Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Nguyễn Huy Kỷ - Văn quan mưu lược và nhân hậu - Nguyễn Huy Miên
Nguyễn Huy Kỷ - Văn quan mưu lược và nhân hậu - Nguyễn Huy Miên

1. Hành trạng của Nguyễn Huy Kỷ
Theo cuốn Long châu phổ ký của dòng họ Nguyễn Huy và Đại Nam liệt truyện chính biên Nguyễn Huy Kỷ (có sách phiên âm là Nguyễn Huy Khởi) tự Hòa Khanh, hiệu Châu Trang và Tiết Trai, biệt hiệu Bút Hương Trai, quê ở xã Yên Vực tổng Từ Minh, nay là phố Yên Vực, phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa. Ông sinh năm Kỷ Mão đời vua Gia Long (1819). Năm 23 tuổi, đời vua Thiệu Trị, ông đỗ Cử nhân trong kì thi Ân khoa năm Tân Sửu.
 Sau đó, ông được bổ làm Tri huyện Gia Lâm, rồi Tri huyện Phú Xuyên. Năm 1848, tức năm Tự Đức nguyên niên, ông được chuyển sang làm Nội các Thị độc, rồi bổ làm Án sát Hưng Hóa. Năm Tự Đức thứ 14, ông được cử làm phó sứ, tuy nhiên lúc đó bên nhà Thanh có loạn nên việc đi sứ tạm dừng, ông được lệnh về kinh nhận công việc mới ở Bộ Lại, giữ chức Trừng thục tư lang trung Thị giảng Học sĩ. Năm 1864, ông được chuyển Bố chánh sứ Nam Định, sau lại được phong Tuần phủ Hưng Hóa, thăng làm Binh bộ Hữu Tham tri sung Tham tán đại thần. Đến năm Tự Đức thứ 33, ông được thăng làm Ninh Thái Tổng đốc.
Trong cuộc đời làm quan của ông, tuy có lúc thăng lúc giáng rồi lưu nhiệm nhưng ông vẫn được tiếng là quan viên tốt “thưởng cho quan viên có tiếng tốt, có công trạng tổng cộng 8 người: Tổng đốc Nam Định Đào Trí, Bố chính Nguyễn Huy Kỷ...”(1). Ông đã lập được nhiều công trạng, được phong sắc là một người mưu lược, mẫn cán nhân hậu. Ông được nhà vua ban tên chữ có bộ ngọc ở bên chữ kỉ với dụng ý là sáng như ngọc (玉 + 己).
2. Trên đường hoạn lộ
Trong khi làm Bố chánh sứ ở tỉnh Nam Định, gặp năm thiên tai mất mùa, dân tình đói khổ, ông đã cùng với Tổng đốc Đào Trí và Án sát Lê Tuấn hết lòng mưu tính chẩn tế cứu đói cho dân. “Trước đây quan tỉnh Nam Định Tổng đốc Đào Trí, Bố chính Nguyễn Huy Kỷ, Án sát Lê Tuấn khuyên dân quyên tiền giúp và phát chẩn được 1400 lạng bạc, 90.500 quan tiền, 2.200 hộc thóc, lập ra xã thương được 94.100 hộc thóc, 1.800 quan tiền, lại sức dân khai khẩn ruộng được hơn 17.000 mẫu(2). Việc tâu lên, vua khen ngợi thưởng cho Đào Trí 1 tấm kim bài có thao rủ... Huy Kỷ và Lê Tuấn mỗi người 1 tấm kim bài có thao rủ khắc chữ “đồng tâm cử chức” (Đồng lòng làm tròn chức vụ), và được gia thưởng 1 cấp. Sai sử quán soạn văn bia giao cho tỉnh Nam Định dựng lên... Bọn Trí dâng sớ từ chối...”(3).
Năm Tự Đức thứ 19, tỉnh Hưng Hóa ở các châu Thủy Vĩ, Văn Bàn, Trấn Yên người Mèo ở trên núi không an phận, họ bị kích động và thường tràn xuống núi cướp bóc làm loạn. Tỉnh thần Hưng Hóa cử Lãnh binh Trần Đức Tráng đem binh đánh dẹp nhiều lần không được. Lúc đó, Nguyễn Huy Kỷ nhận chức vụ Tuần Phủ về lại Hưng Hóa, ông đã đi các nơi xem xét, sau đó dâng tấu về kinh rằng: “Người Mán Mèo là ngu dân ở xa mãi ngoài biên, không có tài nghệ gì khác. Trước nhân vì đói kém mà đi cướp lấy ăn, sau vì chống lại quan quân nên sợ tội chưa dám ra thú phục. Thần đã từng dò thăm, không phải là bọn tụ họp lớn. Nay nếu tới đánh dẹp, thời quân đến họ đi, quân đi họ lại đến. Nếu lấy nhiều cách dỗ bảo, họ tất quay về hàng phục, thảng hoặc có 1-2 tên mờ tối, ngang ngạnh, thời vỗ về những bọn đã quy phục, sai bắt giải tới để lấy thưởng, hoặc chỉ dẫn để vây bắt cũng được, cho dứt mọi nghi ngờ, mà bỏ được cái mầm mống ác đi”.
