Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Thác Ma Hao, bản Năng Cát - Một vùng đất lịch sử và cảnh quan nổi tiếng ở miền núi phía Tây xứ Thanh - Phạm Tấn
Thác Ma Hao, bản Năng Cát - Một vùng đất lịch sử và cảnh quan nổi tiếng ở miền núi phía Tây xứ Thanh - Phạm Tấn

Từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI, trong trào lưu phát triển du lịch ở trong tỉnh, trong nước, thác Ma Hao - bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã sớm trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn, thân thuộc của nhiều bạn bè và du khách gần, xa. Mặc dù những năm tháng ấy, ở đây còn khá hoang sơ và đường đi, lối lại còn khó khăn, song với ham muốn khám phá, nhiều bạn bè, du khách vẫn tìm đến thăm thú. Để khai thác, phát huy giá trị, tiềm năng của khu vực cảnh quan, sinh thái đặc biệt hấp dẫn này, huyện Lang Chánh đã cố gắng huy động các nguồn lực nâng cấp đường sá để du khách đi lại dễ dàng hơn, đồng thời huyện cũng triển khai tích cực việc lập quy hoạch tổng thể bước đầu phân khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao làm cơ sở, điều kiện cần thiết kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch để UBND tỉnh phê duyệt (tại Quyết định số 1986/QĐ-UBND ngày 01-6-2015). Và gần đây, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Ma Hao của một “mạnh thường quân” trong tỉnh đã và đang bắt đầu xúc tiến đầu tư từng bước Khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao, theo quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) mới vừa được phê duyệt chính thức. Dẫu nhiệm vụ xúc tiến đầu tư đồng bộ hạ tầng, cơ sở phục vụ nhu cầu phát triển du lịch ở đây mới chỉ là bước đầu, song khi đến đây, ai cũng thấy triển vọng phát triển của khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao là rất to lớn bởi vì: 
1. Đây là khu du lịch sinh thái nằm ngay ở địa bàn trung tâm của dãy núi Pù Rinh (hay Bù Rinh) mà sử sách cũ chép gọi tên là “Chí Linh Sơn” - một dãy núi cao với nhiều đỉnh, từ 1000 đến hơn 1200m, chạy dài gần 20km theo hướng từ tây bắc đến đông nam trên địa bàn huyện Lang Chánh và một phần huyện Thường Xuân nay. Nơi đây, hồi thế kỷ XV, trong 6 năm đầu còn hoạt động trên địa bàn của miền núi rừng phía tây Thanh Hóa, Bình Định vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã 3 lần gặp nguy khốn (2 lần trong năm 1418 và 1 lần trong đầu năm 1423) phải rút về Chí Linh Sơn nương náu, “nằm gai nếm mật” để bảo tồn và củng cố lực lượng, rồi từ đây tỏa đi các nơi tiếp tục chiến đấu đánh đuổi quân Minh ra khỏi cõi bờ để lập nền thái bình, độc lập dài lâu cho dân tộc. Ngày ấy, ở Chí Linh Sơn, khắp rừng cây, thác nước, suối khe, bản - chòm của người Thái, người Mường, không chỗ nào là không in dấu chân của Lê Lợi và các tướng sĩ Lam Sơn. Và nhờ sự chở che của rừng núi và sự cưu mang, giúp đỡ hết lòng của đồng bào các dân tộc trong những ngày tháng cam go, khốn đốn mà Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn mới có điều kiện trui rèn ý chí và củng cố lực lượng để đánh thắng kẻ thù, làm nên nghiệp lớn. Vì vậy mà sau khi cuộc chiến đánh đuổi quân xâm lược Minh kết thúc, vào đầu năm 1428, trong những ngày ăn mừng chiến thắng và tuyên dương công trạng của các tướng sĩ, Hoàng đế Lê Lợi đã đích thân ra đầu đề cho các văn thân sáng tác các bài phú ca ngợi về Chí Linh Sơn. Dưới con mắt của các văn thần đầu triều Lê như Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân,… (là những người đồng chí “nằm gai nếm mật” cùng Lê Lợi trong những ngày nguy khốn sống chết cùng nhau) thì Chí Linh Sơn được xem như một dãy núi thiêng giúp chủ soái Lê Lợi mở vận giống như núi Cối Kê giúp Việt Vương Câu Tiễn và núi Mang Đãng giúp Lưu Bang (vua nhà Hán) làm nên nghiệp lớn vậy. Vì thế mà Nguyễn Trãi đã hết lời ngợi ca rằng: 
… Núi sông miền Tây thật là thiêng…
… Đế vương nổi lên được bắt đầu từ đấy…
… Thấy núi này vòi vọi chừ, nhớ đến gian khổ xưa.
Vỗ nền vương nghiệp chừ, mãi mãi vấn vương!
Xin ghi thịnh đức vào đá chừ, để truyền mãi mãi về sau. 
        (Nguyễn Trãi, Phú núi Chí Linh)
Cho đến nay, khu du lịch bản Năng Cát - thác Ma Hao trên vùng đất Chí Linh Sơn mãi mãi được ghi nhận là vùng đất lịch sử đầy dấu ấn. Vì vậy, nếu nghỉ lại qua đêm ở các ngôi nhà sàn của người Thái Đen bản Năng Cát, du khách sẽ được các bậc cao niên say sưa kể về truyền thuyết của thác Ma Hao, về sự tích tên gọi của bản Năng Cát, về vườn cam mà Lê Lợi trồng, rồi đến sự tích Huối Lấu (Suối rượu) - nơi Lê Lợi và nghĩa quân “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” để cùng uống và thề nguyền sống chết cùng nhau trong những ngày nương náu hoạt động ở Chí Linh Sơn, v.v…
2. Khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao không chỉ là vùng đất lịch sử - văn hóa đậm đặc dấu tích và truyền thuyết mà còn là vùng cảnh quan sinh thái hết sức đặc biệt với hàng ngàn héc ta rừng đại ngàn nguyên sinh trên địa hình cao (từ 4-500m đến 1000m trở lên, nơi mà hệ động, thực vật quý hiếm vẫn còn khá phong phú, đa dạng. Bản Năng Cát của người Thái Đen với hơn 120 ngôi nhà sàn cổ kính đặc trưng, bề thế được tọa lạc trên một thung lũng có cả hồ, suối và nhiều thửa ruộng bậc thang mà xung quanh là núi và rừng bao bọc, đã tạo ra cảnh trí thật êm đềm, sống động. Cách bản Năng Cát chỉ trên, dưới 1km đã có 2 con thác: đó là thác Ma Hao (tức thác Chó Ngáp) và thác Bẩy Tầng hiểm trở mà có nhiều du khách thích leo trèo để khám phá. Riêng thác Ma Hao - ngọn nguồn của con sông Cảy đổ về sông Âm được nhận nước quanh năm từ đỉnh Pù Rinh rót xuống đã trở thành địa điểm thăm thú, thưởng thức một cách thật lý tưởng cho bất kể mọi đối tượng du khách. Theo con đường bộ hành ven suối có độ dốc cao dần để đến đỉnh thác với chiều dài khoảng trên 500m, chúng ta như được đi trên rừng đại ngàn. Khi đến nơi, thác Ma Hao rộng lớn và cao vút hiển hiện trên sườn núi Pù Rinh đã tạo thành một vùng cảnh quan kỳ thú giống ở nơi tiên cảnh làm đắm say lòng người. Trên độ cao tới 1000m có rừng cây xanh tốt, khu vực thác Ma Hao đã tạo ra sự mát mẻ, sảng khoái cho du khách trong suốt cả mùa hè nóng nực. Vì vậy mà nơi đây đã trở thành nơi hẹn hò, tụ hội của biết bao bạn bè và du khách. Còn chỗ gần thác Bẩy Tầng, cách bản Năng Cát cũng vài trăm mét, một số người đã đầu tư làm các bể nuôi cá tầm rất hiệu quả, mở ra triển vọng phát triển của một nghề mới vừa được du nhập, v.v… Ở vùng địa hình cao có rừng nguyên sinh phủ kín, làm cho khí hậu ôn hòa cho nên khu vực bản Năng Cát - thác Ma Hao còn là nơi nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn thật lý tưởng. 
Từ thành phố Thanh Hóa theo Quốc lộ 47 đến huyện lỵ Lang Chánh là 101km và từ đây đến bản Năng Cát - thác Ma Hao chỉ có hơn 15km, đường đã được mở rộng, nâng cấp, rải nhựa để các loại xe lớn, bé có thể đi đến một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Với những lợi thế tự nhiên đặc biệt sẵn có, bản Năng Cát - thác Ma Hao nếu được đầu tư đồng bộ, nhanh chóng các hạng mục đã được phê duyệt thì chắc chắn nơi đây sẽ trở thành một trọng điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá,… hấp dẫn ở trong tỉnh, trong nước. Và tại đây, sẽ có nhiều sản phẩm du lịch được mở ra để đáp ứng được nhu cầu của khách trong nước và quốc tế. Hơn 120 nhà sàn cổ kính của người Thái Đen ở bản Năng Cát sẽ từng bước được chỉnh chu, trang bị những điều kiện cần thiết để phục vụ việc ăn, ở, sinh hoạt, khám phá, tìm hiểu cho du khách. Ngoài ra, hồ nước, cầu cống, guồng xe nước và các di tích đền thờ Lê Thái Tổ chỗ vườn cam xưa cùng nơi thờ vị thần rừng núi (tức chúa Thượng Ngàn) sẽ được phục hồi, tôn tạo để tạo điểm nhấn và ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Trên toàn khu vực được phân khu từ bản Năng Cát đến thác Ma Hao, các nhà đầu tư đã và đang hoàn thiện hệ thống điện - đường và hệ thống cấp thoát nước một cách đồng bộ, hợp lý. Và ở những chỗ cho phép khác, các công trình nhà đón tiếp điều hành, các nhà nghỉ hạng sang, hạng vừa, nhà dịch vụ ăn uống, giải khát và mua sắm quà lưu niệm đến khu lễ hội và khu trải nghiệm văn hóa dân tộc của người Thái Đen, hay khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cắm trại, vui chơi, giải trí cùng bãi đỗ xe, v.v… rồi sẽ lần lượt được xây dựng nhanh chóng theo dự kiến.
Với những gì đã nêu, tin chắc rằng chỉ một vài năm nữa, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và sự cố gắng của địa phương cùng sự đầu tư tích cực của các “mạnh thường quân”, khu vực du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao sẽ làm hài lòng mọi đối tượng du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế.
                              

 P.T
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 59
 Hôm nay: 411
 Tổng số truy cập: 9304379
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa