Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Vua Thiệu Trị Về Thăm Quý Hương Xứ Thanh (kỳ cuối) - Nguyễn Huy Miên
Vua Thiệu Trị Về Thăm Quý Hương Xứ Thanh (kỳ cuối) - Nguyễn Huy Miên

1. Mở đầu
Trong bài viết ở kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu về chuyến Bắc tuần của vua Thiệu Trị, khi đi qua vùng đất xứ Thanh. Theo điển lệ nhà vua trở về vùng đất nơi phát tích của vương triều để chiêm bái lăng mộ các liệt tổ liệt tông. Vua Gia Long khi Bắc tuần đến Thanh Hóa đã hạ chiếu lấy vùng đất Gia Miêu ngoại trang (nay là xã Hà Long) làm Quý hương, và vùng đất Tống Sơn (Nay là huyện Hà Trung và một phần thị xã Bỉm Sơn) làm Quý huyện. Trải qua các đời vua từ Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Khải Định... khi ra Bắc đều về thăm quê và chiêm bái lăng miếu.
Trong những ngày vua Thiệu Trị lưu tại địa phận xứ Thanh, ngoài việc thăm lăng miếu của liệt tổ, liệt tông, hỏi han dân tình, nhân đó ban thưởng, miễn các loại thuế cho dân.
Khi khải loan từ kinh đô Huế đến ngày Canh Dần thì đoàn xa giá đến hành cung tỉnh Thanh Hóa. Các kỳ lão trong hạt ra bái yết. Vua bảo bộ Hộ rằng: “Hạt này là đất quê hương nhà vua, không kể như hạt khác được”. Sai cấp cho các kỳ lão rất hậu (Đại Nam thực lục Quốc sử quán, 2007, tr. 298). Tại Thanh Hóa vua đi thăm Nguyên miếu, rồi đến núi Triệu Tường, vọng bái lăng Trường Nguyên. Sai quan đến tế cáo miếu Trừng quốc công. Việc lễ xong, vua bảo bộ Hộ rằng: “Gia Miêu ngoại trang ở huyện Tống Sơn là quê hương nhà vua, được thấm nhuần giáo hóa và yên ổn đã lâu năm, lần này trẫm ra Bắc tuần, được tới yết Nguyên miếu, hôm nay xa giá đến hành cung Thanh Cao, những người kỳ lão, chức mục ở quý hương đón xe lạy yết, lòng thành khẩn đáng khen. Lại thấy người còn thật thà, tục vẫn thuần hậu, trẫm rất lấy làm khen ngợi, bằng lòng. Nay thưởng cho những người trong Tôn thất, công tính và các kỳ mục ở quý hương: bạc, ngân tiền và đồ mặc, có thứ bậc” (Quốc sử quán, 2007, tr. 298).
Khi ngự giá hồi loan từ Hà Nội về kinh, nhà vua cũng ghé ở hành cung Đông An. Quan tỉnh Thanh Hóa, bọn Vũ Doãn Cung, đón yết, nhân xin vua ngự giá đi thăm các động Lục Vân, Bích Đào. (Tục truyền: Từ Thức, người đời Trần, lên tiên ở chỗ ấy). Vua nói: “Không phải là cái thích, hà tất lên xem!”. Liền sai đi tiếp, qua phận sông Hà Trường. Quan tỉnh thấy đường sông này nông, hẹp, đã đốc suất quân dân ra sức khai nạo, lại đắp đập để chứa nước, nên thuyền đi không trở ngại. Vua khen thưởng, cấp ngân tiền cho mọi người có thứ bậc (Quốc sử quán, 2007, tr. 339).
Trong quá trình lưu lại xứ Thanh, nhà vua đã xúc cảm và viết nhiều bài thơ, đến nay vẫn còn lưu lại trong sử sách. Những bài thơ là tâm trạng của nhà vua khi về đến Thanh Hóa.
Những bài thơ viết về Thanh Hóa được in trong quyển 2 sách “Ngự chế Bắc tuần thi tập”. Sách được in năm 1844, theo sách Đại Nam thực lục cho biết: “Tập thơ Ngự chế Bắc tuần khắc xong, ban cấp cho hoàng tử, hoàng thân, các quan văn võ và các quan ở các tỉnh về chầu, cùng phủ Thừa Thiên, trường Quốc tử giám, học chính các tỉnh đều 1 tập”. Theo Mộc bản triều Nguyễn - Đề mục tổng quan thì “Ngự chế Bắc tuần thi tập”, kí hiệu H77/1- 6, gồm 5 quyển, tổng cộng còn 190 tờ bao gồm các kí hiệu sau: H77/1 quyển thủ còn 46 tờ, gồm Biểu, Mục lục; kí hiệu H77/2 quyển 1, còn 29 tờ; kí hiệu H77/3 quyển 2, còn 30 tờ; kí hiệu H77/4 quyển 3, còn 29 tờ, kí hiệu H77/5 quyển 4 còn 28 tờ; kí hiệu H77/6 quyển 5 còn 28 tờ. Sách được các đại thần Hoàng Tế Mỹ, Nguyễn Bá Nghi, Nguyễn Cửu Trường, Lê Bá Đĩnh viết biểu.
2. Giới thiệu nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa thơ ngự chế:
山珠途中作
冷水分疆驩愛州
巉巖峻嶺路當頭
兩旁峭壁擎天立 
一帶長街落地浮 
小堡此中南北鎮 
崇祠按下古今留 
昇平萬宇咸安樂 
無礙行人險阻憂     
Dịch nghĩa:
Làm trên đường tới Sơn Chu
Khe suối lạnh phân chia địa phận châu Hoan châu Ái,
Phải đương đầu với núi cao tiếp núi cao.
Hai bên vách núi cao vút như tới trời,
Con đường dài vô tận mây nổi đầy trên mặt đất.
Lũy nhỏ nơi này trấn phía Nam và phía Bắc,
Dừng lại dưới miếu linh xưa nay vẫn còn đây.
Thôn xóm thanh bình cùng nhau an vui,
Người đi chẳng ngại nỗi lo lắng hiểm trở. (Quyển 2, tờ 16)
清科行宮停駕
背隱高山瞰碧窗 
催聽泉韻石流撞 
午風乍拂逶迤旆 
樹色嵐光翠翠幢     
Dịch nghĩa:
Dừng ngựa ở hành cung Thanh Khoa
Lưng dựa núi cao cúi nhìn qua cửa sổ một màu xanh biếc,
Âm thanh tiếng nước chảy dưới suối như đánh vào trong đá.
Gió trưa chợt thổi qua cờ bay phấp phới,
Khí núi sắc cây chen lẫn với cờ xanh.
            (Quyển 2, tờ 16)

清舍行宮駐輦
山屏路次起芽齋
數椽尋常築土階 
雅淡正堪留輦輅 
不勞兆庶慰予懷     
Dịch nghĩa:
Dừng xe ở hành cung Thanh Xá
Giữa đường núi khởi hành đến nhà cỏ,
Mấy cây rui tầm thường xây trên nền đất.
Cao nhã điềm đạm làm nơi nghỉ ngơi cho đoàn xa giá,
Không để muôn dân vất vả để lòng Trẫm được an ủi
            (Quyển 2, tờ 16-17)

渡玉甲江 
沙洲培曲岸 
海口帖波聲 
極目雖無際 
閒心泛穩舲 
一篙春水長 
千里客途迎 
不待東風力 
高登古渡汀     
Dịch nghĩa:
Qua sông Ngọc Giáp
Bãi cát bồi đắp từng đoạn ven bờ,
Tiếng sóng nơi cửa biển đã yên.
Trông hết tầm mắt chẳng có bị ngăn cách,
Tâm nhàn thư thái thả thuyền chơi.
Dong thuyền đi trong dải sông dài dưới mùa xuân,
Trên đường đón khách phương xa ngàn dặm đến.
Không đợi chờ cho gió đông giúp sức,
Lên cao bến cũ vượt qua sông. 
            (Quyển 2, tờ 17)

清泰行宮午憩
弗寒弗熱適和平 
萬騎千師壯我行 
助順東君多好事 
鵬程一路得安寧     
Dịch nghĩa
Nghỉ trưa ở hành cung Thanh Thái
Chẳng lạnh chẳng nóng thích hợp hòa bình,
Muôn ngựa ngàn quân mạnh mẽ đi cùng.
Có thần mặt trời trợ giúp nhiều việc được thuận lợi,
Một chuyến hành trình dài, trên đường được bình an.
            (Quyển 2, tờ 17)

命駕往貴鄉偶作
餘烈綏安守四方 
當初嗣政省枌鄉 
泛舟登陸行加緊 
閱水觀山妙出常 
暢茂田疇徵歲美 
繁豐村塢覺民康 
風光無限乾坤色 
列聖深仁百世昌     
Dịch nghĩa:
Mệnh cho xa giá đến quý hương chợt cảm tác
Cơ nghiệp còn lưu bốn phương giữ được yên ổn,
Đang vừa mới nối tiếp việc chính sự nhân đó đi thăm lại quê hương.
Thả thuyền lên bộ càng thêm gấp,
Duyệt thủy quân xem thế núi kỳ diệu lạ thường.
Ruộng đồng tươi tốt thịnh vượng năm nào cũng được mùa,
Thôn xóm giàu có cảm giác dân được mạnh khỏe.
Nơi đây cảnh trời đất phong quang vô hạn,
Nhờ lòng nhân từ sâu thẳm của Liệt thánh con cháu muôn đời được tốt đẹp.
            (Quyển 2, tờ 18)

 Tại Hành cung Thanh Cao vua có làm bài thơ:      
抵貴縣清高行宮齋宿
情懷報本省于豐 
一覽風光悅五衷 
草樹霑恩時益茂 
江山鍾秀日增隆 
徘徊感慕天源慶 
繁衍承庥福蔭洪 
薰沐早來瞻謁禮 
舊程何待曜升東     
Dịch nghĩa:
Đến nghỉ ở hành cung Thanh Cao của Quý huyện
Trong lòng muốn báo đáp cội nguồn xem xét ở nơi đây,
Ngắm xem phong cảnh trong lòng vui vẻ.
Cây cối nhờ ơn mưa móc thì càng tươi tốt,
Sông núi linh thiêng tươi đẹp ngày càng thêm thịnh.
Ngưỡng mộ bồi hồi mừng vui báo đáp cội nguồn,
Kế thừa cơ nghiệp tốt đẹp phồn thịnh phúc ấm đầy.
Sớm đến vùng đất thang mộc chiêm bái hành lễ,
Hành trình cũ sao lại đợi đến lúc mặt trời lên ở đằng đông.
            (Quyển 2, tờ 19)

不憩寧遊行宮直抵
安橋登舟濟川回顧
三疊山偶作示駕下
侍從
豈寧遊玩令人倦 
各自思量得所安 
石磴崎嶇秋色面 
篷窗穩妥夏風顏 
備嘗難險方途坦 
在念辛勤等事閒 
戒逸賢勞先甲易 
驕奢富貴守成難     
Dịch nghĩa:
Không nghỉ ở hành cung Ninh Du đi thẳng đến An Kiều lên thuyền vượt sông nhớ về núi Tam Điệp làm bài thơ răn dạy đoàn tùy tùng
Há lẽ nào đi du chơi khiến cho người mệt mỏi,
Các ngươi hãy tự suy nghĩ để được yên lành.
Đường núi gập ghềnh cảnh sắc mùa thu trước mặt,
Ổn thỏa trên thuyền bên rèm cửa tựa như gió mùa hè thổi.
Đủ để thưởng thức nỗi khó khăn hiểm trở trên đường,
Trong lòng suy nghĩ đến sự vất vả gian khó để công việc được nhàn.
Răn dạy lỗi lẫm vì việc công nhọc nhằn vật thịnh rồi suy,
Phú quý kiêu ngạo sa xỉ khó mà giữ được thành quả.
            (Quyển 2, tờ 25)

宴賚奉直之尊室及
公姓貴鄉貴縣員人
金幣牛酒有差詩以
示之 
湯沐耆童集
迎鑾拜舞前
咨詢談雅話 
慰勞肆芳筵 
仁讓成風美 
詩書樂道全 
耕耘閒作息 
歲月得天然     
Dịch nghĩa:
Vâng dẫn các vị tôn thất công tính đến cả nhân viên của quý hương quý huyện tiền bạc bò rượu có làm thơ để răn dạy họ
Đất thang mộc(2) người già trẻ nhỏ tụ tập,
Đón tiếp xa giá bái lạy ca múa trước đoàn.
Hỏi han truyện trò vui tao nhã,
An ủi hỏi han nỗi vất vả bày tiệc rượu.
Lòng nhân nghĩa làm nên phong tục đẹp,
Đạo thi thư lễ nhạc đều vẹn toàn.
Việc cày cấy đã nghỉ lúc nông nhàn,
Năm tháng đi qua cùng được với thiên nhiên.
            (Quyển 2, tờ 22)

喜雨 
禮成省謁駐旌旃 
隨應甘膏普大千 
一陣悠揚噓霧走
萬條灑落織雲穿 
行時且喜逢春霽 
暇日尤欣潤澤田 
不是尋常紅杏雨 
瑞霖天祖錫豐年     
Dịch nghĩa:
Thích mưa
Sau khi lễ xong đến xem xét dừng cờ xí,
Mưa ngọt thuận lợi ứng khắp nơi nơi.
Một trận mưa réo rắt mây mù bay,
Muôn điều là tự nhiên xuyên qua mây.
Lúc đi vui mừng gặp cảnh xuân tạnh ráo,
Ngày nghỉ hân hoan ruộng vườn được tưới tắm.
Chẳng phải điều tầm thường mưa rơi khắp mặt đất,
Mưa báo điềm lành trời ban cho được mùa.
            (Quyển 2, tờ 22)

雨後氣凉趁晴發 
洗塵旄羽嚴皇路 
送爽鑾輿出帝鄉 
薄霧重霄陰霽色 
隙雲半嶺漏嵐光 
好逢晴護風蹄快 
忘却春深里路長 
掃地修篁迎駕過 
斜暉一縱度山岡     
Dịch nghĩa:
Sau mưa khí mát thừa dịp ra đi
Mưa tẩy bụi cờ xí nghiêm trang trên đường vua đi,
Đưa tiễn xe loan rời quê hương.
Mây mỏng trên trời cao cảnh sắc tạnh ráo,
Mây mù nơi khe núi ánh mặt trời chiếu rọi mà sinh ra màu sắc.
Gặp được thời tiết tốt, trời tạnh giúp ngựa đi nhanh,
Lại quên rằng trong cảnh xuân nồng đường còn xa.
Dọn dẹp tu sửa đường xá nghêng đón xa giá đi qua.
Dưới ánh chiều một dải vượt lên núi non.
            (Quyển 2, tờ 24)

過三疊山
當路岑嶔積翠濃 
層層縱步跨虬龍 
不為王屋(3)空留徑 
更作羅浮剩別蹤 
遠迓想逢臨一嶺 
高攀迭出尚重峰 
巑岏分鎮清寧境(4) 
起伏蟠迴妙秀鍾     
Dịch nghĩa:
Qua núi Tam Điệp
Đường núi cao vời sắc núi xanh rờn,
Bước lên từng bước như cưỡi lên lưng rồng.
Chẳng là cao như núi Vương Ốc không có đường đi,
Tiện làm đường ở La Phù(6) dấu vết còn.
Xa trông mong muốn lên tận đỉnh,
Vin theo núi lên cao lại nhiều lần núi cao hơn.
Núi cao phân chia trấn Thanh-Ninh(7),
Núi cao thấp uốn lượn đẹp kỳ diệu, linh khí hội tụ.
            (Quyển 2, tờ 24)
3. Giá trị nội dung qua thơ ngự chế
Như chính sử đã ghi chép, mục đích của vua Thiệu Trị khi xa giá Bắc tuần và dừng chân ở các địa phương đã rõ. Ngoài việc công vụ ra Bắc nhận sách phong, vua còn muốn dừng lại xem dân tình, ban ơn cho dân, an ủi dân tình, xem xét quan lại địa phương “xét quan lại, chỉnh binh nhung, làm tốt, gia ơn khắp tới dân chúng”. Từ đó, vua vui mừng với cuộc sống no đủ, dân cư vui vẻ, thôn xóm giàu có, ruộng đồng tươi tốt. Đọc các bài thơ ở trên, như trong bài thơ “Mệnh giá Quý hương ngẫu tác” vua viết:
Ruộng đồng tươi tốt thịnh vượng năm nào cũng được mùa,
Thôn xóm giàu có cảm giác dân được mạnh khỏe.
Thanh Hóa có nhiều cảnh đẹp, hùng vĩ nên thơ như núi Tam Điệp, sông Ngọc Giáp, đặc biệt là di tích, lăng tẩm của các chúa Nguyễn ở Gia Miêu ngoại trang huyện Tống Sơn. Trong bài “Để quý huyện Thanh Cao hành cung trai túc” vua viết:
Cây cối nhờ ơn mưa móc thì càng tươi tốt,
Sông núi linh thiêng tươi đẹp ngày càng thêm thịnh.
Bên cạnh đó cũng là những bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên, mây núi, phong cảnh, trong bài “Để quý huyện Thanh Cao hành cung trai túc” vua viết:
Trong lòng muốn báo đáp cội nguồn xem xét ở nơi đây,
Ngắm xem phong cảnh trong lòng vui vẻ.
Tóm lại, xuất phát từ đáy lòng của vua Thiệu Trị khi ngự giá qua tỉnh Thanh Hóa đã để lại cho nơi đây những bài thơ mà theo lời tâu của các quan Nội các “làm áng văn lưu truyền muôn đời, giao cho các nơi sở tại đem khắc vào bia lớn, để núi sông càng tươi đẹp, địa hạt thêm vẻ vang mà áng đại văn chương của thánh nhân sẽ cùng với núi cao sông chảy cùng giữ được đến vô cùng”. Đó là cung bậc cảm xúc của người đứng đầu triều Nguyễn, vị vua hay chữ giỏi thơ văn. Bởi theo quan niệm làm thơ của vua thì “thơ văn làm ra đều là những bài chăm chính sự, yêu nhân dân, xét lúc tạnh, tính lúc mưa, hoặc là xúc cảnh nên thơ, làm ra những lời ngâm vịnh như câu “phong mộc”, bài “Lục nga” ngụ tấc lòng mơ tưởng ở trong canh, trên tường, vốn không phải có ý tìm tòi, làm cho đẹp đẽ để cùng với bọn nghệ sĩ, văn nhân đua hơn, so kém; tưởng có hại gì cho việc làm mà cần phải đem nói? Vả, thơ là để nói rõ chí hướng, cốt để đào luyện tính tình cho người ta” (Quốc sử quán, 2007, tr. 285).
                              

 N.H.M

 

(1) Đông quân tức thần mặt trời.
(2) Đất thang mộc: "thang mộc" nghĩa là tắm gội. Đất "thang mộc" là đất thiên tử phong cho các chư hầu, để làm nơi cung đốn việc tắm gội hoặc nơi ăn ngủ trước khi vào chầu. Do đó, đất "thang mộc" cũng dùng để trỏ chung đất quê hương của vua chúa. ở đây đất nhà vua nói đất "thang mộc" ở Thanh Hoá, đất quê hương của nhà Nguyễn.
(3) 王屋山,位于济源市,是中国古代的名山,也是中国古代著名人物——愚公的故乡,《愚公移山》的故事就发生在这里。Núi Vương Ốc nằm ở thành phố Tế Nguyên, là núi nổi tiếng của Trung Quốc xưa, cũng là quê hương của Ngu Công, một nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại. Ngu công dời núi là câu truyện xuất phát từ nơi này. Ở đây nhà vua muốn nói đến ngọn núi ở Tam Điệp sánh ngang với núi Vương Ốc.
(4)  Theo tư liệu văn bia dựng tại thực địa có chú thích: ở phía trước bia là tỉnh Thanh Hóa, sau bia là tỉnh Ninh Bình, ở giữa là địa giới phân chia. 省前為清省後為寧平省中分界限. 紹治二年十二月吉日. 御製詩一首. Bia đề ngày tốt tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842).
(5) Bài văn bia này trước kia thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình, sau này khi chia rõ địa phận hai tỉnh thì tấm bia này lại thuộc địa phận Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, theo chú thích trên văn bia, bài thơ này cũng là nơi địa giới để phân chia hai tỉnh Thanh - Ninh..
(6) La Phù  thuộc xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
(7) Chỉ địa giới phân chia Thanh Hóa và Ninh Bình.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch quyển 6, 2007), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản chữ Hán, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (bản dịch, tập VII 2005), Nxb Thuận Hóa, Huế.
Ngự chế Bắc tuần thi tập, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Đà Lạt, ký hiệu H 77.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (2004), Mộc bản triều Nguyễn - Đề mục tổng quan, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
                                                                                                         


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 675
 Hôm nay: 1853
 Tổng số truy cập: 9305821
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa