. Không phải là cô không hiểu câu hỏi, hay không tìm được lời đáp cho câu hỏi, mà là vì đèn không chiếu rõ môi ông nên cô không biết ông hỏi gì. 
Công chúng dự buổi chấm thi rất xúc động khi cô đã chủ động xin lỗi Giáo sư và trần tình với vị Chủ tịch này rằng: “Đèn soi Giáo sư không rõ”. Vị Chủ tịch Hội đồng hiểu ý, với tay xoay cái chụp đèn đặt trên bàn chiếu về phía mặt mình và lặp lại câu hỏi.
Thấy rõ những rung động trên môi ông, biết ông hỏi gì, bấy giờ, từ sau đôi môi tươi thắm của cô mới tuôn ra những ý tứ chuẩn xác và sâu sắc đáp đúng vào câu hỏi của Giáo sư, mà chỉ thoáng nghe qua, những người đến dự cũng đã thấy rõ kiến thức uyên thâm của cô.
Cô gái, gần ba mươi tuổi này, tuy không phải là một giai nhân tuyệt thế, nhưng với mái tóc hoe vàng, vài sợi lòa xòa trên má, ôm lấy một khuôn mặt duyên dáng thông minh; những người cho dẫu chỉ mới một lần gặp cô cũng sẵn sàng dành cho cô rất nhiều tình cảm.
Luận án của cô, như trên đã nói, trình bày về thân thế và kịch khúc của Lơnêru, cũng ở trong hoàn cảnh như cô. Nữ sĩ Lơnêru trước đây đã từng xót thương cô Helen Kenlơ người Mĩ, cũng bị câm và điếc bẩm sinh, nhưng có nghị lực mà chiến thắng được số phận. Lơnêru xót thương cho Helen Kenlơ. Giờ đây, lại đến Xuydan Lavô xót thương cho Mari Lơnêru. Nói là họ xót thương cho người đồng cảnh, nhưng thật ra họ thương cảm cho số phận của chính bản thân mình.
Nói về Lơnêru, Xuydan có viết một câu thấm thía mà đọc đến ai cũng cảm thấy lòng mình rung động: “Cô ngậm ngùi mong mỏi có được một người đàn ông để nương tựa”, câu văn đã được tác giả thuật lại khi viết về cuộc đời cô được diễn đạt trong câu: 
Ngùi ngùi mong ngóng tùng quân
Bóng tùng e thẹn che thân tật đằng

Một câu thơ tuy chỉ dịch ý, nhưng vừa tinh tế vừa lột tả được nỗi bâng khuâng man mác, lời nói nặng tâm tình của Xuydan.
Cô Lơnêru đã trọn đời sống trong cảnh đơn chiếc. Sau năm 1945, khi cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta của thực dân Pháp mở ra, mọi người còn biết bao vấn đề lớn phải lo toan, không ai còn thì giờ để băn khoăn chú ý xem cô Xuydan có cùng cảnh ngộ với cô Lơnêru không. Mọi người chỉ biết là sau khi nhận học vị Tiến sĩ, cô đã nhận công tác ở một thư viện. Và hôm nay, thuật lại câu chuyện của cô, chúng tôi chỉ có ý định mang đến cho bạn đọc một tấm gương sáng về nghị lực phi thường của một cô gái bị câm điếc bẩm sinh đã vươn lên khắc phục khó khăn, đạp bằng trở ngại, quyết tâm chống lại những trớ trêu của số phận, không ngừng tự nâng mình lên để vươn tới tương lai tươi sáng. 
                                                                                                                       N.X.D


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 66
 Hôm nay: 887
 Tổng số truy cập: 9312500
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa