Mấy vần thơ lưu bút thắng tích xứ Thanh của vua Lê Thánh Tông - Trịnh Hoành
Thanh Hóa là đất phát tích của nhà Hậu Lê (1428-1788). Đất đế vương này là nơi lưu giữ nhiều lăng miếu của các vua, các hoàng hậu và có nhiều cảnh thiên nhiên núi sông kì vĩ. Bởi vậy, mỗi khi về quê thăm viếng các bậc tiên đế ở Lam Sơn, các vị hoàng đế thường đến những nơi thắng tích để thưởng lãm và làm thơ lưu bút. Để lại nhiều thi phẩm lưu bút nhất là vua Lê Thánh Tông, hiệu là “Thiên Nam Động Chủ”.
Lê Thánh Tông (1442-1497) tên là Tư Thành (tên khác là Hạo) sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (25-8-1442). Ông là con trai của vua Lê Thái Tông (1433-1442), mẹ là Ngô Thị Ngọc Dao người xã Động Bàng, huyện Yên Định thời Lê, nay là làng Đồng Phang (tục gọi làng Phấng), xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tương truyền khi bà Ngô Thị Ngọc Dao còn là Tiệp dư của vua Lê Thái Tông ở cung Khánh Phương trong cấm thành Thăng Long thì trong cung cấm xảy ra vụ Huệ phi nuôi cô đồng trong nhà, bà bị "vu lây và bị đưa ra ngoài, giam lỏng tại ngôi chùa Huy Văn ở phía Nam cấm thành Thăng Long. Vào đêm sinh nở, bà nằm mộng thấy thượng đế cho một tiên đồng rồi sinh ra Tư Thành"(1). Tư Thành có thiên tư sáng như mặt trời, tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, thực là bậc thông minh trí dũng, “người hiểu biết cho Người là một vị từ giới thần tiên đến”(2) . Năm Thái Hòa thứ ba (1445), ông được vua Lê Nhân Tông (1442-1459) phong tước Bình Nguyên Vương, vâng mệnh làm phiên vương vào ở trong kinh thành, hàng ngày cùng học tập ở kinh điện với các vương khác, nhưng sống kín đáo, chỉ vui với sách vở cổ kim, nghĩa lí thánh hiền. Năm mười tám tuổi, ông lên ngôi vua (ngày 8 tháng 6 năm Canh Thìn (1460), xưng hiệu là “Thiên Nam Động Chủ”, và qua đời ngày 29 tháng giêng năm Đinh Tị (3-3-1497) miếu hiệu Thánh Tông. Lê Thánh Tông là vị vua anh minh, thánh thiện và tài năng, ông đã đưa nước Đại Việt vươn tới thế phồn vinh và ổn định, điển hình, chuẩn mực và hoàn chỉnh của chế độ phong kiến tập quyền và là một ông vua nổi tiếng có tài chữ nghĩa, văn chương.
Lê Nhân Tông là người sáng lập hội Tao Đàn, thường được gọi là “Hội Tao Đàn nhị thập bát tú” do vua đứng đầu gọi là “Tao Đàn Nguyên Súy”, là một thi đàn nổi tiếng thời Lê Sơ, đã để lại nhiều thi phẩm bất hủ. Bản thân ông do yêu thích và có tài sáng tác văn thơ nên đã để lại nhiều văn thơ trong các tập “Sĩ hoạn trâm quy”, “Xuân Vân thi tập”, “Cổ kim bách vịnh”, “Minh lương cẩm tú”, “Quỳnh uyển cửu ca thi tập”, “Hồng Đức quốc âm thi tập", “Thánh Tông di thảo”, v.v...
Trên hầu hết các thắng tích xứ Thanh, từ địa đầu phía bắc đến địa đầu phía nam, Lê Thánh Tông đều đã đặt chân đến và đề thơ lưu bút. Ở địa đầu phía bắc là dãy Tam Điệp hùng vĩ, ranh giới giữa hai vùng Thanh Hóa ngoại (Ninh Bình nay) và Thanh Hóa nội (Thanh Hoá nay). Tam Điệp là mạch núi đá vôi bắt đầu từ tỉnh Hòa Bình (huyện Lạc Hóa thời Lê) qua các huyện Thạch Thành, Hà Trung về phía đông huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa đến tận biển Đông tại cửa biển Thần Phù xưa. Thời xưa, từ Bắc Bộ vào Thanh Hóa chỉ có thể qua hai đường bộ là qua đèo Ba Dội (gần quốc lộ 1 nay) hoặc Đường Trèo (Eo Ún thuộc Nga Thiện, Nga Sơn hiện nay) và một đường thuỷ qua cửa biển Thần Phù (xưa nữa gọi là Thần Đầu) nay là vùng Eo Hai thuộc các xã Nga Thiện, Nga Giáp, Nga Điền huyện Nga Sơn.
Thời xưa ở phía nam (tức Nga Sơn) có ngôi chùa Tiên, vua Thánh Tông đã từng đến vãn cảnh làm bài thơ Nôm:
Nghìn non xanh biếc tầng không
Gió cao chùa cũ trập trùng mây qua
Cảnh xuân trời dịu chan hòa
Gió im cây cối đến là biếc xanh
Đất trời dựng thuở hồng mông
Quỷ thần đến gọt vô cùng nên thơ.
Một bài thơ luật Đường vịnh cảnh Đường Trèo của ông là “Sao Sơn Đạo”:
Phiên âm:
Toàn ngoan cổ thạch trí trùng trùng
Thức thướng cao sơn đạo tứ nồng
Tinh bái diêu diêu si viễn nhật
Y thường biến biến xúc cao phong
Sổ thanh chung hưởng lôi lang lí
Kỉ điểm Đăng Hoa xán lạn trung
Cảnh vật thiên quang trường mãn mục
Thiên Nam cảnh trí tráng vô cùng.
Tạm dịch thơ:
Đường Trèo
Trùng trùng đá cổ xếp chon von
Đường Trèo thi hứng bỗng thêm nồng.
Lấp lóa tinh kì nắng rung động
Phần phật áo xiêm gió vờn non.
Mấy tầng chuông chùa âm vang động
Vài ngọn đèn hoa rực rỡ hang
Cảnh vật nắng tràn nhìn ngút mắt
Trời nam cảnh trí đẹp vô cùng.
“Sổ thanh chung hưởng lôi lang lí” (Mấy tiếng chuông chùa âm vang động). Tiếng chuông chùa Tiên ở chân Đường Trèo vọng vào hang Bạch Ác ở sườn nam cách đó chừng hơn cây số hay chính tiếng chuông chùa trong hang động Bạch Ác? Động Bạch Ác nằm ở sườn núi phía nam dãy Tam Điệp, cửa động hướng phía tây nên lòng động được soi sáng vào lúc chiều tà. Thiên Nam Động Chủ Lê Thánh Tông đã vẽ cảnh động Bạch Ác bằng bài thơ chữ Hán sau:
Phiên âm:
Nguy nga ngoan thạch tráng thiên trùng
Túng bộ đăng lâm nhã hứng nồng
Vạn khoảnh bích ba dao nhật ảnh
Nhất hồ lục thảo nhập xuân phong
Yên vân ám sĩ vi bào ngoại
Hoa thảo âm loan ẩn ước trung
Mạc tả hà do tư cảnh trí
Nhãn tiền trước khán thắng vô cùng!
Tạm dịch thơ:
Nghìn trùng vách đá dựng nguy nga
Đến đây thi hứng ngập lòng ta
Muôn khoảnh xôn xao xanh sóng lúa
Một bầu mơn mởn biếc cỏ hoa.
Khói mây mờ tỏ che bọt sóng
Cây lá dập dờn lẫn vũng loan.
Cảnh này sao vẽ cho nên được
Trời đất vô cùng thoả mắt ta!
Động Bạch Ác là địa điểm phía nam trong hành lang Chính Đại - Hoàng Cương - Bạch Ác, xưa kia Mã Viện đã chọn làm đường bộ dẫn quân từ Bắc vào Cửu Chân, tránh không qua đường thượng đạo Đồng Giao - Phố Cát (qua đèo Ba Dội) vì đường này kín đáo và dễ hợp với quân đi đường thuỷ qua cửa biển Thần Đầu.
Trong vùng Hoàng Cương (thuộc xã Nga Giáp) có làng Lục Sơn, do lấy tên núi Lục Sơn mà gọi. Trên dãy núi Lục Sơn có động Lục Vân quanh năm mây phủ nên đá núi thẫm màu xanh. Trong động Lục Vân có bức tượng thần bằng đá lớn đặt trên lưng rồng đá, với bốn chữ khắc lớn “Thần Xích Sơn Bi” (bia thần núi đỏ), tương truyền là do Ngô Thì Sĩ người làng Tó, huyện Thanh Oai tạc nên khi ông làm quan Hiến Sát trấn Thanh Hoa thời Lê Cảnh Hưng. Chung quanh vách đá động Lục Vân khắc thơ đề vịnh của nhiều hoàng đế và danh sĩ, trong đó có hai bài thơ của Thiên Nam Động Chủ, một trong hai bài đó là:
Phiên âm:
Đề Lục Vân Động
Lục Vân thâm động bích toàn ngoan
Danh Lợi tràn tiêu vũ trụ khoan
Tịch chiếu khê sơn hoa yểm ái
Xuân phong dương liễu điểu cẩm man
Trường Giang tẩy nhĩ viên tâm tĩnh
U thất huyền yên lộc mộng hàn
Vô tướng hư linh cơ sự thiểu
Hồ trung nhật nguyệt bất thăng nhàn.
Hồng Đức nhị thập ngũ niên tam nguyệt thập thất nhật
Thiên Nam Động Chủ đề
Tạm dịch thơ:
Vịnh động Lục Vân
Chon chon núi biếc ẩn Lục Vân
Vũ trụ mênh mang tẩy lợi trần
Hoàng hôn hoa suối mờ sương núi
Gió xuân cành liễu rộn tiếng chim
Bên sông trong lặng vượn tâm tĩnh
Trong động u huyền hươu miên man
Giữa chốn hư linh, có sự mặc
Trong bầu nhật nguyệt hưởng thân nhàn.
Ngày 17 tháng 3 năm Hồng Đức 25 (1494)
Thiên Nam Động Chủ
Theo sách “Hoàng Việt thi tuyển”, đây là bài thơ xướng của Tao Đàn Nguyên Suý trong cuộc xướng họa giữa Lê Thánh Tông cùng một số “Nhị thập bát tú” tại động Lục Vân vào tháng 3 năm Hồng Đức 25, sau khi vua đi bái yết Sơn lăng ở Lam Kinh trở về. Tuy nhiên bài thơ ghi trong sách này có một vài chữ khác với văn bản soạn giả chép trên thực địa đã nêu trên (chữ cuối câu 3 là “ánh”, hai chữ cuối câu 4 là “gian quan”, chữ thứ hai câu 7 là “thiên”).
Cửa biển Thần Phù là cửa ngõ xứ Thanh theo đường sông biển thời xưa, nay là vùng Eo Hai thuộc các xã Nga Thiện, Nga Giáp, Nga Điền huyện Nga Sơn, có nhiều ngọn núi nhỏ (xưa kia là đảo) nổi lên như Long Ngư, Con Cóc, Con Lợn, Chính Trợ, Mai An Tiêm... quanh năm dầm chân dưới vùng đất trũng. Xa xưa, đây là cửa biển đầy sóng gió, hiểm nguy còn in đậm nỗi kinh hoàng cho những ai đi thuyền qua đó:
“Lênh đênh qua cửa Thần Phù, khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Tương truyền, một lần vua Lê Thánh Tông du thuyền qua Thần Đầu thấy ngọn núi cao ngất đã lấy ngón tay viết trong không trung về phía đầu núi ấy chữ “Thần”. Sau này cụ Nguyễn Nghiễm (1707-1775) thân phụ Nguyễn Du (1765-1820) đến đây thấy mái đá đầu núi ấy có chữ “Thần” hiện lên mờ mờ bèn tô lại và sai thợ khắc rõ (đến nay ở núi đá dựng đứng ấy vẫn có chữ “Thần” (Hán tự) rất lớn, cách mặt đất chừng 30 mét. Từ đó cửa biển Thần Đầu đổi tên là Thần Phù.
Tháng 11 năm Canh Dần (1470), vua Lê Thánh Tông dẫn đại quân đi đánh giặc Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi phương Nam, khi qua cửa biển Thần Phù, đứng trên thuyền quân vua cảm tác bài thơ chữ Hán “Quá Thần Phù hải khẩu thi”:
Phiên âm:
Quá Thần Phù hải khẩu thi
Xuyên vân đảo tự nhất điền vu,
Trực giá chinh diêu tác viễn du.
Địa tuấn giang đà thông thượng quốc
Thiên tướng chỉ trục chướng hoành lưu.
Hồ vương uổng tải điền a thạch
La Viện khinh thừa áp lãng chu
Thử khứ hải môn tam thập cửu
Kê trình hạ nhật đáo ô châu.
Tạm dịch thơ:
Qua cửa biển Thần Phù
Biển hẹp đảo nhỏ, vượt xuyên mây
Viễn du thuyền nhẹ xuất chinh ngay.
Đất vạch sông ngòi thông thượng quốc
Trời mang chỉ trụ cản dòng trôi.
Hồ vương lấp đá bao công uổng,
La Viện đè sóng giúp thuyền bay
Ba chín dặm xa ngoài cửa biển
Châu Ô(3) đến đó hỏi bao ngày?
Thi nhân đã vẽ thực cảnh Thần Phù lúc ấy không còn sóng gió dữ dội như thời xa xưa, cửa biển này chỉ còn là một eo "biển hẹp” như “một cái bồn tắm” (Nhất điều vu), tiếp đến bãi phù sa rộng 39 dặm là biển cả, đâu còn nối thông mà gây sóng dữ? Trong eo biển bấy giờ có nhiều đảo nhỏ (đảo tự) có lẽ đó là các hòn núi Song Ngư, Con Cóc, Chính Trợ... ngày nay. Nhưng bài thơ đã gợi lại sự dữ dội sóng gió nơi này qua các điển tích “Hồ Vương lấp đá” và “La Viện cưỡi thuyền đè sóng”.
Huyền thoại vùng Nga Sơn kể rằng, cổ xưa vua Hùng đi kinh lí đất phương Nam, khi thuyền ngự đến cửa biển này thì sóng gió dữ dội không thể tiến được. May nhờ có đạo sĩ La Viện cưỡi một chiếc thuyền con vượt sóng đi trước đè sóng dữ xuống để thuyền rồng lướt theo. Khi thuyền vua trở về qua đây, biết tin La Viện đã qua đời, vua Hùng bèn phong ông là “Áp lãng Chân Nhân” (Thần trấn sóng) và cho dân lập miếu thờ dưới chân núi Nam Khiêu (chân núi Đường Trèo). Một điển tích lịch sử về Hồ Quý Ly (Hồ Vương) lấp đá kể rằng: Khi giặc Minh dùng chiến thuyền chở đại quân tiến vào kinh đô nhà Hồ là thành Tây Giai (ở Vĩnh Lộc ), vua nhà Hồ đã sai quân sĩ lấy đá núi Tam Điệp lấp Lẫm Cảng (do sông Vân Sàng tạo ra, thuộc đất Ninh Bình ngày nay) để ngăn thuyền giặc. Cho dù cuộc kháng Minh của Hồ Vương cuối cùng đã thất bại, nhưng Hồ Quý Ly vẫn xứng bậc anh hùng!
Dọc theo sông Mã có rất nhiều phong cảnh kì thú, trước tiên phải kể đến ngã ba sông Chu và sông Mã là Ngã Ba Giàng. Ngã Ba Giàng trời nước mênh mông lồng bóng núi. Cụ Ngô Thì Sỹ (1726-1780) khi làm quan Hiến sát xứ Thanh Hoa đã phát hiện mười cảnh đẹp khi đứng ngắm cảnh sông nước tại “Quan Lan Sào” (Tổ xem sóng) ở núi Bàn A (tức núi Đại Khánh, tục gọi núi Vồm thuộc xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa ở nam bờ sông Chu). Cụ đã làm thơ vịnh “Bàn A thập cảnh” khắc vào đá núi, tao nhân mặc khách nhiều người từng đến đây và họa lại thơ cụ. Trước Ngô Thì Sĩ khoảng 300 năm, một lần về thăm viếng đất tổ Lam Sơn, thuyền rồng vua Lê Thánh Tông đã nghỉ ở Bến Giàng. Xúc cảnh sông nước nơi đây Thiên Nam Động Chủ đã làm bài thơ Nôm “Tam Kì Giang” (Ngã ba sông):
Dòng tuôn ba ngã lạ lùng sao
Bát ngát đòi xem mặt Bích Đào...
(mất 2 câu)
Cá ăn mặt nước tan vầng thỏ
Triều rẽ đầu non lụt bóng giao (giao long)
Xảy thấy một nguồn trong thuở ấy
Dường như Ngư Phủ lạc vườn đào
Theo Hồng Đức Quốc âm thi tập
Từ Ngã Ba Giàng xuôi dòng sông Mã không xa đến bến Ngu Giang (cũng gọi là Bến Tuần Ngu) trước mặt làng cổ Đông Sơn trên hữu ngạn, đó là Bến Hàm Rồng. Dãy núi Đông Sơn (còn gọi là núi Trướng) 99 ngọn ở bờ nam sông Mã từ mạch Bàn A, uyển chuyển như một con rồng rồi đột khởi thành ngọn Đầu Rồng làm chỗ dựa vững chắc cho làng Đông Sơn tối cổ, ôm trong lòng đất di chỉ văn hóa đồng thau rực rỡ. Bên trái núi Đầu Rồng có động Long Quang gần mặt sông, trước động có một hòn đá lớn rìa sông nhô lên như hàm con rồng ngậm ngọc nên núi này mang tên gọi núi Hàm Rồng. Động Long Quang đôi khi được gọi là động Hàm Rồng hoặc bằng tên khác theo tên núi như Da Sơn (núi Dừa) như cách gọi của ông Phan Huy Ích, con rể cụ Ngô Thì Sĩ, hay động Long Đại như cách gọi của cụ Nguyễn Trãi... Nhưng tên phổ biến nhất vẫn là động Long Quang (động mắt rồng), bởi do động có hai lỗ thông hai bên như hai con mắt rồng mở, một mắt nhìn sang ngọn núi Châu Phong (núi Nít) bên bờ Bắc, một mắt nhìn hướng núi Kim Lân (núi Mật) bên bờ Nam sông Mã. Trên vách động Long Quang hiện còn thấy mấy bài thơ khắc đá của vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông (1497-1504). Lời tựa và bài thơ của Lê Thánh Tông làm năm 1476 trong dịp về viếng lăng miếu ở Lam Kinh, sau đây là bài thơ:
Phiên âm:
Đề Long Quang động
Thuý vi hữu địa khả bồi hồi
Vọng viễn đang cao vũ trụ khôi
Khước nhạ cáo thành phong ngọc kiểm
Thù phi thất lộ nhập Thiên Thai
Nhàn vân mãn địa vô nhân tảo
Hư thất làng tiêu trấn nhật khai
Yểu điệu giản cùng lâm tẩu ngoại
Đặc yêu hoàng ốc thúy hoa lai.
Hồng Đức thất niên
Thiên Nam Động Chủ đề
Tạm dịch thơ:
Đề động Long Quang
Xanh biếc sườn non luống bồi hồi
Lên núi trông xa tỏ khắp nơi
Cũng lạ viếng lăng phong ngọc kiểm
Nào ngờ lạc lối đến Thiên Thai
Mây buông ngập lối không người quét
Động trống mù sương hãm nắng soi
Rừng xen khe suối xa uốn lượn
Riêng mời khách quý đến thăm chơi.
Hồng Đức năm thứ 7 (1476)
Thiên Nam Động Chủ
Núi Kim Lân (còn gọi là núi Kì Lân) mà mắt rồng hướng tới nói ở trên là núi Mật, thuộc xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn xưa, nay thuộc thành phố Thanh Hóa. Nếu đi thuyền trên sông nhà Lê mà nhìn núi Mật thì ngọn núi này có hình như một người thiếu nữ đẹp, nên gọi là núi Ngọc Nữ, kề đó có một khối đá nhỏ như đứa trẻ đứng hầu chắp tay gọi là Kim Đồng, do vậy cả núi Mật là núi Kim Đồng Ngọc Nữ. Một lần ngự thuyền về phương Nam trên sông Lê, ngắm nhìn núi Ngọc Nữ, vua Lê Thánh Tông đã cảm hứng làm bài thơ Nôm, bài thơ được sai khắc vào vách đá, đến thời Nguyễn Thành Thái (1889-1907) quan tổng đốc Vương Duy Trinh đã chép vào sách “Thanh Hóa kỉ thắng” của ông. Phiên âm bài thơ đó như sau:
Tòa núi ai đem đặt giữa đồng
Vẽ hình thiếu nữ đứng mà trông
Pha pha da đá pha mầu phấn
Phây phẩy mưa xuân trút bụi hồng
Sớm ngắm gương ô soi dưới nước
Tối cài lược thỏ chải trên không
Xuân thu ướm hỏi bao nhiêu tá?
Trinh tiết bền gan chẳng lấy chồng.
Cách thành phố khoảng 40 km về phía Tây Bắc, tại huyện Vĩnh Lộc, trên dãy núi Xuân Đài soi bóng xuống dòng sông Mã trong xanh có động Hồ Công được vua Lê Thánh Tông cho là “An Nam tam thập lục động vị đệ nhất động dã” (nước Nam ta có 36 động đẹp nhất là động này). Tương truyền có vị tiên là Hồ Công Long từ núi Hoa Dương Trung Quốc chuyên bán thuốc cứu người ở một chợ dưới chân núi vào thời xa xưa. Ông có một quả bầu đeo sau lưng, quả bầu là một thế giới riêng, ở bên trong có thiên nhiên, trăng sao đẹp đẽ và hoa trái bốn mùa. Cứ tan chợ là ông lại lên núi và thu mình vào trong quả bầu để nghỉ ngơi. Có người coi chợ là Phí Trường Phòng thường đi theo ông xem bán thuốc. Một lần Hồ Công Long dùng phép thuật cho Phí Trường Phòng chui vào quả bầu thần tiên ấy, anh ta rất mê. Về sau anh ta lại được Hồ Công Long ban cho một chiếc gậy trúc có thể biến thành rồng bay được. Rồi cả hai người cưỡi rồng đó bay về phương Nam. Đến địa phận núi Xuân Đài, thấy cảnh sơn thuỷ hữu tình họ bèn hạ xuống, chọn động núi ở đây làm nơi tu luyện. Do vậy về sau động núi Xuân Đài có tên là động Hồ Công. Trong động ngày nay có hai pho tượng đá như hai vị tiên rất sống động, người đời cho rằng đó là tượng Hồ Công và Phí Trường Phòng.
Vào một mùa xuân về Lam Kinh viếng sơn lăng tổ tiên, vua Lê Thánh Tông đã đến Xuân Đài và động Hồ Công du lãm. Bài thơ của ông còn lưu bút trên vách động:
Phiên âm:
Đề Hồ Công Động
Thần trường quỷ tạc vạn trùng san
Hư thất cao song vũ trụ khoan
Thế thượng công danh đô thị mộng
Hồ trung nhật nguyệt bất thăng nhàn
Hoa dương long hóa huyền châu trụy
Bích lạc truyền lưu bạch ngọc hàn
Ngã dục thừa phong lăng tuyệt đỉnh
Vọng cùng vân hải nguyệt vô gian.
Thiên Nam Động Chủ đề
Tạm dịch thơ:
Động Hồ Công
Quỷ thần khéo tạc vạn trùng non
Cửa động rộng cao ngút mắt trông
Cuộc thế công danh âu mộng tưởng
Trong bầu nhật nguyệt thú an nhàn
Núi thẫm huyền châu rồng hoa hóa
Suối trong bạch ngọc ngọc bích tan
Muốn cưỡi gió lên cùng đỉnh núi
Ngắm nhìn mây biển lẫn trăng ngàn.
Thiên Nam Động Chủ đề
Nếu Thần Phù là cửa ngõ phía bắc xứ Thanh theo đường thuỷ thì cửa Bạng (cửa sông Bạng thuộc xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia) là cửa ngõ đường thuỷ phía Nam. Từ cửa Bạng, thuyền bè có thể vào xứ Nghệ rồi vào phía Nam theo đường biển hoặc đường sông. Cửa Bạng là nơi có nhiều danh thắng nhân tạo và thiên tạo như đảo Hòn Mê, đảo Biện, đền thờ Tô Hiến Thành thời Lý… Năm 1470, khi dẫn đại quân đi đánh giặc Chiêm Thành, thuyền rồng vua Lê Thánh Tông đậu ở kênh Trầm nối với cửa Bạng, thấy phong cảnh kì thú nơi đây và thấy cửa sông có nhiều thuyền bè tấp nập, nhà vua đã tức cảnh mấy vần thơ Nôm:
Đồn rằng huyện Ngọc có kênh Trầm
Tuy hẹp mà vui hết cả năm
Gò nổi lưng trâu cây lấp xấp
Bãi chìa lưỡi bạc sóng lăn tăn
Chan chan thuyền khách sào chưa nhổ
Sình sịch chài ai lái vẫn cầm…
Chưa có thể bằng mấy trang viết mà nêu hết được những bài thơ vịnh cảnh danh thắng xứ Thanh của vị Tao Đàn nguyên suý. Bài viết này chỉ mới lần theo dấu chân ông ghi lại mấy vần thơ lưu bút của ông. Các bài dịch thơ chỉ có thể xem như là những phác thảo, chỉ mới nêu được cái ý của bài nguyên Hán thi và cố gắng dịch cho đúng niêm luật. Rất mong độc giả lượng thứ cho sự kém cỏi của người viết và mong được xem bài dịch thực là thơ.
Đông Sơn, tháng 1 năm 2019
T.H
(1), (2): Theo “Trùng tu Huy Văn điện Dục Khánh tư bi kí” tại chùa Huy Văn ở ngõ Văn Chương, tp Hà Nội. Ở đây Huệ Phi là Lê Nhật Lệ con gái quan đại đô đốc Lê Ngân, vì việc thờ phật Quan Âm trong nhà, bà bị giáng làm Tu dung và cha bà bị giết (Tháng chạp năm Đinh Tị 1437). Bà Ngô Thị Ngọc Dao do bị vạ lây mà bị đưa ra khỏi cung cấm, nhờ vợ chồng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ che chở được ở chùa Huy Văn.
(3): Châu Ô là đất của nước Chiêm Thành ở vào địa phận tỉnh Quảng Trị ngày nay đã được Trần Anh Tông nhập vào bản đồ Đại Việt năm 1307. Phía Bắc Châu Ô cũng là đất Chiêm Thành gồm các châu Địa Lí, Ma Linh, Bố Chính (thuộc Quảng Bình ngày nay) cũng nhập vào bản đồ nước ta từ đời Lý Thánh Tông (1069). Ở đây Lê Thánh Tông muốn nói đến Chiêm Thành và có chí noi gương các triều xưa mở rộng biên cõi.