Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Văn nghệ sỹ góp mình trong xây dựng nông thôn mới - Lưu Nga
Văn nghệ sỹ góp mình trong xây dựng nông thôn mới - Lưu Nga

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương, chính sách này vừa mang tính cấp thiết, trước mắt, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, bởi nó tác động đến nông dân - một bộ phận dân số lớn nhất, tác động đến nông nghiệp - một trong những thành phần kinh tế lớn nhất, tác động đến nông thôn - một không gian kinh tế, văn hóa, xã hội lớn nhất của đất nước. Đây luôn là một mảng chính yếu trong đời sống xã hội trước đây và trong giai đoạn hiện nay. Phản ánh và qua đó góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới - mảng chính yếu trong đời sống xã hội - đương nhiên, là trách nhiệm và tình cảm của văn nghệ sỹ, của văn học nghệ thuật ở mỗi địa phương và trong cả nước. Theo tinh thần ấy, những vấn đề đặt ra, cả ở chương trình xây dựng nông thôn mới, cả ở những gì mà văn học nghệ thuật đã làm, đòi hỏi các văn nghệ sỹ cùng xem xét và tìm ra hướng đi, để làm tốt hơn trách nhiệm và chức năng của mình, vì một nông thôn Việt Nam mới, hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa nghìn đời của dân tộc. 
Trên thực tế, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã và đang gặt hái nhiều kết quả khả quan theo lộ trình và theo bộ 19 tiêu chí, bao gồm các mục tiêu được lượng hóa cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, trật tự an ninh... Người nông dân ý thức được vai trò chủ thể của mình trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn; đời sống văn hóa, tinh thần của nông dân được cải thiện; sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng hàng hóa, hiệu quả cao, diện mạo nông thôn có nhiều đổi khác... Tuy nhiên, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng sớm bộc lộ một số vấn đề cần được uốn nắn, điều chỉnh, như: mức huy động đóng góp nguồn lực cao hơn khả năng thực tế của nông dân, nhất là ở những nơi còn nghèo; chính quyền cấp xã trở thành "con nợ", sau khi vay mượn kinh phí đảm bảo cho việc hoàn thành bộ tiêu chí, để được công nhận xã nông thôn mới theo kế hoạch; có biểu hiện của việc chạy theo phong trào, chạy theo thành tích; những kết quả đạt được chưa thật sự bền vững, chưa tạo cơ sở vững vàng cho bước phát triển cao hơn... Có thể nói, cùng với các hoạt động thông tin, tuyên truyền khác, văn học nghệ thuật ở các địa phương và trong cả nước đã nhanh chóng nhập cuộc, thở cùng hơi thở của chương trình xây dựng nông thôn mới, kịp thời phản ánh cả cái được và cái chưa được của phong trào, của mảng hiện thực mới ấy. Các văn nghệ sỹ đã sáng tạo nhiều tác phẩm bám sát quá trình xây dựng nông thôn mới nhiều kỳ vọng nhưng cũng đầy khó khăn, với mong muốn hiện thực hóa hình ảnh một nông thôn mới tươi đẹp, phát triển bền vững.
Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa là nơi thu hút đông đảo lực lượng văn nghệ sỹ. Hội có những đợt tổ chức thâm nhập thực tế cho anh chị em nghệ sỹ trên lĩnh vực ảnh, mỹ thuật và âm nhạc về các vùng quê tỉnh Thanh, từ đó khơi gợi được nhiều tác phẩm hay và có giá trị. Bên cạnh đó những cuộc thi viết về đề tài nông thôn mới tại tỉnh cũng đã thu hút đông đảo các nhà văn, nhà thơ Thanh Hóa tham dự và đạt giải cao. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, những năm qua đã cố gắng không ngừng trong việc tuyển chọn các tác phẩm mang hơi thở của nông thôn mới, ngoài việc phối kết hợp với các huyện trong tỉnh mở các chuyên trang tuyên truyền, tạp chí cũng luôn có một chế sách hợp lý với những cộng tác viên có tác phẩm hay về mảng đề tài này. Bản thân mỗi phóng viên và biên tập viên cũng đã chủ động và tự tạo điều kiện để đi cùng ăn, cùng ngủ và cùng trải nghiệm với nông dân, sống ở nông thôn, để nhìn nhận đánh giá cả mặt tích cực và tiêu cực, tồn tại và hạn chế trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương mình xuống. Nhận thức con người là chủ thể của sự vận động, là cốt lõi trong vấn đề xây dựng nông thôn mới. Tạp chí đã tổ chức cuộc thi truyện ngắn hai năm 2015-2016 với tiêu đề “Xây dựng con người Việt Nam hôm nay”. Với hàng trăm tác phẩm gửi đến từ đông đảo tác giả trong và ngoài tỉnh. Những tác phẩm thật sự có giá trị về hàng loạt vấn đề nổi cộm, không những mảng nông thôn mà còn bao quát được các mặt của xã hội hiện nay. Bên cạnh đó xác định xây dựng nông thôn mới là mảng đề tài dài hơi của các văn nghệ sỹ, chính vì vậy tạp chí luôn xây dựng các chuyên đề, để từ đó có thể chủ động việc đặt bài và việc tuyển chọn tranh, ảnh phù hợp hơn.
Bên cạnh những kết quả đáng mừng, có thể thấy: việc phản ánh chương trình xây dựng nông thôn mới thường chỉ là tạo ra những bức tranh đơn điệu, khô cứng về nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Đó là một nông thôn “lột xác”  gấp gáp hơn, khác quá nhiều, khác hẳn nông thôn xưa. Nông thôn ngày nay đang “cứng hóa” những con đường, những dòng kênh, “bê tông hóa” những ngôi nhà, ngôi trường, “công nghiệp hóa” đồng ruộng bằng những xưởng máy, làng nghề… Mái đình, cây đa, bến nước… không những là nét đẹp văn hóa lâu đời mà còn là hình ảnh biểu trưng cho một nông thôn Việt Nam. Giờ đây dường như sự “bê tông hóa” đang ăn mòn và xóa dần những dấu vết ấy. Một nông thôn mang dáng dấp phố thị, không còn nét mềm mại, thanh bình của làng quê. Cách đây chỉ chừng hơn chục năm nhà cách nhà chỉ là hàng bờ rào chè mạn, dậu cúc tần vàng óng tơ hồng, nhưng lại vô cùng bền chặt, vững chắc. Sự bền chặt và vững chắc tạo dựng từ niền tin của tình làng xóm. Vậy nhưng giờ đây một nông thôn với bờ rào tường gạch sừng sững, lạnh lùng ngăn cách mặt người, tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau cũng theo đó mà “nguội” dần đi.  
Ở bài viết này tôi xin phép được trích một đoạn bút ký của mình khi đi thực tế tại làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, mảnh đất được gọi thân mật là cái nôi thứ hai của văn nghệ sỹ trong kháng chiến, để mọi người cùng suy ngẫm về bức tranh nông thôn của chúng ta hiện nay: “Quần Tín hiện ra với những ngôi nhà có thể xếp vào nhà cổ Việt Nam. Thâm niên lên tới trăm năm, nhưng cùng với đó là sự tàn phá của thời gian cũng đang đè nặng và rõ ràng, bên cạnh đó là sự chảy máu nguồn lao động ở đây khi vì miếng cơm manh áo đã hầu như vào Nam làm ăn, bỏ hoang lại nhà cửa, ruộng đồng… Lặng mình khi nghe tiếng cọt kẹt của mọt, nhìn những vết gỗ bị loác lở, hông hốc to nhỏ khác nhau, khiến ai cũng rùng mình. Cái rùng mình của nỗi sợ và chua chát. Càng đi và càng nghe kể về những nếp nhà cổ ở Quần Tín lại càng thấy xót xa trong lòng. Cái xót xa không chỉ vì bản thân nó, những hiện vật còn tồn tại đang bị tàn phá mà xót xa hơn bởi nền tảng văn hóa Việt đang dần bị mai một. Đến một ngày nào đó lớp con cháu không còn nhìn thấy những ngôi nhà năm gian hai chái, sẽ chỉ còn tồn tại trong ký ức của những con người cũng đang dần già đi”.
 Nông dân - những chủ nhân của nông thôn mới cả trong đời thực và trong tác phẩm văn học, nghệ thuật - mang hình mẫu tuýp người hăng hái hiến đất, góp công, của xây dựng công trình, là tuýp người sản xuất, kinh doanh giỏi, trở thành những doanh nhân, giám đốc doanh nghiệp nông thôn, loay hoay với suy tính làm giàu… Nông nghiệp đang trong quá trình “chuyển đổi giới tính” sang công nghiệp: cơ giới hóa đồng ruộng, cơ giới hóa đồng bộ, nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi công nghiệp, chế biến công nghiệp, v.v…
Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn là đề tài “muôn năm cũ”, bây giờ vẫn là đề tài lớn, rất lớn, thậm chí mang tính thời sự. Vẫn là viết về đề tài ấy, (giống như người nông dân ngày nay vẫn canh tác trên thửa ruộng truyền đời từ tổ tiên, cha ông của mình), nhưng phải có cái mới, cái rất mới. Cái mới, cái rất mới đó nằm trong tiến trình công nghiệp hóa nông thôn, đô thị hóa nông thôn, nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, một tiến trình, một hướng đi hầu như không thể đảo ngược. Theo đó, văn nghệ sỹ phải cổ vũ cho cái mới, văn học nghệ thuật phải làm người bảo trợ tinh thần cho cái mới đó, bằng thiên chức, sứ mệnh, bằng đặc trưng của mỗi loại hình nghệ thuật, bằng lý trí và tình cảm của người nghệ sỹ.
Thiên chức, sứ mệnh, lý trí đòi hỏi văn nghệ sỹ phải phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới như là đòi hỏi của trách nhiệm, bổn phận nhưng phải không theo kiểu cắm cúi, cung cúc, bảo sao làm vậy, mà phải thật sự sáng suốt để tham gia xây dựng ý tưởng về cái mới, tham gia vào việc tạo dựng hình hài cái mới đạt chuẩn chân - thiện - mỹ,  mang tính dân tộc và hiện đại. Đó là tiêu chuẩn giúp cái mới thu hút mọi nguồn lực, năng lực sáng tạo tự giác của con người, trong đó chủ thể là nông dân, để chung tay làm nên hiện thực xã hội, đời sống xã hội đáng mơ ước. Văn nghệ sỹ không phải chỉ biết ngắm nhìn, sao chụp những sự vật, hiện tượng được tạo ra nhân danh cái mới; vì thế không thể đồng ý với một nông thôn mới được xây dựng trên cơ sở vắt kiệt tài lực nông dân, dù rằng họ đóng góp để làm cho chính họ, không thể đồng ý với một nông thôn mới được xây dựng theo kiểu “bóc ngắn, cắn dài”, vay nợ để làm, một nông thôn mới mà các công trình xây dựng, giao thông phục vụ dân sinh đến cả các thiết chế văn hóa đều rập khuôn, đều là những kết cấu bê tông giống y nhau!...
Tình cảm của người nghệ sỹ và đặc trưng của mỗi loại hình nghệ thuật sẽ là những yếu tố tạo ra những tác phẩm sinh động, hấp dẫn, chạm đến trái tim của công chúng, thôi thúc công chúng bằng cả tình yêu của mình tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Nếu văn nghệ sỹ không có những rung động thật lòng trước mục tiêu và kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới thì rất khó cho ra đời những tác phẩm có chất lượng cao.
Khó có thể nói những hạn chế trong sáng tác về đề tài xây dựng nông thôn mới là có những lý do từ phía đối tượng được phản ánh. Trên thực tế, chương trình xây dựng nông thôn mới đã diễn ra qua một thời gian khá dài, trên phạm vi rất rộng, ảnh hưởng đến bộ phận dân cư lớn nhất trong xã hội, nông thôn mới đã là một thực thể trong cuộc sống với cả những ưu điểm và hạn chế như nói ở trên. Nhìn nhận một cách nghiêm túc, phải thấy rằng những hạn chế trong sáng tác về đề tài xây dựng nông thôn mới, trước hết và cơ bản, là hạn chế từ phía các văn nghệ sỹ. Hầu như các văn nghệ sỹ chưa có sự xem xét thấu đáo và sắc sảo của khối óc, chưa có những rung động mạnh mẽ và sâu sắc của con tim dành cho mảng đề tài này. Văn nghệ sỹ không nên nhập cuộc vào nông thôn mới như một cuộc dạo chơi, hay thú vui “cưỡi ngựa xem hoa”. Nếu coi công cuộc nông thôn mới là một ngôi nhà, là một tác phẩm nghệ thuật thì nhà báo là những người xây phần cứng cho một ngôi nhà ấy, là người thợ tạo thành hình khối cho một tác phẩm, còn văn nghệ sỹ phải là những người thợ làm nội thất bên trong, là người chỉnh trang, định hình đường nét, tô điểm thổi hồn cho tác phẩm. Bằng sức lực, đặc biệt vai trò, trách nhiệm và tâm trí người nghệ sỹ sẽ luôn biết cống hiến khả năng của mình trong những tác phẩm phản ảnh về nông thôn mới toàn diện nhất và sâu sắc nhất, để từ đó có thể giúp bộ mặt nông thôn ta hiện nay vừa mang tính hiện đại nhưng luôn gìn giữ được những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Cuộc sống vẫn đang đòi hỏi văn nghệ sỹ phải làm tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình đối với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Có lẽ không khó đề ra những giải pháp cho việc này. Vẫn là văn nghệ sỹ cần phải hòa mình vào cuộc sống của nông dân, cuộc sống ở nông thôn hôm nay. Vẫn là phải tổ chức các cuộc hội thảo, tổ chức các cuộc thi, các trại sáng tác, quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, khuyến khích động viên bằng biểu dương, khen thưởng, v.v…
Không khó đề ra những giải pháp như thế, mà cái khó ai cũng biết là có thực hiện các giải pháp ấy không và thực hiện như thế nào thôi! Thiết nghĩ, lần theo gia phả, lý lịch, văn nghệ sỹ nào cũng từ nông dân mà ra cả! Vậy thì, mỗi văn nghệ sỹ hãy hướng về chương trình xây dựng nông thôn mới với tư cách mình là con em nông dân, cũng với tinh thần “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi - Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu - Tôi sống với cuộc đời chiến đấu - Của triệu người yêu giấu gian lao”(*).
                                                                                       

 L.N

(*) Những đêm hành quân - Xuân Diệu.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 62
 Hôm nay: 3172
 Tổng số truy cập: 9307140
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa