Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Văn hóa tang ma của người Mông ở Mường Lát: Những đổi thay theo nếp sống mới - Nguyễn Thanh Tâm
Văn hóa tang ma của người Mông ở Mường Lát: Những đổi thay theo nếp sống mới - Nguyễn Thanh Tâm

Trong những tư liệu của Ch. Robequain (Le Thanh Hoa), người H’mông đã đến định cư ở Thanh Hóa vào đầu thế kỉ XX. Cũng từ những nghiên cứu dân tộc học, người ta đã chỉ ra lịch sử 300 năm của tộc người này trên đất nước Việt Nam. Trước đó, ở phương Bắc, người H’mông đã có lịch sử hàng ngàn năm. Mang tâm thức “mồ côi”, “thiếu quê hương” (Nguyễn Mạnh Tiến), nỗi ám ảnh bị người Hán tiêu diệt, trong bước chân thiên di, người H’mông vượt qua dãy núi lớn Đông Dương, Đông Nam Á, vượt đại dương sang châu Úc vươn sang châu Âu, châu Mỹ. Những cộng đồng tụ lại trên các đỉnh núi cao miền tây Thanh Hóa, như cách ví von hình tượng, là biểu hiện của quan niệm “đất lành chim đậu”. Ở đó, người H’mông có khoảng hơn 15.000 người, sống chon von trên các ngọn núi thuộc xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Quang Chiểu của huyện Mường Lát; xã Sơn Thuỷ, Na Mèo huyện Quan Sơn. Người H’mông bản địa chủ yếu thuộc ngành H’mông trắng. Ngành H’mông đen và H’mông hoa mới di cư từ phía Bắc sang những năm gần đây, chủ yếu cư trú ở các xã Trung Lí, Mường Lí, Tam Chung của huyện Mường Lát; xã Phú Sơn, Trung Thành huyện Quan Hóa. Cộng đồng H’mông ở đây bao gồm các dòng họ: Hơ, Lâu, Sung, Thao, Ly, Gia, Chá, Vừ, Cư, Vương (Vàng), Mùa Hạng. Trong các dòng họ này, người trưởng họ có vai trò quan trọng, là tiếng nói quyết định đến đời sống người H’mông. 
Mường Lát - Thanh Hóa, nơi những đỉnh núi khuất trong mây cô độc, ở độ cao từ 1000 đến 1800m, trong “kiêu hãnh và định kiến”, người H’mông thiết lập không gian sinh tồn của mình với những luật tục và trật tự riêng biệt. Sự tự trị và khép kín của tộc người này khiến cho những thâm nhập vì bất cứ lí do, mục đích gì, luôn đặt trong những nguy cơ đe dọa, chối từ hay phản kháng. Những đặc điểm thuộc về tâm tính tộc người, hình thành và di truyền qua hàng ngàn năm của người H’mông đã trở thành mối quan tâm xen lẫn sự tò mò thú vị của giới dân tộc học trong và ngoài nước. Sự cố kết vững chắc và bền bỉ của tập tục là sức mạnh của cộng đồng tộc người, nhưng, cũng vì thế, đôi khi trở nên thiếu mềm dẻo trước các tiếp xúc văn hóa khác, đặc biệt là những tập tục có tính tâm linh như tang ma, thờ cúng.
