Người Mông xứ Thanh với tết truyền thống và tết cúng - Trần Thị Liên
Ngoài các ngày tết “thông dụng” như mùng 7 tháng bảy (tết đốt vàng mã cho tổ tiên); mùng 5 tháng năm (âm lịch), tết Nguyên đán…, người Mông - Thanh Hóa còn tổ chức những cái tết đậm nét riêng của cộng đồng, nổi bật nhất là tết truyền thống và tết cúng.
Những tư liệu mới nhất khẳng định: Cộng đồng người Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 3 nhánh: Mông trắng, Mông đen, và Mông Hoa. Do tập quán sinh hoạt nên trong sản xuất, sinh hoạt của mỗi nhóm người Mông luôn có tính độc lập cao.
Thanh Hóa có số lượng người Mông nhiều thứ 13 cả nước, chiếm khoảng 1,6% dân số toàn tỉnh. Ba họ lớn của người Mông là họ Hơ, họ Thao và họ Lầu. Theo thống kê chưa chính thức, đến quý I năm 2002, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.463 hộ với 9.465 khẩu cư trú ở 5 xã, 27 bản thuộc 2 huyện Quan Hóa và Mường Lát.
Người Mông trên địa bàn Thanh Hóa tụ thành khoảng 20 chòm bản, thuộc địa phận các xã: Pù Nhi (nơi có núi Cù Bay cao gần 1.000m), xã Tam Chung (nơi có đỉnh Hin Phăng cao trên 1.000m, đỉnh Hốc cao 1.418m), xã Trung Lý - được mệnh danh là “cổng trời”, xã Quang Chiểu, xã Mường Lý... thuộc địa phận huyện Mường Lát. Bản Suối Tôn - Suối Tút (xã Phú Sơn - Quan Hóa) được thành lập năm 1998, là không gian kinh tế của khoảng 57 hộ người Mông với hơn 323 nhân khẩu. Người Mông ở Suối Tôn tập trung ven các con suối Ca Ín, suối Sa Lem, suối Bún, bản Mùa Xuân - xã Xuân Sơn - Quan Sơn là nơi tụ cư của người Mông đen.
Người Mông có những cái tết mang đậm nét riêng của cộng đồng, trong đó đáng kể nhất là tết truyền thống và tết cúng.
Tết truyền thống: Người Mông ăn tết cổ truyền theo lịch riêng của mình (không có tháng nhuận). Tết truyền thống được bắt đầu vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 (âm lịch). Đây được coi là một trong những nét đẹp văn hóa riêng vốn có của đồng bào Mông.
Từ cuối tháng 11 âm lịch, người Mông đã bắt đầu nghỉ ngơi, chuẩn bị đón tết. Trong ngày tết của người Mông không thể thiếu được mâm bánh giày được làm từ lúa nếp nương do chính tay người Mông làm. Do đó, cứ vào thời điểm này khắp trong bản ngoài Mường lại tưng bừng tiếng giã bánh giày rộn rã. Trong ngày mùng một tết, mâm cơm của người Mông toàn là thịt gà, trong đó tiết canh gà là món người Mông rất thích. Ngày mùng hai là ngày tết thịt lợn. Gia đình nào cũng phải mổ tối thiểu một con lợn vì thủ lợn là thứ không thể thiếu được trên mâm cơm cúng của họ vào ngày này. Người Mông hầu như không ăn rau xanh trong ba ngày tết.
Một nét độc đáo trong phong tục lễ tết của người Mông đó là họ luôn duy trì ngọn lửa trong bếp trong suốt ba ngày đầu năm mới. Sở dĩ có điều này là vì họ cho rằng: nếu làm như vậy, sang năm thời tiết sẽ thuận hòa, mùa màng sẽ tươi tốt, đời sống sẽ ấm no. Trong bữa cơm ngày đầu năm, người Mông rất kiêng kị việc chan canh. Theo quan niệm của họ, chan canh thì nước lũ sẽ tràn vào ruộng, làm chết lúa, đói kém, mất mùa cả năm.
Tết cúng: Ngoài việc chung vui với các dân tộc anh em trong những ngày lễ lớn, đồng bào dân tộc Mông đen ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn tổ chức ăn cái tết riêng của mình gọi là tết cúng.
Tết cúng được tổ chức vào đầu tháng sáu với ý nghĩa dâng lễ vật lên Ma Cúng - vị thần mà theo quan niệm của người Mông luôn bảo hộ cho sự ấm no của dân làng. Đây là khoảng thời gian mà trên nương lúa, ngô đã tra hạt; con lợn, con gà nuôi trong chuồng cũng nhiều hơn, công việc của đồng bào cũng đã nhàn rỗi hơn rất nhiều. Việc chuẩn bị cho tết cúng khá đơn giản, chủ yếu là để người dân trong bản được vui vẻ, là lời nhắc nhở con cháu nhớ về một nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Không phải gia đình nào trong bản cũng được tổ chức tết cúng mà chỉ những gia đình có người làm thầy cúng mới được tổ chức mà thôi. Mặc dù vậy, sau khi gia đình làm lễ cúng tổ tiên và các thần linh xong, dân bản sẽ tập trung đến để ăn uống chung vui cùng.
Gia chủ chọn giờ lành để tiến hành lễ cúng. Đồ cúng không thể thiếu là gà và lợn. Lễ cúng bao gồm hai bước: Lễ cúng trên giường và lễ cúng trước bàn thờ Ma Cúng. Tết cúng thường diễn ra 3 ngày. Trong thời gian này, gia chủ luôn thành kính dâng lên thần linh những sản vật mà mình làm ra. Dân bản cũng đến chung vui, tổ chức hát, múa, thổi khèn và chơi các trò chơi truyền thống như: ném còn, đánh cù...
Với người Mông, tết truyền thống, tết cúng nói riêng, các dịp lễ tết nói chung không chỉ là dịp sum họp gia đình, bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên mà còn là dịp gặp gỡ vui chơi của gia đình, dòng họ và của cả cộng đồng.
T.T.L