Vua Thiệu Trị Bắc tuần về thăm quý hương xứ Thanh - Nguyễn Huy Miên
“Ngự chế Bắc tuần thi tập” là tập thơ ghi lại quá trình tuần hành ra miền Bắc của vua Thiệu Trị. Mỗi khi đi qua địa phương, lúc nghỉ ngơi, khi thăm thú phong cảnh, ban ơn cho dân, gặp gỡ quan binh, vua đều có làm thơ ghi lại. Khi đến địa phận Thanh Hóa, nhà vua đã về thăm lại quý hương ở huyện Tống Sơn nơi quê hương phát tích của nhà vua. Tại đây, vua đã thăm hỏi dân tình và ban ơn cho dân, nhân đó có làm thơ để ghi lại. Những bài thơ này thực sự là những tư liệu quý, chúng tôi xin được giới thiệu đến Quý độc giả quan tâm.
Mỗi một địa phương ít nhất vua cũng làm vài bài thơ ghi lại phong cảnh, sự tích địa danh, cảm xúc cá nhân về vùng đất ấy, vì vậy, khi nghiên cứu về địa danh học, địa chí thì nhiều bài thơ của vua Thiệu Trị sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến địa phương. Trên thực tế, mỗi địa phương trước kia đều có bia đá khắc thơ tại di tích mà vua dừng chân nghỉ lại, tuy nhiên, đến ngày nay nhiều bài văn bia trên thực địa hoặc trên các hành cung vì nhiều lí do đã không còn nữa, nhưng có thể căn cứ vào tập thơ này để nghiên cứu phục chế nhiều văn bia bị vỡ, bị sứt trên thực địa hiện còn đến nay. Hơn nữa, khi vua cho khắc các bài thơ này trên bia đá để lưu lại các nơi, thì chính sử triều Nguyễn cũng đã ghi lại. Ngự chế Bắc tuần thi tập xứng đáng là tập nhật ký bằng thơ ghi lại suốt hành trình Bắc tuần của vua Thiệu Trị. Trong bài Biểu dâng sách của đình thần có nêu rõ mục đích của chuyến Bắc tuần lần này của vua Thiệu Trị: “Thánh Tổ Nhân Hoàng đế kế thừa sự nghiệp, sửa sang cơ đồ rực rỡ, kính vâng Bắc tuần, lễ nghĩa ngày càng đầy đủ, trong nước thì yên ổn, bên ngoài thì hòa mục với láng giềng, dân sống nơi nơi đều ca tụng ân trạch như thánh, mùa xuân năm ngoái Hoàng thượng ta noi theo phép cũ, đề cao điển lệ, ngự giá các nơi, giáo hóa rộng khắp, sông núi khắp chín quận tươi đẹp, hoa cỏ mùa xuân càng rực rỡ. Kiểm tra quan lại, thăm nom dân chúng…” [Trích bài biểu dâng sách Ngự chế Bắc tuần thi tập]. Vua Thiệu Trị đã noi theo vua cha, noi theo phép cũ để ngự giá Bắc tuần trải qua các địa phương, vừa để nắm bắt dân tình, xem xét cuộc sống của dân ở các địa phương, thi ân rộng khắp, kiểm tra quan lại.
Theo ghi chép của Đại Nam thực lục, vua Thiệu Trị Bắc tuần vào ngày 22 tháng Giêng năm 1842, ngày 18 tháng 2 đến ở tại Hà Nội. Cờ đi tới đâu cũng xét quan lại, chỉnh binh nhung, làm tốt, gia ơn khắp tới dân chúng. Già trẻ nơi làng mạc thấy bóng cờ đều mừng vui; quan chức các địa phương họp lễ cống đến triều yết. Xét các lệ xưa nay để làm điển lễ, hợp mọi tình trên dưới để tiếp phúc trời. Lần này sứ Thanh vâng mệnh sang đây, trong khi tới, lui, kính cẩn theo lễ độ; sự hòa thuận vui vẻ hợp với tình văn, quốc thể càng thêm tôn, thần dân đều mừng rỡ [Quốc sử quán, 2007, tr. 341].
Ngày nay, không ít địa danh trên đường thiên lí Bắc tuần đã mất hoặc không còn dấu tích, do đó căn cứ vào những thông tin ghi chép trong thơ phần nào có thể phục vụ nghiên cứu các di tích tại địa phương. Do đó, bài viết này nhằm mục đích giới thiệu thơ ngự chế của vua Thiệu Trị viết về Thanh Hóa, bước đầu đánh giá nội dung cơ bản của những bài thơ đối với tỉnh Thanh Hóa thời vua Thiệu Trị. Những ghi chép trong thơ có thể phục vụ cho việc nghiên cứu về những địa danh ở nơi đây và các hành cung mà nhà vua đã dừng nghỉ.
Theo Đại Nam thực lục cho biết: Ngày Canh Dần. Đến hành cung tỉnh Thanh Hoá. Các kỳ lão trong hạt ra bái yết. Vua bảo bộ Hộ rằng : “Hạt này là đất quê hương nhà vua, không kể như hạt khác được”. Sai cấp cho cả kỳ lão rất hậu. Công thần ở Vọng Các là viên Cai cơ hưu trí, Lê Văn Linh (người ở Định Tường, lưu ngụ tại Thanh Hóa) ra lạy yết, vua thưởng cho 3 đồng ngân tiền hạng lớn, 1 đồng ngân tiền Tam đa.
Tại địa phận Thanh Hóa, vua đã làm những bài thơ ngự chế để ghi lại những việc làm của nhà vua ở quê hương. Những bài thơ này được in trong ngự chế Bắc tuần thi tập và Ngự chế thi sơ tập.
山珠途中作 Sơn Chu đồ trung tác (Làm thơ trên đường tới Sơn Chu)
清科行宮停駕 Thanh Khoa hành cung đình giá (Dừng ngựa ở hành cung Thanh Khoa)
清舍行宮駐輦 Thánh Xá hành cung trú liễn (Dừng xe ở hành cung Thanh Xá)
渡玉甲江 Độ Ngọc Giáp giang (Qua sông Ngọc Giáp)
清泰行宮午憩 Thanh Thái hành cung ngọ khế (Nghỉ trưa ở hành cung Thanh Thái)
駕至清省總督尊室俍率藩某武允恭范克宅及文武屬宵副領兵潘松漢土府縣以至耆老數千餘迎鑾拜謁爰命駐蹕施惠用詩紀事 Giá chí Thanh tỉnh Tổng đốc Tôn Thất Lương suất Phiên Mỗ, Võ Sung Cung, Phạm Khắc Trạch cập văn võ thuộc tiêu Phó Lãnh binh Phan Tùng, Hán thổ phủ huyện dĩ chí kì lão sổ thiên dư nghênh loan bái yết, viên mệnh trú tất thi huệ, dụng thi kỉ sự (Xa giá đến tỉnh Thanh Hóa quan Tổng đốc là Tôn Thất Lương dẫn Võ Sung Cung, Phạm Khắc Trạch và quan văn võ, Phó Lãnh binh Phan Tùng, Hán thổ phủ huyện cùng các bô lão hơn nghìn người nghênh đón xa giá, bèn lệnh dừng xe thi ân, dùng thơ để ghi lại việc này)
命駕往貴鄉偶作 Mệnh giá vãng quý hương ngẫu tác (Mệnh cho xa giá đến quý hương bất chợt cảm tác)
抵貴縣清高行宮齋宿詣肇祥城拜見原廟禮成敬述 Để quý huyện Thanh Cao hành cung trai túc nghệ Triệu Tường thành bái kiến nguyên miếu lễ thành kính thuật (Đến nghỉ ở hành cung Thanh Cao của Quý huyện, đến lăng miếu thành Triệu Tường bái lạy, lễ xong kính cẩn thuật lại)
展謁肇祥山長原陵禮成感述 Triển yết Triệu Tường sơn Trường Nguyên lăng lễ thành cảm thuật (Đến thăm lăng miếu Trường Nguyên núi Triệu Tường, lễ xong cảm xúc thuật lại)
宴賚奉直之尊室及公姓貴鄉貴縣員人金幣牛酒有差詩以示之 Yến lãi phụng trực chi Tôn thất cập công tính quý hương quý huyện viên nhân kim bạch ngưu tửu hữu sai, thi dĩ thị chi (Vâng dẫn các vị tôn thất công tính đến cả nhân viên của quý hương quý huyện tiền bạc bò rượu có làm thơ để răn dạy họ)
