Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Quan hệ xứ Thanh - xứ Nghệ qua các nền văn hóa - Trần Thị Liên
Quan hệ xứ Thanh - xứ Nghệ qua các nền văn hóa - Trần Thị Liên

Ở khu vực địa đầu của “Khúc ruột miền Trung”, xứ Nghệ, xứ Thanh đã hình thành mối liên hệ đặc biệt. Không phải đến khi “Tổ quốc ta là một, dân tộc ta là một” mà từ xưa, khu vực sông Lam và sông Mã sớm có mối liên hệ văn hóa xứ Nghệ - xứ Thanh trong chiều sâu lịch sử qua các nền văn hóa cổ.
Với vị thế: cửa ngõ miền Trung, địa đầu Bắc Bộ, xứ Thanh có nhiều nét tương đồng về địa lý môi trường. Sự gần gũi về cảnh quan địa lý nhân văn là cơ sở để xứ Nghệ, xứ Thanh trở thành vùng đất địa linh nhân kiệt, một trong những cái nôi của văn hóa dân tộc với những sắc thái đặc sắc. Trong lịch sử, khu vực sông Lam và sông Mã sớm có mối liên hệ văn hóa lâu dài.
Cách ngày nay từ 9000-5000 năm, chủ nhân các nền văn hóa thời đại đá mới ở khu vực sông Lam và sông Mã đã có mối liên hệ với nhau, được nhận biết qua nét tương đồng về kỹ thuật chế tạo đồ gốm và kỹ thuật chế tạo công cụ bằng đá.
Nhà khảo cổ học người Úc J.Golson đã nhận ra mối liên hệ giữa đồ gốm vùng Quỳ Châu (Nghệ An) với đồ gốm vùng Thường Xuân (Thanh Hóa) và đặt nó trong mối liên hệ với đồ gốm ở vùng đảo New Caledonia (Châu Đại Dương).
Đến sơ kỳ thời đại kim khí, cách ngày nay khoảng 4000 năm mối liên hệ văn hóa giữa vùng ven biển Nghệ Tĩnh và Thanh Hóa ngày càng được mở rộng và phát triển thành mối quan hệ đa chiều. Mối liên hệ này thể hiện đậm nét qua mối liên hệ giữa hai văn hóa tiêu biểu của hai vùng là: Văn hóa Hoa Lộc và văn hóa Bàu Tró.
Văn hóa Hoa Lộc(1) thuộc sơ kỳ thời đại kim khí, có niên đại khoảng 4000 năm, phân bố trên vùng đất ven biển xứ Thanh. Đây là một văn hóa khảo cổ đặc sắc có mối liên hệ đa chiều, nhất là với các nền văn hóa ở vùng ven biển và hải đảo miền Bắc Việt Nam.
Văn hóa Bàu Tró(2) thuộc hậu kỳ thời đại đá mới - sơ kỳ kim khí có niên đại cách ngày nay khoảng 4000 - 3500, phân bố ở vùng Nghệ An - Hà Tĩnh, Quảng Bình. Văn hóa Bàu Tró có mối liên hệ với các nền văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có văn hóa Hoa Lộc.
Mối liên hệ giữa chủ nhân văn hóa Hoa Lộc ở khu vực sông Mã và chủ nhân văn hóa Bàu Tró ở vùng sông Lam được phản ánh rõ nét ở nhiều lĩnh vực:
Chủ nhân văn hóa Hoa Lộc và văn hóa Bàu Tró xưa có thói quen không mài nhẵn hoàn toàn công cụ sản xuất bằng đá. Không phải họ không biết mài nhẵn vì có loại đồ (đồ trang sức) cần màu thì vẫn được mài bóng nhưng với công cụ sản xuất người ta chú ý nhiều đến tác dụng thực tế hơn là việc trau chuốt công cụ.
Trong sản xuất nông nghiệp, chủ nhân hai nền văn hóa rất chú trọng việc sử dụng cuốc đá. Tuy số lượng có khác nhau nhưng việc sử dụng loại nông cụ này vẫn được xem là nét nổi trội trong văn hóa Hoa Lộc và văn hóa Bàu Tró.
Đồ gốm là tài liệu có liên quan nhiều đến văn hóa tộc người rất được chú ý trong việc nghiên cứu mối liên hệ văn hóa giữa các vùng. Đồ gốm trong hai nền văn hóa có nhiều nét tương đồng về kỹ thuật, loại hình và hoa văn.
Nét chung trong đồ gốm ở hai văn hóa này là ở chỗ: Chủ nhân văn hóa Hoa Lộc và văn hóa Bàu Tró ít sản xuất các loại bi gốm, dọi xe sợi, chạc gốm... Nếu như chạc gốm là loại di vật phổ biến có tính chất đặc trưng của các văn hóa thuộc thời đại kim khí ở miền Bắc Việt Nam thì trong hai nền văn hóa không phổ biến. Điều đó phản ánh nét chung của hai văn hóa trên địa bàn Bắc miền Trung.
Loại gốm có tai, gốm miệng vuông là loại đồ gốm có kiểu dáng đặc biệt chỉ phổ biến trong văn hóa Hoa Lộc và văn hóa Bàu Tró. Đặc biệt loại khuyên tai bằng đất nung hình con đỉa, loại đồ trang sức độc đáo chỉ có mặt trong hai văn hóa này. Điều này cho thấy nét chung về tư duy thẩm mỹ của người Hoa Lộc và người Bàu Tró.
Những nét tương đồng về công cụ sản xuất, tư duy thẩm mỹ này cho thấy mối liên hệ, trao đổi văn hóa giữa chủ nhân văn hóa Hoa Lộc và văn hóa Bàu Tró khá chặt chẽ. Ngoài những nhân tố về môi trường, kỹ thuật, cơ sở kinh tế thì những nét chung của hai văn hóa còn phản ánh mối quan hệ nguồn gốc. Nghiên cứu mối liên hệ văn hóa này, các nhà khảo cổ đã đặt ra vấn đề về “Một dòng chảy từ Thạch Lạc đến Hoa Lộc)(3) tạo nên mối liên hệ văn hóa.
Giữa văn hóa Bàu Tró và văn hóa Hoa Lộc không chỉ có mối liên hệ với nhau mà còn có mối liên hệ với các văn hóa khác ở vùng ven biển, hải đảo và vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Giáo sư Hà Văn Tấn trong công trình nghiên cứu về các văn hóa Hoa Lộc, Bàu Tró, Hạ Long, Phùng Nguyên đã cho rằng: Mối liên hệ giữa văn hóa Phùng Nguyên - Hạ Long - Hoa Lộc - Bàu Tró rõ ràng là theo các chiều khác nhau và kiểu khác nhau. “Chính sự giao tiếp văn hóa giữa bốn nhóm bộ lạc này là một trong những chìa khóa để tìm ra con đường phát triển văn hóa và lịch sử tộc người ở buổi đầu dựng nước”(4).
Đến buổi đầu thời đại đồng thau, mối liên hệ văn hóa, kinh tế giữa các bộ lạc ở khu vực sông Mã, sông Lam không những được mở rộng, phát triển theo các chiều, các kiểu khác nhau mà lưu vực sông Mã còn là địa bàn quan trọng để chủ nhân các nền văn hóa khu vực sông Lam mở rộng, phát triển giao lưu văn hóa với khu vực đồng bằng, trung du Bắc bộ và vùng hải đảo phía Bắc. Mối liên hệ, quá trình tiếp biến văn hóa giữa các vùng, các tộc người là cơ sở cho sự hòa hợp, thống nhất các văn hóa để bước vào ngưỡng cửa văn minh.
Thời kỳ văn hóa Đông Sơn, khu vực sông Mã và sông Lam là địa bàn quan trọng của văn hóa Đông Sơn. Trên đôi bờ sông Lam, sông Mã đã hình thành các trung tâm văn hóa Đông Sơn.
Trung tâm Đông Sơn - sông Mã với gần 100 di tích đã tạo nên một loại hình văn hóa Đông Sơn vùng sông Mã với những nét văn hóa đặc sắc.
Trung tâm Đông Sơn vùng sông Lam với gần 30 di tích tiêu biểu là di tích Làng Vạc đã tạo nên loại hình Đông Sơn vùng sông Lam (loại hình Làng Vạc) khá độc đáo, có nhiều nét riêng biệt.
Những nét riêng được hình thành ở buổi đầu tạo dựng văn minh có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở cho việc hình thành bản sắc văn hóa xứ Thanh, xứ Nghệ về sau.
Trong không gian văn hóa thống nhất, chủ nhân văn hóa Đông Sơn vùng sông Lam và sông Mã có mối liên hệ chặt chẽ ở nhiều lĩnh vực từ đời sống kinh tế đến văn hóa, tư duy nghệ thuật. Mối liên hệ đó được thể hiện đậm nét qua tài liệu khảo cổ.
Nghiên cứu văn hóa Đông Sơn trên địa bàn khu vực sông Mã, sông Lam, các nhà khảo cổ không chỉ nhận ra nét riêng của từng khu vực mà còn nhận ra nét chung, sự thống nhất về văn hóa. Sự thống nhất về văn hóa được thể hiện ở trình độ phát triển chung của một nền văn hóa lớn thông qua các loại di vật tiêu biểu. Nét riêng ở đây thể hiện sự sáng tạo của mỗi vùng và sự đa dạng của văn hóa.
Sự thống nhất về văn hóa cho thấy mối liên hệ văn hóa tộc người ở khu vực sông Mã, sông Lam thời kỳ văn hóa Đông Sơn khá chặt chẽ. Mối liên hệ văn hóa tộc người ở khu vực này là một trong những nhân tố góp phần vào quá trình thống nhất văn hóa thúc đẩy quá trình ra đời của Nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Cho đến khi Nhà nước Văn Lang ra đời, khu vực sông Mã, sông Lam trở thành địa bàn trọng yếu của bộ Cửu chân - một trong 15 bộ thuộc nước Văn Lang của các Vua Hùng.
Cùng với châu thổ sông Hồng, nơi quê hương buổi đầu của lịch sử, châu thổ sông Mã, sông Lam đã góp phần vào việc tạo dựng văn minh buổi đầu thời dựng nước. Từ đây lịch sử vùng đất này gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
                                

T.T.L


(1) Phạm Văn Đấu: Văn hóa Hoa Lộc - NXB VHTT Hà Nội năm 1999.
(2) Phạm Thị Ninh: Văn hóa Bàu Tró. Luận án Tiến sỹ chuyên ngành khảo cổ học. 1995. Tài liệu lưu tại Thư viện Viện Khảo cổ học.
(3) Phạm Văn Đấu: Văn hóa Hoa Lộc (sđđ) tr. 168-170
(4) Hà Văn Tấn: Văn hóa Phùng Nguyên nhận thức mới và vấn đề Khảo cổ học số 1-1978.Tr.22


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 30
 Hôm nay: 347
 Tổng số truy cập: 9308153
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa