Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Khe Nước Lạnh - Nơi phân giới Thanh Hóa - Nghệ An - Nguyễn Huy Miên
Khe Nước Lạnh - Nơi phân giới Thanh Hóa - Nghệ An - Nguyễn Huy Miên

Nói đến các đường phân giới của tỉnh Thanh Hóa, rất nhiều người sẽ biết đến, đó là bắc Thanh Hóa, nam Ninh Bình, nơi có dãy Tam Điệp, có đèo Ba Dội trập trùng và hùng vĩ. Nơi đây gắn với nhiều sự kiện lịch sử, nhiều áng thơ văn của các tao nhân mặc khách, khi bước chân lên đèo Tam Điệp này, đã cảm xúc đề thơ như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, vua Thiệu Trị, v.v... Những áng thơ văn đó còn để lại cho đến ngày nay. Song địa giới phân gianh của phía nam Thanh Hóa, cũng thật là lý thú đó là khe Nước Lạnh. Quả vậy đường phân giới ở phía bắc Thanh Hóa, có lúc còn kéo dài mãi tận Gia Viễn Ninh Bình. Nhưng địa giới ở nam Thanh Hóa, hầu như không thay đổi. Các triều đại trước kia đều lấy khe Nước Lạnh làm đường phân giới của châu Hoan, châu Ái (Thanh Hóa và Nghệ An hiện nay). 
Khe Nước Lạnh có tên chữ là Lãnh Thủy Khê (冷水溪 ). Nó bắt nguồn chảy từ dãy núi đá vôi Ngọc Sơn thuộc xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn. Sở dĩ có tên là khe Nước Lạnh là vì nước chảy từ trong khe núi ra, trong và lạnh mát bốn mùa. Khe Nước Lạnh chạy dọc theo các dãy núi của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, đoạn cuối hòa sông Hoàng Mai đổ ra biển. Cũng rất đặc biệt, con đường thiên lý và đường thủy khi xưa, thuộc hệ thống kênh nhà Lê đều đi qua hoặc đi dọc theo khe Nước Lạnh để vào Nam ra Bắc. Vua Lê Đại Hành, sau khi chống Tống, trên đường đi bình Chiêm, nhận thấy con đường bộ thiên lí hiểm trở, không thuận lợi cho việc hành quân và vận chuyển quân lương. Từ kinh đô ở Hoa Lư, Ninh Bình, lợi dụng vào từng sông lạch, nhà vua cho đào nhiều kênh mới hoặc khơi vét từ các sông tự nhiên để kết nối giao thông thủy từ kinh đô Hoa Lư tới mãi Vũng Áng nhằm mục đích vận tải quân lương, mở rộng lãnh thổ về phía nam và phát triển nông nghiệp nước nhà. Các triều đại nhà Tiền Lê, nhà Hậu Lê, nhà Nguyễn và trong kháng chiến chống Mỹ đã sử dụng với mục đích giao thông, quân sự. Kênh nhà Lê là tuyến đường thủy trên sông dài nhất đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép “Khi nhà vua đi đánh Chiêm Thành, từ núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mệt mỏi, đường biển thì sóng to gió lớn. Vua sai đào kênh để đi đường thủy. Đến năm Quý Mùi (983) thì xong, thuyền bè đi lại đều tiện lợi”(1).
Sông Bà Hòa là tên gọi khi chảy qua địa phận xã Tân Trường đến Hải Thượng theo hướng bắc gọi là sông Yên Hòa đổ ra cửa Bạng. Từ khu vực xã Trường Lâm một nhánh chảy theo hướng nam đi men theo chân núi Xước nối với sông Hoàng Mai của tỉnh Nghệ An. Đó là kênh Bà Hòa mà Lê Đại Hành cho khơi đào. Lê Đại Hành đã cho đào một đoạn kênh thẳng ở vùng Mai Lâm để uốn thẳng dòng sông men theo dòng chảy ở khe Nước Lạnh là chỗ phân giới giữa Nghệ An và Thanh Hóa. Con đường bộ và đường thủy trên sông đi qua khe Nước Lạnh đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc và mở mang bờ cõi phía nam. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội Thanh Hóa trong suốt tiến trình đi lên của lịch sử dân tộc. Khe Nước Lạnh chỉ là đường phân giới Thanh - Nghệ. Nhưng cũng tạo ra hai vùng văn hóa riêng biệt đậm đà bản sắc địa phương. Chính vì khe Nước Lạnh có một vị trí quan trọng như vậy. Các triều đại kế tiếp nhau đã rất chú trọng, cho đặt nhà trạm và đồn lũy bảo vệ. Trên con đường thủy bộ vào Nam ra Bắc. Khe Nước Lạnh khi xưa thực sự là điểm dừng chân lý thú và nên thơ. Cảnh hùng vĩ của núi non sông suối đã tạo ra cảm xúc đầy thi vị cho các tao nhân mặc khách mỗi khi qua đây, dù đi bộ hay đi đường thủy. Nhiều thi nhân đã cảm tác thơ để ca ngợi chốn này. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791), tháng giêng năm 1782, trên đường ra kinh đô Thăng Long chữa bệnh cho thế tử con trai chúa Trịnh Sâm, khi về đã viết “Thượng kinh kí sự”. Từ quê nhà Hà Tĩnh đi thuyền ra Hoàng Mai theo kênh đào nhà Lê, ông đã lên bộ ngắm khe Nước Lạnh. Cảm xúc dâng trào ông đã ứng khẩu làm thơ để tả tâm trạng: 
Hoan Ái phân cương địa 
Quần sơn hổ tống nghênh
Tiều ca vãn lộ xuất
Điễu ngữ cốc phong sinh
Phục thạch đương đồ lập
Dao thiên đoạn bích hoành
Hành nhân thuyết hương tứ 
Duy ngã thượng thần kinh.
Nghĩa:
Hoan Ái chia đôi vực
Đón đưa núi bên đường
Tiều hát trong mây ngút
Chim ca đầy cốc vang
Trời xanh mầu lóe rạng
Lối nghẽn đá nằm ngang
Ai kể tình quê đó
Về Kinh ta trải trường.
Năm Nhâm Dần (1842), vua Thiệu Trị bắc tuần từ kinh đô Huế ra Hà Nội. Trên đường khi qua các địa phương nhà vua đã làm rất nhiều thơ. Đặc biệt có hai bài thơ ở hai đầu phân giới nam bắc Thanh Hóa, đó là khe Nước Lạnh và đèo Tam Điệp. Những bài thơ đó đã được in trong “Ngự chế Bắc tuần thi tập”. Bài thơ cảm tác ở khe Nước Lạnh như sau:
Phiên âm:
Sơn Chu đồ trung tác(2)
Lãnh thủy phân cương Hoan Ái châu
Sàm nham tuấn lĩnh lộ đương đầu
Lưỡng bàng tiểu bính kình thiên lập
Nhất đối trưởng nhai lạc địa phù
Tiểu bảo thử trung nam bắc trấn
Sùng từ án hạ cổ kim lưu
Thăng bình vạn vũ hàm an nhạc
Vô ngại hành nhân hiểm trở ưu.
Dịch nghĩa:
Làm thơ trên đường tới Sơn Chu
Khe Nước Lạnh phân chia địa phận châu Hoan, Ái
Phải đương đầu với núi tiếp núi cao.
Hai bên vách cao vút như tới trời,
Con đường vô tận mây nổi đầy trên đất
Lũy nhỏ nơi đây trấn phía nam phía bắc
Dừng lại miếu linh từ xưa vẫn còn đây.
Thôn xóm an bình cùng nhau ca vui
Người đi lại chẳng ngại nỗi lo lắng hiểm trở.
Cử nhân Nguyễn Huy Kỷ quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Năm Nhâm Dần (1842), trên đường vào kinh đô Huế thi hội. Ngồi trên lưng ngựa khi qua khe Nước Lạnh ông đã cảm tác thơ:
Phiên âm: 
Nhâm Dần hội thí quá Lãnh Thủy Khê khẩu chiếm
Nhất đới sơn khê khúc khúc lưu
Tứ thời trú dạ thủy như thu
Chiến tranh bất thức tiền nhân sự
Mã thượng phân minh Hoan Ái châu.
Dịch nghĩa: 
Năm Nhâm Dần đi thi hội, qua khe Nước Lạnh ứng khẩu
Một dải núi non suối chảy từng khúc, từng khúc
Đêm ngày, bốn mùa nước trong như nước mùa thu
Chiến tranh không biết việc của người xưa
Trên lưng ngựa nhìn rõ châu Hoan, châu Ái.
Cảm dịch thơ:
Một dải sơn khê khúc khúc quanh
Bốn mùa ngày tối nước thu xanh
Chiến tranh chẳng biết người xưa trải
Trên ngựa rõ nhìn Hoan Ái nhanh.
 Trải qua thăng trầm của lịch sử, theo đà phát triển kinh tế, khe Nước Lạnh đến nay chỉ còn là một lạch nước nhỏ. Giữa hai khu kinh tế lớn nam Thanh, bắc Nghệ, thị xã Nghi Sơn và thị xã Hoàng Mai. Để có những đường bộ, đường sắt bằng phẳng, nhiều dãy núi ở hai bên khe Nước Lạnh đã bị san bằng. Du khách ngồi trên xe, tàu không còn cảm giác đi qua một địa danh phân giới trùng điệp và hiểm trở nhưng cũng rất nên thơ của Hoan Ái khi xưa. Nhưng những sự kiện và đường phân giới Thanh - Nghệ còn mãi với thời gian.
                                                                                   

 N.H.M

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Văn hóa thông tin tập 1, tr.227.
(2) Ngự chế Bắc Tuần thi tập (quyển 2, tờ 16).
Tài liệu tham khảo: (Thượng Kinh kí sự) Hải Thượng y tông tâm lĩnh; Đại Việt sử ký toàn thư; Đại Nam thực lục; Nguyễn Huy Kỷ (Thi thảo) và nhiều tư liệu khác.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 42
 Hôm nay: 2611
 Tổng số truy cập: 9303357
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa