Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Lăng miếu Triệu Tường của nhà Nguyễn - Phạm Tấn
Lăng miếu Triệu Tường của nhà Nguyễn - Phạm Tấn

Về Lăng - miếu Triệu Tường của nhà Nguyễn ở đất Quý hương (Gia Miêu) là tên gọi ghép của lăng Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế (tức lăng Nguyễn Kim) và các miếu thờ gốc tổ triều Nguyễn. Đây là hai thành phần tách bạch và không tọa lạc cùng một chỗ. Lăng ở trong núi Thiên Tôn (hay còn gọi là núi Am), còn miếu thì dựng ở cánh đồng của thung lũng chân núi. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), núi Thiên Tôn (tức núi Am) mới được nhà Nguyễn phong tên là núi Triệu Tường và cho thờ theo vào đàn Nam Giao; năm Minh Mạng thứ 17 (1836) lại được khắc hình vào Cao đỉnh. Đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) núi này được liệt vào hàng danh sơn, ghi vào tự điển (tức điển lễ bắt buộc phải cúng tế). Chính từ khi có tên là núi Triệu Tường (cách gọi ghép) hay Lăng Triệu Trường và Miếu Triệu Tường. Riêng khu miếu thờ, từ lúc được xây dựng thành lũy bao bọc xung quanh thì người đương thời còn gọi là Thành Thiên Tôn, hay Thành Triệu Tường. 
Sự thực Lăng và Miếu Triệu Tường là như vậy nhưng cho đến nay, một số người trong các bài viết và sách đã xuất bản vẫn lầm lẫn cho rằng Lăng và Miếu Triệu Tường là một và ở cùng một địa điểm. Thậm chí ở thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XX, một học giả nổi tiếng người Pháp là H.LeBretain - người có nhiều bài viết về Thanh Hoá cũng có sự lầm lẫn đáng tiếc như vậy. Trong tập sách "Thanh Hoá đẹp như tranh" công bố trên báo Revue indochinoise (số 3, 4 tháng 3-1922) H.LeBretain đã viết như sau: 
"Tên lăng Trường Nguyên do chính Gia Long chọn đặt vào năm thứ 5 sau khi lên ngôi. Lăng ở trên "gò" Thiên Tôn của Quý hương lại ở trên một cánh đồng nên từ "gò" phải hiểu theo nghĩa là tháp do bàn tay người đắp nên. Năm Minh Mạng thứ hai (1821) gò Thiên Sơn được gọi là Triệu Tường (nền móng điềm lành) và ở Thanh Hoá từ đó trở đi cũng gọi tên lăng như thế…
... Lăng Nguyễn Kim tựa như một toà thành. Bao quanh thành có hào nước có cầu gạch bắc qua. Lại còn có hai lớp lũy bao bọc (bức lũy ngoài xây năm Minh Mạng thứ 16, 1835) có 4 cửa trổ theo 4 phương, ở cửa Nam có một vọng lâu. 
Lũy trong xây dựng năm 1834, có 3 cửa Đông - Tây và Nam. Cửa Nam là một cổng tam quan và phía sau có một hồ bán nguyệt. Phạm vi trong luỹ trong được chia làm 3 khu vực. Khu vực chính giữa là Nguyên miếu (miếu thờ Nguyễn Kim), khu vực bên Đông là Trung Quốc Công miếu (thờ Trung Quốc Công, cha Kim), khu vực bên Tây là trại lính và nhà ở gia nhân các quan coi lăng. Có hai viên quan thuộc dòng tôn thất được cử ra coi lăng gọi là Chánh sứ và Phó sứ, có hai thuộc quan nữa giúp việc, một Diên sứ và một Miếu thừa. 
Đừng phí công tìm thêm mộ thật ở nơi nào… Nếu có gặng hỏi lắm sẽ được trả lời rằng Nguyễn Kim được hổ táng và thiên táng trong rừng cấm…
… Bắt đầu đi thăm lăng phải vào Nguyên miếu ở khu trung tâm…" (Tài liệu đánh máy, do Phạm Thế Học dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, hiện có ở Thư viện Khoa học Tổng hợp Thanh Hóa). 
Như vậy qua đoạn viết trên đây, chúng ta thấy rõ ràng là H.LeBretain đã hiểu lầm là lăng và miếu Triệu Tường đều ở trong thành Triệu Tường. 
Sự thật thì hoàn toàn không phải như vậy. Sách Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Thanh Hóa, tập thượng (do Á - Nam Trần Tuấn Khải phiên dịch theo bản Hán văn biên soạn đời vua Tự Đức từ năm 1865 - 1882, Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục XB - 1960), ở phần Lăng mộ đã chép về Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế Trường nguyên lăng (Lăng Trường Nguyên của Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế triều Nguyễn - tức lăng của Nguyễn Kim - P.T) cụ thể như sau: "Ở núi Triệu Tường trong quí huyện. Lăng này hợp táng cả Tĩnh Hoàng Hậu là vợ Tĩnh Hoàng Đế nhà Nguyễn. Trước đây chưa gọi là lăng, mãi tới niên hiệu Gia Long mới tôn tên gọi là lăng. Năm Minh Mạng thứ 3, ngự chế bài văn bia. Đến niên hiệu Thiệu Trị năm đầu, ngự chế bài thơ và dựng một nhà bia ở phía bên tả lăng. Tương truyền, ở huyệt đó có mở sẵn Long khẩu (miệng rồng, tức là có lỗ hổng sẵn sàng từ trước), đến khi vừa đặt Tử cung (tức là quan tài đựng xác Nguyễn Kim - P.T) vào thì chợt có một cơn mưa gió sấm sét, mọi người đều kinh sợ chạy tán loạn đi cả. Kịp lúc tạnh mưa quay lại thấy núi đá tri trít, cây cỏ um tùm, không thể nào nhận được nơi phần mộ nữa. Bởi thế, sau đây khi có tế thì chỉ vọng núi đó để lễ mà thôi. Mỗi khi các vua ngự giá Bắc tuần, đều có làm lễ yết mộ rất trọng thể. Ngoài ra những ngày thanh minh hàng năm thì cắt các quan Tôn thất ra làm lễ (S.đ.d, tr. 96). 
Cũng sách trên, ở mục Đền miếu đã chép về các miếu ở trong thành Triệu Tường như: 
"Nguyên miếu (tức miếu thờ gốc tổ triều Nguyễn): Ở trong thành Triệu Tường, thuộc Quý huyện. Có lớp nhà chính và lớp nhà ngoài đều 3 gian 2 chái. Gian chính giữa thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế, tức là con của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế. Gian bên tả thờ Gia dụ Hoàng Đế, quay về hướng nam. Hằng năm có 5 ngày lễ chính, còn các ngày tuần tiết đều theo lệ các miếu trong Kinh, do các quan khâm mạng làm lễ. Miếu này dựng lên từ năm Gia Long thứ hai (1803). 
Trừng Quốc Công miếu (miếu thờ Trừng Quốc Công):
Ở ngay phía tả nguyên miếu. Nhà chính và nhà ngoại đều 3 gian. Gian chính giữa thờ Trừng Quốc Công (là con của Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế), quay về hướng nam. Gian tả phối (thờ phụ thêm) Lỵ Nhân Công, quay về hướng tây. Hàng năm tế lễ theo như Nguyên miếu. Miếu này dựng lên từ năm Gia Long thứ ba" (S.đ.d, tr. 99). 
Như vậy, Nguyên miếu là nơi thờ Nguyễn Kim (Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế) và Nguyễn Hoàng (con Nguyễn Kim - tức Gia Dụ Hoàng Đế), còn Trừng Quốc Công miếu là nơi thờ Nguyễn Hoằng Dụ - thân phụ Nguyễn Kim và Nguyễn Văn Lang - thân phụ Nguyễn Hoằng Dụ (tức Lỵ Nhân Công). 
Ghi chép về Lăng và Miếu Triệu Tường, sách Đại nam nhất thống chí do Quốc sử quán đời Duy Tân biên soạn, được khắc in năm 1909 (mà Viện Sử học Việt Nam đã công bố lâu nay) cũng nêu tương tự như sách Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức nhưng ngắn gọn hơn. 
