Thăm đền Đô nhớ công thần triều Lý người Thanh Hóa - Lê Thành Hiểu
Đền Đô ở hương Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), là quê hương của nhà Lý - triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt.
Vào thế kỷ thứ VIII - IX, hương Cổ Pháp từng là một trung tâm Phật giáo với nhiều Thiền sư nổi tiếng như Định Không, Thông Thiện, Quý An, Vạn Hạnh, Khánh Văn… Sư Vạn Hạnh là người khai thác khả năng của Phật giáo và văn hóa góp phần sáng nghiệp nhà Lý thế kỷ XI.
Lý Thái Tổ (húy là Công Uẩn), người hương Cổ Pháp. Ông sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974). Thuở thơ ấu, Lý Công Uẩn được Thiền sư Lý Khánh Văn - em trai Thiền sư Vạn Hạnh, trụ trì chùa Cổ Pháp (Chùa Ứng Thiên Tâm) nuôi dạy.
Lý Công Uẩn sớm thể hiện tư chất thông minh, vẻ người tuấn tú. Sử cũ cho biết “Vạn Hạnh thấy Công Uẩn khen rằng, đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên tất có thể giải quyết được mọi khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ”. Vào tuổi thanh niên, Lý Công Uẩn vào kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) làm quan võ cấm vệ quân trong triều Tiền Lê.
Khi Lê Ngọa Triều băng hà, vua nối còn bé, Lý Công Uẩn cùng với Điện tiền chỉ huy sứ là Nguyễn Đê, mỗi người đem 500 quân Tùy Long vào làm Túc vệ. Nhân lúc vắng người, quan Chi hậu Đào Cam Mộc nói rõ ý muốn ủng hộ Lý Công Uẩn lên làm vua. Công việc bàn bạc trong hai ngày, đến khi việc cần kíp, sợ sinh biến, được sự ủng hộ của các khanh sĩ, Đào Cam Mộc cùng các quan dìu Lý Công Uẩn lên chính điện. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Lúc đó, (mọi người) đưa Công Uẩn lên chính điện lập làm thiên tử, lên ngôi Hoàng đế, trăm quan đều cúi lạy dưới sân, trong ngoài hô “vạn tuế”, vang dậy cả trong triều”. Lý Công Uẩn lên ngôi ngày 21 tháng 11 năm 1009 (tức ngày 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu).
Tháng 2 năm Canh Tuất (1010), nhà vua về thăm quê hương Cổ Pháp, ban tiền, lụa cho các bậc kỳ lão, yết lăng Thái hậu và cho đo đất làm cấm địa sơn lăng (Thọ Lăng Thiên Đức) nơi yên nghỉ của các vị vua triều Lý sau này.
Trở lại Hoa Lư (Ninh Bình), chọn ngày rằm tháng 3 năm Canh Tuất (1010) vào giờ chính Ngọ, Lý Công Uẩn chính thức làm lễ đăng quang, đặt niên hiệu Thuận Thiên. Sau này, nhân dân Đình Bảng chọn ngày rằm tháng 3 Âm lịch để mở lễ hội Đền Đô, kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang.
Mùa thu năm Canh Tuất (1010) nhà vua dời kinh đô từ Hoa Lư ra Đại La. Khi thuyền tạm đỗ dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi là thành Thăng Long. Đổi châu Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư làm phủ Trường Yên…
Ban Chiếu dời đô cùng với việc đặt kinh đô mới Thăng Long tạo hùng khí phát triển đất nước như thế rồng bay lên.
Năm Canh Tuất (1010), nhà vua cho dựng điện Kiền Nguyên làm nơi coi chầu, hai bên có điện Tập Hiền và điện Giảng Võ. Nhà vua miễn thuế cho dân 3 năm, phát quần áo cho tù binh bị bắt từ thời Tiền Lê và tha cho về. Đổi 10 đạo trong nước thành 24 lộ, ban áo cho các tăng đạo, các Thiền sư Vạn Hạnh, Đa Bảo, Viên Thông, Sùng Phạm… giữ các cương vị quan trọng trong triều, tham gia công việc triều chính. Lại sai Lương Nhậm Văn, Lê Tái Nghiêm sang nước Tống kết hảo.
Là một phật tử thuần thánh, vua Lý coi trọng sự truyền bá Phật giáo, cho xây dựng, tu sửa nhiều chùa chiền. Năm 1019, vua sai sứ thần sang Trung Quốc thỉnh kinh đem về để tại Kinh viện Đại Hưng, cho xây Thái miếu ở Lăng Thiên Đức quê nhà.
Lý Thái Tổ làm vua được 19 năm (1009-1028) và qua đời ở điện Long An ngày mồng 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), thọ 55 tuổi. An táng ở lăng Lòng Chảo trong Thọ Lăng, Thiên Đức, hương Cổ Pháp.
Di tích Đền Đô gần Quốc lộ 1A, từ Hà Nội lên Lạng Sơn, cách Hà Nội 16 km. Đền Đô nguyên là Thái Miếu nhà Lý do Lý Thái Tổ khởi dựng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết “Năm Thuận Thiên thứ 11 (1019) dựng Thái Miếu ở Sơn Lăng Thiên Đức. Ngày 3 tháng 3 năm Canh Ngọ (1030), vua Lý Thái Tông - con trưởng Lý Thái Tổ về Thái Miếu nhà Lý ở quê làm giỗ cha, có các quan đại thần cùng đi, cùng với dân làng xây dựng mở rộng Cổ Pháp Điện ở khu Thái Miếu nhà Lý, để nhân dân trong nước có điều kiện tới công đức vào việc thờ cúng Lý Thái Tổ”.
Khi giặc Minh xâm lược nước ta, Đền Đô bị phá hủy. Năm Đoan Khánh thứ 3 (1507) trên nền điện cũ nhân dân dựng lại Đền Đô với quy mô nhỏ hẹp. Đến năm 1602, vua Lê Kính Tông cho trùng tu Đền Đô quy mô nguy nga với nhiều công trình to lớn khác nhau. Triều đình đặc phái Đô nguyên súy Tổng quản Quốc chính Thượng phụ Bình An vương Trịnh Tùng và quan Điện chính Vũ Kỳ Sỹ trực tiếp trông coi xây dựng, cùng với các hào mục Đình Bảng, và các vị quan phủ đường lĩnh sắc chỉ vâng lệnh vua Lê Hoằng Định (Lê Kính Tông) chăm lo việc trùng tu Đền Đô. Năm 1604, việc trùng tu Đền Đô hoàn thành, vua Lê Kính Tông cử Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan soạn văn bia “Cổ Pháp điện tạo bi”. Tấm bia ghi lại việc trùng tu Đền Đô còn lại đến ngày nay.
Năm 1952, giặc Pháp phá hủy Đền Đô. Tấm bia “Cổ Pháp điện tạo bi” bị quân Pháp dùng làm bia tập bắn súng, dấu tích các vết đạn còn lại đến ngày nay. Chỉ sau 11 ngày đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình, ngày 13-9-1945, Bác Hồ về thăm Đình Bảng đúng dịp kỷ niệm lần thứ 873 năm ngày mất vua Lý Thánh Tông (8-8-1072 - 8-8-1945). Trước đông đảo bà con dự lễ hội Đền Đô, Bác đã nói: “Lễ cốt ở lòng thành, cứ gì có mâm bạch ngọc mới là quý. Khi lễ lòng ta tưởng như có nhạc, đâu cần bên chuông bên trống mới là nhạc”. Sau đó, lần thứ hai (ngày 4-2-1946), lần thứ ba (30-10-1946). Đến lần thứ tư (17-12-1955) Bác Hồ về Đình Bảng, thăm Đền Đô. Đền Đô bị giặc Pháp phá hủy, Bác Hồ rất buồn. Thấy tấm bia “Cổ Pháp điện tạo bi” còn lại, Bác đọc văn bia và giảng cho mọi người nghe, nhắc nhở mọi người bảo vệ tấm bia quý giá này và Bác Hồ nói, khi nào có điều kiện sẽ xây dựng lại Đền Đô. Năm 1989, nhân dân Đình Bảng được Nhà nước và quý khách thập phương công đức tiến hành khởi công dựng lại Đền Đô. Giờ đây, Đền Đô khang trang, ngày ngày mở rộng cửa đón khách tới dâng hương.
Từ xưa, Đền Đô được xây dựng quy mô, với kiến trúc “Nội công ngoại quốc”, xung quanh có gạch bao. Diện tích đền rộng 31.205 m2 chia làm hai khu nội thành và ngoại thành.
Khu vực nội thành gồm thành nội và thành ngoại. Thành nội gồm các công trình: nhà hậu cung, nhà chuyền bổng, nhà tiền tế, nhà bia, nhà để tám kiệu thờ, nhà để 8 ngựa thờ ở hai bên. Thành ngoại gồm các công trình: nhà phương đình, đền Vua Bà, nhà Chủ tế, nhà khách, nhà kho, ngũ long môn, sân rồng, tượng voi đá, sấu đá…
Khu vực ngoại thành gồm: hồ bán nguyệt, giữa hồ là Thủy đình, nhà Văn chỉ bên phải, nhà Võ chỉ bên trái.
Kiến trúc Đền Đô bố cục cân xứng, hài hòa, bề thế gồm 21 hạng mục công trình, được xây dựng công phu, kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh xảo.
Lăng Thiên Đức, nơi yên nghỉ của các vua Lý nằm ở phía Đông làng Đình Bảng. Nơi đây có các mô đất cao 3 - 5m, có gò cao tới 10m, hình dáng to nhỏ khác nhau. Tám ngôi mộ vua Lý và các vị hoàng tộc theo cách gọi dân gian của nhân dân vùng Đình Bảng như sau:
- Lăng vua Lý Thái Tổ gọi là Lăng Lòng Chảo
- Lăng vua Lý Thái Tông gọi là Lăng Cả
- Lăng vua Lý Thánh Tông gọi là Lăng Hai (hay Lăng Con)
- Lăng vua Lý Nhân Tông gọi là Lăng Con Voi
- Lăng vua Lý Thần Tông gọi là Lăng Đường Do
- Lăng vua Lý Anh Tông gọi là Lăng Đường Thuẫn
- Lăng vua Lý Cao Tông gọi là Lăng Thử Sơn
- Lăng vua Lý Huệ Tông gọi là Lăng Long Trì
- Lăng Lý Chiêu Hoàng gọi là Lăng Cửa Mả
- Lăng Thánh Mẫu Phạm Thị gọi là Lăng Phát tích
- Lăng Nguyên Phi Ỷ Lan gọi là Lăng Nương Dâu
Nhân dân Đình Bảng còn lưu truyền Di huấn của vua Lý Thái Tổ trước khi mất dặn lại các quan không được xây bằng gạch mà chỉ đắp bằng đất để khỏi hao tốn tiền của, đồng thời có 3 điều lợi. Thứ nhất, quân lính triều đình trong khi rảnh rỗi, thương nhớ nhà vua thì gánh đất đắp lên, lăng cao bao nhiêu thì quý bấy nhiêu. Thứ hai, khi nâng cao, cây cỏ mọc nhiều, trâu bò gia súc ăn cỏ ở đây sẽ béo khỏe, cày ruộng tốt. Thứ ba, các trẻ mục đồng đến lăng thì biết tên lăng vua, càng nhớ ơn tiền nhân.
Nhà Văn chỉ, Võ chỉ Đền Đô thờ 5 vị công thần triều Lý. Nhà Văn chỉ thờ Tô Hiến Thành, Lý Đạo Thành. Nhà Võ chỉ thờ Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt. Bốn trong số năm vị công thần ở nơi đây là người Thanh Hóa hoặc có liên quan tới Thanh Hóa.
Đào Cam Mộc: Trong số những người góp công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, Thiền sư Vạn Hạnh và Thái sư Á vương Đào Cam Mộc được xếp ở vị trí đệ nhất khai quốc công thần. Thiền Sư Vạn Hạnh là người nêu ý tưởng, Thái sư Đào Cam Mộc là người tổ chức và trực tiếp chỉ huy việc đổi ngôi không đổ máu và diễn ra nhanh chóng.
Triều Tiền Lê vào thời vua Lê Long Đĩnh (1006-1009) bắt đầu mục nát. Vua làm việc càn rỡ, thích dâm đãng, tàn bạo. Trong nước, lòng dân oán thán, bên ngoài nhà Tống rình rập, xâm lấn. Lúc bấy giờ, uy tín quan Thân vệ Lý Công Uẩn ngày càng cao cả trong và ngoài triều.
Đào Cam Mộc sinh ở quê nội làng Tràng Lang (xã Định Tiến, huyện Yên Định). Cha mất sớm, ông theo mẹ về sống ở quê ngoại làng Nam Thạch (xã Yên Trung, huyện Yên Định). Dưới triều Tiền Lê (980-1009), từ thân phận bình dân, Đào Cam Mộc từng bước được tin dùng, sau dần lên tới chức quan Chi hậu. Tháng 7, ngày Tân Hợi, năm Kỷ Dậu (1009), vua Lê Ngọa Triều băng hà, thái tử còn bé, Lý Công Uẩn cùng với Hữu điện tiền chỉ huy sứ Nguyễn Đê mỗi người đem 500 quân Tùy Long vào làm túc vệ. Nhân lúc vắng người, Đào Cam Mộc bàn với Lý Công Uẩn việc lên ngôi, nhưng Lý Công Uẩn còn do dự. Đào Cam Mộc biết rõ việc đã cần kíp, để lâu nữa sợ sinh biến, liền bàn với các quan trong triều, ai ai cũng bằng lòng. Ngay ngày hôm ấy, họ họp lại và dìu Lý Công Uẩn lên chính điện lập làm Thiên tử, lên ngôi Hoàng đế, mở ra triều đại nhà Lý.
Tháng 2 năm 1010, Lý Công Uẩn kinh lý các tỉnh miền ngoài và về thăm quê hương Cổ Pháp, Đào Cam Mộc đi theo hộ giá. Chuyến đi kinh lý lần này đã giúp Lý Công Uẩn quyết định dời đô về Thăng Long, trong đó có một phần đóng góp ý tưởng và công sức của Đào Cam Mộc. Tháng 6 năm 1010, Lý Thái Tổ phong Đào Cam Mộc chức Thiên Đô tiên phong tướng quân chỉ huy cuộc dời đô. Khi được vua Lý giao trọng trách, Đào Cam Mộc chuẩn bị hai đoàn thuyền 300 chiếc, một ngả đi theo đường biển lên thành Đại La, một ngả đi theo sông Nhị lên Đại La. Ngoài việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, Đào Cam Mộc còn có công giúp Lý Công Uẩn xây dựng cơ nghiệp nhà Lý buổi ban đầu. Ông được Lý Thái Tổ phong tước Nghĩa Tín hầu, sau này thăng đến chức Thái sư và gả trưởng công chúa An Quốc.
Năm Ất Mão (1015), sau 6 năm phò tá Lý Thái Tổ, Thái sư Đào Cam Mộc tạ thế ở tư dinh. Vua Lý Thái Tổ truy phong ông tước Á vương, cho xây dựng đền thờ và ban tặng câu đối:
“Lý triều định đô vương tứ phúc
Đào trạng Văn quan quốc ân thân”
Ở Thanh Hóa, Thái sư Đào Cam Mộc được thờ ở ba nơi là làng Tràng Lang (xã Định Tiến), làng Nam Thạch (xã Yên Trung) và làng Bùi (xã Yên Phú). Ba địa điểm trên đều ở huyện Yên Định.
Lê Phụng Hiểu: Ông quê ở Băng Sơn (làng Bưng) - sau đổi là làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa. Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người có sức khỏe nhất vùng. Lớn lên ông được Lý Thái Tổ (1009-1028) vời vào chầu, dùng làm vệ sĩ rồi dần phong tới chức Vũ vệ tướng quân, một chức chỉ huy quân cấm vệ. Ông đã phò vua Lý đi đánh giặc phía Nam.
Tháng 4 năm 1028, vua Lý Thái Tổ mất, 3 Hoàng tử là Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương đem quân vây Hoàng cung cướp ngôi của Thái tử Lý Phật Mã. Quân ba vương phục sẵn đợi Thái tử Lý Phật Mã đến thì đánh úp. Nhờ có quan Nội thị là Lý Nhân Nghĩa, Thái tử Lý Phật Mã đã vào thành trót lọt, cho đóng cửa điện và sai các võ sĩ tuần sát cẩn mật. Khi ấy, phủ binh ba vương đánh gấp, Thái tử vời Lê Phụng Hiểu và các tướng ủy thác cho việc đánh quân phản loạn. Lê Phụng Hiểu dẫn các vệ sĩ trong cung mở cửa thành ra đánh, ai cũng nghĩ vì nghĩa lớn xông pha. Lê Phụng Hiểu cưỡi ngựa rút gươm giết chết Vũ Đức Vương. Các hoàng tử Đông Chính Vương, Dực Thánh Vương rời bỏ đám tàn quân tìm đường chạy trốn.
Dẹp xong ba vương, Lê Phụng Hiểu cùng Lý Nhân Nghĩa và các quan trong triều tôn Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi, đó là Hoàng đế Lý Thái Tông.
Lê Phụng Hiểu được phong Đô Thống Thượng tướng quân, tước hầu. Ông là một tướng có công lớn trong buổi đầu xây dựng nền độc lập nước nhà. Khi ông mất, nhiều nơi thờ làm Phúc thần. Ông trở thành nhân vật thần thoại trong các truyền thuyết dân gian ở Thanh Hóa với tên “Đức Thánh Bưng”.
Lý Thường Kiệt: tên thật là Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt, được ban quốc tính mới gọi là Lý Thường Kiệt. Ông là nhân vật lịch sử kiệt xuất của dân tộc Việt Nam hồi cuối thế kỷ XI và đầu thế kỷ XII. Lý Thường Kiệt dòng dõi Ngô Quyền vào thời Thập loạn sứ quân. Ngô Xương Xí ở thành Bình Kiều (Triệu Sơn, Thanh Hóa) có hai con trai là Ngô Xương Sắc và Ngô Ích Vệ (Ngô An Ngữ). Khi Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, Ngô An Ngữ làm một chức quan võ (Sùng Ban Lang tướng) theo vua Lý ra Thăng Long ở phường Thái Hòa, Khán Sơn. Vợ ông họ Hàn sinh ra Ngô Tuấn, Ngô Chương (tức Lý Thường Kiệt và Lý Thường Hiến).
Lý Thường Kiệt từ nhỏ là người có chí khí và nghị lực. Ông say mê học tập cả văn lẫn võ, nghiên cứu sâu về binh pháp. Năm 21 tuổi, Lý Thường Kiệt được bổ giữ chức Kỵ mã hiệu uý, sau thăng dần lên các chức vụ quan trọng. Năm 1069, theo vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, ông giữ ấn tướng tiên phong. Do có công lớn ông được phong chức Hộ quốc thái phó, Thượng trụ quốc Thiên tử nghĩa đệ (em nuôi vua) Phụ quốc Thượng tướng quân khai Quốc công thần.
Năm 1074, Lý Thường Kiệt cùng Tôn Đản lĩnh 10 vạn binh đi đánh quân Tống ở Châu Khâm, Châu Ung, tiêu diệt sinh lực và ý chí xâm lược của quân địch ngay trên đất Tống. Sau đó, năm 1081, để rửa mối thù, nhà Tống sai tướng kết nối với Chiêm Thành đánh nước ta. Lý Thường Kiệt chỉ huy quân đánh tan quân Tống trên sông Như Nguyệt.
Năm 1082, lúc đã 63 tuổi, Lý Thường Kiệt được vua Lý Nhân Tông giao trấn nhậm, cai quản trấn Thanh Hóa để bảo vệ vùng đất phên dậu phía Nam Tổ quốc. Trong vòng 19 năm làm tổng trấn Thanh Hóa (1082-1101) với quyền lực tối cao mang danh Thiên tử nghĩa đệ, Lý Thường Kiệt được giao toàn quyền quyết định mọi việc trong trấn. Văn bia Chùa Linh Xứng, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung viết về Lý Thường Kiệt: “Thái úy trong thì sáng suốt chan hòa ngoài thì nhân từ giản dị những việc đổi dời phong tục nào có quản công làm việc thì siêng năng sai bảo dân thì ôn hậu cho nên dân được nhờ cậy”.
Năm 1105, Lý Thường Kiệt mất, được tặng Nhập nội Đô tri kiêm hiệu Thái úy Bình chương quân Quốc trọng sự Việt quốc Công, thực ấp vạn hộ.
Lý Thường Kiệt là anh hùng cứu nước, nhà chỉ đạo chiến lược, chiến thuật tài ba. Ông còn có cống hiến quan trọng đối với lịch sử văn học nước nhà. Tác phẩm Lý Thường Kiệt để lại còn bài “Phạt Tống lộ bố văn” và bài “Nam Quốc sơn hà”.
Tô Hiến Thành: Tô Hiến Thành là một nhân vật lịch sử lớn. Ông có nhiều cống hiến quan trọng dưới 2 đời vua Lý Anh Tông (1138-1175) và Lý Cao Tông (1176-1210). Tên tuổi và sự nghiệp Tô Hiến Thành được đánh giá cao trong các bộ chính sử thời phong kiến.
Theo truyền thuyết và thần tích ở đền Chính xã Hà Giang, huyện Hà Trung thì: Vào gần cuối triều Lý ở phường Thái Hòa, thành Thăng Long có ông Tô Hiến Tín thi đỗ đại khoa hiền lương, được bổ làm quan huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, Ái Châu. Khi vào nhậm chức ở Tống Sơn, Tô Hiến Tín có đưa theo vợ là bà Lê Thị Vi Tố. Tại đây, bà Tố sinh ra Tô Hiến Thành.
Từ nhỏ, Tô Hiến Thành có dáng mạo khôi ngô, nổi tiếng văn võ toàn tài, đức trí kim ưu. Khi lớn lên ông trở thành quan văn võ song toàn, điều hành việc nước, khuyến khích sự học, chăm sóc việc nông trang, góp phần cho đất nước được thịnh trị. Tô Hiến Thành có công bình định phá giặc Ngưu, Hống, đánh đuổi quân xâm lược Ai Lao. Ông làm quan đến chức Thái úy các đời vua Lý Anh Tông, Lý Cao Tông. Tô Hiến Thành nổi tiếng là người cương trực, trung thực trong triều chính, rất quan tâm đến đời sống nhân dân.
Khi Tô Hiến Thành mất, vua Lý giảm ăn 3 ngày và nghỉ việc triều chính 5 hôm. Tô Hiến Thành được nhân dân thờ nhiều nơi, ở Thanh Hóa có 72 nơi thờ ông.
Vương triều Lý làm rạng danh nền văn minh Đại Việt, trong đó công đóng góp các công thần tài năng, đức độ:
“Triều Lý vẻ vang quan văn giỏi võ
Thiên hạ thái bình quan võ giỏi văn
Quan văn võ đồng tâm phò xã tắc
Cùng muôn dân giữ vững nước non nhà”.
Vào khoảng những năm 1965-1970 thế kỷ trước, cuốn sách Đội du kích thiếu niên Đình Bảng được các em thiếu niên say mê chuyền tay nhau đọc. Cuốn sách theo các anh bộ đội ra chiến trường. Tác giả viết cuốn sách là Xuân Sách, họ Ngô. Nhà văn Ngô Xuân Sách là người Nông Cống, Thanh Hóa. Lại một người con Thanh Hóa lăn lộn với vùng đất Đình Bảng - quê hương vương triều Lý.
L.T.H