Tang ma là hoạt động tâm linh quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người H’mông Mường Lát. Tập tục người H’mông, từ xưa, mỗi khi có người chết, người nhà ra sân bắn bốn đến sáu tiếng súng nếu là đàn ông, bảy đến chín tiếng súng nếu là đàn bà con gái. Người H’mông không đưa thi thể vào quan tài, mà đặt trên neeg tuag tượng trưng cho con ngựa đưa người chết về với tổ tiên, để trong nhà từ ba đến bảy ngày, mời thầy cúng làm lễ, con cái mổ trâu, bò để cúng tế, thể hiện tình cảm của mình với người đã khuất. Trình thức nghi lễ tang ma của người Mông kéo dài trong nhiều ngày, vừa tránh trùng ngày với những người đã mất trước đó, vừa để chờ con cháu ở xa về viếng. Những bài khèn đưa tiễn, dẫn đường và cầu siêu thoát cho linh hồn người chết diễn ra suốt thời gian tế lễ. Nghi lễ mai táng được tiến hành sau đó. Trong ba ngày từ khi mai táng, người nhà mang cơm cho người đã khuất. Ngày thứ mười ba, con cháu đến sửa sang mộ phần, rào giậu, làm lễ “Xi” giải thoát linh hồn cho người đã chết. Tất cả những nghi lễ này đã trở thành tập tục, thành nhận thức, ăn sâu vào tư tưởng của người H’mông. Họ quan niệm rằng, nếu không làm như thế, người sống sẽ không được yên ổn, gặp rủi ro, bệnh tật,… 
Đánh giá những tác động không nhỏ của tập tục tang ma đến đời sống cộng đồng người H’mông, Tỉnh uỷ, UBND, Ban Dân tộc và miền núi tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Đề án Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa mới trong tang lễ vùng đồng bào H’mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Đề án nêu lên tính cấp thiết của việc gìn giữ những tập quán tốt đẹp, đậm đà bản sắc, đồng thời phân tích những lạc hậu, ảnh hưởng xấu đến đời sống vật chất, sức khoẻ tinh thần và thân thể của người H’mông ở Thanh Hóa, đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện đề án. Theo đó, việc tiến hành tang lễ kéo dài, mổ thịt nhiều trâu, bò, gà, tốn kém vô cùng trong khi đời sống kinh tế của đồng bào H’mông còn rất khó khăn. Hơn thế nữa, việc để người chết trong nhà lâu ngày, thi thể bị phân huỷ, khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Với quan điểm thực hiện kiên trì, khéo léo, công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của đồng bào Mông được đề cao. Nhiệm vụ cấp thiết là xây dựng những nghĩa địa tập trung, làm đường dẫn ra nghĩa địa nhằm giải quyết vấn đề phân tán, rải rác tuỳ theo từng gia đình, dòng họ trong tập quán chôn cất của người H’mông. Công việc này đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng, các ban, ngành, đoàn thể với thái độ nhập cuộc một cách tích cực. Qua trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lương Minh Thông, Bí thư Huyện uỷ Mường Lát cho biết: “Quan trọng nhất chính là việc tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của đồng bào H’mông về việc ma chay, chôn cất người chết. Chỉ có thay đổi nhận thức mới có thể làm thay đổi tập quán, phong tục. Đây là khâu trọng yếu, tiên quyết, giúp cho đề án này thành công”. Ông cũng bày tỏ những khó khăn trong việc tiến hành đề án bởi tang ma là việc tâm linh. Tính chất gắn bó mật thiết của đời sống người H’mông với nghi lễ linh thiêng này khiến cho bản thân những gia đình có người chết nói riêng và cộng đồng người H’mông nói chung do dự trong việc triển khai và thực hiện nếp sống văn hóa mới. Nhân tố đột phá chính là những cán bộ người H’mông, học sinh người H’mông đi ra, tiếp cận với nếp sống văn hóa mới. Đây là lực lượng tuyên truyền gần gũi và hiệu quả nhất. Vai trò của người trưởng họ, như đã nói, quyết định đến sinh hoạt cộng đồng của người H’mông. Do vậy, phải thuyết phục được các trưởng họ, từ đó, tác động đến việc thay đổi nhận thức, thực hành nghi lễ tang ma theo nếp sống văn hóa mới. Gặp gỡ với chúng tôi, trong chuyến đi đầy ắp những câu chuyện, đồng chí Lâu Minh Pó - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát - một người con của dân tộc H’mông, luôn lo âu trước những khó khăn, vướng mắc ở khâu tuyên truyền. Làm sao để các trưởng họ nhận thức được vấn đề? Tang lễ kéo dài tốn kém về mặt kinh tế, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đời sống còn nhiều khó khăn của người H’mông, những tập quán du canh du cư, truyền thống di dân, phân tán, tính chất không ổn định trong cư trú của đồng bào,… luôn làm anh suy nghĩ. Những con đường đã mở đến thôn bản, điện lưới, trường học, bệnh viện,… đã được đầu tư xây dựng nhằm giúp người H’mông yên tâm định cư, sinh sống. Nhưng, để thực sự đưa nếp sống mới vào trong trình thức tang lễ, yếu tố tâm linh luôn tạo nên những thách thức không nhỏ. Anh bày tỏ: “Niềm tin với người H’mông là rất quan trọng. Đặt tất cả niềm tin vào ai đó hay một điều gì đó, người H’mông có thể đánh đổi bằng tính mạng. Do vậy, tạo được niềm tin trong cộng đồng người H’mông, để họ tin vào giá trị của những sinh hoạt theo nếp sống mới là điều cần phải làm một cách khéo léo và kiên trì. Một khi người H’mông đã mất niềm tin, thật khó để có thể tiếp cận được họ, chưa nói chuyện có thể tuyên truyền để họ thay đổi nhận thức”. Cũng từ những câu chuyện, đặc biệt, từ những lần điền dã, thăm hỏi người H’mông của chúng tôi, có thể nhận thấy lòng nhiệt thành, nồng nàn của người H’mông nơi đây. Do vậy, vấn đề là cách tuyên truyền và thái độ thân thiện trong xây dựng cộng đồng văn hóa mới. Những câu chuyện cứ trở đi trở về trong nhiều năm giữa người viết bài này với Lâu Mai Dơ (cán bộ huyện đoàn Mường Lát), Vàng A Vàng (một cậu bé học sinh trung học nội trú huyện Mường Lát); những lần thăm hỏi gia đình trưởng bản Vàng A Sỹ, các anh Vàng A Sùng, Vàng A Páng, Vàng A Phỏng trên đỉnh Sài Khao, đôi mắt thơ ngây nhưng rất nhiều tin cậy của cậu bé Vàng A Chẩu,… đã khiến tôi tin rằng, người H’mông sẵn lòng cho những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc văn hóa. Điều cốt lõi là tấm lòng, tình cảm, niềm tin phải được xem là phương cách ứng xử quan trọng nhất. Xuyên qua màn mây của điểm cao Trung Thắng, Sài Khao (trên 1800m), quăng quật với những con đường cheo leo, lầy lụa, bám vào những viên đá trơn mòn nhẫn nại, điều còn lại với tôi là tấm lòng của con người khi đến bên nhau. Có lẽ, không chỉ người H’mông, mà các tộc người khác cũng vậy, họ cần sự thông hiểu một cách chân thành và tôn trọng. 
Đề án Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào H’mông đã thu được những kết quả bước đầu có tính chất móng nền. Khâu tuyên truyền đã được thực hiện một cách bền bỉ, làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào H’mông ở Huyện Mường Lát. Chính sách hỗ trợ được thực hiện: Năm triệu đồng/ 01 quan tài khi có người chết, một triệu tiền hỗ trợ cho thôn bản đến viếng và vận động gia đình người H’mông thực hiện tang ma theo nếp sống mới. Cùng với đó, đề án đã bắt đầu triển khai xây dựng 12 km đường dẫn ra nghĩa địa cho bảy bản người H’mông, tiến hành quy hoạch khu nghĩa địa chung, đền bù đất nương rẫy, hoa mầu cho nhân dân một cách thỏa đáng theo quy định của nhà nước. Chính sách hỗ trợ lương thực cho đồng bào H’mông trong quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất cũng được đặc biệt chú ý. Trên những đỉnh núi đá nghèo nàn, đất canh tác ít ỏi, người H’mông ở Mường Lát bắt đầu chuyển sang trồng cây lấy gỗ. Xoan, lát đã được đưa vào trồng thay cho các cây trồng ít hiệu quả khác. Vấn đề lương thực nhằm đảm bảo đời sống người dân cũng đã có những tính toán và thực hiện hiệu quả. Kế hoạch hỗ trợ lương thực trong bảy năm đầu tiến hành trồng rừng đã được triển khai. Mỗi người dân được cấp 10 kg gạo/ tháng trong bảy năm về cơ bản đã giúp người H’mông vượt qua nỗi lo thiếu đói. Cái đói lúc giáp hạt không còn, người dân không phải xin cứu trợ hàng năm. Nghề chăn nuôi cũng được chú ý phát triển nhằm tận dụng địa bàn đồi núi, cây cỏ. Dệt, rèn vốn là nghề truyền thống của người H’mông, tuy chưa trở thành ngành nghề chủ yếu tạo thu nhập, nhưng cũng bắt đầu được khôi phục và thúc đẩy. Các gian hàng bán dụng cụ lao động và sản phẩm dệt của người H’mông nơi chợ huyện thu hút được nhiều sự quan tâm và ưa thích của nhân dân. Người dưới xuôi vẫn ưa chuộng nông cụ do người H’mông chế tác bởi sự sắc bén và bền bỉ. Chính sách ưu tiên phát triển kinh tế dành cho người H’mông đang đem lại những tín hiệu khả quan. Đó là cơ sở cho những thay đổi trong tập quán, văn hóa người H’mông nơi đây. Cùng với đó, việc mở các chương trình tập huấn tuyên truyền, in ấn và cấp phát tài liệu phổ biến thông tin, kiến thức, nếp sống văn hóa mới cũng được thực hiện một cách tích cực. Đội ngũ tuyên truyền đã đi sâu vào thôn bản để tiếp xúc gây dựng niềm tin trong cộng đồng người H’mông, giúp họ, mà trước hết là những người có uy tín, trưởng họ, trưởng bản nhận ra những mặt tích cực, tiêu cực, những nét đẹp văn hóa cần gìn giữ và những hủ tục cần thay đổi. Về căn bản, theo báo cáo từ Huyện uỷ Mường Lát, đồng bào người H’mông đã ủng hộ và đa phần các gia đình có người chết đã tiến hành tang lễ theo nếp sống văn hóa mới. Không còn tập tục bắn súng báo hiệu, các gia đình đã sử dụng quan tài khâm liệm người chết và tiến hành mai táng trong bốn mươi tám giờ, việc mổ trâu, bò và tế lễ, ăn uống kéo dài đã không còn,… Người dân dần ý thức được lợi ích của tang lễ theo mô hình văn hóa mới. Đó là thành công to lớn của đề án mà toàn cộng đồng từ tỉnh, huyện đến thôn bản đang tích cực chung tay xây dựng. 
Đi lại vùng đồng bào H’mông ở Mường Lát trong nhiều năm khiến tôi nhận ra những thay đổi quan trọng trong suy nghĩ, nhận thức và tập quán của người dân nơi đây. Những điệu múa khèn theo bước chân nồng nàn, say đắm, những sắc màu tươi vui, rộn rã, lấp lánh trên váy áo, những tiếng nói, tiếng cười, khuôn mặt rạng rỡ trong dịp Tết Độc lập, những chuyện trò không dứt trong men rượu ngô ngất ngây bên nồi thắng cố, những hẹn hò say mê bên dòng suối Poong, những mũi đan nhẫn nại cầu kỳ nơi chái nhà trình tường, bên bờ rào đá vương đầy hoa Khẻn trắng… dường như nói lên nhịp sống mới đang về trên bản làng người H’mông. Lần trở lại Mường Lát này, như thăm lại cố nhân, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay, mới mẻ của đất và người nơi đây. Tôi nhận ra, không chỉ đồng bào H’mông, mà đồng bào Thái, Dao, Khơ mú, Mường và Kinh đang trong một nhịp sống mới, ổn định, tươi vui đầy hứa hẹn. Những tập tục cũ xưa, lạc hậu không còn, như dòng sông Mã kiêu hãnh băng qua bao ghềnh đá, đỉnh Pha Lát, Pha Luông vươn lên đón nhận ánh mặt trời đầu tiên của ngày mới, người H’mông đang xây dựng cuộc sống của mình trong niềm tin vững chắc về một quê hương yên bình trên dải đất biên cương Thanh Hóa.
                              

 N.T.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 26
 Hôm nay: 3541
 Tổng số truy cập: 9307509
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa