Vai trò của Lê Thánh Tông trong lịch sử dân tộc - Nguyễn Thị Hiền
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đã sản sinh ra rất nhiều anh hùng dân tộc và nhân vật lịch sử tiêu biểu, trong đó có Lê Thánh Tông - một đấng minh quân văn, võ song toàn. Ông không chỉ là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, mà quan trọng là 38 năm ngồi trên ngai vàng, ông đã làm rạng danh đất Việt và để lại cho hậu thế nhiều bài học, nhiều "công trình" đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Vua Lê Thánh Tông, sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), tại nhà ông ngoại ở mạn tây nam Quốc Tử Giám, nay là khu đất chùa Huy Văn, Khâm Thiên, Hà Nội. Ông tên thật là Lê Tư Thành (còn có tên khác là Lê Hậu), hiệu Thiên Nam Động chủ, con thứ tư của vua Lê Thái Tông, mẹ là bà Ngô Thị Ngọc Dao. Quê ông ở Lam Sơn, huyện Lôi Dương (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), là vị vua thứ năm của nhà Lê Sơn. Ngày 08 tháng 6 âm lịch năm 1460, Lê Tư Thành lên ngôi, trị vì đất nước được 38 năm với hai niên hiệu là Quang Thuận (1460 - 1469), và Hồng Đức (1470 - 1497).
Tên tuổi và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông gắn liền với một giai đoạn phát triển cường thịnh của đất nước. Suốt 38 năm làm vua, ông đã đưa triều Lê phát triển tới đỉnh cao về mọi mặt: Chính trị, xã hội, kinh tế, an ninh - quốc phòng, văn hóa... Lên ngôi trong lúc triều chính nhà Lê đang lục đục mâu thuẫn, đức vua đã quan tâm đến việc nội trị, an dân nên nhanh chóng chấm dứt tình trạng phe phái trong cung đình, khẩn trương tổ chức xây dựng đất nước với một tinh thần cải cách mạnh mẽ, táo bạo.
Trong 38 năm trị vì, vua Lê Thánh Tông đã thực hiện nhiều chính sách tiến bộ, có tính chất như một cuộc cải cách, đặc biệt là về quan chế và tổ chức hành chính. Về mặt kinh tế, tăng cường sở hữu Nhà nước; củng cố kinh tế tiểu nông và xây dựng lại làng xã, đã hoàn chỉnh chế độ quân điền; chế độ quân điền trở thành cơ sở kinh tế - xã hội của chế độ quân chủ tập quyền chuyên chế. Đối với cải cách hành chính, năm 1471, Lê Thánh Tông ban hành “Hiệu định quan chế”, tiến hành cuộc cải cách về quan chế và hành chính. Ông loại bỏ các chức đại thần như Tể tướng, Đại hành khiển, trực tiếp nắm quyền quản lý Lục bộ. Để tăng cường sự hỗ trợ và giám sát lẫn nhau, Lê Thánh Tông đã cho lập Lục khoa và Lục tự nhằm “Để cho lớn nhỏ cùng ràng buộc nhau, khinh trọng cùng kiềm chế nhau. Uy quyền không lạm, lẽ nước khó lay, thành thói quen theo đạo giữ phép, không có lỗi trái nghĩa phạm hình”. Lê Thánh Tông chia cả nước từ 5 đạo thành 13 đạo Thừa tuyên. ở mỗi đạo bãi bỏ chế độ hành khiển so với trước, thiết đặt chế độ Tam ty, gồm Đô ty, Thừa ty và Hiến ty, mỗi cơ quan phụ trách một mảng riêng biệt về quân sự, dân sự và xét xử theo nguyên tắc vừa chuyên môn hóa vừa hỗ trợ nhau. ở đơn vị cấp xã, năm 1489, Lê Thánh Tông đã ban hành quy định về quy mô cấp xã bằng việc phân định xã lớn, xã vừa, xã nhỏ với quy mô số hộ dân và số xã trưởng tương ứng: Xã có 500 hộ trở lên, đặt 5 xã trưởng; xã có 300 hộ trở lên, đặt 4 xã trưởng; xã có 100 hộ trở lên, đặt 2 xã trưởng; xã có 60 hộ trở xuống, đặt 1 xã trưởng. Lần đầu tiên, Lê Thánh Tông can thiệp trực tiếp vào bộ máy quản lý cấp xã và tục lệ làng xã qua việc tiêu chuẩn hóa chức danh Xã trưởng (trên 30 tuổi, biết chữ, có hạnh kiểm đạo đức tốt) và quy định cụ thể việc lập hương ước phải có sự kiểm soát của Nhà nước. Các biện pháp cải cách hành chính của Lê Thánh Tông đã giúp ông xây dựng được một bộ máy Nhà nước Trung ương tập quyền cao độ. Một trong những biện pháp cụ thể của vua Lê Thánh Tông trong việc chống tham nhũng là chỉ dùng bậc hiền tài, loại trừ kẻ xu nịnh. Điều này sẽ khiến các quan chức vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ không còn đất dụng võ, nạn tham nhũng đang tàn phá đất nước sẽ bị đẩy lùi và dẹp bỏ. Dưới thời Lê Thánh Tông, những quan thanh liêm, thực sự phục vụ cho dân như Vũ Kiệt, Lương Thế Vinh... đều rất được trọng dụng.
Vua Lê Thánh Tông đã cho biên soạn và ban hành bộ Quốc triều hình luật là Bộ luật hình chính thống được ban hành vào thế kỷ XV gồm 6 quyển, 13 chương, 722 điều trong thời gian từ (1470 - 1497). Đây là bộ luật thành văn cổ nhất của Việt Nam còn được giữ lại hoàn chỉnh cho đến nay bao gồm nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Lĩnh vực luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân gia đình, luật hành chính... Sự ra đời của bộ Quốc triều hình luật với nhiều điều khoản tiến bộ về bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ và quyền tư hữu tài sản được xem là sự kiện đánh dấu trình độ phát triển của lịch sử lập pháp Việt Nam.
Đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài, xem nhân tài là nguyên khí của quốc gia, đây được xem là một trong những chính sách được vua Lê Thánh Tông dành sự quan tâm đặc biệt. Trong 38 năm (1463 - 1497) trị vì với 12 khoa thi, Lê Thánh Tông đã chọn được 501 tiến sĩ trong đó có 10 Trạng nguyên, góp phần nâng cao số quan lại, tri thức, quan liêu trong bộ máy Nhà nước. Ông là người cho khởi dựng Bia Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám, là người đầu tiên cho đặt Trường thi võ ở phía tây Kinh thành (địa điểm Giảng Võ ngày nay).
Nền giáo dục khoa cử nước ta thịnh đạt, và vai trò trí thức được đề cao chưa có thời nào được như thời Lê Thánh Tông. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện, Nhà Thái học, Quốc Tử Giám là các cơ quan giáo dục và văn hóa lớn của Nhà nước, Thánh Tông còn cho xây Kho để chứa sách. Đặc biệt, vua Lê Thánh Tông còn sáng lập Hội Tao đàn bao gồm những nhà văn hóa có tiếng đương thời mà đích thân nhà vua là chủ soái vừa sáng tác văn chương vừa nghiên cứu phê bình. Những trước tác của Hội Tao đàn được chép lại trong bộ sách đồ sộ Thiên Nam dư hạ tập, và trong các sách Quỳnh uyển cửu ca, Minh lương cẩm tú, Hồng Đức quốc âm thi tập... Trong đó không chỉ có những sáng tác thơ văn, mà có cả những tác phẩm về lý luận phê bình văn học - nghệ thuật, về lịch sử, kinh tế, quan chế, địa lý, khoa học... Lê Thánh Tông là người dẫn đầu phong trào sáng tác và trước thuật, để lại cho đời một lượng tác phẩm rất lớn chép trong Thiên Nam dư hạ tập, và các tác phẩm riêng như Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Anh hoa hiếu trị, Châu cơ thắng thưởng, Chinh tây kỷ hành, Văn minh cổ súy, Lam Sơn lương thủy tú... Ông tài giỏi cả thơ và văn, Nôm và Hán. Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của Lê Thánh Tông là một trong những áng văn Việt cổ nhất còn truyền lại đến ngày nay.
Một việc có ý nghĩa lịch sử mà ông đã làm năm 1464, là minh oan cho Nguyễn Trãi, cho sưu tầm thơ văn Nguyễn Trãi đã bị tiêu hủy sau vụ án “Lệ Chi viên”, góp phần lưu lại cho hậu thế. Chính Lê Thánh Tông đã cho tạc bia về Nguyễn Trãi: “ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Trong lòng ức Trai tỏa sáng văn chương - Tạ Ngọc Liễn dịch). Có thể nói, bằng tài năng văn hóa kiệt xuất của mình, Lê Thánh Tông đã có công lao tạo lập cho thời đại ông một nền văn hóa với diện mạo riêng, khẳng định bước phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc.
Vua Lê Thánh Tông đặc biệt chú ý về an ninh - quốc phòng, bảo vệ bờ cõi giang sơn; lực lượng quốc phòng bảo vệ đất nước được tăng cường hùng hậu. Trước kia, quân đội chia làm 5 đạo vệ quân, nay đổi làm 5 phủ đô đốc. Mỗi phủ lại có vệ, sở. Bên cạnh còn có 2 đạo nội, ngoại, gồm nhiều ti, vệ. Ngoài tổ chức quân thường trực, Lê Thánh Tông còn chú ý lực lượng quân dự bị ở các địa phương. 43 điều quân chính do Lê Thánh Tông ban hành cho thấy kỷ luật quân đội của ông rất nghiêm ngặt. Ông là người luôn chăm lo mở mang bờ cõi và quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ giang sơn xã tắc, gìn giữ chủ quyền quốc gia. Tháng 4 năm Quý Tỵ (1473), vua nói với các quan phụ trách việc bảo vệ biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được, ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di" (Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư). Chính dưới thời Lê Thánh Tông, bản đồ đầu tiên của quốc gia Đại Việt đã được hoàn thành.
Vua Lê Thánh Tông canh tân mọi mặt xã hội một cách căn bản và đặt trên nền tảng cai trị bằng luật pháp. Một đỉnh cao tiêu biểu của pháp trị thời Lê Thánh Tông là cho ban hành bộ Luật Hồng Đức. Ông đã nói với các đại thần: “Pháp luật là phép công của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”; câu nói đó thể hiện nét vĩ đại của tư tưởng Lê Thánh Tông. Bộ Luật Hồng Đức gồm sáu quyển, 13 chương với 722 điều. Nhà bác học Phan Huy Chú đã đánh giá luật pháp thời Lê: “Thật là cái mẫu mực để trị nước...”. Đầu thế kỷ XIX, khi cho soạn bộ Hoàng Việt luật lệ, vua Gia Long cũng đã tham khảo và đánh giá rất cao bộ Luật Hồng Đức. Đến cuối thế kỷ XX, Đại học Ohio, nước Mỹ, đã cho dịch và xuất bản bằng Anh ngữ toàn bộ văn bản cùng những khảo cứu kỹ càng bộ Luật Hồng Đức, dày 3 tập. Giáo sư Ô-li-vơ ốt-man (Oliver Oldman), Chủ nhiệm khoa Luật á Đông của Đại học Harvard đã đánh giá rất cao Luật Hồng Đức, coi đó là hệ thống luật “với nhiều sự tương đương về chức năng so với những quan niệm luật pháp phương Tây cận hiện đại...”. Bộ luật Hồng Đức có những điểm tiến bộ vẫn còn giá trị đến ngày hôm nay như: Luật hôn nhân gia đình; luật thừa kế tài sản; luật hình sự.
Dưới thời Lê Thánh Tông, ông đã cho ban hành chính sách Hồi tỵ lần đầu tiên, được soạn thảo và hoàn thiện từ 1460 đến 1497; trong một nỗ lực cải cách hành chính và quan chế của ông. Dựa trên những kinh nghiệm trị quốc sau 26 năm đầu cầm quyền, Lê Thánh Tông đã ban bố những chiếu, lệnh về hồi tỵ, xây dựng chính sách này ngày một hoàn thiện trong 11 năm sau đó; đối tượng áp dụng của chính sách Hồi tỵ dưới thời Lê Thánh Tông là các vị quan đứng đầu bộ máy chính quyền dân sự và quân sự địa phương. Quan trọng nhất là cấp cơ sở - quan xã, những người dễ dàng bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ gia đình, gia tộc, không thể giữ được sự công tâm, khách quan trong công việc.
Về cơ bản, quan lại thời Lê sơ không được bổ nhiệm về cai trị huyện hoặc tỉnh mà người đó xuất thân hoặc có họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo, họ cũng không được lấy vợ hoặc thiếp có xuất thân từ địa phương mình đang nhiệm sở và không được tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng. Tuy nhiên, do không được pháp điển hóa thành luật nên chính sách hồi tỵ dần mai một và bị quên lãng; chỉ đến thời Nguyễn, chính sách này mới được vua Minh Mạng khôi phục lại và hoàn thiện thêm.
Luật Hồi tỵ được ban hành dưới thời vua Minh Mạng (trị vì từ 1820 đến 1841) vào năm 1831 và được sửa đổi bổ sung vào năm 1836. Kế thừa những tư tưởng tiến bộ của Lê Thánh Tông, luật hồi tỵ được vua Minh Mạng bổ sung, mở rộng phạm vi áp dụng với những quy định nghiêm ngặt hơn. Một số nội dung chính có thể kể đến: “Quan lại không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản; quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc; người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở; các lại dịch nha môn, các bộ ở kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột, anh em con chú, con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác; các quan lại không được làm quan ở nơi trú quán (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi; các lại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ huyện là quê hương mình; các lại mục, thông lại các nha thuộc các phủ huyện là người cùng làng cũng phải chuyển bổ đi nơi khác; các quan viên từ Tham biện trở lên ở các trấn, tỉnh về kinh đô chầu được dự đình nghị, song khi trong các cuộc họp có bàn việc liên quan đến địa phương mà mình nhậm trị thì không được vào dự; các khảo quan (coi thi, chấm thi) có người thân thích dự thi ở trường mình thì phải báo lên cấp trên để tránh đi, nếu cố tình không khai báo sẽ bị trọng tội vì cố ý làm trái; các quan thanh tra, xét xử thấy trong vụ án, vụ điều tra có người thân quen của mình (bà con nội, ngoại, bạn thân...) đều phải khai báo và hồi tỵ ngay”. Sau này, vua Thiệu Trị còn quy định thêm: Cấm quan đầu tỉnh lấy vợ trong trị hạt vì sợ gia đình vợ nhũng nhiễu; cấm các quan tậu ruộng vườn, nhà cửa trong trị hạt vì sợ quan hiếp dân để được mua rẻ; cấm tư giao với đàn bà con gái trong trị hạt; cấm các quan lại đã về hưu quay lại cửa công để cầu cạnh.
Với những thành tựu lớn lao như vậy, vua Lê Thánh Tông được đánh giá là vị minh quân bậc nhất trong lịch sử Việt Nam thời trung đại. Đánh giá về con người và sự nghiệp của ông, Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược đã viết: “Thánh Tông là một ông vua thông minh, thờ mẹ rất có hiếu, ở với bề tôi đãi lấy lòng thành. Ngài trị vì được 38 năm, sửa sang được nhiều việc chính trị, mở mang sự học hành, chỉnh đốn các việc vũ bị, đánh dẹp nước Chiêm, nước Lào, mở thêm bờ cõi, khiến cho nước Nam... bấy giờ được văn minh thêm ra và lừng lẫy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh như vậy”.
N.T.H