Lễ hội truyền thống mùa xuân - Phạm Minh Trị
Mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm mới, báo hiệu sự sinh sôi phát triển. Xuân về là lúc cỏ cây hoa lá đâm chồi nảy lộc khoe sắc đua hương với đất trời, làm đắm say lòng người. Du xuân thưởng ngoạn, trẻ già, trai gái hòa mình trong dòng người đông đúc đến các gia đình, chùa, đền, để cầu chúc cho một năm mới tốt lành, nhân khang, vật thịnh. Từ nhu cầu thực tiễn của đời sống trong mối quan hệ giao lưu sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã tạo sợi dây liên kết giữa mọi người từ đó hình thành các lễ hội truyền thống nhất là mỗi dịp tết đến, xuân về. Nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh tín ngưỡng qua các hội du xuân đã trở thành nét đẹp trong phong tục Việt Nam được bảo lưu và trao truyền suốt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ hội truyền thống mùa xuân là một loại hình sinh hoạt tổng hợp bao gồm nhận thức và quan niệm của mọi người về các mặt vật chất, tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật của từng tộc người đối với những gì là huyền bí linh thiêng về thế giới thần linh cũng như sự giản dị và chân thật của đời thường. Cùng với sự phát triển của xã hội qua thời gian, năm tháng, lễ hội truyền thống được bảo lưu, phát triển về tầm vóc, quy mô, có sức lan tỏa, cuốn hút nhiều đối tượng thành phần xã hội tham dự. Lễ hội truyền thống chứa đựng nhiều quan niệm về sự thần bí, huyền diệu mà con người chưa lý giải thấu đáo cũng như những gì là chân thật, giản dị trong sinh hoạt đời thường nên nó càng có sức hấp dẫn lớn. Đến với lễ hội truyền thống con người như được giải thoát những ưu tư, phiền muộn, tin tưởng lạc quan về những điều thiện mà con người khát vọng vươn tới. Trong các lễ hội truyền thống, lễ và hội là hai yếu tố có quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau, hòa quyện trong nhau. Bởi vậy ở các lễ hội truyền thống các phần lễ và hội có sự kết hợp hài hòa. Lễ và hội đều có đặc trưng là nhận thức, quan niệm về hình thức sinh hoạt tinh thần tập thể của cộng đồng người. Tùy vào thời gian, không gian và đặc điểm của từng tộc người mà từng lễ hội có mối quan hệ tâm linh, tín ngưỡng khác nhau.
Lễ là những nghi thức linh thiêng đậm sự huyền bí được từng tộc người, cộng đồng quy ước nên phần lễ trong lễ hội truyền thống có những điểm khác nhau. Hội là phần tập hợp các hình thức vui chơi giải trí, là sinh hoạt văn hóa thường nhật của mỗi con người và cộng đồng. Hội thường gắn với lễ và chịu sự quy định của lễ nên có lễ thì mới có hội. Có những thời điểm cách nhìn của chúng ta bị áp đặt do định kiến nó là tàn dư của chế độ cũ. Không ít quan điểm cho rằng lễ hội truyền thống là hoạt động mê tín dị đoan đã ngăn cấm bằng các biện pháp hành chính. Thực ra lễ hội là cách ứng xử thông minh và khôn ngoan của con người đối với thế giới vô hình hay hữu hình mà nhiều điều chưa lý giải một cách thấu đáo. Vì thế con người phải biết kính và sợ, kính để cầu xin sự phù hộ, che chở, sợ để tránh những điều rủi ro, tai họa ập đến.
Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ xa xưa đã có những lễ hội cầu thần núi, sông, biển, mưa, sấm chớp… cầu mong cho mùa màng tươi tốt, thóc lúa đầy bồ, tôm cá đầy khoang. Tiếp nối là những lễ hội lịch sử, văn hóa, dân gian, tôn giáo thờ các vị tiền nhân có công khai phá bờ cõi, lập làng, dựng nước, các vị tổ nghề truyền dạy nghề, những anh hùng có chiến công lừng lẫy chống giặc ngoại xâm bảo vệ xóm làng, quê hương đất nước. Tổ chức nghi lễ thờ cúng, tôn vinh các vị tiền nhân, các sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí trên là nét đẹp phong tục của tổ tiên. Vì thế lễ hội truyền thống nhất là vào mùa xuân đã trở thành nhu cầu khát vọng của người dân, được bảo lưu, gìn giữ qua nhiều thế kỷ trong lịch sử dân tộc.
Với Thanh Hóa vùng đất cổ, nơi sinh sống của người Kinh, Mường, Thái, Dao, Thổ, Mông, Khơ Múa thì hầu như ở các làng, thôn, vùng, miền cũng có lễ hội mùa xuân. Những lễ hội tôn vinh các anh hùng dân tộc như lễ hội đền thờ Quang Trung ở xã Hải Thanh, Tĩnh Gia tổ chức vào mùng 5 Tết Nguyên đán; Lễ hội đền thờ Bà Triệu ở xã Triệu Lộc, Hậu Lộc tổ chức từ 20 đến 22-2 âm lịch hàng năm; Lễ hội đền Lê Hoàn xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân thường tổ chức vào 8-3 âm lịch. Các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo như: Lễ hội đền Độc Cước tổ chức vào 15 tháng Giêng âm lịch; Lễ hội Phủ Na, đền Cửa Đặt dịp tháng Giêng âm lịch; Lễ hội đền Sòng Sơn, Chín Giếng tổ chức vào 26-2 âm lịch; Lễ hội chùa Vồm thành phố Thanh Hóa tổ chức tháng Giêng âm lịch; Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức ở các xã ven biển trong tỉnh; lễ hội trò Chiềng ở xã Yên Ninh, Yên Định; Lễ hội Mường ca Da ở Hồi Xuân, Quan Hóa; Lễ hội Pôồn pôông của người Mường; Lễ hội cầu mưa của người Thái ở Kỳ Tân, huyện Bá Thước….
