Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Tìm hiểu giá trị tư liệu lịch sử của truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh Hóa - Lê Ngọc Tạo
Tìm hiểu giá trị tư liệu lịch sử của truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh Hóa - Lê Ngọc Tạo

Thắng lợi vĩ đại của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, là đề tài vô cùng phong phú cho sử học, sáng tác văn học đặc biệt là văn học dân gian trong đó có truyền thuyết lịch sử. Truyền thuyết về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn là một dòng chảy lịch sử ở bề sâu, chiều rộng tạo nên giá trị vĩnh cửu hào khí Lam Sơn và tinh thần bất tử của người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Chính vì vậy, khi nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đây là nguồn tư liệu quý giá đã được các nhà viết sử đặc biệt quan tâm, các nhà văn hóa học chú ý. Nhiều người đưa ra quan điểm “Tái cấu trúc” khi nghiên cứu về không gian văn hóa Lam Sơn với hai lớp văn hóa tách biệt: Văn hóa Lam Sơn và văn hóa Lam Kinh. Văn hóa Lam Sơn được trải dài khắp nước từ nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa chủ yếu là những năm đầu của cuộc khởi nghĩa đến khi trở thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô toàn quốc. Tính lan tỏa của nó có mặt từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Hà Nội, Lạng Sơn… và có sức sống mãnh liệt dẫu đã trải qua 600 năm lịch sử. Ở đây, chúng tôi chỉ giới hạn vấn đề về mối quan hệ giữa truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa trên đất Thanh Hóa với những giá trị đích thực của lịch sử khi nói về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Chúng ta đã biết, truyền thuyết là những sáng tạo mang tính nghệ thuật nên nó là một thể loại văn học dân gian. Truyền thuyết lịch sử không phải là lịch sử mà là dã sử, là sử của dân gian nhằm lý giải về nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, địa danh lịch sử… theo hiểu biết và khát vọng của dân gian. Nói như Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì “Cái lõi mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng”. Như vậy, để có nhận thức đầy đủ về thái độ của nhân dân khi đánh giá về sự kiện, nhân vật lịch sử cần được thông qua nội dung, không gian, thời gian mà truyền thuyết ghi nhớ.
Trên đất Thanh Hóa, so với các cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, Nguyễn Chích, Ba Đình, Hùng Lĩnh… có thể khẳng định, truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chiếm số lượng phong phú nhất. Điều đó đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm, tập hợp từ mấy chục năm nay với nhiều công trình đã xuất bản. Có tới hàng trăm câu chuyện xung quanh vấn đề này được đề cập trải rộng khắp các địa phương trên đất Thanh Hóa. Từ tính phong phú như vậy, chúng tôi cho rằng đặc điểm quan trọng hàng đầu của truyền thuyết lịch sử đó là tính địa phương (local) và gắn liền với dấu tích của những sự kiện lớn mà lịch sử đi qua. Đi đến đâu trên đất Thanh Hóa người ta cũng được nghe kể những mẩu chuyện về Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Tuy nhiên, sự phân bố của truyền thuyết ở đây dễ nhận ra giữa các địa phương cũng có sự khác biệt. Tập trung đậm đặc nhất là Thọ Xuân: 33 truyện, Ngọc Lặc: 17 truyện, Lang Chánh: 9 truyện… các huyện khác ít hơn như Thường Xuân: 4 truyện, Bá Thước: 4 truyện… (theo thống kê của các sách truyền thuyết và cổ tích Lam Sơn, Một số truyền thuyết và giai thoại về khởi nghĩa Lam Sơn, sáng tác dân gian về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn… Và một số sách địa chí các huyện).
Đất Lam Sơn nằm giáp ranh của không gian văn hóa Việt Mường. Quan hệ của Lê Lợi với các đạo, sách trước khởi nghĩa Lam Sơn là mối quan hệ của ông với các Đạo Mường như Đạo Mục - Lê Thận, Đạo Sách Dựng Tú - Lê Lai. Đây cũng là căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa với nhiều sự kiện chồng chéo làm nảy sinh những truyền thuyết phản ánh sự thật về lịch sử của cuộc khởi nghĩa.
Khi nghiên cứu hệ thống truyền thuyết về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn, dưới góc nhìn lịch sử, chúng ta thấy nổi lên mấy vấn đề sau đây:
1. Phản ánh những khó khăn và thất bại ban đầu của cuộc khởi nghĩa
Một đặc điểm và nội dung khá nhất quán trong truyền thuyết lịch sử về khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng dân tộc Lê Lợi là bên cạnh những truyện ca ngợi tài năng, mưu trí, tinh thần chiến đấu quên mình và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa thì số lượng nói về sự thất bại trong quá trình chiến đấu, nhất là ở thời kỳ mới dấy binh chiếm tỷ lệ lớn và tập trung chủ yếu ở miền Tây Thanh Hóa. Đó là những ngày gian khó, thiếu thốn trăm bề mặc dù lãnh tụ cuộc khởi nghĩa đã trù tính phương lược, chuẩn bị kế sách lâu dài cho cuộc khởi nghĩa. Song do tương quan lực lượng quá chênh lệch, lại thiếu thốn về lương thực, khí giới đã khiến cho Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn phải chạy hết nơi này đến nơi khác, đúng như Nguyễn Trãi đã viết “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, Khi khôi huyện quân không một đội” (Bình Ngô đại cáo). Hay: “Khi ở Lương Sơn, cơm cháo gieo neo chạy lo từng bữa. Buổi ở trại Lẫm Lộ áo quần rách rưới vẫn cậy vá may” (Bài Chế về Bà Chiêu Nghi) hay “đói thì đào củ mài mà ăn, khát thì tìm mật ong mà uống”  như sách Lam Sơn thực lục đã nói… Dù thế, đi đến đâu Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn cũng được nhân dân che chở, đùm bọc. Truyền thuyết lịch sử về khởi nghĩa Lam Sơn còn ghi lại những câu chuyện cảm động ở xa trung tâm Lam Sơn từ Hoằng Hóa, đến Bá Thước, Quan Sơn trong những tháng ngày gian khổ. Theo thống kê của các sách đã xuất bản như đã nói, đã có 88 truyền thuyết nói về những lần Lê Lợi và nghĩa quân bị giặc Minh vây hãm được nhân dân cứu giúp như các chuyện về Cánh đồng Mẫu hậu (Ngọc Lặc, Hoằng Hóa), Sông Cầu Chày chó lội đứt đuôi (Yên Định), sự tích Hồ Ly (Thường Xuân)… Ở những thời khắc cam go ấy, ở bất kỳ nơi nào nghĩa quân đi qua cũng đều nhận được sự giúp đỡ chân tình của nhân dân, có cơ hội là tham gia công cuộc cứu nước. Đó là những người vô danh được phiếm chỉ như bà hàng nước ở Hoằng Hóa, Chàng Ban (dân tộc Thái) ở Bá Thước, vợ chồng ông lão làm nghề chài lưới hay cô gái Mường mò cua bắt ốc ở Ngọc Lặc… Dưới cái nhìn của dân gian, chúng ta thấy những thất bại của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn không hề bi lụy, ngược lại đã đậm chất anh hùng ca. Lấy cái thất bại có thể có thật của sự thật lịch sử để ca ngợi, sự ủng hộ hết mình của các tướng sỹ và của mọi tầng lớp nhân dân.
2. Phản ánh những địa danh lịch sử
Trong 98 truyền thuyết về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn như chúng tôi khảo sát, đã có 74 truyện nói về địa danh lịch sử. Trong đó địa danh và di tích lịch sử gắn liền với núi sông, làng mạc ở Thanh Hóa, nơi khởi nguồn của cuộc khởi nghĩa, trong đó có nhiều địa danh lại có nhiều truyện khác nhau. Có truyện nói Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đến Lam Sơn giả dạng là người buôn dầu vào gặp Lê Lợi đã bỏ quên thùng dầu, gió mưa làm dầu đổ ra lênh láng thấm cả một ngọn đồi. Có truyện kể rằng, khi Lê Lợi khởi nghĩa, ông đã tìm một ngọn núi, đêm đêm thắp một ngọn đèn dầu gọi là đèn chiêu quân để nghĩa quân tìm về Lam Sơn. Hay Lê Lợi chỉ mua dầu của bà hàng dầu thắp sáng hết đêm này sang đêm khác. Khi giặc Minh bắt được bà lão, dù bị tra tấn bằng mọi cực hình nhưng bà quyết không khai chỗ Lê Lợi và nghĩa quân ẩn náu, đã bị chúng giết một cách hèn hạ. Cảm thương nghĩa khí của bà hàng dầu, Lê Lợi vô cùng thương tiếc, đặt tên cho ngọn núi ấy là núi Dầu thể hiện lòng tri ân của ông và ra lệnh làm giỗ bà hàng dầu sau ngày giỗ của mình. Do đó mới có truyền ngôn: “Hăm mốt Lê Lai, Hăm hai Lê Lợi, Hăm ba giỗ mụ hàng Dầu”. Cũng vậy, núi Mục có nhiều dị bản khác nhau. Rằng đó không phải là một ngọn núi mà là mắt của rồng ẩn. Rằng núi Mục vốn mang hình dáng của một con voi khổng lồ. Khi Lê Lợi khởi binh ở làng Cham, các ngọn núi quanh vùng như núi Rồng, núi Hổ… đều quay về chầu. Riêng núi Voi cứ quay mặt về phía Đông. Lê Lợi rút gươm thần nổi phép phóng ra những đao hào quang, tạo nên tiếng long trời lở đất khiến cho núi Voi bị vạt một phần thành núi Mục như bây giờ…
Nói tới khởi nghĩa Lam Sơn, không ai là không biết núi Chí Linh, căn cứ thiêng liêng của cuộc khởi nghĩa. Đây là đề tài vô tận để các nhà thơ, nhà văn xưa thả hồn vào những bài phú bất hủ. Núi Chí Linh là biểu hiện cao đẹp của khởi nghĩa Lam Sơn được Nguyễn Trãi nói tới nhiều lần. Vũ Mộng Tuân ca ngợi là “Nhất giang sơn” là “tột bậc anh hùng”, Lý Tử Tấn nói “Rồng thiêng ở đó có thể tàng hình dấu vết, thánh nhân ở đó có thể ẩn kín thời cơ”. Núi Chí Linh còn được gọi là núi Linh Sơn, thuộc hệ Pù Rinh bao gồm một vùng đất rộng lớn thuộc các huyện Lang Chánh, Thường Xuân, rừng núi hiểm trở có thể “tàng hình dấu vết”. Căn cứ vô cùng lợi hại này đã là nơi che chở cho nghĩa quân Lam Sơn qua ba lần phải rút lên. Lần đầu tiên diễn ra ngay năm đầu của cuộc khởi nghĩa (1418), Lê Lai đã cải trang thành Lê Lợi dẫn 500 nghìn quân đánh lừa quân địch và anh dũng hy sinh. Lần thứ hai, cũng ở năm này, nghĩa quân đã bị giặc Minh đánh úp ở Lam Sơn, tàn phá cơ nghiệp của Lê Lợi, buộc nghĩa quân phải rút lên núi Chí Linh. Giặc Minh đã bao vây căn cứ và chặn đường tiếp tế lương thực của nhân dân cho nghĩa quân, khiến nghĩa quân lâm vào tình trạng hết sức khó khăn suốt ba tháng liền. Lần thứ ba vào cuối năm (1422), quân Minh phối hợp với quân Ai Lao đánh vào doanh trại của Lê Lợi ở Quan Da, bị vây hãm ở Sách Khôi. Lê Lợi đã chỉ huy nghĩa quân đánh bại cuộc bao vây của địch và đưa nghĩa quân rút lên núi Chí Linh.
Rừng núi Chí Linh được lịch sử ghi nhận và ký ức dân gian lưu truyền qua hàng loạt truyền thuyết về địa danh lịch sử gắn liền với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Ở Thường Xuân có truyện về sự tích Mường Khao, Suối Khao (Khao có nghĩa là tanh hôi). Được giải thích một cách hồn nhiên. Truyện rằng: Lúc Lê Lợi đóng quân ở đây, đã bị giặc Minh kéo đến vùng giáp. Trai tráng khắp bản đều đi theo Lê Lợi chỉ để lại người già và trẻ nhỏ. Chúng lùng sục khắp nơi nhưng không tìm thấy nghĩa quân, chúng đã tàn sát hết dân làng, xác người chết rữa không ai chôn cất, khiến cho cả bản bốc mùi hôi thối, nhân dân đặt cho Mường này là Mường Khao. Ở xã Yên Nhân, ngược về phía Giao An (Lang Chánh) có một dòng suối gọi là Suối Vớ nước từ Pù Rinh đổ xuống gọi là suối Lá, suối này kéo theo những chiếc lá khô bồng bềnh đều có chữ đục rỗng “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, Lê Lai vi tướng”. Ở Bát Mọt có truyện về sông Chàng, làng Nàng. Ở Yên Nhân có một Chòm gọi là Chòm Nhân, nói về sự ủng hộ lương thực cho nghĩa quân của đồng bào đến gùi sắn cuối cùng v.v… Huyện Lang Chánh có câu truyện về Thác Ma Hao (tiếng Thái là chó ngáp), ở Giao Thiên lại có truyện về Hón Lối (bắt nguồn từ Huổi Lấu Suối rượu), sự tích về Lê Lợi và nghĩa quân trong những lần rút lên Chí Linh thông qua những địa danh hiện còn.
3. Phản ánh về các nhân vật lịch sử
So với truyền thuyết và địa danh lịch sử, số lượng truyền thuyết về nhân vật không nhiều nhưng đã phản ánh được toàn diện những sự kiện, nhân vật lịch sử có thật, tiêu biểu cho linh hồn của cuộc khởi nghĩa trong những năm đầu gian nan chịu nhiều tổn thất. Quá trình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi được mở đầu bằng truyện Lê Lợi được gươm thần với nhiều dị bản khác nhau. Có bản kể thanh gươm được người em họ của Lê Lợi là Lê Thận đánh cá trên bến Mục Sơn nhặt được. Một hôm Lê Lợi sang chơi, Lê Thận đưa thanh gươm cho xem thì ánh hào quang rực lên cùng bốn chữ “Thuận Thiên”. Có bản kể, Lê Thận đánh cá trên sông bắt được lưỡi gươm, Lê Lợi đi cày ngoài đồng nhặt được một vật đem về thì đó là một khúc gỗ, hai đầu có hai vòng sắt, một đầu có một lỗ sâu, khi Lê Thận cho kiếm, ông đem về tra thử thì vừa khít. Lê Lợi rút kiếm chỉ xuống dòng sông thì nước sôi lên sùng sục, mới biết đây là thanh kiếm thần mà Long Vương giao cho chỉ huy cuộc khởi nghĩa.
Chặng đường mà Nguyễn Trãi, vị quân sư số một của cuộc khởi nghĩa đến Lam Sơn cũng không kém phần hấp dẫn với nhiều truyện kể khác nhau. Nguyễn Trãi cùng Trần Nguyên Hãn đóng giả các lái buôn bán dầu đến doanh trại của Lê Lợi ngủ nhờ thì thấy Lê Lợi ăn uống dung tục liền bỏ đi. Chi tiết này có thể đã lý giải phần nào thời gian mà Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Truyện Tìm minh chủ lại kể về giấc mộng của Trần Nguyên Hãn khi ngủ nhờ ở Đền Chèm (Hà Nội), Lê Lợi được làm vua và Nguyễn Trãi làm thần. Xung quanh câu chuyện về Lê Lai đổi áo cũng có những bản kể khác nhau. Những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân đã bị bao vây tứ phía và giặc Minh tìm mọi cách bắt bằng được  lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa. Trong tình thế hiểm nghèo, Lê Lai đã đóng giả Lê Lợi, đem quân phá vòng vây của địch để bảo vệ Lê Lợi và nghĩa quân đã anh dũng hy sinh. Cũng về câu chuyện Lê Lai hy sinh nhưng trong hoàn cảnh nghĩa quân bị bao vây và lực lượng còn yếu, bị thua liên tục. Lê Lai đã đóng giả Lê Lợi chiến đấu với giặc Minh, phải để cho giặc bắt, đánh lừa chúng, tạo ra cơ hội để Lê Lợi bảo toàn lực lượng. Hoặc Hội thề Lũng Nhai diễn ra ở đâu trên đất Thường Xuân hay Ngọc Lặc, với dân gian điều đó không quan trọng. Tính chính xác về địa danh cụ thể thuộc về nhiệm vụ của các nhà viết sử. Song cốt lõi lịch sử mà chúng ta ghi nhận: Đây là Hội thề lịch sử diễn ra vào năm 1416 và ở đó có mặt 19 người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân. Từ tri thức ở Kinh Lộ như Nguyễn Trãi đến gia nô như Trịnh Khả… đều là những tên tuổi có thật.
Có thể nói, trong hệ thống truyền thuyết về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa là một bậc phi thường, nhưng cũng hết sức đời thường. Trong quan niệm và tưởng tượng của các sáng tác dân gian, Lê Lợi là người khác thường. Lúc ông chào đời có ánh sáng đỏ đầy nhà, mùi hương lạ bay khắp bản. Tướng mạo của Lê Lợi cũng được dân gian tưởng tượng rất phù hợp với trọng trách của ông trước lịch sử. Sau khi sinh ra, Lê Lợi đã lớn rất nhanh, trở thành một chàng trai mắt sáng, mũi cao, miệng rộng, mặt rồng, vai bên trái có bảy nốt ruồi, lông mọc đầy người, đi như rồng, ngồi như hổ, tiếng nói như chuông lớn... Trong suốt cuộc kháng chiến, Lê Lợi là người bình dị, gần gũi với nhân dân. Đó là lý do ông đã thu hút được đông đảo lực lượng khởi nghĩa, tạo được sự mến phục giữa chủ tướng với quân sỹ, đến mức có người đã hy sinh thay ông, hay người vợ yêu quý Phạm Thị Ngọc Trần gieo mình xuống sông làm vật tế thần để Lê Lợi hạ thành địch thắng lợi. Mối quan hệ cao đẹp ấy đã được Nguyễn Trãi ghi lại vô cùng sâu sắc: “Tướng sỹ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Nhiều câu chuyện nói về nhân cách cao đẹp của Lê Lợi đối xử với người dân cả lúc sống cũng như lúc chết hết sức ân tình như trường hợp ông đã ghi nhớ công lao của Lê Lai năm xưa hay lập đền thờ đối với người có công hy sinh vì nước như sự tích Đền Quốc Mẫu.
Dưới góc nhìn dân gian, hình tượng Lê Lợi vừa là cái đẹp hiện thực, vừa là cái đẹp của hư cấu tưởng tượng, trong mối quan hệ giữa người anh hùng với gia đình, quân sỹ, với người dân mà ông đã gặp. Nói như vậy không có nghĩa Lê Lợi là một con người toàn bích, không có nhược điểm, thiếu sót trong sinh hoạt đời thường. Song, ẩn chứa trong ông là những phẩm chất tốt đẹp, lý tưởng cao cả trở thành sức hút để nhân dân tìm đến. Phẩm chất anh hùng là đặc điểm nổi bật phản ánh chân thực cuộc đời và sự nghiệp của ông mà nhân dân ghi nhận.
4. Phản ánh tính nhân dân sâu rộng của cuộc khởi nghĩa 
Lịch sử cho thấy, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc khởi nghĩa hợp với lòng dân nên đã thu hút được mọi tầng lớp nhân dân. Thực chất của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là một cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp và toàn diện, không chỉ được mọi thế hệ người dân ghi nhận dưới góc độ dân gian mà còn được ghi chép bởi các tác phẩm sử học ở nhiều thời kỳ khác nhau. Chúng ta bắt gặp ở đây những truyền thuyết xung quanh Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Xí, Nguyễn Chích, Lê Văn Linh… đến với Lam Sơn để cuộc khởi nghĩa có một bộ chỉ huy tài giỏi. Đặc biệt, những con người vô danh như bà hàng Dầu, hoặc cô gái mò cua bắt ốc đã hết lòng che chở cho nghĩa quân. Cây cỏ, các loài vật cũng đã lay động góp sức cùng người đánh giặc. Người sống đã hết lòng với nghĩa quân Lam Sơn, người chết cũng vậy. Chuyện về một cô gái trẻ mặc quần trắng chết trôi trên sông đã biến thành con hồ ly tinh chạy ra từ bụi rậm đánh lừa giặc Minh. Ông già trong truyện Huyết mễ đã âm thầm cất giấu lương thực ủng hộ nghĩa quân, bị địch bắt, chúng dùng dao xẻo từng miếng thịt nhưng vẫn không khai. Khi nghĩa quân tìm đến, ông lão trong cơn hấp hối chỉ cho nghĩa quân nơi cất giấu lương thực rồi mới tắt thở…
Có thể nói, truyền thuyết về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn là một tập đại thành về cuộc khởi nghĩa từ khi nhen nhóm đến lúc thành công, phản ánh trung thực về một chặng đường lịch sử. Là một loại hình văn học, truyền thuyết bắt nguồn từ hiện thực nhưng được phản ánh, lý giải theo cách riêng của thể loại, không tránh khỏi những tưởng tượng, hư cấu. Hư cấu ở đây là của cả một tập thể nên đã có những biến đổi trong quá trình lưu truyền, mà hiện thực chính là “Cái lõi của lịch sử”, còn hư cấu là lý tưởng hóa, thái độ của nhân dân trước các nhân vật, các sự kiện lịch sử được phản ánh. Tất cả truyện kể về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn được xây dựng từ sự thật lịch sử về cuộc kháng chiến gian khổ mười năm mà không vượt qua giới hạn, dường như kết thúc khi Lê Lợi đăng quang. Truyền thuyết với tư cách là một tác phẩm ngôn từ có giá trị nghệ thuật không phải ghi chép như một tác phẩm sử học. Truyền thuyết không phản ánh tuyệt đối, chính xác các sự kiện và nhân vật lịch sử nhưng đã được hình tượng hóa, nghệ thuật hóa sự kiện theo nhận thức của nhân dân. Truyền thuyết lịch sử dường như ổn định một cách bền vững, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cùng một nội dung mà không cần chỉnh lý, bổ sung, phản ánh theo tư tưởng quan phương như một tác phẩm sử học. Giá trị tư liệu lịch sử của truyền thuyết chính là ở chỗ ấy, làm phong phú thêm hiện thực về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên địa bàn Thanh Hóa.
                              

 L.N.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 52
 Hôm nay: 385
 Tổng số truy cập: 9308191
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa