Lễ hội thề ở đền Đồng Cổ cần bảo tồn và phát huy giá trị - Phạm Tấn
Thần Đồng Cổ (có nguồn gốc ở thôn Khả Lao, hay Kẻ Lao, tức làng Đan Nê cổ kính, nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) là vị Quốc thần thiêng liêng của nước Đại Việt suốt nghìn năm phong kiến và vẫn còn hiện hữu, được tôn thờ cho đến nay.
Theo thần tích và truyền thuyết sưu tầm được ở cả Thanh Hóa và Thăng Long - Hà Nội cho biết thì vào thời Hùng Vương (cách nay trên dưới 3.000 năm), vua Hùng đi dẹp giặc ở phía Nam, đến thôn Khả Lao (nay gọi là Đan Nê, thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định), cho quân sĩ đóng chốt, nghỉ ngơi ở chân núi. Ban đêm thần núi báo mộng sẽ phù hộ để nhà vua đánh thắng giặc. Vì vậy mà khi chiến thắng trở về, vua Hùng đã ban sắc cho thần là “Đại Vương chủ minh thần”. Từ đó trở đi, vị thần thiêng Đồng Cổ đã trở thành vị thần bản mệnh nổi tiếng có công hộ nước, hộ dân trong suốt cả mấy ngàn năm lịch sử.
Lai lịch và sự tích của vị thần Đồng Cổ đã được ghi chép ở một số sử sách cũ, nhưng chỉ có sách Đại Nam nhất thống chí - bộ sách biên soạn ở thời vua Thành Thái, triều Nguyễn là có sự ghi chép tường tận, rõ ràng nhất như: “Đồng Cổ thần từ (đền thờ thần Trống Đồng): Ở trên núi xã Đan Nê, thuộc huyện Yên Định (có tên gọi là núi Khả Lao). Ngày xưa, vua Hùng đi đánh giặc Chiêm Thành, đóng quân ở núi Khả Lao, đêm thấy thần báo mộng, bảo vua rằng: “Xin có cái trống đồng và dùi đồng, giúp nhà vua thắng trận phen này”. Đến khi ra trận, thì thấy trên không văng vẳng có tiếng trống đồng, rồi quả nhiên vua được toàn thắng. Vua bèn sắc phong làm Đồng Cổ Đại Vương. Đời vua Thái Tôn nhà Lý, khi còn làm Thái tử (1020) vâng mệnh đi đánh Chiêm Thành, đêm mơ thấy một người mình mặc áo nhung, tay cầm bảo kiếm, tâu rằng: “Tôi là Thần núi Đồng Cổ xin theo để lập công cùng Thái tử”. Tới khi bình được giặc, liền lập miếu để thờ. Sau khi Thái tử lên ngôi, lại mộng thấy thần mang bài thơ đến báo cho biết có ba vị vương định gây sự biến, sau quả nhiên hiện có thực. Nhân thế, liền phong làm chức Thiên hạ Minh chủ, thăng lên làm Thượng đẳng thần và hàng năm bắt đắp đàn ở trước cửa đền, sai các quan đến lễ và đọc lời tuyên thệ như sau: “Đạo làm tôi con cốt ở cương thưởng. Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh ngầm xét, tiêu diệt cả nhà”. Khoảng đầu nhà Lê trung hưng (1561), quân Mạc xâm nhiễu các huyện Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc nay), An Định, thuyền quân của nhà Lê đóng ở phía thượng lưu sông Mã, đương đêm vẳng nghe có ba tiếng trống ở ngoài 100 dặm, tướng nhà Lê liền sai người trinh sát mới biết là tiếng trống do tự núi Khả Lao phát ra. Đến sáng hôm sau, quân Lê theo đánh quân Mạc, trong khi giao chiến, bỗng có nước trào dâng lên rất mạnh, quân nhà Lê bèn thừa thế dong buồm thẳng tiến, khí thế hăng hái bội phần, làm cho quân Mạc phải thua bỏ chạy. Khoảng năm Hoàng Định (đời Lê Kính Tôn, 1600), trong tờ sắc phong sơn thần có câu: “Trên sông sóng gió, giúp cho trận thắng của tam quân” tức là truyện này vậy. Khoảng năm Cảnh Hưng (đời Lê Hiểu Tôn, 1740), thường thấy có cái tàn vàng hiện ngay trên quán Triều Thiên, suốt trong ba ngày mới tan. Lại có một hôm gần buổi chiều tối, trong núi bỗng có mây đen tụ tập khắp bốn phía, rồi mưa gió nổi lên đùng đùng, có người ở đằng xa nom lại thì thấy có con rồng đen từ trên trời quanh co lượn xuống, đến sáng mai ra xem ngoài miếu thì thấy có vẩy rồng vẫn còn rải rác ở trên sân miếu. Đó đều là những linh tích hiển nhiên nhiều người cùng biết. Trải qua các thời Lý và Lê, mỗi khi vào khoảng đầu năm xuất quân, các tướng sĩ hội thề rước thần để chứng giám cuộc lễ. Quan thái phó triều Lê là Nguyễn Văn Khải nhàn có bài thơ như sau:
Đài phong cùng chiến thủy loan hoàn,
Dục tú chung linh tại thử gian.
Đàn thượng phiên biểu tiêu hạn bạt,
Không trung xao cổ tẩu cuồng man.
Quy bị thạch truyện kinh niên lục,
Phương trát kim chương chiến nhật đan.
Câm cổ điệt kì kì cục,
Lẫm nhiên chính khí cựu gian san.
Dịch nghĩa:
Non Đài quay lại, nước bao vây,
Chung đúc anh linh ở chốn này.
Bầu giốc đàn trên mưa dưới khắp,
Trống khua tầng thẳm giặc tan bay.
Bia rùa truyện đá ngàn sương phủ,
Trát phượng niêm vàng ánh nắng gay.
Câm Cổ cuộc cờ bao xóa đổi,
Vẫn lừng chứng khí nước non đây.
Trong đền có một cái trống đồng, nặng ước 100 kg, đường kính hơn 1 thước, 5 tấc, cao hơn 2 thước, trong rỗng không có đáy, bên tai hơi khuyết, trên mặt có 9 vòng khuyên, lưng thắt mà rốn kín, bốn bên có giống khắc chữ thập ngoặc, có văn như lối chữ Khoa - Đẩu nhưng lâu ngày không thể trông thấy rõ. Tương truyền khi Tây Sơn vào đánh miền đó, cho chở cái trống ấy về thành Phú Xuân. Sau đó người huyện Hậu Lộc lại bắt được ở nơi bến sông, rồi báo về tỉnh, bắt đem nộp trả về đền…”(1).
Như vậy, qua sự ghi chép và lý giải của sử sách xưa thì thần Đồng Cổ tức là thần núi Khả Lao, hay còn gọi là thần Trống Đồng - một vật báu của người Lạc Việt dưới thời Hùng Vương. Và đặc biệt hơn, vị thần ấy lại có nguồn gốc ở một làng xã cổ kính ven bờ sông Mã, xứ Thanh, đó là đất Kẻ Lao - Đan Nê, Yên Định - nơi mà ở thế kỷ X, Lê Hoàn đã cho khởi đào con kênh từ đây đến Bà Hòa (Nghệ An) để mở ra con đường thủy Bắc - Nam thuận tiện cho việc hành quân bình định đất phương Nam. Cũng từ đất này, thần Đồng Cổ đã trở thành vị thần bản mệnh rất “thiêng” của dân tộc đã từng có công phù hộ độ trì cho đất nước nhiều lần đánh thắng cả thù trong, giặc ngoài như sử xưa ghi chép. Và việc thần Đồng Cổ có nguồn gốc Đan Nê, Yên Định xứ Thanh được nhà Lý (mà cụ thể là đời vua Lý Thái Tông -1028 -1054), phong làm quốc thần và cho lập miếu thờ ở Kinh thành Thăng Long thành Quốc miếu để thờ phụng một cách nghiêm trang, kính cẩn nhất. Và việc này đã được sách Đại Việt sử ký toàn thư - bộ Quốc sử của nhà Hậu Lê ghi chép một cách rất cụ thể, rõ ràng như:
“Ngày Kỉ Hợi, Thái tử Phật Mã lên ngôi, trước linh cửu (Lý Thái Tổ) tôn mẹ là Lê Thị làm Linh Hiển Thái Hậu, đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Thiên Thành năm thứ nhất (1028)… Vua nhân việc mới lên ngôi, xuống chiếu cho lấy tiền, lụa ở kho lớn, ban cho thiên hạ (ngày 15 Canh Thân)… phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề. Trước đây, một hôm trước khi ba vương làm phản, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy liền sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây xuống chiếu giao cho Hữu ty dựng miếu ở bên hữu thành Đại La, sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy (tức tháng 3 âm lịch), đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Các quan từ cửa Đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ (tức ngày kỵ Lý Thái Tổ), chuyển sang mồng 4 tháng 4”(2).
Rõ ràng, việc phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ và suy tôn thần Đồng Cổ - vị thần gốc xứ Thanh có từ thời Hùng Vương của nhà Lý cùng lúc với việc lập quốc miếu ở kinh thành Thăng Long để thờ phụng vị thần này dưới hình thức tổ chức thành hội thề hàng năm với mục đích “trung quân”, “ái quốc”, Lý Thái Tông đã rất thành công trong việc tái lập trật tự cung đình và xã hội sau loạn ba vương. Và nhất là trong thời kỳ đầu của nhà Lý, một số vùng đất như Trường Yên (Ninh Bình nay), hay Châu Ái (xứ Thanh), Châu Hoan (Nghệ - Tĩnh nay), v.v… vẫn còn tình trạng nổi loạn chống đối và chưa thật sự quy phục triều đình thì việc dùng hình thức tâm linh, cắt máu ăn thề trước vị Quốc thần Đồng Cổ như sử cũ ghi chép có tác dụng thật sự đối với việc xác lập lại trật tự một cách vững bền cho nhà Lý thời phong kiến. Và trong thực tiễn, việc tổ chức hội thề ấy, có thể được xem như là một biện pháp chính trị hữu hiệu, cần thiết, góp phần làm quốc thái, dân an. Từ đây, thần Đồng Cổ đã trở thành vị Quốc thần số một của quốc gia Đại Việt, đồng thời được xem như là vị thần bản mệnh linh thiêng cho cả dân tộc và đất nước. Với ý nghĩa và tác dụng đó mà đến thời Trần, sau khi được thiết lập vẫn tiếp tục duy trì lễ hội thề ở miếu thờ thần Đồng Cổ. Và việc này cũng được sách Đại Việt ghi chép một cách rõ ràng, cụ thể như sau: “Đinh Hợi (Kiến Trung) năm thứ 3 (1227)… Tuyên bố các điều khoản lễ minh thệ, theo như lễ cũ của triều Lý và bắt đầu định việc thực hiện nghi thức lễ đó như sau:
Hằng năm, vào ngày mồng 4 tháng 4, Tể tướng và trăm quan đến trực ngoài cửa thánh từ lúc gà gáy, tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đều thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau lại uống máu ăn thề. Quan Trung thử kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thế này, thần minh giết chết”. Đọc xong Tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người vắng mặt phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đường để xem như ngày hội lớn”(3).
Có thể nói, cho đến hôm nay, dẫu đã đi qua nhiều thế kỷ, song lời thề ở đền Đồng Cổ quốc miếu của nước Đại Việt ở kinh thành Thăng Long của tất cả vua, quan dưới triều Lý, triều Trần (và các triều kế tiếp) vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc. Và giờ đây, trong ngày lễ hội chính ở đền Đồng Cổ (cả ở xứ Thanh và Hà Nội nay) tất cả mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân khi đến thắp hương để tỏ lòng thành kính với vị quốc thần có công hộ quốc, hộ dân của nước Đại Việt xưa hãy cùng nhau thề sẽ mãi mãi “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, hoặc: “nếu làm hại nước, hại dân sẽ bị thần linh và pháp luật xử lý một cách nghiêm khắc…” thì sẽ ý nghĩa biết bao nhiêu.
Cũng lần theo lịch sử, trong những ngày đầu của kháng chiến trường kỳ chống Pháp, Bác Hồ khi đến thắp hương ở đền Hùng (Phú Thọ) đã nói với cán bộ, chiến sĩ cùng đi theo rằng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước”. Đó cũng chính là lời thề thiêng liêng trước dân tộc của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Và câu nói - lời thề ấy sống mãi với thời gian. Từ đó ngẫm nhớ lại hội thề ở đền Đồng Cổ đã từng diễn ra ở suốt cả thời Lý - Trần (và sau đó nữa) mà sử sách cũng ghi chép, chúng tôi thiết nghĩ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên đề nghị với Nhà nước cho khôi phục lại đền và hội thề ở đền Đồng Cổ tại thủ đô Hà Nội để phát huy tác dụng như ở đền Hùng (Phú Thọ) thì sẽ vô cùng ý nghĩa.
Còn tại Thanh Hóa (cụ thể ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định) di tích lịch sử cấp quốc gia đền Đồng Cổ đã được trùng tu, tôn tạo một cách hoàn chỉnh và trở thành một địa chỉ hành hương, du lịch hấp dẫn đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh. Và tại đây, theo tôi, tỉnh ta cũng nên khôi phục lại hội thề ở đền Đồng Cổ dưới một hình thức nghiêm trang thì sẽ rất có tác dụng giáo dục và bồi dưỡng những điều tốt đẹp cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Và trong dịp bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này (ngày 23-5-2021), tôi thấy các đại biểu mà dân cử, dân bầu, ngoài việc thực thi trách nhiệm mà pháp luật quy định thì cũng nên đến đền Đồng Cổ để thề trước vị thần thiêng về việc sẽ cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, và ngược lại nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc làm tổn hại đến dân, đến nước thì sẽ bị thần linh và pháp luật xử lý một cách công bằng, nghiêm khắc. Và nếu ai cũng tự nguyện đến thề như thế thì đất nước này, dân tộc này chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.
P.T
(1) Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Thanh Hóa, tập thượng (biên soạn đời vua Thành Thái, triều Nguyễn, Nhà Văn hóa, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, xuất bản năm 1960, tr105, tr108.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nhà xuất bản Khoa học xã hội - Hà Nội, 1993, tr251.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Sđd, tr.252.