Thác Muốn là tên gọi của cả hệ thống thác nước trong rừng núi phía Tây Nam của xã Điền Quang, huyện Bá Thước. Vì bắt nguồn từ phễu nước (hay thung lũng tích tụ nước) ở trên đỉnh núi Muốn (với độ cao 300m) rồi đổ xuống theo địa hình dốc thoải cho đến tận chân núi nên người địa phương chỉ quen gọi cái tên bình dị mà thân thuộc là thác Muốn mà thôi.
“Muốn” là từ Việt - Mường. Song, khi tìm hiểu tại sao lại có tên là “Muốn” (như núi Muốn, chòm Muốn và thác Muốn) thì một số bà con người Mường ở địa phương đã lý giải một cách nôm na mà thú vị vô cùng, đó là vì “muốn có cái tình yêu giữa nam và nữ mà thôi”. Và đây chính là ước muốn phồn thực mà con người luôn vươn tới như một lẽ sống. Nếu cứ theo cách giải thích trên thì cái tên “Thác Muốn” lại càng trở nên ý nghĩa, vì ở giữa một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hấp dẫn này, tình yêu con người, tình yêu lứa đôi bao giờ cũng trỗi dậy một cách mãnh liệt và nồng cháy... Cũng chính vì lẽ đó mà gần đây, những du khách từ nơi khác đến đã đặt tên mới cho thác Muốn thành thác Mơ, rồi dần dần từ thác Mơ cũng quen dần trong tình cảm và trí nhớ của mọi người vậy.
Về địa dư hành chính thì khu vực thác Muốn - Điền Quang xưa kia thuộc Mường Khô - một mường lớn ở sát cạnh Mường Ống (Úng) và Mường Ai là một trong các mường rất lớn và cổ ở huyện Bá Thước.
Nhìn trên bản đồ hành chính của huyện Bá Thước, chúng ta thấy xã Điền Quang giáp ranh với các xã Điền Lư, Ái Thượng, Văn Nho, Điền Thượng và Điền Hạ. Đây chính là vùng đất thuộc Mường Khô cổ. Nơi đây là địa bàn cư trú lâu đời của người Mường - Việt. Phía Tây dãy núi Muốn là khu vực Văn Nho, Thiết Ống của Mường Ống xưa. Xung quanh đây, từ Điền Quang, Điền Lư, Điền Hạ, Điền Thượng đến Ái Thượng, Lâm Sa, đến Cành Nàng, Thiết Ống của Lỗi Giang xưa đều là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn thời “nằm gai nếm mật” hồi đầu thế kỷ XV, sau đó là địa bàn hoạt động của cuộc khởi nghĩa Lê Duy Mật hồi thế kỷ XVIII, rồi tiếp đến là địa bàn hoạt động của Hà Văn Mao, Tống Duy Tân thời Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX.
Từ thác Muốn - Điền Quang ra phố Điền Lư (chỗ Chiềng Lẫm và Triu Cao) - thủ phủ của dòng lang đạo họ Hà nổi tiếng thời cuối Lê và Nguyễn chỉ chừng 4-5 cây số. Từ phố Điền Lư đi phố Cẩm Thủy chừng 30 cây số và từ Cẩm Thủy về thành phố Thanh Hóa là 70 cây số. Như vậy, từ thành phố Thanh Hóa đến thác Muốn, Điền Quang khoảng 105 cây số. Hiện nay, đường xá đã được nâng cấp và đổ nhựa, nên bằng các phương tiện ô tô, xe máy, chúng ta có thể đến đây một cách dễ dàng.
Tuy ở vùng rừng núi miền Tây xứ Thanh nhưng từ thác Muốn, Điền Quang đến với tỉnh Hòa Bình chỉ vài chục cây số và đến thủ đô Hà Nội cũng chưa đến 100 cây số nếu đi theo đường Hồ Chí Minh. Và từ đây, ra Quốc lộ 45, chúng ta lại đến được Hồi Xuân - Quan Hóa chỉ 40 cây số, rồi từ đó đến biên giới Việt - Lào cũng chẳng bao xa.
Nói chung, đến với vùng thác Muốn, Điền Quang, chúng ta có thể kết hợp để đi được nhiều địa điểm ở miền Tây Thanh Hóa một cách dễ dàng, nhanh chóng. Dù chỉ trong 1 ngày, chúng ta vẫn có thể đi tua du lịch từ thành phố Thanh Hóa - Tây Đô - suối cá thần Cẩm Lương và thác Muốn. Nếu ngủ lại một đêm tại bản Mường chòm Muốn hay một chòm nào đó gần khu vực thác Muốn để nghe âm thanh của rừng núi và thác đổ, rồi sáng mai lại tiếp tục cuộc hành trình đến địa điểm du lịch khác, chúng ta sẽ có cảm giác như được ngủ tại vùng Đà Lạt, Sa Pa mát dịu và mơ mộng vậy...
Thác Muốn và xung quanh khu vực núi rừng của xã Điền Quang từ xưa đã nổi tiếng là vùng đất của lịch sử và huyền thoại.
Theo các nhà sử học thì trong thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vùng Bá Thước nói chung và vùng Mường Ống, Mường Khô nói riêng, đã từng là chiến trường chôn xác giặc Minh. Các địa danh Lô Sơn, Bù Mộng, Bồ Thi Lang, Ba Lẫm, Úng Ải mà sử sách ghi chép (đều là vùng Mường Ống, Mường Khô và Mường Ai) đã từng là nơi mà nghĩa quân Lam Sơn đã đánh địch những đòn chí mạng bằng phương châm “Lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”. Đặc biệt, trận đánh ở đèo Úng Ải (Thiết Ống nay), với cách đánh mai phục và cơ động, nghĩa quân đã buộc địch phải rút lui và tướng Minh là Trần Trí phải một phen kinh hồn, bạt vía, v.v...
Đến thế kỷ XVIII, vùng Mường Khô, Mường Ống, Mường Ai còn là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Cần Vương chống Pháp với các thủ lĩnh Hà Văn Mao và Tống Duy Tân. Đặc biệt, Hà Văn Mao - vị thủ lĩnh nghĩa quân của đất Mường Khô với tài thao lược và chỉ huy quân sự đã nhanh chóng trở thành một trong số những thủ lĩnh xuất chúng của phong trào Cần Vương chống Pháp của tỉnh Thanh Hóa. Chính ông là người trực tiếp chỉ huy nghĩa quân của nhiều huyện xây dựng hệ thống cứ điểm Mã Cao để đề phòng khi căn cứ Ba Đình (ở Nga Sơn) thất thủ. Tại đây (tức hệ thống cứ điểm Mã Cao), Hà Văn Mao đã chỉ huy nghĩa quân chống lại sự tấn công của thực dân Pháp một cách rất kiên cường, quả cảm. Trong suốt cuộc đời chiến đấu chống lại sự xâm lược cho đến lúc hy sinh, Hà Văn Mao luôn trở thành biểu tượng ngời sáng của tinh thần yêu nước nồng nàn mà người Mường Khô - Bá Thước và cả xứ Thanh đều mãi mãi kính phục và tự hào khôn xiết.
Giờ đây, đã qua rồi hơn một thế kỷ, người Mường Khô của cả đất Hồ Điền (gồm Điền Quang, Điền Hạ, Điền Thượng và Điền Lư) từ già đến trẻ lúc nào cũng nói về chuyện Cai Mao như một thần tượng anh hùng đầy sức mạnh. Nếu dừng lại nghỉ đêm tại một bản gần thác Muốn, những câu chuyện về Cai Mao sẽ làm du khách càng thêm yêu quý vùng đất của thắng cảnh Mường Khô này...
Hệ thống thác Muốn xã Điền Quang, huyện Bá Thước nằm gọn trong khu vực rừng núi đá mà các nhà địa lý gọi là “rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh trên núi đá vôi”. Đây là loại rừng độc đáo với nhiều loại cây không thấy ở các rừng phát triển trên các loại đá mẹ khác. Địa hình núi đá vôi ở đây cũng bị chia cắt rất mạnh đã tạo ra các hiện tượng phổ biến như:
- Các thung lũng rất hẹp và kéo dài, ngắt quãng bởi các quèn, các khe lạch cùng các giếng cacxtơ, vì vậy mà có lớp đất dốc tụ dày, giàu mùn và chậm thoát nước sau những trận mưa lớn.
- Sườn dốc với lớp đất thường không liên tục nhưng thoát nước tốt.
- Đỉnh và các đường phân thủy (tức dông) rất hẹp, chiều rộng chỉ vài ba mét.
Đặc trưng ở các thung lũng vùng rừng núi đá vôi này là quần xã rừng với cây cà lồ chiếm ưu thế, xen lẫn thấy có các cây nhội, cây sấu có thể chịu ngập úng tới vài ba ngày; ngoài ra còn thấy có cả quần xã chò chỉ, chò xanh mọc rất nhiều trong tầng nhô. Còn trong tầng cây gỗ nhỏ, thỉnh thoảng lại gặp cả cây vàng anh và nang trứng, v.v...
Ở trên sườn núi dốc xung quanh khu vực thác Muốn và trên các đỉnh núi đá có rất nhiều loại cây như nghiến, đinh, lát hoa, sâng, dẻ, sồi, re, mang cát, lòng mang, vải guốc, chò ram, thàu mát, dâu da xoan, v.v... Nói chung, chất lượng của các loại gỗ ở vùng rừng núi đá này thường cứng và tốt hơn so với các loại gỗ ở rừng núi đất.
Quan sát kỹ, chúng ta thấy rừng và núi ở đây còn có rất nhiều loại bì sinh như dương xỉ, phong lan, song mây, hoàng đằng cùng rất nhiều loại cây khác như mạch môn đông, vạn niên thanh, hay cây lá nón và chân chim, v.v... Có thể nói, rừng núi đá trong khu vực thác Muốn và xung quanh đây còn khá tốt và rất phong phú về chủng loài. Chính rừng và núi đá đã tạo ra cho nơi đây một cảnh quan sinh thái thật hấp dẫn và sinh động.
Với sự tấn công của con người, rừng núi ở nhiều nơi đã bị tàn phá đến mức báo động, nhưng ở đây, thật rất may mắn, thảm thực vật vẫn còn giăng phủ kín các núi và thung lũng như cánh rừng đại ngàn. Suốt cả một không gian rất rộng tới hàng trăm, hàng ngàn héc ta, rừng núi đá xung quanh khu vực thác Muốn chính là rừng phòng hộ đang được bảo vệ nghiêm ngặt như rừng cấm quốc gia. Chính nhờ đó mà hệ thống thác Muốn vẫn hoạt động đều đều suốt mùa này sang mùa khác.
Đến với thác Muốn, chúng ta không những được đến với một cánh rừng đá vôi còn “khá nguyên sơ” mà còn được đến với một vùng Mường đầy cảnh quan hấp dẫn khác như các ngôi nhà sàn tỏa khói lam chiều, rồi các dòng suối và ruộng bậc thang, hay cảnh những đàn trâu gõ mõ đang gặm cỏ ven rừng, rồi cảnh chị em phụ nữ với sắc màu thổ cẩm sinh động đang thấp thoáng trên nương, trên ruộng và suối nước trong, v.v... Tất cả tạo nên bức tranh sơn thủy hài hòa, sinh động và có sức gợi cảm đến mức khó có thể tả hết.
Chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc hành trình từ dưới chân thác lên đỉnh thác - một khoảng cách chỉ hơn 1km, nhưng để vượt lên hơn 40 tầng thác lớn nhỏ một cách quanh co và không mấy dễ dàng, người leo khỏe cũng mất trên 1 giờ, còn vừa leo, vừa nghỉ thì phải mất 2 giờ và hơn thế nữa.
Từ trụ sở UBND xã Điền Quang đến khu vực chân thác Muốn thuộc địa bàn chòm Mười chỉ độ hơn 1km, chúng ta để xe ô tô tại mấy nhà sàn rồi đi bộ theo suối Muốn để lên hoặc từ trụ sở UBND đi theo đường Thanh Niên mới làm chỉ xa hơn đôi chút. Suối Muốn là địa điểm tiếp nhận nước ở các khe và thác xuống. Từ đây, lượn vòng vài kilômét, suối sẽ đổ ra sông Đại Lạn để hợp về sông Mã.
Để leo trèo và vượt lên tất cả mọi tầng thác, có thể đi bằng dép nhưng theo kinh nghiệm của người địa phương thì đi chân đất là tốt nhất. Rất may là đường lên thác rất nhẵn chắc và không có cạnh sắc nên đi chân đất mà không thấy đau và chỉ trong chốc lát là quen chân liền.
Theo dòng suối Muốn, lúc thì đi trên nước, lúc thì đi trên cạn và cứ theo đường nước chảy mà lên dần, có chỗ thì bằng phẳng, chỗ mấp mô, lồi, lõm và quanh co. Tuy không dễ dàng như đi trên đường, hoặc lên một cái dốc đều đều nhưng nhờ các tầng thác đã khá ổn định và hai bên lại có vách núi hoặc cây để bám, nên dù chỗ dốc đứng, hoặc chỗ lồi, lõm quanh co, bất kể ai cũng đều có thể lên được từ tầng thác này đến tầng thác khác. Có điều đặc biệt là nhờ nước chảy, đá mòn nhẵn mà lại không trơn. Có lẽ vì đó là đá cát kết (giống loại đá mài) nên khi đi trên đá vẫn có độ bám chắc nên không mấy ai trượt ngã.
Về các tầng thác, có chỗ chảy như khe suối, có chỗ thì chảy tràn trên mặt đá, có chỗ thì đổ nước theo các bờ đá thành thác nước cao thấp, rộng hẹp khác nhau. Mỗi tầng thác, cảnh trí và âm thanh nước đổ lại mỗi khác. Có chỗ thì thác đổ rào rào, có chỗ thì chỉ đổ khẽ khàng và róc rách như tiếng suối chảy mà thôi. Tất cả các âm thanh cao, thấp, ầm ào và róc rách của các tầng thác lại có âm hưởng như một bản nhạc tự nhiên rất kỳ diệu làm con người say đắm đến mức quên cả sự mệt nhọc khi leo trèo. Nếu ngồi nghỉ giải lao trên bờ thác, ngoài âm thanh nước đổ, chúng ta còn được nghe cả tiếng chim kêu, vượn hót và nhìn ngắm núi, ngắm rừng, chúng ta còn thấy rất nhiều bụi lan và cây rừng nở đầy các loài hoa đỏ, vàng, xanh, tím.
Đi trên các tầng thác, thấy mỗi chỗ là mỗi hình thù kỳ dị như ta thường thấy trong các hang động. Chỗ nước đổ xuống, hay chỗ nước tràn qua, có chỗ thì như một cái giếng tiên, có chỗ thì như các hòn trống - mái chồng xếp lên nhau, có chỗ lại giống các bậc thềm, tam cấp, có chỗ lại dựng đứng và nhẵn thín như một bức thành rất rộng, v.v... Chỗ thác nước đổ xuống bờ thành thì trắng xóa, còn chỗ thác chảy tràn thì nước trong vắt như pha lê. Đứng gần chỗ thác đổ, bụi nước và hơi nước bay lên như mưa phùn vậy. Trong tán lá của rừng cây, ánh mặt trời chiếu xuống, bụi nước và hơi nước lại như bảy sắc cầu vồng rất huyền ảo.
Cái thú của người trèo thác, nhất là về mùa hè, là mỗi lần lên được một tầng thác, người nào cũng muốn dừng lại một vài phút để chụp ảnh, hoặc rửa mặt mũi, tay chân cho sảng khoái rồi ngắm cảnh thác nước và cảnh núi rừng đại ngàn như cảnh thần tiên vậy.
Ở các tầng thác cao, chúng ta còn có được cảm giác bồng bềnh như là đi trong mây trời xanh ngắt và trắng xóa. Thỉnh thoảng lại có một làn gió mang theo cả mùi thơm dìu dịu của hoa rừng làm ai cũng khoan khoái.
Trên tầng thác cao, chúng ta còn thấy hệ thống dẫn nước từ đây được người địa phương lợi dụng cho chảy vào mương máng tự tạo quanh triền núi để tưới cho hầu hết các thửa ruộng bậc thang trong xã Điền Quang.
Trèo lên đến tầng thác thứ 43 là chúng ta đã trèo lên đến đỉnh núi Muốn với độ cao 300m so với chân núi và từ đây, chúng ta lại thong dong đi bộ để đến thăm chòm Muốn mà một bộ phận cư dân người Mường gồm mấy chục hộ đã đến đây cư trú từ trước 1945. Trên đỉnh núi cao, các mái nhà sàn ẩn hiện trong màu xanh của núi và rừng xung quanh như những nét chấm phá của bức tranh sơn thủy.
Có một điều rất lạ là trên đỉnh cao núi Muốn (với độ cao trên 300m) - điểm khởi nguồn của hệ thống thác Muốn như vừa mô tả lại có một thung lũng nhỏ chỉ vài héc ta mà xung quanh đều có các núi đá bao bọc. Thung lũng này còn được gọi là phễu nước của núi Muốn. Đây là phễu cacxtơ có chức năng tiếp nhận các nguồn nước ngầm từ núi đá chảy ra, từ đó đổ xuống sườn núi từ cao xuống thấp thành nhiều tầng thác liên hoàn, kế tiếp nhau như hình bậc thang rồi trườn mình xuống chân núi để đổ ra suối lớn. Và con đường nước chảy từ đỉnh cao núi Muốn mà phễu nước (tạm gọi là giếng nước cacxtơ) cung cấp ngày, đêm này đến ngày, đêm khác đã tạo thành 43 tầng thác lớn nhỏ và cao thấp khác nhau với chỉ toàn đá - nước và cây rừng trùm kín.
Trên đỉnh núi Muốn, một thung lũng chứa nước (tức phễu nước hay giếng nước cacxtơ) được hình thành tự nhiên và bao quanh toàn núi đá, đó là: núi Kèo Hèo ở phía Đông, núi Kèo Cún ở phía Nam, núi Mốc ở phía Tây và núi Bến Bai ở phía Bắc. Trong các núi này thì núi Kèo Hèo và núi Kèo Cún là địa giới giáp với xã Điền Thượng, còn núi Mốc thì giáp Văn Nho - Thiết Ống và núi Bến Bai thì giáp với xã Ái Thượng.
Hiện tại, trên từng núi đá xung quanh đỉnh núi Muốn và các núi vừa nêu vẫn còn rất nhiều loại gỗ quý đặc chủng như mài lái, kiêng (nghiến), dổi, vàng tâm, rồi lát, lim, v.v... Cây ăn quả có trám, bùi, sung, dâu da, bưởi, tai chua, v.v... Cây làm thuốc thì rất nhiều.
Xưa kia, đây là quê hương của vô số loài muông thú. Hiện tại rừng núi đá ở đây vẫn còn hổ, báo, hươu, nai, lợn rừng, sơn dương, khỉ, vượn, cầy hương, cày cun, cày dông, sóc, nhím và rất nhiều chim, thú khác, v.v...
Ở xung quanh thung lũng nước của chòm Muốn có rất nhiều hang động trong núi đá (có hang ở thấp, có hang ở lưng chừng và có hang lại ở trên cao), trong số đó có 3 hang lớn nhất, gồm:
- Hang Mộng (ở chân núi Kèo Cún)
- Hang Bụt (ở chân núi Bến Bai)
- Hang Bến Bai (ở núi Bến Bai)
Trong các hang này, nhũ đá rũ xuống thành nhiều hình thù kỳ dị. Trong hang có cả dơi, cá, lươn, tôm và cua đá. Nước trong hang trong và không bao giờ cạn, chỗ sâu tới 2m, chỗ cạn thì đến đầu gối. Cả 3 hang đều là những mỏ nước cung cấp đều đặn cho phễu nước cacxtơ chòm Muốn; riêng hang Mộng, một nguồn nước lại chảy về Điền Thượng.
Dưới lòng của các hang động ở xung quanh đây, dân địa phương đã tìm thấy vàng. Theo các nhà địa chất thì khu vực rừng núi đá ở đây chính là nơi có mỏ vàng với trữ lượng đáng kể.
Nếu ngủ lại chòm Muốn một đêm để hưởng cái mát dịu của vùng cao Điền Quang - Bá Thước này chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều cảnh tượng lý thú như nghe hát ru, hát xường và uống rượu cần, rượu siêu để nghe kể sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của dân tộc Mường qua những bài mo dài. Ở đây còn có điệu múa Pồn pôông nổi tiếng bên cây bông. Ngoài ra, chúng ta còn thấy những thợ đi săn thú trong rừng, rồi đi bắt cua đá trong hang đá hoặc trên thác nước. Nếu được thưởng thức món cua đá và uống rượu siêu thì thú vị biết bao...
Ngủ đêm lại chòm Muốn, du khách còn được thưởng thức món cơm lam bằng gạo nếp cẩm rất thơm ngon.
Đi du lịch thác Muốn là được đến với 43 tầng thác lớn, bé và đến với đỉnh núi Muốn - nơi có chòm Muốn mà người Mường cư trú trên độ cao 300m - để rồi nhìn ngắm rừng đại ngàn phủ kín, giăng đầy khắp xung quanh bản làng thân thiết rồi nhớ và yêu mãi mãi.
P.T