Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Thanh Hóa trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thanh Hóa trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa luôn là địa bàn chiến lược vô cùng trọng yếu, là hậu phương vững chắc của cả nước. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi coi Sơn Nam là phên dậu phía Nam mà Thanh Hóa là phên dậu thứ hai. Trong lời mở đầu của cuốn Le Thanh Hoa (tỉnh Thanh Hóa), Pasquien khi ấy là toàn quyền Đông Dương, đã viết: “Thanh Hóa không chỉ là một tỉnh, đó là một xứ”. 
Không chỉ tự hào là đã sản sinh ra nhiều triều vua, dòng chúa nổi tiếng, Thanh Hóa còn là vùng đất văn hiến, khoa bảng, thời nào cũng có những nhà văn hóa, những đại khoa làm rạng danh quê hương, đất nước. 
Về di sản văn hóa, theo thống kê, đến nay Thanh Hóa có khoảng 4.000 di sản đã được kiểm kê, phân loại, trong đó có 850 di tích được xếp hạng với 01 Di sản thế giới (thành nhà Hồ), 05 di sản Quốc gia đặc biệt (Khu di tích lịch sử văn hóa Lam Kinh, Di tích hang Con Moong, Khu di tích đền Bà Triệu, Khu di tích đền thờ Lê Hoàn, Khu thắng tích Sầm Sơn), 141 di tích cấp Quốc gia, 704 di tích cấp Tỉnh. 6 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cùng hàng chục bảo vật Quốc gia... 
Đã có rất nhiều học giả bình luận, đánh giá về xứ Thanh, nhưng có lẽ không ai nhận xét sâu sắc hơn nhà sử học Phan Huy Chú: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tươi tốt chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những vật sản quý cũng khác mọi nơi. Bởi vì, đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”(*).
Với vị trí địa - chính trị cực kỳ quan trọng và bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa nêu trên, là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn chiến lược về mảnh đất và con người xứ Thanh. Sinh thời, Người đã 4 lần trực tiếp về thăm, cũng như nhiều lần gửi thư động viên, biểu dương thành tích của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa trong sản xuất và chiến đấu.
Cách mạng Tháng Tám thành công, từ cuối tháng 12 năm 1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đã phải đương đầu trước cuộc xâm lược trở lại của thực dân Pháp. Lúc này, Thanh Hóa là vùng tự do, là hậu phương rộng lớn, quan trọng của cuộc kháng chiến.
Khi toàn dân mới bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp chưa tròn 2 tháng, mặc dù công việc bận rộn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Người khởi hành từ ngày 18-2-1947, nhưng do đường xa, đi lại khá nguy hiểm, Bác phải đi vòng qua Hòa Bình, Ninh Bình, cho đến sáng sớm ngày 20-2-1947, Bác mới đến Thanh Hóa. Sáng hôm đó, Bác nói chuyện với hơn 40 cán bộ chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa tại núi Rừng Thông, huyện Đông Sơn. Buổi chiều, Bác gặp gỡ các đại biểu nhân sĩ, trí thức, phú hào tại Trại Phủ Hùng (gần núi Một). Buổi tối, trong khoảng thời gian rất ngắn, Bác đã nói chuyện với đồng bào thị xã Thanh Hóa trong cuộc mít tinh đón Người tại nhà Bác Cổ (nay là hiệu sách nhân dân thành phố Thanh Hóa). 
Trong lần về thăm, làm việc với Thanh Hóa lần đầu tiên, Bác có 2 bài nói chuyện quan trọng. Đó là những văn kiện lịch sử, thể hiện đường lối kháng chiến, tiêu thổ kháng chiến, tích cực tham gia sản xuất, đóng góp nhiều của, nhiều người cho kháng chiến. Trong buổi nói chuyện với lãnh đạo tỉnh, các đại biểu nhân sỹ, trí thức cùng đông đảo nhân dân, Người đã khẳng định: “Trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, xứ Thanh là một trong những tỉnh có vị trí cực kỳ quan trọng, có truyền thống văn hóa lâu đời, là một trong những cái nôi của người xưa, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt”, là tỉnh “đất rộng, người đông, nhân dân có truyền thống đấu tranh anh dũng và cần cù lao động”, Thanh Hóa sẽ là hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến. 
Đặc biệt, qua các buổi nói chuyện, Bác bày tỏ mong ước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa xây dựng tỉnh nhà thành một tỉnh kiểu mẫu. “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”. Bác cũng chỉ rõ, xây dựng tỉnh “kiểu mẫu” trên mọi mặt phải bắt đầu từ cá nhân mỗi người trước tiên: Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu… Trước lúc chia tay, Bác nhắn gửi tha thiết tới đồng bào với lời hẹn ngày trở lại: “Đồng bào trong tỉnh hãy xắn tay áo làm đi, lần sau về đây tôi sẽ thấy mỗi người là một người “kiểu mẫu”.
Mười năm sau, ngày 13-6-1957, nhân dân Thanh Hóa lại vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lần thứ hai. Ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong vai trò “hậu phương lớn” của kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Người đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. 
Ba năm sau, trong 3 ngày, từ ngày 17 đến ngày 19-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại về thăm Thanh Hóa lần thứ 3. Trên đường từ thị xã Thanh Hóa xuống Sầm Sơn, Người đọc tặng Thanh Hóa hai câu thơ ứng tác:
Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng
Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên.
Bác đến thăm và nói chuyện với cán bộ nhà nghỉ Tổng Công đoàn tại Sầm Sơn, Bác kéo lưới cùng ngư dân, thăm hỏi các cụ già miền Nam đang an dưỡng tại Sầm Sơn, thăm cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 57 bảo vệ bờ biển Sầm Sơn. Bác về thăm và phát biểu tại Đại hội Đại biểu Công đoàn Thanh Hóa lần thứ VI. Sau những ngày làm việc, Người chọn nơi nghỉ đêm tại đền Cô Tiên lộng gió, trên dãy Trường Lệ linh thiêng. Nói chuyện với cán bộ và nhân dân Sầm Sơn, Bác căn dặn: “Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”.
Hơn một năm sau, Bác Hồ lại vào thăm Thanh Hóa lần thứ tư trong 2 ngày 11, 12-12-1961. Buổi sáng ngày 11, Bác đi thăm hợp tác xã Nông nghiệp tiên tiến Yên Trường, huyện Yên Định. Bác trồng cây lưu niệm và nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong xã, Bác còn tặng cho xã một chiếc máy cày. Sau đó, Bác về thăm hợp tác xã Cơ khí Thành Công, lá cờ đầu của ngành Tiểu thủ công nghiệp miền Bắc. Buổi chiều Bác đến thăm nhà trẻ của Hội Liên hiệp Phụ nữ, rồi Người đến thăm xí nghiệp Cơ khí của tỉnh. Buổi tối Bác xem Đoàn chèo Thanh Hóa biểu diễn. Sáng ngày 12, Bác nói chuyện với hơn 40.000 cán bộ và nhân dân tại sân vận động tỉnh. Sau buổi nói chuyện, Người bắt nhịp bài hát Kết đoàn cho toàn dân cùng hát. Bác Hồ đã tặng cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta tấm ảnh chân dung của Người với dòng chữ “Hồ Chí Minh 12-12-1961”, là bút tích của Bác viết trên tấm ảnh.
Có thể nói, những lần Bác về thăm Thanh Hóa đều là những mốc thời gian quan trọng của cách mạng cả nước nói chung và là vinh dự riêng cho nhân dân Thanh Hóa. 
75 năm qua, kể từ lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa, đáp lại tình cảm và sự kỳ vọng của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn đoàn kết, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, có những đóng góp quan trọng cho 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước trước đây, đạt nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.
Nhằm ghi nhận những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời tạo cơ hội nhiều hơn nữa để Thanh Hóa phát triển nhanh, mạnh và bền vững, ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về phát triển Thanh Hóa, với mục tiêu là đến năm 2030, Thanh Hóa phải trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Thanh Hóa phải là cực tăng trưởng mới nằm trong tứ giác tăng trưởng: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa. 
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW, và mới đây, sáng 13-11-2021, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Đảng, Nhà nước tiếp tục khẳng định, tạo điều kiện để Thanh Hóa phát huy vai trò, vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng đối với cả nước, không chỉ trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược trước đây, mà cả trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn, kỳ vọng từ 75 năm trước.
                                                                                       

  H.T.H

(*) Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - Viện Sử học (2005), Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí, T1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr 46. 
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 68
 Hôm nay: 1105
 Tổng số truy cập: 9301851
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa