Về “Người Mường nước mặn” tỉnh Thanh - Hoàng Minh Tường
Tỉnh Thanh là miền đất cổ, trường tồn cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Miền đất này có nhiều tộc người sinh sống, riêng người Kinh (Việt) và người Mường từ lâu đời chính họ là chủ nhân xây dựng nên nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng.
Người Mường ở Thanh Hóa trước năm 1945 có 50.000 người. Ngày nay người Mường ở Thanh Hóa là: 322.869 người, phân bổ khắp 11 huyện miền núi và chủ yếu sống tập trung ở các huyện Cẩm Thuỷ: 52.550 khẩu = 56,8%, Thạch Thành: 68.387 khẩu = 50,4%, Ngọc Lặc: 55.581 khẩu = 44%, Bá Thước: 46.638 khẩu = 47% và Lang Chánh: 15.820 khẩu = 37,43%. Ngoài ra, người Mường còn cư trú ở 26 xã thuộc các huyện vùng thấp, ven biển (Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Hà Trung, Triệu Sơn, Yên Định, thị xã Bỉm Sơn, Tĩnh Gia) 14.817 người.
Tộc người Mường và tộc người Kinh vốn có chung một nguồn gốc, họ là chủ nhân của nền văn hóa đồ đá cũ, đồ đá mới và nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ. Phát hiện khảo cổ học với các di chỉ núi Đọ, hang Con Moong, mái đá Điều, mái đá Nước, di chỉ khảo cổ văn hóa Đông Sơn ở Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, Bá Thước... đã nói lên điều đó. Do biến thiên của lịch sử và xã hội, mãi tới thế kỷ X, theo mo "Đẻ đất đẻ nước" kể cuộc đưa tiễn, đón rước vua về "Đồng chì tam quan kẻ chợ" gắn với sự kiện có thực trong lịch sử Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long thì tới lúc đó Việt Mường mới tách ra, song giữa hai tộc người này vẫn có mối quan hệ gần gũi và gắn bó thân thiết.
Từ lâu trong dân gian tỉnh Thanh và đối với cư dân miền biển - duyên hải tự gọi mình là “Mường nước mặn”. Đối người Mường ở miền núi được gọi là “người nhà gác”. “Mường nước mặn” chỉ những người Kinh vốn có gốc là tộc người Mường cư trú ở nơi cuối sông, đầu biển mà mỗi khi nhắc đến như là sự gợi nhớ về nguồn. Qua nghiên cứu các di chỉ khảo cổ học, phương thức sản xuất, nếp sống sinh hoạt, tín ngưỡng, hội hè… của người Kinh miền duyên hải thấy dần hiện ra dấu ấn văn hóa Mường không hòa tan ở vùng nước mặn.
Theo sông Mã, sông Chu từ phía Tây, vượt qua những ngọn núi cao điệp trùng, chảy xuống đồng bằng rồi đổ ra biển cả, xa xưa từng có những đoàn người chủ nhân văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn ở vùng núi phía Tây Thanh Hóa rời khỏi hang động, mái đá từ địa bàn rừng núi tiến ra trước núi, kéo xuống đồng bằng rồi chiếm lĩnh biển khơi mà di tích khảo cổ học: Hang Con Moong, Đa Bút, Hoa Lộc, Đông Sơn là minh chứng. Người Đa Bút đã biết sử dụng lưới làm bằng các loại dây rừng có buộc chì bằng đá mài rãnh để kéo, quét lưới sát đáy biển. Người Đa Bút cổ còn biết sử dụng tre, nứa, luồng kết thành những chiếc bè mảng để đi lại trên sông, biển đánh cá và còn thu nhặt nhuyễn thể ở gần bờ. Ngày nay cư dân ven biển Sầm Sơn, vùng bãi ngang vẫn sử dụng bè mảng để ra khơi đánh cá. Chủ nhân của văn hóa Đông Sơn ở châu thổ sông Mã đã biến vùng hạ lưu này trở thành trung tâm phát triển của khu vực. Sự tập trung của các làng cổ và sự hình thành, phát triển của các làng nghề: đúc trống đồng, luyện kim, làng dệt và thương thuyền tấp nập trên sông Mã đã khiến cho vùng đất này trở thành nơi giao thương đường thủy nối liền với sông Hồng, sông Lam và các vùng hải đảo xa.
Qua những di chỉ khảo cổ học cho thấy trên đất Thanh Hóa có cộng đồng cư dân thuộc văn hóa Đa Bút (núi), Đông Sơn (đồng bằng), Hoa Lộc (biển) từ vùng trước núi, tiến xuống đồng bằng và tràn ra các cồn cát ven biển để chiếm lĩnh biển khơi. Trong số những đoàn người tiến ra biển ấy có tộc người Mường.
Trước khi đến miền duyên hải, phương thức sản xuất nông nghiệp vẫn là phương thức sản xuất quen thuộc đối với họ. Nguồn sống của cư dân Đông Sơn - Mường Việt vẫn dựa vào nông nghiệp là chính. Đến vùng đất mới trước biển, ban đầu họ chưa phụ thuộc vào biển mà chủ tâm vào việc trồng lúa nước ở những vùng đất nhiễm mặn, trồng khoai lang trên những cồn cát để lấy lương thực rồi làm quen với biển, đánh bắt tôm cá gần bờ. Cho tới hôm nay cư dân miền duyên hải và cửa sông nằm dọc ven sông Mã, sông Hoàng, Cầu Chày, Tống Giang, Hoạt Giang… vẫn làm nông nghiệp. Cũng như người Mường, họ quen việc dùng trâu kéo canh tác lúa nước, sử dụng phương pháp “thuỷ nậu” dùng trâu dẫm nát những nơi ruộng trũng để cấy lúa.
Từ rừng theo các dòng sông ra biển, những cư dân Mường Việt cổ đã tụ cư lập làng và làm nghề đánh bắt hải sản ở các cửa lạch như: Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép và Lạch Bạng. Phương tiện đi biển vẫn gắn bó với chiếc bè mảng sơ mà cha ông họ trước kia truyền lại. Người “Mường nước mặn” dần làm quen với biển, thích ứng với phương thức sản xuất mới với nghề đánh bắt hải sản ở gần bờ gọi là nghề lộng và các công cụ: rùng, lưới ghép, săm xúc… bằng chất liệu khai thác từ núi rừng. Ngày nay rừng đã lùi xa so với tổ tiên của họ, sống trong môi trường biển, chất rừng dần phai lạt và biển ngày càng đậm đà, nhưng trong tâm thức của cư dân miền duyên hải tỉnh Thanh nói chung, các làng biển huyện Hậu Lộc nói riêng, vẫn lưu luyến với rừng không chỉ trong món ăn dân dã: Làng Tây vây kéo lưới rùng/ Moi, bơn nấu quả bứa rừng em mê… Mối lương duyên ấy diễn ra cách nay chưa lâu trong việc giúp nhau về tư liệu sản xuất giữa chạ anh - làng Nam Ngạn, nơi cuối dòng sông Mã và chạ em - làng Muốt, người Mường Cẩm Thành, huyện Cẩm Thuỷ. Người làng Muốt đánh trâu tới tặng cho Nam Ngạn những con trâu đực cày ruộng rất tốt, đổi lại Nam Ngạn giúp chạ kết nghĩa bằng giống lúa và cá, muối.
Những làng Mường thường có hàng rào tre đan bao quanh nhà và vườn có trồng rau, mít, đu đủ, chuối... thì những làng của người Kinh nơi cửa biển cũng không có khác biệt là mấy. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Mường Cao Sơn Hải cho biết vào những năm 1930 ngay thị xã Thanh Hóa đã có một phố Mường - nơi cư trú và sinh sống của người Mường, phố này nay là phố Triệu Quốc Đạt.
Với nhà ở, để thuận lợi trong việc an cư trong môi trường và khí hậu ẩm ướt của vùng nhiệt đới nắng lắm, mưa nhiều, người Mường đã biết cách làm nhà kiểu khung gỗ, lát sàn, mái lợp lá. Kiểu nhà gác đơn giản nhưng vững chãi và tiện lợi không chỉ cho việc ăn ở mà còn đảm bảo vệ sinh hòa đồng với thiên nhiên trong một không gian mang đậm tính thực vật vùng Đông Nam Á, định hình nên sắc thái cư trú của người Mường với ngôi nhà sàn "trước cau, sau mít". Đối với cư dân miền biển tỉnh Thanh, họ cũng làm nhà kiểu khung gỗ, mái lợp lá vững chãi. Khác với người Mường, nhà của người Kinh vùng duyên hải được liên kết bởi các lỗ mộng để tránh gió và bão biển, còn nhà của người Mường là nhà gác và sự liên kết không chặt chẽ bằng. Nhưng chính người Kinh ở làng cổ Đông Sơn đã học được cách làm nhà gác của người Mường. Bằng chứng là trước năm 1965, tại lưng chừng núi Cánh Tiên (đồi Quyết Thắng) phía đông nam có một ngôi nhà sàn bằng gỗ hướng ra dòng sông Mã, lưng tựa vào núi. Chủ nhân ngôi nhà sàn độc đáo đó là gia đình ông Dương Đình Hoàn, người làng đi làm đồng hoặc chăn thả gia súc thường ghé thăm nhà. Ngày nay chính người Kinh - thợ mộc Đặc Tài nơi đầu biển lại được người Mường mời lên mạn ngược để giúp họ làm nên những ngôi nhà gỗ vững chắc và bền đẹp.
Về ngôn ngữ, ngư dân vùng duyên hải tỉnh Thanh cho đến nay trong cách phát âm của họ có những từ vẫn giữ nguyên như tiếng Mường, đơn cử: những từ không dấu được người dân vùng biển giữ nguyên như tiếng Mường: Con, con chim, con voi, ăn, cho, tiêu pha…; một số từ khác phụ âm đầu: tay = thay, đi = ti, đi, con dê = con tê... Những từ có âm "ặc, ịt, ục" với cư dân biển giữ nguyên không chuyển dấu: đông đặc = đông đặc. Những từ có dấu hỏi: của cải = của cải, đểu = đểu, giả = giả... cũng giữ nguyên như tiếng Mường. Chỉ những từ có dấu ngã thì chuyển thành dấu hỏi như: đã = đả, những = nhửng...
Ở làng Đông Sơn, nơi sông Mã từ non cao chảy xuống đồng bằng và hòa vào biển lớn, ngày nay người làng này vẫn gọi một số địa danh có cùng với âm và ngữ nghĩa giống trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường như: Hang Con Moong được hiểu là con thú, Cửa Roỏng là nương rẫy, Bậm là nơi chôn cất người chết, gọi núi là rú… Tiếng Mường còn bắt gặp ở huyện Quảng Xương là huyện ven biển, khá xa khu vực cư trú của người Mường ở Thanh Hóa. Đến nay trong dân thôn nơi đây vẫn còn nói câu Rọc Rầu, cầu Lộc Xá. Rọc Rầu, đó là cánh đồng sâu tên Rầu ở gần cầu Lộc Xá, đều thuộc miền duyên hải Quảng Xương.
Về tôn giáo tín ngưỡng, cư dân miền biển cũng như người Mường đều theo đạo Phật. Họ tôn thờ các vị thuỷ thần sông biển để phù hộ, trợ giúp trong cuộc mưu sinh vật lộn trên sóng nước, thế nhưng tín ngưỡng thờ núi, mẫu Âu Cơ, Bà chúa Thượng ngàn… của miền rừng núi nơi cư trú của người Mường vẫn lay động trong tâm thức họ. Vào những ngày đầu xuân, người “kẻ bể” bao giờ cũng có cuộc hành hương từ rừng xuống biển với câu ca ghi lòng “Mẹ Phủ Na, cha Độc Cước”. Cuộc hành hương ấy gợi nhớ câu chuyện cha Rồng, mẹ Tiên sinh ra bọc trăm trứng với 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển trong tâm thức những người dân Việt tỉnh Thanh. Chỉ riêng các di tích thờ thần núi Cao Sơn và mẫu Sơn Trang đã có tới cả trăm làng biển phụng thờ.
Với nếp sống sinh hoạt, người “Mường nước mặn” cũng như người Mường, phụ nữ và nam giới thích hút thuốc lào bằng loại ống điếu to, nhiều người cùng chuyền nhau hút chung một điếu thuốc. Ngày nay phụ nữ xã Quảng Giao, huyện miền biển Quảng Xương hàng ngày vẫn hút thuốc lào cũng giống như ăn trầu, uống nước chè xanh vậy. Giống với người Mường, trong quan hệ làng xóm với nhau ở làng biển chủ yếu là quan hệ láng giềng. Phổ biến ở mỗi gia đình có hai, ba thế hệ cùng chung sống. Con cái sinh ra lấy họ cha. Quyền con trai trưởng được coi trọng và con trai trong gia đình được thừa kế tài sản.
Đồng bào Mường trong năm có nhiều ngày hội, hội lễ gắn liền với chu trình sản xuất nông nghiệp như: hội xuống đồng, hội cầu mưa (tháng 4), lễ rửa lá lúa (tháng 7, 8 âm lịch), lễ cơm mới (tháng mười)... Ở miền duyên hải tỉnh Thanh với việc canh tác lúa ở những chân ruộng chua mặn ven biển và trồng khoai lang trên cồn cát người nông dân cũng có các lễ thức nông nghiệp tương tự người Mường.
Kho tàng văn nghệ dân gian của ngư dân miền duyên hải khá phong phú, cũng như người Mường, họ đã sáng tạo nên những truyện cổ, dân ca ca ngợi cuộc sống lao động, tục ngữ, hát ru, hát đồng dao, hát séc bùa… với các nhạc cụ như trống, cồng, nhị sáo… hòa nhịp.
Về dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian vùng duyên hải cho đến nay vẫn còn thể hiện rõ sắc thái văn hóa Mường ở nơi cuối sông, đầu bể. Chỉ riêng tục hát séc bùa đầu năm mới của người Mường nay vẫn được người dân làng Đông Trung (Hà Đông, Hà Trung), Bạch Câu (Nga Bạch, Nga Sơn) duy trì trong các ngày hội lễ.
Vào đầu năm mới ở Bạch Câu thường tổ chức đoàn hát chúc, hình thức và nội dung giống như đoàn séc bùa của người Mường, những ngư dân tập hợp thành đoàn đi tới nhà chủ thuyền và các gia đình trong thôn để hát chúc cầu cho nhân khang, vật thịnh. Trong khi một người xướng thì những người trong đoàn đồng thanh hát theo. Đoàn hát chúc sử dụng các nhạc cụ gõ là cồng chiêng và trống Vả. Hình thức hát chúc ở vùng cửa biển này cũng giống như hát séc bùa của đồng bào Mường tỉnh Thanh trong những ngày tết. Người hát chúc cũng đóng vai chính như là ông chủ trò “khoách rác”- người nói hay, khéo nói trong hội hát séc bùa. Sau khi hát chúc, gia chủ mời cả đoàn hát ăn uống, tặng quà bánh hoặc tiền. Cũng như phường “khoách rác” của người Mường, đoàn hát chúc ở miền cửa biển lại tấu lên khúc nhạc khen cơm ngon, rượu ngọt, hát lời tạm biệt và hẹn gặp lại năm tới. Mỹ tục hát chúc đầu năm đến nay chỉ còn được phô diễn trong các hội thi, hội diễn văn nghệ ở huyện Nga Sơn do các nghệ nhân cao tuổi thể hiện, nhưng trong tâm thức của cư dân làm nghề đánh bắt hải sản, hát chúc đầu năm chính là hình thức hát séc bùa xưa mà cha ông truyền lại.
Bước đầu quan sát, khảo cứu về đời sống vật chất, đời sống tinh thần: ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục tập quán… của cư dân nơi cuối sông đầu biển cho thấy:
Tộc người Kinh và tộc người Mường vốn có chung một nguồn gốc, trải qua các thời đại và do quá trình di chuyển địa bàn cư trú từ miền núi rừng theo dòng sông Mã và các con sông ở tỉnh Thanh, người Mường tiến dần xuống đồng bằng và xa xưa có một bộ phận định cư ở miền duyên hải. Sinh sống ở miền đất mới - biển, nhưng trong phương thức sản xuất, ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục tập quán... họ vẫn mang theo văn hóa Mường tới miền đất mới và lưu giữ, trao truyền. Tiếp xúc với văn hóa biển, mãi về sau này yếu tố rừng mới dần thay bằng vị mặn mòi và văn hóa biển làm cho phai lạt.
Văn hóa Mường neo đậu nơi cửa biển tỉnh Thanh, điều đó phản ánh quy luật giao lưu và tiếp biến giữa văn hóa Mường và văn hóa Việt. Qua quá trình tiếp xúc đó, văn hóa miền duyên hải đã tiếp nhận và tái tạo nên những sắc thái văn hóa mới vừa mang dấu ấn văn hóa Mường nhưng không phải hoàn toàn là văn hóa Mường, và ngược lại, tộc người Mường cũng tiếp thu văn hóa của chủ nhân miền nước mặn để làm phong phú thêm cho văn hóa bản địa mà ngôi nhà gỗ ở các làng Mường và hình thức diễn xướng, hát chúc đầu năm mới ở làng biển Bạch Câu là một minh chứng.
Từ rừng tiến ra biển, chính yếu tố địa lý - lịch sử - văn hóa và phương thức sản xuất nông - ngư nghiệp đã hình thành và bảo lưu trong đời sống tinh thần của của cư dân chài lưới dấu ấn văn hóa Mường. Văn hóa Mường có sự ảnh hưởng, lan tỏa rộng lớn cả về không gian và thời gian suốt cả chiều dài của các dòng sông xứ Thanh từ non cao xuống đồng bằng và tới biển là điều không thể phủ nhận. Cư dân nơi cuối sông đầu biển - Người “Mường nước mặn” và văn hóa của họ chính là một mảng mầu tươi mới, lại vừa đằm thắm trong bức tranh văn hóa tộc người ở tỉnh Thanh cần tiếp tục được nghiên cứu, giải mã.
H.M.T