喜雨 Hỉ vũ (Thích mưa)
雨後氣涼趁晴發 Vũ hậu khí lương sẩn tình phát (Khí mát sau mưa nhân lúc trời tạnh xuất phát )
過三疊山 Quá Tam Điệp sơn (Đi qua núi Tam Điệp)
Cũng theo chính sử nhà Nguyễn ghi chép: vào ngày Quý Tỵ. Vua thân yết Nguyên miếu, rồi đến núi Triệu Tường, vọng bái lăng Trường Nguyên. Sai quan đến tế cáo miếu Trừng quốc công. Việc lễ xong, vua bảo bộ Hộ rằng : “Gia Miêu ngoại trang ở huyện Tống Sơn là quê hương nhà vua, được thấm nhuần giáo hoá và yên ổn đã lâu năm, lần này trẫm ra Bắc tuần, được tới yết Nguyên miếu, hôm nay xa giá đến hành cung Thanh Cao, những người kỳ lão, chức mục ở quý hương đón xe lạy yết, lòng thành khẩn đáng khen. Lại thấy người còn thật thà, tục vẫn thuần hậu, trẫm rất lấy làm khen ngợi, bằng lòng. Nay thưởng cho những người trong Tôn thất, công tính và các kỳ mục ở quý hương : bạc, ngân tiền và đồ mặc, có thứ bậc”.
Vua nhân thấy ngôi đình ở quý hương vẫn còn lợp bằng cỏ tranh, lại cho 500 quan tiền sai sửa lợp lại. Vua lại đem thơ ngự chế, tuyên bảo cho các hoàng thân, đình thần biết và nói rằng : “...Đương lúc vua Chiêu tông nhà Lê bị họ Mạc cướp ngôi, đức Triệu tổ ta có chí hăng hái trừ bạo, yên dân, bắt đầu dựng cờ nghĩa, đón dựng vua Trang tông, kỷ nguyên là Nguyên Hoà, rồi gây nên nghiệp Trung hưng, làm cho ngôi nhà Lê được lâu dài, đều là công của ngài cả. Năm Nguyên Hoà 14 [1546], ngài trở về cõi tiên. Lăng ở núi này, huyệt tại giữa chỗ miệng rồng mở, rước linh cữu đặt yên, bỗng thấy sấm dậy, mưa mau, mọi người sợ chạy tản mác, khi tạnh mưa, mọi người họp lại, thì thấy đá núi tiếp liền, cây cối xanh rậm, tìm ra, không biết mộ ở chỗ nào. Sau đó, trông vào núi mà tế, chỉ thấy chót vót tuyệt vời, hơn hẳn các núi khác, cho nên gọi tên là núi “Thiên Tôn”. Rồi đến đức Thái tổ Gia Dụ hoàng đế ta gây nền ở cõi Nam, mở dựng ra đất nước, liệt thánh nối tiếp, ngày càng thịnh trị. Hoàng thiên yên mến, đốc sinh Hoàng tổ: Thế tổ Cao hoàng đế ta, một bậc thần vũ trời cho, sâu sáng, mưu lược. Đương lúc ấy, chỉ có ruộng 1 thành, quân 1 lữ mà quyết phục thù cho tôn miếu, xã tắc, rửa giận cho quỷ thần, nhân dân, dẹp yên quân giặc, thẳng tiến Long Biên, thống nhất đất đai, gồm cả thiên hạ. Ngài truy tôn đế hiệu cho Triệu tổ ta, đặt tên lăng là Trường Nguyên lăng, dựng miếu Triệu tổ và Thái miếu ở Kinh, lại dựng Nguyên miếu ở đất Bái, để tỏ lòng nhớ tới nguồn gốc từ trước. Năm Minh Mệnh thứ 2 [1821], Hoàng khảo, Thánh tổ Nhân hoàng đế ta, thân yết Nguyên miếu và lăng tổ, kính phong cho núi ấy là núi Triệu Tường, lại sai đắp thành vây giữ Nguyên miếu, cũng cho tên là thành Triệu Tường. Rồi ngài lại thân làm văn bia, khắc vào bia đá để truyền lại muôn đời. Nghĩ tới đức của tổ tiên, cảm mộ sao xiết! Phàm các con cháu ta cần phải ghi nhớ mãi”.
Hôm ấy trời mưa, vua rất mừng, nói: “Lễ thăm yết lăng vừa xong, liền ứng trận mưa quý hoá, mưa này là điềm tốt, là triệu được mùa đó”. Nhân lại thưởng thêm cho quý huyện(*), dụ rằng: “Tống Sơn là đất phát tích, quốc gia ta thánh nối, thần truyền, cơ nghiệp ức vạn năm thực bắt đầu gây dựng ở đấy. Nay trẫm ra Bắc, kính yết Nguyên miếu, vọng bái lăng tổ, nhìn thấy núi sông rạng đẹp, cây cối xanh rườm, lòng luyến mộ không kể sao xiết! Trẫm lúc đầu nối ngôi đã chuẩn cho huyện này: phàm tiền đầu lõi, tiền cước phí về thuế ruộng, thuế thân và hết thảy mọi sai dịch đều được tha hẳn 1 năm, nay lại tha cho 1 năm nữa và thưởng chung cả cho 300 lạng bạc, 100 tấm lụa màu, 10 con trâu và 10 chĩnh rượu. Còn có một toà nhà do dân tự làm ra, trước đây đã thưởng tiền 300 quan, nay lại thưởng thêm cho 300 quan nữa. Ai nấy yên vui hưởng ơn trạch, cùng yên nghiệp làm ăn, để cùng hưởng phúc thái bình”.
Vua lại truyền dụ cho hoàng tử lưu Kinh là Hồng Bảo rằng: “Nay xa giá qua Thanh Hoá, thân thấy ruộng nương tốt đẹp, dân vật đông vui, kỳ lão đón xe lạy yết, đông tới vài nghìn người, đã ban thưởng cho rất hậu, văn, võ, Kinh, Thổ đều được đội ơn. Vả, đất của nước nhà xa từ núi Thiên Tôn, trẫm nhớ đến đức tổ, kính mộ tha thiết, nhân rời thuyền lên bộ, thân đến kính yết Nguyên miếu, vọng bái lăng tổ, trông thấy đền đài nguy nga, miếu mạo nghiêm túc, cây cối xanh tốt, vượng khí bao trùm, lòng tưởng mộ không kể sao xiết. Sau đó, cho triệu một vài người kỳ lão ở cố hương đến thăm hỏi, xét thấy phong tục thuần hậu, làng xóm đông đúc, ta rất lấy làm bằng lòng, bèn cho ân dụ: ban yến rất hậu, gia ơn cho khắp mọi người, để làm rộng thêm mãi cái ơn đời trước” [Quốc sử quán, 2007, tr. 299 -301].
Có thể nói, mục đích của vua Thiệu Trị khi xa giá Bắc tuần và dừng chân ở xứ Thanh. Ngoài việc nghỉ ngơi sau mỗi chặng đường, vua còn muốn dừng lại xem dân tình, ban ơn cho dân, an ủi dân “xét quan lại, chỉnh binh nhung, làm tốt, gia ơn khắp tới dân chúng”. Qua lời Dụ các đình thần của vua Thiệu Trị rằng: “Chuyến này Bắc tuần, khải loan từ đầu mùa xuân, đến nay mùa xuân sắp hết rồi. Tiết Thanh minh đã qua, lễ Hạ hưởng sắp đến, trẫm ngày đêm áy náy, ăn ngủ không yên, nhưng chuyến đi này không phải chuyên về việc bang giao mà thôi, trong đó còn bàn những việc: xét địa phương, xem phong tục, mở điều lợi, trừ điều hại”. Như vậy, việc xét địa phương, xem phong tục, mở điều lợi, trừ điều hại luôn lo lắng đến việc nước mới chính là mục đích cao nhất của chuyến Bắc tuần lần này.
N.H.M
Tài liệu tham khảo:
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch, tập 6, 2007), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Ngự chế Bắc tuần thi tập, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Đà Lạt, ký hiệu H 77.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (2004), Mộc bản triều Nguyễn - Đề mục tổng quan, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
(*) Chỉ huyện Tống Sơn, nơi phát tích của triều Nguyễn