Lại nói: “Từ trước tới nay, chỉ duy có thổ dân đi lại những nơi châu, huyện, tỉnh lỵ, còn Mán, Mèo không biết gì nên phải tới gần chiêu dụ vỗ về, mới sai bảo họ dễ dàng. Án sát là Nguyễn Di, cùng phó lãnh binh là Vũ Quang Tuyên, trót đã đem binh dõng đến tùy nghi chiêu dụ, tưởng cũng được sớm yên”(4).
Nhà vua phê rằng: “Lũ ngươi nên hết lòng làm cho thỏa đáng cho sớm được ninh thiếp một loạt, để xứng với trách nhiệm đã ủy cho”(5).
Chính vì thế mà “Mán, Mèo tỉnh Hưng Hóa đem nhau về quy phục. Trước đây, Mèo, Mán làm loạn ở các huyện, châu: Thủy Vỹ, Văn Bàn và Trấn Yên. Lãnh binh Trần Đức Tráng, cùng với họ đánh nhau mãi không được lợi, Phủ thần là Nguyễn Huy Kỷ ủy cho Án sát Nguyễn Di và Phó lãnh binh Vũ Quang Tuyên đem binh tới nơi quân thứ chiêu dụ; bọn đầu mục Mán ấy 20 tên tới trước quan xin thú tội và phục tùng. Việc đến tai vua. Vua cho là đánh được Mán ấy không khó, mà vỗ yên được mới là khó; quan quân dẫu không có sự trạng đánh dẹp, mà chiêu dụ vỗ về được việc, có việc không đánh mà khuất được người như thế, đều gia thưởng hậu cho Nguyễn Huy Kỷ gia thăng một cấp...”(6).
Miền Tây Bắc rộng lớn, địa hình lại không thuận lợi, dân cư chậm tiến, quân lưu khấu phần nhiều thường dòm ngó. Tàn quân Thái Bình Thiên Quốc bị nhà Thanh đánh dẹp chạy sang nước ta. Quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc, cờ vàng của Hoàng Sùng Anh, Hoàng Tàu Hưng họp nhau đánh phố Bảo Thắng và quấy nhiễu suốt một vùng biên ải, quan quân đánh mãi không được. Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Huy Kỷ đã đi chiêu dụ và thu phục được quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc. Sau khi quy phục Lưu Vĩnh Phúc được phong làm Phó lãnh binh đem quan bản bộ đánh Hoàng Sùng Anh”... đoàn mục Lưu Vĩnh Phúc về nước sợ phải giết, xin ở lại Bảo Thắng làm ăn, sau lại theo quan quân đi đánh giặc, Bố chính Hưng Hóa Nguyễn Huy Kỷ đem việc ấy tâu lên. Vua bảo rằng: “dùng người Man đánh người Man là một việc cần, Vĩnh Phúc vốn thù nhau với Hoàng Anh, nên khéo khích để dùng, nhưng tính chưa thuần khó quen dần, đừng để hi vọng quá nhiều lại thành khó chế ngự”(7).
Sau này, Vĩnh Phúc được phong làm Đề đốc hợp quân với Hoàng Tá Viêm của triều đình chống lại giặc Pháp ở miền Bắc.
Năm Tự Đức 21 do để mất đồn Quang Lang ở Lạng Sơn nên Binh bộ Hữu Tham tri Tham tán Huy Kỷ bị giáng cấp lưu nhiệm. Nhưng đến tháng 10 vua Tự Đức cho rằng trong số các quan thì có Huy Kỷ là hết lòng bày mưu đạt kế để giúp các võ quan tướng soái những chỗ thiếu sót.
Khi dẹp giặc cờ vàng Hoàng Sùng Anh chiếm giữ Trấn Hà ở tỉnh Hưng Hóa và Thập Châu đã khiến cho quân giặc phải ra đầu hàng “giặc Hoàng Anh chiếm giữ Trấn Hà ở tỉnh Hưng Hóa, cậy chỗ bền vững đã lâu năm, đến nay Tuần phủ Nguyễn Huy Kỷ đem toàn bộ quân họ Lưu đánh lấy được...”(8).
Không những chỉ hết lòng lo toan việc nước, Nguyễn Huy Kỷ còn được tiếng là nhân hậu, ông rất đau buồn khi thấy cảnh quân sĩ đổ máu trên chiến trường, nên khi dẹp xong phỉ loạn ông đã dâng tấu về kinh xin được trai tế cho các tử sĩ không có người thân phụng thờ.
Năm Tự Đức thứ 31 mùa xuân tháng giêng, Huy Kỷ đã dâng tấu lên triều đình rằng: “Binh lính nhiều lần đi đánh giặc bị tử trận đã theo lệ cấp tuất rồi. Những tử sĩ không có vợ con xin cho được làm chay và tế một tuần để thỏa vong hồn” và được chuẩn y.
 Qua hành động này của Nguyễn Huy Kỷ, người ta thấy rằng chẳng những là một vị quan hết lòng vì nước, ông còn là một người hiểu đạo lý và biết lo lắng cho dân.
Khi ông làm Tổng đốc Ninh Thái, đồn Điềm Hy ở Lạng Sơn bị vây hãm, đường sứ lại không thông, vua dụ rằng: “tình hình ở Lạng Sơn cần phải dẹp yên, là nơi mà sứ bộ đi qua phải tính bàn trước. Tổng đốc Bắc Ninh là Huy Kỷ trước đã từng ở Lạng Sơn tinh thông tình thế nên phái quan quân đến ngay để đường sứ được yên”(9).
Do lập được nhiều công trạng trong việc dẹp loạn thổ phỉ và thảo khấu ở vùng Thập Châu, Huy Kỷ đã được vua ban cho nhiều đạo sắc phong để nêu gương sáng.
Sau này, ông đam mê đạo phật tự hiệu là Bồ Am giác An Tử. Dân trong hạt coi ông như một vị phật sống.
Khi tuổi già sức yếu, ông xin cáo quan về quê dưỡng bệnh. Tại quê nhà, ông đã cho tu bổ văn chỉ, khuyến khích sự học của cả họ và nhân dân trong làng. Ông rất được mọi người nể trọng.
Năm 1884, ông mất, hiện nay bài vị và chân dung ông được nhân dân phối thờ tại ngôi đền ngã ba sông Tuần (danh xuyên tam kỳ Ngu giang), ngôi đền mà cách đây hơn 1000 năm vua Lý Thái Tổ một lần đi thuyền qua bị mắc cạn phải cầu đến đức thủy thần bản xứ linh thiêng phù trì cho thuyền vượt qua sông. Khi được toại mệnh, Lý Thái Tổ đã cho dân làng xây dựng ngôi đền tại ngã ba sông thờ đức thủy thần làm thành hoàng làng.
Dân trong vùng gọi ông Nguyễn Huy Kỷ là quan thượng bắc. Các con của ông cũng là người có khí tiết. Con trai đầu là Nguyễn Huy Khuê thi đậu Giải Nguyên nhưng không ra làm quan. Con trai thứ là Huy Giản thi đậu Tú tài rồi tham gia phong trào văn thân chống Pháp ở căn cứ Ba Đình, tỉnh Thanh Hóa bị Pháp giết cùng nhiều lãnh tụ Cần Vương khác.
Có thể nói cuộc đời của văn quan Nguyễn Huy Kỷ là một chuỗi sự kiện, tuy là một văn quan nhưng ông lại nhiều lần lập công như một võ quan trong việc bình ổn an ninh ở quan ải. Ông có một câu nói “chiến bất dụng lực nhi dụng mưu” (đánh không cần dùng nhiều sức lực mà dùng mưu lược)(10).
Ông đã để lại nhiều tập thơ bằng chữ Hán và chữ Nôm. Đặc biệt ông còn làm rất nhiều những bài ca huấn để răn dạy con cháu, với lời lẽ mộc mạc, dễ hiểu và thấm nhuần đạo lý. Hiện nay, bài vị của ông được con cháu phụng thờ trong nhà thờ tại quê nhà cùng với nhiều đạo sắc phong do các triều vua ban tặng. Cũng chính vì ông làm quan được nhiều công trạng nên gia đình, cha mẹ, đều được tiếng thơm.
Tập thơ chữ Hán mà ông để lại hiện còn được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm có tựa đề là Thi thảo, ký hiệu VH.239. Tập thơ gồm 58 trang, khổ giấy 20x30cm, chữ viết tay hơi thảo, bên ngoài có tựa đề Thanh Hóa Hoằng Yên Châu Trang cư sĩ Tiết Trai Nguyến Huy Kỷ Hòa Khanh tư thảo.
Tập thơ bao gồm 116 bài thơ, đa phần các bài thơ là những cảm tác của tác giả trong quá trình làm quan, những tình cảm với những bằng hữu chốn quan trường, hay những bài ca về nhân tình thế thái, về cảnh đẹp của non sông đất nước. Đơn cử như bài: 
 

Giang hành

Tiền giang thâu túc vũ
Thiên tuế quải tình huy
Nhất chu thiên địa khoát
Lưỡng ngạn thảo hoa phì
Khách hoán thùy dương độ
Ngư ca bích tiển bi
Sa âu tình tính hạ
Sấn hiểu cận nhân phi.
Dịch thơ:
Đi thuyền trên sông

Bãi trâu mưa phủ thôn mờ
Trời cao rực nắng lửng lơ mây hồng
Chiếc thuyền con giữa mênh mông
Đôi bờ tươi tốt một vùng cỏ hoa
Qua sông bến liễu gọi đò
Tiếng ca ngư phủ câu hò thuyền lên
Chim âu bãi cát bình yên
Tinh mơ đã thấy lượn bên bạn chài.

                (Hoàng Tuấn Phổ dịch)
... tất cả đã làm nên một Thi thảo với đầy đủ những cung bậc, sắc thái của tác giả trên con đường hoạn lộ.
                                                                                         

N.H.M

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tập 7, Nxb. Giáo dục, tr.933.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện tập 4, Nxb Thuận Hóa - Huế, tr.214.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.1184.
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 982.
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.983.
(6) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.992.
(7) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.1238.
(8) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tập 8, Nxb Giáo dục, tr.67.
(9) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tập 8, Nxb Giáo dục, tr.427.
(10) Theo Long Châu Nguyễn Huy tộc phổ bản chữ Hán.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 53
 Hôm nay: 2396
 Tổng số truy cập: 9306364
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa