Đứng trên bến đò Bông, lặng nhìn dòng nước sông Mã cuồn cuộn chảy trước mặt, phía bờ bên kia sông, tưởng như chỉ cách một sải tay là với tới Hà Sơn, nơi có quần thể di tích tâm linh đền Hàn Sơn. Ngày xưa, cũng từ bến đò Bông bà tôi, mẹ tôi cùng với bao thế hệ người dân quê tôi và cả tôi nữa đã qua lại bến đò này. Dọc đôi bờ sông Mã có cả nghìn bến sông, bến đò, có điều những bến đò hai bên bờ sông ấy cứ ngày một đìu hiu, ngày một quá vãng, và đã không ít bến chỉ còn lại cái tên.
Tôi nhẩm tính từ Hoằng Giang đến Hoằng Khánh chỉ độ vài cây số đã có tới bốn bến là bến đò Dàng, bến đò Phùng, bến đò Vàng, bến đò Bông. Mỗi bến mang một tên riêng, một sắc thái riêng, có bến thì gắn với tên làng bên tả ngạn, có bến thì gắn với tên làng bên hữu ngạn, bến nào cũng mang trong mình đầy ắp những câu chuyện vui, buồn mà với những người hoài cổ như tôi không dễ gì quên được. Thuở phương tiện giao thông còn thô sơ và thiếu thốn thì mỗi độ qua sông dứt khoát là phải “lụy” đò, con đò là nhu cầu đi lại tối thiểu để giao lưu, thăm hỏi, trao đổi hàng hóa của người dân ở những vùng, miền cách trở bởi sông nước. Khi tìm hiều về bốn bến đò này tôi chợt phát hiện ra một điều khá lý thú, nếu kết nối đôi bờ của các bến đò này với nhau sẽ hiển hiện ra một không gian vừa tươi đẹp về cảnh sắc thiên nhiên vừa phong phú, đa dạng về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh và đặc biệt là một miền di sản rất đồ sộ.
Trên Ba Bông, dưới Thác, giữa Hàn
Mình em phận gái biết làm sao đây?
(Ca dao Thanh Hóa)
Ngã Ba Bông có đền thờ cô Bơ Thoải - Mẫu Thủy Cung, từ đây ngồi đò theo dòng sông Lèn chừng một tiếng đồng hồ ta gặp đền Hàn thờ công chúa Thượng ngàn và Tam tòa Thánh Mẫu, đến khúc sông này hầu như tất cả các đò dọc đi qua đều chèo chống thong thả vừa như để được thưởng thức những câu hát văn vọng ra từ đền mỗi độ chuyển làn điệu Hò làn văn, vừa như để gửi gắm những thỉnh cầu, mong muốn cho chuyến đi được thuận buồm xuôi gió: Trên ngàn đồi gió thổi rung cây/ Dưới khe cá lội đàn chim bay về rừng.
Đền cô Bơ - Mẫu Thoải trầm mặc, uy nghi cùng với đền công chúa Thượng ngàn thuộc khu di tích thắng cảnh Hàn Sơn - Phong Mục, vào kỳ lễ hội đêm đêm đều tổ chức hầu bóng, hầu giá, hầu đồng có sức hấp dẫn mạnh mẽ cả một vùng dân cư ngoài người dân xã Hà Sơn, Vĩnh An ngay cả xã Hoằng Khánh bên kia sông vẫn kéo nhau sang xem hầu nghe hát. Nhiều khi lôi cuốn cả hàng trăm người cùng tham gia biểu diễn trong bầu không khí sôi động, linh thiêng, huyền diệu. Có lẽ đó là một trong cả một nghìn lẻ một lí do để ông cha ta khai sinh ra bến đò Bông. Bến đò Bông nằm ngay ngã ba sông, là cầu nối giữa xã Hoằng Khánh (Hoằng Hóa) với xã Hà Sơn (Hà Trung) và xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc). Những ngày đất nước còn gian khó bến đò Bông từng chứng kiến từ việc người dân đi cắt bổi sang đò, những người chuyên chở sắn, ngô từ Thạch Thành, Cẩm Thủy về Hoằng Hóa chống đói, đến những anh cán bộ, công nhân, bộ đội cũng qua đò này để rồi tỏa đi muôn ngả. Ngày ấy, người làng tôi thường xuyên qua đò này để lên chợ Cung, chợ Bồng mua ốc nhồi, ổi (loại ổi núi rất thơm) đu đủ, chuối xanh bán vào dịp rằm tháng bảy, tháng tám âm lịch. Nếu như xưa kia bến đò Bông được coi là một trong những bến nhộn nhịp người và hàng qua lại giao thương. Thì bây giờ bến Bông vắng lặng, đìu hiu hoang sơ với cảnh không thuyền, không khách chỉ có bãi bờ và lồng lộng gió thổi vào hư không, nghe mà rượi buồn. Từ lâu rồi người ta bỏ bến đò Bông để đi bằng những con đường khác thuận tiện hơn. Lặng nhìn bến đò không còn thấy được cái cảnh nhộn nhịp kẻ lên người xuống thuở nào khiến tôi nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”, có lẽ khi viết những câu thơ ấy nhà thơ cũng có cảm giác tiếc nuối và trống vắng như tôi khi đứng ở bến đò Bông.
Dọc đê sông Mã đến thăm bến Dàng thấy cũng chẳng khá khẩm hơn. Ngày ấy cả hai bên bến đò Dàng đều có chợ, bên bờ Bắc là chợ Chiêng, bên bờ Nam là chợ Dàng, hiện nay chỉ còn chợ Dàng tồn tại. Một thời sầm uất, tấp nập kẻ chợ trên bến dưới thuyền là vậy nhưng đến nay, đi qua bến đò này không ai còn nhận ra nó đã từng có một thời hoàng kim như thế. Xưa kia qua bến đò Dàng còn có cả đò dọc ngược dòng sông Mã lên Hồi Xuân, Quan Hóa, vào Ngã Ba Đầu nơi hợp lưu của sông Chu với sông Mã để lên Thường Xuân, Lang Chánh. Hình ảnh bến đò Dàng ta bắt gặp khá nhiều trong các bài hò sông Mã: Vui thay là bến đò Dàng/ Khi ngược phố Giáng, khi sang bến Đầm. Hoặc: Lật đật cũng bến đò Dàng/ Ta nay thong thả cũng sang bến đò (Hò sông Mã).
Làng Chiêng ở bờ Bắc, làng Dàng ở bờ Nam đây đều là những làng cổ, ra đời từ rất sớm, nằm trong không gian văn hóa Quỳ Chữ, cuối thời đại đồ đồng, chuyển dần sang thời đại đồ sắt. Làng Trinh Sơn có ngọn núi hình dáng như con trâu khổng lồ nằm nghỉ mát, trông về núi Long Hạm (Hàm Rồng), phía tây đối xứng với Mã Yên, trên núi có chùa, dưới chân núi là sông Mã. Sát làng có con đường lớn gọi là đường thiên lý, tuổi thơ chúng tôi gọi là đường Thầy, đây là con đường giao thông từ Nam ra Bắc. Đường thiên lý thượng đạo xưa kia đi qua Phố Cát (Thạch Thành) sang Nho Quan, Ninh Bình sau chuyển về kẻ Dàng nơi sông Chu gặp sông Mã nước non kỳ thú. Con đường này đã từng chứng kiến năm 1789 Nguyễn Huệ hành quân ra Bắc tiêu diệt 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh giành lại độc lập dân tộc, điều này được thể hiện trong bài đồng dao: Thùng thình trống đánh sang quân/ Chợ Già trước mặt, quán Nam bên đường/ Qua Chiêng thì rẽ sang Dàng/ Qua quán Đông Thổ vào làng Đình Hương.
Từ làng Chiêng xuống đò qua sông về kẻ Dàng, làng hiện lên với những nét êm đềm, cổ kính, ẩn hiện dưới những khóm tre ngà. Làng Dàng được xem là một trong những địa chỉ đậm đặc những vỉa tầng lịch sử - văn hóa ở tỉnh ta. Giữa làng Dàng trên mảnh đất quý thiêng này còn có đền thờ Dương Đình Nghệ danh nhân của đất nước, người đã dốc lòng, dốc sức nuôi hơn ba nghìn nghĩa tử ngày đêm luyện tập võ nghệ theo đuổi sự nghiệp giành độc lập dân tộc, Dương Đình Nghệ đã gióng trống, kéo cờ từ đây ra thành Đại La giết giặc Nam Hán theo gương họ Khúc. Công đức của ông vẫn còn sống mãi trong tâm khảm người đất kẻ Dàng. Hàng năm vào dịp tháng giêng làng tổ chức lễ hội tôn vinh ông rất long trọng, thành kính. Từ làng Dàng theo bờ đê nam sông Mã chừng non một cây số là đến làng Vồm (tên nôm) làng Đại Khánh (tên chữ), thuộc xã Thiệu Khánh (Thiệu Hóa) ngay Ngã Ba Đầu nơi dòng nước sông Chu hòa vào nước sông Mã. Quây quần chung quanh núi Vồm là Bàn A thập cảnh, quần chúng nhân dân với trí tưởng tượng mộc mạc, hồn nhiên quen gọi là núi Vồm dựa theo một câu chuyện cổ tích ông Vồm, ông Bưng quen thuộc. Làng Đại Khánh dựa vào thế núi Bàn A cũng là miền quê hữu tình, thanh lịch, trên núi Bằng Trình có chùa Đại Hùng thờ phật, trong chùa có tượng Phật được tạc hẳn vào vách đá cao 6m. Núi, sông, làng xóm ở đây đáng để du khách thăm quan chiêm bái, ngợi ca.
Cách bến đò Dàng dăm cây là đến bến đò Phùng, người ta lấy chữ Phùng của làng Phùng Cầu (huyện Thiệu Hóa) để đặt tên, bên bờ Bắc là làng Vĩnh Gia thuộc xã Hoằng Phượng (huyện Hoằng Hóa). Ở gần bến Phùng bên bờ Bắc có chùa Vĩnh Phúc tọa lạc trên mảnh đất “Long Quy trùng phùng” nơi hợp lưu của sông Mã, sông Chu ngày đêm uốn lượn như dải bạc, phản ánh dương quang, một vùng “Địa linh nhân kiệt”. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý vẫn giữ nguyên nét uy nghiêm, cổ kính. Đây là địa điểm cho đến nay vẫn thu hút nhiều khách thập phương đến lễ Phật, cầu may. Tục truyền thời vua Quang Trung hành quân thần tốc ra Bắc tiêu diệt quân xâm lược Mãn Thanh người anh hùng dân tộc cùng đại quân có dừng chân tại làng Vĩnh Gia để nghỉ ngơi và chiêu mộ thêm dân binh, tiếp nhận lương thực đi Tam Điệp, Thăng Long. Bến đò Phùng vẫn còn khách qua lại tuy nhiên không nhiều... có thể từ xa xưa hai bờ có mối lương duyên thông gia mà từ thời ông cha đã dùng chung một tên cho hai bến đò và trai, gái hai làng vẫn thay nhau về làm dâu, làm rể của nhau. Khách qua đò có chăng chỉ là người của hai làng vì tình thân mà chạy qua chạy lại còn dịch vụ và thương mại gần như bằng không. Có lẽ chỉ những người hoài cổ như tôi hay như các cụ ở tuổi thất thập cổ lai hy trong hai làng mới nhớ và nói về bến Phùng bằng cái thứ tình đã cũ.
“Bến đò Vàng” cái tên còn xót lại trong tâm thức người dân làng Vàng và những người đã ở cái tuổi gần đất xa trời ở làng Vàng họa hoằn mới nhắc đến, còn bến đò từ lâu đã không còn nữa. Bến đò Vàng được đặt theo tên của làng Vàng (tên chữ là làng Đại Điền) xã Hoằng Khánh (nay là Hoằng Xuân - Hoằng Hóa), bên bờ Nam đối diện với làng Vàng là làng Chí Cường (tên nôm là làng Tử) thuộc xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa. Chuyện kể lại rằng xưa kia khi Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh một lần bị giặc Minh truy đuổi, ông vượt sông Cầu Chày (Trùy Giang), sông Mã về Hoằng Hóa lánh nạn, được một bà lão bán quán nước bên đường che giấu ông thoát khỏi tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”. Kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế truy tặng bà hàng nước là quốc mẫu, nhân dân lập đền thờ bà ngay tại quán nước của bà thuộc làng Mỹ Cầu (Làng Sở). Trước đây làng ở ngoại đê, để bảo đảm an toàn cho người dân mùa mưa bão, theo chủ trương của huyện làng di vào nội đê, đền thờ Quốc Mẫu bị tháo dỡ, một thời gian dài không có điều kiện để xây dựng lại. Mươi năm trở lại đây bằng nguồn vốn xã hội hóa, con em xa quê đóng góp, ngôi đền đã được khôi phục lại trên nền đất cũ gần sông Mã khang trang, bề thế bốn mùa hương khói, đền đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Còn bến đò Vàng gần đó dường như đã thành quá vãng.
Các làng dọc đôi bờ sông Mã, đặc biệt là những làng có bến đò ngang đều là những làng có bề dày truyền thống văn hóa - tín ngưỡng - tâm linh, hết sức phong phú. Những sinh hoạt văn hóa truyền thống đó được kết tinh qua nhiều thế hệ rồi đúc kết thành bản sắc, có nhiều điểm chung, điểm tương đồng nhưng cũng có nét riêng biệt, không làng nào giống làng nào tạo nên bản hòa âm đa sắc màu của người dân Thanh Hóa luôn đoàn kết, kiên cường và bất khuất. Hơn ba mươi năm đất nước ta, Thanh Hóa tỉnh nhà tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập Quốc tế, toàn diện, sâu sắc mà cái xương sống, cái cốt lõi là công nghiệp hóa, hiện đại hóa rồi xây dựng nông thôn mới đã làm cho quê hương, đất nước chuyển biến mạnh mẽ, đổi thay nhanh chóng, khoác trên mình một diện mạo mới. Kết cấu cơ sở hạ tầng đặc biệt là mạng lưới giao thông ngang dọc, thênh thang vươn xa đến khắp mọi vùng miền Tổ quốc, đi lại vô cùng thuận lợi, không còn cách trở, khó khăn, rút ngắn thời gian, khoảng cách, giữa nơi này với nơi khác hỏi ai mà không vui mừng, phấn khởi, tự hào. Những cây cầu đồ sộ, hiện đại, mang tính vĩnh hằng, nối đôi bờ sông Mã đang dần dần thay thế hẳn những chuyến đò ngang tuổi đã cao, sức đã yếu, khó đáp ứng được với cuộc sống hiện đại, với nhịp điệu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Nhưng những bến đò một thời xa vắng sẽ còn trong tâm tưởng của người lớp trước truyền lại cho con cháu mai sau. Tôi không nệ cổ vậy mà những khi có dịp trở lại các bến đò Dàng, Phùng, Vàng, Ba Bông vẫn có cảm giác xao xuyến, bâng khuâng, pha lẫn đôi phần nuối tiếc, trống trải. Tôi vẫn luôn hy vọng, trong một tương lai không xa, những bến đò ấy lại được quy hoạch thành tiềm năng phát triển du lịch, và nó lại có cơ hội để một lần nữa trở thành nét chấm phá trên bức tranh Mã giang mênh mang, thêm một lần nữa thành cảm hứng đi vào các tác phẩm thi ca như nó đã từng.
N.X.L