Ở huyện miền núi Cẩm Thủy - xứ Thanh có một vùng non nước nổi tiếng mà người gần, xa trong nước thường nhắc đến, đó là vùng Cửa Hà.
Cửa Hà, tức cửa quan Hà Trường mà nhà Nguyễn đặt trên đất xã Phong Ý, tổng Mông Sơn, huyện Cẩm Thủy từ hồi giữa thế kỷ XIX trở đi nhằm thu thuế thuyền bè chở hàng lâm sản từ miền núi xuống miền xuôi hoặc hàng từ miền xuôi lên miền núi trên con đường thủy sông Mã - một đường giao thông quan trọng, chủ yếu của tỉnh trong thời kỳ từ 1945 trở về trước. Cửa quan này được án ngữ ngay gần một chân núi đá cao lớn ở bờ tả sông Mã - nơi mà những năm đầu của thế kỷ XX, người Pháp còn mở bến phà để nối liền con đường tỉnh lộ từ thành phố Thanh Hóa lên Phong Ý (Cẩm Thủy) và Hồi Xuân (Quan Hóa) mà bây giờ được đổi gọi là Quốc lộ 45. Và bến phà ấy cũng mang tên là bến phà Cửa Hà (tức bến phà ở cửa quan Hà Trường). Như vậy, cửa quan Hà Trường ở địa phận xã Phong Ý, huyện Cẩm Thủy không những kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa trên sông Mã mà còn kiểm soát cả phương tiện vận chuyển hàng hóa trên trục đường tỉnh lộ đi qua đây. Cũng vì từ khi có cửa quan Hà Trường mà dân gian gần, xa trong huyện mới gọi trái núi cạnh đó là núi Cửa Hà và đoạn sông Mã đi qua là đoạn sông Cửa Hà. Đây mới là sự lý giải chính xác về địa danh Cửa Hà mà lâu nay còn nhiều người chưa hiểu.
Và từ lâu, Cửa Hà được du khách gần, xa nhắc đến, đó là vùng non nước hữu tình, thơ mộng có đầu mối giao thông thủy bộ ngược xuôi, nhộn nhịp, đông đúc nhất trong toàn bộ khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa từ 1945-1954 trở về trước.
Trong thời Pháp thuộc, ở vùng đất có cửa quan Hà Trường có lúc còn là đất huyện lỵ huyện Cẩm Thủy và đất xã Phong Ý, tổng Mông Sơn đã nhanh chóng hình thành phố thị bên bờ sông Mã với các dãy nhà và cửa hiệu buôn bán mọc lên san sát. Từ những năm đầu của thế kỷ XX, nhiều thương nhân Hoa kiều, Ấn kiều đã tìm đến phố Phong Ý để làm ăn, buôn bán rất phát đạt. Trong số đó, người Hoa chủ yếu làm nghề thầu khoán, chuyên thu mua hàng nông - lâm thổ sản để xuất ra Bắc Kỳ hoặc Hồng Kông, Trung Quốc, v.v... Còn thương nhân người Ấn (tức Ấn Độ) chuyên việc mang hàng tiêu dùng xa xỉ (vải vóc, len dạ, xà phòng, nước, v.v...) đến bán buôn, bán lẻ tại đây. Để thực hiện chính sách ngu dân và phục vụ cho mục đích khai thác thuộc địa ở vùng miền núi cửa ngõ phía Tây Thanh Hóa, thực dân Pháp còn biến vùng đất phố Phong Ý thành tụ điểm giao lưu buôn bán các hàng quốc cấm (như thuốc phiện, sừng voi, tê giác, v.v...) và nơi ăn chơi sa đọa với những tiệm hút, cô đầu, nhà chứa, v.v... Riêng chợ Phong Ý - Cửa Hà và phố thị ở đây trong thời thuộc Pháp và cả trong chín năm kháng chiến trường kỳ (1946-1954) vẫn luôn là tụ điểm đông người và giao lưu buôn bán rất tấp nập, đã thu hút được cả người Lào và người từ các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội đến làm ăn buôn bán. Chợ Phong Ý - Cửa Hà, một chợ trên bến dưới thuyền ở một huyện miền núi mà chợ huyện ở nhiều vùng đồng bằng cũng khó có thể sánh bằng. Mỗi phiên chợ chính ở đây diễn ra như một ngày hội chợ với đủ gam màu, kiểu dáng ăn mặc của người Kinh, người Mường, người Thái, người Dao, người Mông từ các vùng gần, xa đến (trong đó có cả người tỉnh Hủa Phăn - Lào) đã làm cho bức tranh cuộc sống trên vùng non nước Cửa Hà thêm sinh động, hấp dẫn hơn.
Ở dưới khúc sông Cửa Hà từ hết năm này đến năm khác, từ hết những mùa này đến mùa khác, lúc nào cũng là bến đỗ của rất nhiều thuyền, bè. Ở hai phía bờ sông, chỗ là bến đỗ của thuyền dọc, thuyền buôn, hay ca nô từ dưới xuôi lên, chỗ là nơi neo đậu của các bè mảng chở luồng, nứa, gỗ, song mây, củ nâu... từ phía thượng nguồn sông Mã xuống. Có lúc bè, mảng nối đuôi nhau dài tới hàng cây số. Những chủ bè mảng và những người giúp việc đều là “thợ” sông nước cừ khôi biết điều khiển thuyền mảng vượt qua các thác ghềnh nguy hiểm từ Quan Hóa, Bá Thước xuống một cách an toàn ngay cả trong mùa lũ.
Suốt từ khúc sông có động Diệu Sơn nổi tiếng (ở xã Cẩm Vân nay) lên đến Cửa Hà có khoảng cách tới vài chục cây số, các chuyến đò dọc, đò xuôi dong buồm lên, xuống thành hai dãy dăng hàng như thoi đưa. Trên những khoang thuyền, các điệu hò sông Mã (như hò vượt thác, hò vượt cạn, hò đò xuôi, hò cập bến, v.v...) ngân vọng khắp đôi bờ (lúc dồn dập, lúc khoan thai trữ tình sâu lắng...). Nhất là khi về đêm, khi không gặp thác ghềnh, những điệu hò làn ai êm ả, réo rắt, ngân nga, bay bổng trong không gian sông nước làm xôn xao lòng người. Còn khi cập bến Cửa Hà khi trời sáng hẳn là lúc bến sông trở nên tấp nập, nhộn nhịp khác thường bởi người đưa hàng lên, người đưa hàng xuống kín cả ven bờ.
Ở bến Cửa Hà, nhìn ngắm cảnh sông nước, núi non lúc bình minh dần lên và lúc hoàng hôn dần xuống, bất kỳ ai cũng có cảm giác trào dâng, xao xuyến trước vẻ đẹp huyền bí, gợi cảm của nơi này. Nhưng về mùa thác lũ, nước từ thượng nguồn thi nhau đổ xuống làm cho sông trở nên đục ngầu, hung dữ và gầm réo suốt ngày đêm.
Theo ghi chép của học giả người Pháp CH.Robequain thì ở Phong Ý (Cẩm Thủy) cũng đã từng hứng chịu nhiều trận lũ lụt, nhưng đáng kể nhất là trận lũ ngày 12 tháng 10 năm 1927 đã gây nhiều thiệt hại lớn cho dân chúng: “Ở Phong Ý, ngày 12 (tháng 10-1927), lúc 8 giờ sáng chỉ mới mực nước trung bình của mùa này; nhưng từ đó nước lên rất nhanh, từ 12 giờ 30 tràn vào chung quanh đồn lính khố xanh đóng ở cách bờ vài mét, nước chảy ầm ầm và tràn ngập cả làng, dân phải nhanh chóng bỏ nhà chạy, nhiều nhà bị lật đổ và cuốn theo dòng nước. Nước sông chỉ rút một chút trong đêm 12 rạng ngày 13, bắt đầu từ 1 giờ sáng, nhưng trong suốt ngày 13 nhiều cây lớn còn trôi về và nước chỉ rút xuống từ từ, lúc 8 giờ sáng ngày 14, trong sân đồn khố xanh nước vẫn còn cao 1m và bờ phải sông Mã có chỗ lở tới 20m, con đường theo một nhân chứng chính mắt thấy chỉ còn là một đống lộn xộn không có hình dạng nhất định với đá xây, mái tranh và mái nhà sụp đổ...” (trích ở sách Tỉnh Thanh Hóa của tác giả CH.Robequain, bản dịch của Nguyễn Xuân Dương, Lâm Phúc Giáp, NXB Thanh Hóa, 2012, tr 341, tr 344). Tuy nhiên, vào mùa khô, trong những ngày bình lặng, nước sông Mã đoạn chảy qua Cửa Hà vẫn trong xanh, hiền hòa như một thôn nữ yêu kiều và có lúc tưởng như một dải lụa khổng lồ, mịn màng trải dài trên thung lũng caxtơ rộng lớn mà hai phía đôi bờ là những cánh bãi rộng dài với ngô, dâu xanh biếc cùng các dãy núi chạy viền theo hướng lượn của dòng sông. Riêng núi Cửa Hà và các núi đá gần đấy cũng như có phép màu thường đổi sắc màu theo thời tiết nắng, mưa, sáng, chiều và đêm đến. Có lúc núi có sắc màu tím sẫm, có lúc lại là màu xanh biếc và có lúc lại là màu xanh lơ... Nhưng dẫu là màu sắc gì thì núi non ở vùng đất Cửa Hà và sự mênh mang của mặt nước sông Mã vẫn là sự hòa quyện không thể nào tách rời như bức tranh phong cảnh tuyệt sắc, sống động ít nơi nào có được.
Vì là nơi có phong cảnh đẹp và làm ăn buôn bán dễ dàng nên từ rất lâu (cách đây trên dưới 2 thế kỷ), vùng đất Phong Ý - Cửa Hà (Cẩm Thủy) đã trở thành nơi thu hút, vẫy gọi người tứ phương đến đây để tụ cư, làm ăn, sinh sống ổn định lâu dài hết đời này sang đời khác. Nếu có điều tra về nguồn gốc cư dân ở đây thì phần lớn đều có nguồn gốc từ Bắc vào, từ đồng bằng lên, còn số người bản địa là người dân tộc Mường có đến đây cũng chỉ trong thời gian vài thập kỷ trở lại đây mà thôi.
Là vùng đất mà thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh trí đẹp đẽ và lợi thế cho làm ăn sinh sống, cho nên Cửa Hà - Phong Ý (Cẩm Thủy) còn là nơi hội ngộ, gặp gỡ của nhiều danh sĩ và tao nhân, mặc khách. Ngôi chùa cổ trong động cao của núi Cửa Hà, chính là một tâm điểm để du khách đến niệm Phật và chiêm ngưỡng cảnh trí ở xung quanh. Trên vách động có nhiều chỗ còn lưu lại bút tích của các tao nhân, mặc khách. Nhưng rất tiếc là vào ngày 12 tháng 2 năm Qúy Mùi (2003), động Cửa Hà và ngôi chùa cổ đã bị sụt lở gần như hoàn toàn xuống dòng sông, làm cho bất kỳ ai dẫu mới đến một lần cũng đều phải tiếc nuối khôn nguôi.
Và giờ đây, mỗi khi nhớ lại, kí ức và kỷ niệm nơi chùa thiêng trong động đá trên cao ở núi Cửa Hà vẫn làm cho nhiều người rung cảm, xốn xang đến kỳ lạ.
Rất may là nhà Hán - Nôm Võ Hồng Phi vẫn còn ghi chép được một số bút tích chữ Hán trên vách động Cửa Hà trước thời gian xảy ra sự cố năm 2003, và sau đó, vào năm 2007, ông đã cho công bố một bài thơ Đường luật ghi chép được ở vách động Cửa Hà trong tập sách “Những bút tích Hán - Nôm hiện còn ở các hang động, vách núi xứ Thanh” do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành vào tháng 7-2007. Bài thơ Đường luật này do viên Tri huyện Vĩnh Lộc Tiểu Tử kính đề vào năm Thành Thái thứ 15 (1893). Sau đây là toàn văn bài thơ:
Phiên âm:
Thành Thái Qúy Tỵ Xuân
Sơn nguy nguy hề thủy thanh thanh
Khước hữu linh nhân khước hữu tình
Đắc ý hoãng nghi du Bích Lạc
Dương tiên hồn tự thiệp Vân Trình
Không không thiên lại tiêu thiều vận
Hác lịch tuyền lưu quản thược thanh
Tá vấn đăng lâm đa thiểu khách
Ngô châu há xứ thị Bồng Doanh
Huyện doãn Bồng Sơn Tiểu Tử cẩn đề
Dịch nghĩa:
Thành Thái Xuân Qúy Tỵ (1893)
Núi cao vời vợi nước màu xanh xanh
Khiến cho con người ta thấy cảnh nơi đây rất hữu tình
Thỏa chí mà ngỡ như mình đang đi chơi trên cõi Bích Lạc
Vung roi ngựa giống như là mình đang vượt trên đường mây
Vi vu như tiếng tiêu thiều giữa khoảng không
Róc rách như tiếng đàn sáo theo dòng suối chảy
Thử hỏi lên đây biết bao nhiêu khách lạ
Mà có thấy là quê ta đẹp như cõi Bồng Doanh?
Tri huyện Vĩnh Lộc Tiểu Tử kính đề
Dịch thơ:
Non xanh nước biếc quyện trời mây
Phong cảnh hữu tình khiến khách say
Thỏa chí e ngờ chơi suối ngọc
Vung roi sợ lạc bước đường mây
Gió lồng hang lộng hơi tiêu vọng
Thác réo nguồn reo tiếng sáo bay
Thử hỏi lên đây bao khách lạ
Bồng lai chốn ấy mấy ai hay?
(Hồng Phi phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ)
Có thể nói đây là bài thơ Đường luật rất hay. Chỉ với 8 câu thơ mà tác giả mô tả được hết cái đẹp đặc sắc của vùng non nước Cửa Hà - Phong Ý để rồi thả trí tưởng tượng một cách thật thơ mộng. Và khi ngắm nhìn từ ngôi chùa cổ trên vách động, nhà thơ tưởng tượng mình như đang được thăm thú ngoạn cảnh trên cõi tiên để nghe tiếng tiêu thiều vi vu, tiếng đàn sáo theo dòng suối chảy và dõi nhìn quanh quất nơi sông xanh với núi cao vời vợi để cho lòng nhẹ nhàng, khuây khỏa và siêu thoát cõi bụi trần nơi dương thế... Cũng qua bài thơ, tác giả Tiểu Tử cũng cho biết vùng non nước Cửa Hà là nơi hội ngộ của rất nhiều du khách từ xa đến. Và vì thế mà nhà thơ cũng bộc lộ niềm tự hào bất tận về vẻ đẹp đặc biệt của vùng đất đáng yêu này.
Còn hiện nay, trong thời đại hội nhập, mở cửa, ở xứ Thanh, việc khai thác giá trị các vùng đất có di tích danh lam thắng cảnh nổi tiếng để phát triển ngành du lịch “nền công nghiệp không khói” đang mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp. Từ mấy thập kỷ qua, lộ trình du lịch từ Sầm Sơn (hay từ thành phố Thanh Hóa) đến Thành nhà Hồ (Di sản văn hóa thế giới vừa được UNESCO công nhận) và suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy) đang trở thành một lộ trình hấp dẫn nhất. Trong lộ trình du lịch này, vùng đất Cửa Hà - Phong Ý chính là điểm dừng nghỉ để du khách được ăn uống, giải trí trong một không gian non nước hữu tình, thơ mộng. Tại các nhà hàng ven sông Mã, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của người Phong Ý - Cửa Hà chế biến để rồi lần sau hẹn gặp lại.
P.T