Nghè Tây xã Thành Lộc - Di tích lịch sử văn hóa cách mạng
Di tích Nghè Tây là nơi ghi dấu truyền thống cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Nghè Tây nằm tại thôn Dực Đông cũ nay là Sơn Đông. Theo sử sách thì trước kia nơi này thuộc Hà Trung phủ, Thuần Lộc huyện, Dực Đông Trang, nay là xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa. Làng Sơn Đông là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng vẫn còn mang một vẻ đẹp làng quê với công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị văn hóa, truyền thống.
Nghè Tây được xây dựng vào năm 1068 thời Lý Thường Kiệt đánh giặc Chiêm Thành. Tương truyền có một nhà họ Nguyễn Húy Văn chỉ lấy chuyện làm phúc giúp người nhưng đã nhiều năm không có con. Một đêm nọ nằm mơ có ông thần trên đầu đội mũ lương thắt đai vàng, mặc kim bào ngồi trước điện mách cho gia đình đi đến Linh Quang Tự hành lễ. Năm Quý Sửu vào giờ Ngọ ngày mùng 7 tháng giêng đã sinh hạ được một người con gái và một người con trai, người con gái có khuôn mặt thanh tú đặt tên là Thiên Hương, người con trai tướng mạo khác thường như có linh khả được đặt tên là Chàng Bướm. Hai chị em chăm chỉ học hành, nàng Thiên Hương thì rất khéo tay trong việc xe tơ dệt vải, còn Chàng Bướm hiện rõ đấng nam nhi chăm chỉ luyện võ, cung đao. Tới năm hai vị vừa tròn 21 tuổi thì giặc Chiêm Thành xâm lược bờ cõi, nhà vua thân chinh đi dẹp giặc. Khi qua làng Dực Đông (nay là Sơn Đông) xã Thành Lộc và được nghe về Chàng Bướm vua bèn tuyển Chàng Bướm vào đội quân thiết kỵ, tiên phong, chàng cưỡi ngựa trắng cùng nhà vua đánh giặc xông pha trận mạc và lập nhiều công lớn. Còn Nàng Thiên Hương được cắt cử phụ trách hậu cần chăm lo cho quân sĩ, đảm bảo lương thực, thực phẩm trong chiến dịch cho quân đội triều đình. Do có công lớn sau khi giành thắng lợi, vua Lý Thường Kiệt đã phong tặng cho Chàng Bướm danh hiệu Đại Vương và nàng Thiên Hương là Phù Dung công chúa được hưởng phúc lợi triều đình. Để tưởng nhớ công ơn của hai vị vua truyền cho dân làng Dực Đông xây dựng Nghè Tây và phong hai vị là Thành Hoàng làng để gìn giữ lại nét đẹp truyền thống và hương khói tưởng nhớ đến công lao to lớn của hai vị.
Nghè Tây được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011 là nơi tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Với tổng diện tích là 1000m2, dù đã có lịch sử hàng trăm năm tuổi, Nghè Tây vẫn giữ được nguyên bản kiến trúc xưa, với cửa vào Nghè là cổng Y Môn có lối kiến trúc cổ xưa với nhiều nét hoa văn tinh xảo bên ngoài cổng là hai ông Ngựa đắp dính trên tường và hai con nghê đá đứng hai bên cổng để trông coi và bảo vệ, những dòng chữ Nho sắc sảo, sắc nét một cách huyền bí, bên trong là hai ông Tướng canh gác, trước sân là bàn thờ Mẫu. Nghè Tây thiết kế với kiểu 3 gian 2 chái, gian giữa thờ Hội Đồng và bên tả, bên hữu là các quan giám sát, trong Hậu cung thờ hai vị. Hiện nay Nghè Tây mới chỉ xây dựng được một nhà khách và làm mới 3 tròm cửa bằng lim với tổng số tiền là 168 triệu đồng từ Hội Tâm phát thiện công đức và một phần là của nhân dân đóng góp. Nghè Tây có tổng 14 sắc phong nhưng qua thời gian, hiện chỉ còn lưu giữ được 7 sắc phong, số còn lại đang bị thất lạc. Nghè có 4 cây đèn và 1 lư hương do hội Tâm phát thiện cung tiến. Hằng năm vào ngày mùng 7 tháng Giêng nhân dân trong làng tổ chức tế lễ để tưởng nhớ đến 2 vị thần có công lao to lớn trong việc đánh giặc Chiêm. Phần lễ được tổ chức với 2 đội tế và đội rước kiệu. Đội kiệu gồm những nam giới khỏe mạnh, vạm vỡ để khiêng kiệu, đó cũng là sự thể hiện sức mạnh của 2 vị thần.
Ông Trương Văn Để - Trưởng tiểu ban quản lý Nghè Tây cho biết thêm: Nghè Tây được xây dựng từ rất lâu nên đã bị phong rêu, một số kiến trúc tại Nghè đã xuống cấp và gãy, cấp chính quyền và nhân dân trong xã cũng đã kêu gọi xã hội hóa và các nhà hảo tâm công đức để tôn tạo lại Nghè. Chính quyền địa phương, huyện, tỉnh rất mong có sự quan tâm để Nghè Tây được khang trang hơn xứng đáng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
B.T
Các tin liên quan