Các lễ hội truyền thống nhất là hội làng dịp đầu xuân trong lúc nông nhàn, thời tiết thuận lợi nên đã cuốn hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham dự. Người người nô nức chen nhau trong lễ hội để xem và thực hiện các nghi thức tế lễ cũng như tham dự vào các trò chơi, sinh hoạt văn hóa náo nhiệt của làng. Hội làng là điểm sáng hội tụ các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo của làng. Qua thời gian các hình thức tổ chức được chuẩn hóa theo hình thức lễ thức hóa, nghệ thuật hóa, thẩm mỹ hóa tạo nên sắc thái riêng của làng ở từng lễ hội.
Trong những năm chống Pháp, chống Mỹ cứu nước do điều kiện chiến tranh các lễ hội ít được tổ chức. Sau khi đất nước hòa bình thống nhất năm 1975 tuy đời sống kinh tế còn khó khăn nhưng nhân dân nhiều vùng miền có xu hướng tìm về với lễ hội truyền thống nơi vun đắp tâm hồn, tình cảm, lối sống, tình yêu với gia đình họ hàng làng xóm, quê hương, đất nước. Nhưng các văn bản hướng dẫn quy định của Nhà nước, ngành văn hóa chưa có nên việc bảo lưu, khôi phục các lễ hội truyền thống còn hạn chế. Song nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa là nhu cầu thiết yếu nên có những địa phương tự phát “xé rào” tổ chức lễ hội. Tuy vậy người dân đến với lễ hội cũng không được công khai.
Từ khi Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện sâu sắc, kinh tế - xã hội đất nước có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị… của Đảng, Chính phủ về quan tâm phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, tiến bộ công bằng xã hội được ban hành. Quy chế, quy định tổ chức hoạt động lễ hội được ban hành tạo điều kiện cho lễ hội truyền thống ở nhiều vùng miền phát triển. Hưởng ứng thập kỷ văn hóa do UNESCO phát động, ngày văn hóa dân tộc truyền thống được khơi dậy. Thanh Hóa đã tổ chức liên hoan, hội diễn các dân tộc trong tỉnh 2 năm một lần luân phiên ở các huyện, thị. Nhiều hình thức lễ nghi trong sinh hoạt thờ cúng, trò chơi, trò diễn, vốn dân ca, dân vũ độc đáo được phục hồi, nhân dân tích cực tham dự. Điều đó chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng.
Việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa những năm gần đây được quan tâm từ nguồn ngân sách và kêu gọi công đức của mọi tầng lớp nhân dân. Nhờ đó bộ mặt di tích trở nên khang trang. Đây cũng là không gian địa điểm tổ chức các lễ hội truyền thống sôi động và náo nhiệt. Bảo lưu, khôi phục các lễ hội truyền thống nhằm đưa mọi người trở lại với cội nguồn dân tộc là việc làm cần thiết đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng sinh hoạt văn hóa của người dân trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Qua tham dự các lễ hội truyền thống đã vun đắp tình cảm lòng biết ơn của mọi người đối với các vị tiền nhân. Lễ hội với các nghi thức thành kính thiêng liêng hướng mọi người tìm đến điều thiện, mỹ, trân trọng quá khứ, vươn tới tương lai. Sợi dây liên kết đó tạo nên mối tương thân, tương ái, cố kết cộng đồng cùng chia sẻ những mất mát đau thương, chung hưởng may mắn tốt lành.
Song, thực tiễn thời gian qua trong tổ chức các lễ hội truyền thống cũng còn những hình thức biểu hiện phản cảm như ăn mặc lố lăng, cười đùa ầm ĩ, ăn nói thô tục, viết bậy, nhét tiền vào tay, bụng tượng, hòm công đức đặt tràn lan, đốt hương, vàng mã bừa bãi, làm ô nhiễm môi trường. Có nơi ban tổ chức quản lý không chặt chẽ để có người lợi dụng lễ hội hoạt động mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, tổ chức đánh bạc qua hình thức vui chơi có thưởng. Những điều đó gây bất bình trong xã hội, làm phai nhạt nét đẹp lễ hội truyền thống.
Để lễ hội truyền thống phát triển đúng hướng theo chúng tôi các lễ hội dân gian nên để người dân tự lo, thể hiện chủ thể trong tổ chức, sinh hoạt, Nhà nước thông qua các cơ quan chức năng thực hiện việc hướng dẫn bằng các quy chế, quy định về nội dung, hình thức, không gian, thời gian, địa điểm tổ chức nhằm khơi dậy nét đẹp truyền thống, ngăn ngừa các biểu hiện lệch lạc, tiêu cực trong tổ chức lễ hội truyền thống.
P.M.T