Múa đèn - Bản nông lịch của cư dân nông nghiệp cổ Đông Sơn - Mạnh Hà
Thanh Hóa là một tỉnh nông nghiệp, Đông Sơn là nơi nghề nông chiếm chủ yếu. Huyện này không có biển; phía Đông giáp Thành phố Thanh Hóa; còn các xã phía Tây, Nam, Bắc đều giáp các huyện đồng bằng, núi thấp chỉ như những ngọn đồi. Người dân quanh năm sống với con trâu, cái cày, nghề thủ công đều là những nghề gắn bó với nông nghiệp. Làng quê với “Xuân thu nhị kỳ” mở hội, là nơi diễn ra các trò diễn dân gian đặc sắc, nội dung chủ yếu xoay quanh đời sống của người nông dân gắn bó với ruộng đồng mà đặc sắc nhất là trò Múa Đèn.
Trò Mùa Đèn phổ biến ở nhiều nơi như Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc... nhưng trò Múa Đèn ở Đông Sơn được xem là đặc sắc hơn cả. Với hiểu biết của chúng tôi, thì ngoài Thanh Hóa không thấy một địa phương nào có nữa mà Múa Đèn ở đây đã trở thành một trò diễn và gắn với sản xuất thời vụ nông nghiệp. Về mặt đạo cụ, hóa trang, trò Múa Đèn ở Đông Sơn cũng như ở các nơi trong tỉnh, bắt buộc phải có ngọn đèn đội trên đầu (có lẽ vì thế gọi là Múa Đèn) và khăn đỏ chít ngang đầu. Tại các ngày hội như hội Hoa Đăng và các cuộc khánh hạ ở cung đình, đền miếu xưa kia vẫn có tiết mục Múa Đèn không gắn với sản xuất nông nghiệp và nặng về biểu diễn nghệ thuật. Về vấn đề hóa trang của Múa Đèn có nhiều ý kiến khác nhau. Chúng tôi nghiêng về ý kiến cho rằng: Khăn đỏ trên đầu cũng như ngọn đèn, tượng trưng cho mặt trời đối với sự sinh trưởng của muôn loài và vòng quay của mặt trời đối với chu trình sản xuất nông nghiệp là điều rất quan trọng.
Tục thờ thần mặt trời là tín ngưỡng phổ biến của cư dân nông nghiệp. Đây cũng là một vấn đề mà chủ nhân văn minh nông nghiệp Đông Sơn đã sớm nhận thức được và thể hiện trên trống đồng Đông Sơn. Trên di vật tiêu biểu của nền văn minh nông nghiệp này, ta thấy hình ảnh trung tâm là mặt trời, các hoạt động của con người và muôn loài (cây, cỏ, chim, cá, hươu) đều thực hiện dưới sự tỏa sáng của “Mặt trời”. Phải chăng đây là tín ngưỡng nông nghiệp cổ với tục thờ mặt trời, còn lưu lại ở trò diễn Múa Đèn Đông Sơn?
Thông thường điệu Múa Đèn bao giờ cũng có tính chất chúc tụng và du hí. Tổ chức Múa Đèn là để nghinh bái thần linh, chúc tụng vua quan và để biểu diễn trình độ nghệ thuật khéo léo của các nghệ nhân. Lời ca Múa Đèn ở các hội Hoa Đăng với những bài thơ hoa mỹ của các nhà Nho.
Riêng Múa Đèn ở Đông Sơn thì khác, nó là một bài ca lịch tiết nông nghiệp, người dân dự Múa Đèn vừa để ngắm các nghệ nhân biểu diễn, vừa để ôn lại công việc đồng áng và thủ công nghiệp trong năm và không chỉ ôn, chỉ xem mà còn tham dự nữa. Hình thức đế của nghệ thuật sân khấu chèo đã được thể hiện ở đây, sự giao lưu giữa “diễn viên” và khán giả là nét nổi bật. Thành ra ở đây vừa có múa, vừa có hát lại có cả đối thoại là điều không hề thấy trong hình thức ca vũ nào. Múa đèn Đông Anh(1), là một vũ khúc có lời ca gồm 13 “đoạn”. Nội dung của vũ khúc này là “diễn trình” lại một chu trình sản xuất nông nghiệp trong một năm từ đầu năm “luống bông, luống đậu”, đến lúc “nhổ mạ”, “đi cấy” cho đến khi “đi gặt”. Theo các nghệ nhân cho biết gọi là Múa Đèn vì khi trình diễn trò này, mỗi con trò phải đội một đĩa đèn, khi bắt đầu diễn có động tác “thắp đèn”, ngọn đèn sáng cho đến khi trò diễn kết thúc.
Số người tham gia diễn thường là mười hai người.
Trang phục: đầu chít khăn vành rây bằng nhiễu đỏ, trong là khăn trắng xếp to, cao; trên đầu đội một đĩa đèn, áo đỏ(2), thắt lưng xanh, quần trắng.
Các điệu múa của tổ khúc Múa Đèn được trình bày theo một trình tự rất chặt chẽ, các điệu múa gồm:
- Thắp đèn
- Luống bông. Luống đậu
- Vãi mạ
- Chẻ lạt, đan lừ
- Nhổ mạ
- Đi cấy
- Kéo sợi
- Dệt cửi
- Vá may
- Đi gặt
Khi chuyển từ cách múa này sang cách múa khác có người lĩnh xướng để chuyển đoạn. Căn cứ vào lời lĩnh xướng, nghệ nhân chuyển động tác múa. Sau mười điệu múa trò này kết thúc bằng ba điệu múa không có lời ca đó là: đánh lá lật; đánh gà luộc; cúng cơm mới, dâng oản. Các điệu múa chủ yếu ở tay, chân chỉ xê dịch rất ít cho phù hợp với động tác múa tay. Việc chuyển các làn không khó lắm vì đã có câu lĩnh xướng “cắt nhịp chuyển làn” nhưng múa cho đều là khó, hơn nữa thời gian của điệu múa khá dài nên phải có sức khỏe mới có thể múa được.
Chúng tôi xin dẫn nội dung của cuộc trình diễn ở Viên Khê, Đông Anh (nay là xã Đông Khê, huyện Đông Sơn) để thấy rõ hơn ý nghĩa của Múa Đèn.
Mở đầu: Sau chín tiếng trống, con trò hát điệu giáo đầu. Tất cả con trò hát:
- Thấp thoáng có ngọn đèn quang
Còn không ta lấy, dở dang ta đừng.
Trong nhà ta, tứ ngày ràng rạng
Lòng em lại muốn chơi trăng ngoài thềm
Muốn cho trong ấm ngoài êm
Người chỉ huy xướng:
- Bà con ơi? Giờ đã đến tháng giêng, tháng hai rồi ta đi luống bông, luống đậu phải chăng?
Khán giả đáp:
- Phải rồi!
(Con trò chuyển điệu múa Luống bông, Luống đậu)
Tất cả con trò hát:
- Ta đi luống bông, luống đậu
Ta đi luống đậu, luống khoai
Ở trên phố Láng có hai luống hành
Ai làm cho luống công anh?
Người chỉ huy xướng:
- Bà con ơi! Giờ đã đến tháng ba, tháng tư rồi ta đi vãn (vãi) mạ phải chăng?
Khán giả đáp:
- Phải rồi!
(Con trò chuyển làn múa)
Con trò hát:
- Tay cầm nắm trú (trấu) tung ra,
Trú nát ra tro
Thịt nát ra giò
Đậu nát ra tương.
Người chỉ huy xướng:
- Bà con ơi. Vãi mạ rồi, ta chẻ lạt đan lừ (lờ) phải chăng?
Khán giả đáp:
- Phải rồi!
Con trò hát:
- Tay cầm dao nác, nắm nan
Lên chùa thanh vắng ta đan cái lừ
Bắt cá thả lừ còn nhớ hay quên?
Người chỉ huy xướng:
- Bà con ơi? Giờ đến tháng năm, tháng sáu, ta đi nhổ mạ phải chăng?
Khán giả đáp:
- Phải rồi!
(Con trò chuyển làn múa nhổ mạ)
Tất cả con trò hát:
- Em thời đi cấy lấy công
Để anh nhổ mạ tiền chung một lòi.
Người chỉ huy xướng.
- Bà con ơi? Nhổ mạ xong rồi ta đi cấy phải chăng?
Khán giả đáp:
- Phải rồi.
(Con trò chuyển điệu múa đi cấy)
Tất cả con trò hát:
- Lên chùa bẻ một cành sen
Ăn cơm bóng đèn, đi cấy sáng trăng
Ba bốn cô có lịch cùng trăng
Có bợm cùng trăng
Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm
Muốn cho trong ấm, ngoài êm.
Người chỉ huy xướng:
- Bà con ơi! Giờ đến hết tháng bảy, tháng tám rồi phải chăng?
Khán giả đáp:
Phải rồi!
(Con trò đổi điệu múa kéo sợi)
Tất cả con trò hát:
- Tay cúi cùi cũi.
Ới rằng tay quay
Tay quay, tay kéo
Tứ ngày giăng kéo
Nó ra rù rí
Yêu nhau lấy quách nhau đi.
Người chỉ huy xướng:
- Bà con ơi! Kéo sợi xong rồi, ta mắc cửi lên phải chăng?
Khán giả đáp:
- Phải rồi!
(Con trò chuyển điệu múa dệt cửi)
Tất cả con trò hát:
- Ngồi buồn ta mắc cửi lên
Uốn tay cho mềm, dệt cửi cho lanh (nhanh)
Người chỉ huy xướng:
- Bà con ơi! Dệt rồi ta vá, ta may phải chăng?
Khán giả đáp:
- Phải rồi!
(Con trò chuyển điệu múa xe chỉ vá may)
Tất cả nghệ nhân hát:
- Ngồi thềm xe chỉ, chỉ xe
Xỏ kim, kim xỏ ngồi hè vá may
Ta mang khăn gói
Tình lội qua sông
Mồ hôi gió đượm
Gái thương chồng phải theo
Người chỉ huy xướng:
- Bà con ơi! Giờ đã đến tiết tháng chín, tháng mười rồi, ta đi gặt phải chăng?
Khán giả đáp:
- Phải rồi!
(Con trò chuyển điệu múa đi gặt)
Tất cả con trò hát:
- Bao giờ cho lúa chín vàng
Cho anh đi gặt, cho nàng mang cơm.
Người chỉ huy xướng:
- Bà con ơi! Gặt hái xong rồi ta đánh lá lật nên chăng?
Khán giả đáp:
- Nên đấy!
Tiếp theo là ba điệu múa không có lời: Đánh gà luộc, cúng cơm mới, dâng oản.
Lời ca của trò diễn Múa Đèn là một bản nông lịch. Người ta nhắc nhở nhau: Tháng nào làm gì, cho đến cuối năm thu hoạch và thưởng thức ra sao. Người dân lao động rất chăm chỉ, công việc của họ trong cả năm:
Tháng Giêng, tháng Hai - luống bông luống đậu
Tháng Ba, tháng Tư - chẻ lạt đan lừ
Tháng Năm, tháng Sáu - nhổ mạ, đi cấy
Tháng Bảy, tháng Tám - kéo sợi, dệt cửi, vá may
Tháng Chín, tháng Mười - (lúa chín) đi gặt
Gặt hái xong - Đánh lá lật, đánh gà luộc, cúng cơm mới, dâng oản.
Qua trò Múa Đèn ở Viên Khê (xã Đông Khê, huyện Đông Sơn), ta thấy vốn truyền thống ở đây đã được bảo tồn, truyền dạy cho các thế hệ và đang phát huy giá trị truyền thống trong cuộc sống hôm nay. Múa Đèn không chỉ là niềm tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc của cha ông mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần của mọi người dân và đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp hiện đại hóa quê hương, đất nước.
M.H
(1) Có người gọi là Múa Đèn, có người gọi là trò Múa Đèn, có người gọi là tổ khúc Múa Đèn. Nói Múa Đèn Đông Anh là phân biệt Múa Đèn ở đây với các trò Múa Đèn ở nơi khác. Theo tài liệu của chúng tôi ở Thanh Hóa có Múa Đèn ở hơn mười địa điểm. Đặc biệt Múa Đèn Thiệu Quang (Thiệu Hóa) có nhiều nét gần gũi với Múa Đèn Đông Anh.
(2) Màu đỏ của đèn và trang phục là yếu tố gần như thống nhất trong các điệu Múa Đèn ở Thanh Hóa.