Ngoài hai bộ sách Đại Nam nhất thống chí (thời Tự Đức và thời Duy Tân) vừa nêu trên ghi chép chính xác về Lăng và miếu Triệu Tường, chúng ta còn thấy sách Niên giám Đông Dương, xuất bản năm 1901 cũng ghi chép chính xác về miếu Triệu Tường như: "Làng Quý Hương, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung có tiếng là cái nôi của triều đại đương thời. Các miếu tháp thờ cúng các vị tiên vương được xây dựng ở đây, có tường gạch bao quanh, tường được giữ phòng bằng luỹ, làm đúng như một toà thành nhỏ, đó là Tôn Thành (tức thành Thiên Tôn - P.T) hay còn gọi là Triệu Tường". 
Đến đây, trên cơ sở tham khảo các nguồn tài liệu và đối chiếu với thực tế tại hiện trường của vùng đất Quý hương nhà Nguyễn, chúng ta có thể kết luận sơ bộ như sau: 
- Lăng (mộ) Triệu tổ nhà Nguyễn (tức lăng mộ Nguyễn Kim) là ở trong núi Triệu Tường, nên cũng gọi là lăng Triệu Tường. Khu vực núi có mộ "thiên táng, hổ táng" tức mộ dấu kín của Nguyễn Kim mãi tới năm Gia Long thứ 5 (1806) mới được phong gọi là Lăng. Ở chân núi Thiên Tôn (tức núi Triệu Tường), nhà Nguyễn đã từng cho xây dựng một sân gạch hình vuông và một nhà sắm lễ, thay quần áo để bái vọng vào mộ tổ tiên (Nguyễn Kim) ở trong núi. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), nhà vua cho dựng ở đây một tấm văn bia để khắc ghi bài minh như sau: 
Đất lớn chúa thiêng sinh ra Triệu Tổ
Vun đắp cương thường nên rạng thánh võ
Nghĩa động quỷ thần công truyền vũ trụ
Cõi trần rời bỏ lăng ở bái trang
Non nước bao bọc sấm mắt tùng xanh
Khí thiêng nhóm họp đời đời xưng vinh
Mệnh trời đã giúp con cháu tinh anh
Võ công dựng nước bèn tìm gốc nguồn
Tuy tôn dựng miếu lăng gọi Trường Nguyên
Tân tuy Bắc tuần đến đây dựng lại
Trông ngắm non sông nhớ đến gốc cõi
Khắc chữ vào bia lưu ức vạn tài
(Trích theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, NXB Thuận Hóa, 1995, tr. 97-98)
Đến năm 1843, vua Thiệu Trị cũng ngự chế bài thơ và cho dựng ở đây một nhà bia. 
Rất tiếc là khu vực sân thờ vọng này không còn giữ được các kiến trúc xưa. Vừa qua (vào năm 2006-2007) họ Tôn Thất ở Huế đã đích thân về đây để trùng tu khôi phục lại nơi thờ vọng ở chân núi Triệu Tường này để tỏ tưởng nhớ tri ân đến đức Triệu Tổ. 
- Khu vực Miếu Triệu Tường (hay còn gọi là Thành Triệu Tường hoặc Thành Thiên Tôn) là khu vực tọa lạc trên một thân đất cao ở cánh đồng sát đường Tỉnh lỵ đi Thạch Thành ở làng Gia Miêu. Toàn bộ khu vực Thành Triệu Tường có chu vi là 182 trượng, bao quanh có hào nước và cầu gạch bắc qua, lại có hai lớp lũy bao bọc (lũy ngoài xây dựng vào năm 1835, có 4 cửa trổ theo 4 hướng, riêng cửa nam có một vọng lâu; lũy trong được xây dựng vào năm 1834 có 3 cửa đông, tây, nam. Ở cửa nam có một cổng tam quan và phía sau có hồ bán nguyệt. Ở trong thành Triệu Tường, khu vực chính là Nguyên miếu (thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng). Khu vực phía đông là Trừng Quốc Công miếu (thờ cha Nguyễn Kim). Khu vực phía tây là trại lính và nhà ở của các quan cùng gia nhân coi lăng. 
Trang trí và cách sắp đặt trong Nguyên miếu được học giả H.LeBretain mô tả kỹ như sau: "… Nguyên miếu ở khu trung tâm. Miếu xây dựng năm Gia Long thứ 2 (1803) và được trùng tu năm Minh Mạng thứ 1 (1820). Gian chính giữa để thờ Nguyễn Kim. Trong một cái khám rất đẹp có để 2 tấm bài vị: Một tấm ghi mọi chiến tích của Nguyễn Kim, một tấm ghi duệ hiệu của vợ ông… Trước các bài vị có kê 2 cái sập chạm rồng. Bên trái và bên phải là hai rương quần áo thờ. Mỗi lần vua về Nguyên miếu đều cúng tế theo đúng mọi nghi lễ qui định. Người ta trải lên bức sập trong cùng miếu một chiếc chiếu hoa. Trên chiếu lại trải các thảm và gối, một bộ đũa ăn cơm, một bộ đồ uống rượu, một bộ đồ chè và những cây đèn thiếc. Trên cái sập thứ 2 cũng trải chiếu, trên có một cái kỷ thấp sơn son để bày các món ăn. Rồi tiếp đến là hai bàn thờ. Trên bàn thờ phía trong, những ngày có cúng kỵ, bày các mâm quả và các cây đèn bằng thiếc. Trên bàn thờ phía ngoài bày bộ ngũ sự bằng thiếc, những lọ hoa, 2 con hạc gỗ sơn son thếp vàng, hai khay bằng giấy để sau khi lễ xong thì đem đốt. Khoảng giữa hai bàn thờ là những cái bàn để dâng bò, dê, lợn cúng tế. Khi nào vua đến cúng bái thì trải một chiếc chiếu trước bàn thờ ngoài. Hàng năm đến các ngày khánh tiết các quan tỉnh và các lăng miếu nhà vua ở Huế. Lại cũng phải chuẩn bị đủ mọi nghi thức như đã nói ở trên" (Thanh Hoá đẹp như tranh, S.đ.d, bản dịch đánh máy, tr. 15-16). 
Như vậy, có thể nói thành Triệu Tường chính là một khu vực Quốc miếu của nhà Nguyễn ở đất Quý hương. Đây thực sự là một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu ở thời Nguyễn, mang đậm yếu tố kiến trúc cung đình. Đây không những là vùng đất thiêng của nhà Nguyễn mà còn là nơi ra đời một loại hình kiến trúc đền miếu bề thế và độc đáo của nước ta trong thế kỷ XIX. Rất tiếc là qua biến động của thời đại và sự nhận thức ấu trĩ của một thời đã qua, khu Lăng - miếu Triệu Tường chỉ còn là phế tích. Nhưng rất may là nền xưa đất cũ, hào thành và nền móng kiến trúc của các công trình thì vẫn còn đây với sự tiếc nuối của biết bao người. Lăng - miếu Triệu Tường còn gắn với sự kiện Bác Hồ - vị cha già dân tộc đã về đây viếng thăm trong ngày đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (2-1947). 
Vừa qua, năm 2007, Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định công nhận Khu Lăng miếu Triệu Tường là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Và gần đây, để tỏ lòng tri ân đối với các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn - một vương triều đã có công mở rộng đất phương Nam và thống nhất lãnh thổ, cương vực Tổ quốc từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, UBND tỉnh đã cho phép UBND huyện Hà Trung lập quy hoạch tổng thể và chi tiết Khu Lăng và Miếu Triệu Tường để chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi lại khu di tích lịch sử văn hoá đầy dấu ấn này. Và tương lai không xa, trên vùng đất Gia Miêu Quý hương này - Lăng, Miếu Triệu Tường sẽ trở lại như xưa và nhất định trở thành điểm hành hương hấp dẫn trong, ngoài nước.
                                

P.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 645
 Hôm nay: 1876
 Tổng số truy cập: 9305844
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa